Người đi tìm sông Đổ Chú |
Tác Giả: Nhà sử học Lê Văn Lan | |||||
Thứ Sáu, 19 Tháng 3 Năm 2010 04:26 | |||||
“Từ lúc có trời đất thì có núi sông. Nước nào có phận nước ấy. Việc định giới hạn để ngăn cách là việc cần phải làm trước tiên khi mới dựng nước” – đó là những dòng đầu tiên mà nhà sử học Phan Huy Chú đã đặt bút viết khi soạn bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”. Hồi cuối Lê đầu Nguyễn, ông “Kép Thầy” Phan Huy Chú ở Núi Thầy – Sài Sơn, 10 năm vào hang núi soạn bộ bách khoa thư sử học “Lịch triều hiến chương loại chí”, đã viết ở “chí” thứ nhất – là “Dư địa chí” – của sách, rằng: “Các đèo ải ở Vị Xuyên, Tứ Long, Bình Xứ, Phương Độ, là những nơi chứa góp của cải, nguồn lợi của các đời đều do đó sinh ra”, và” “Lấy sông Đổ Chú làm giới hạn, dựng lên mốc đá, bờ cõi từ đấy mới định”. Sông Đổ Chú – Dòng sông ấy ở đâu? Đã bao lâu và cũng đã bao người đi tìm rồi. Nhà bác học Phan Huy Chú ở đầu thế kỷ 19, viết những dòng “Dư địa chí” này bằng Hán ngữ. Các vị dịch giả khả kính của Viện Sử học, giữa thế kỷ 20, khi dịch ra quốc ngữ những dòng này, đã chú thích: “Sông Đổ Chú ở phía bắc châu Vị Xuyên, sát mỏ đồng Tụ Long”. Vậy là dòng sông mang tên cổ Đổ Chú có liên quan đến vùng mỏ Tụ Long nổi tiếng ở vùng biên cương phía Bắc. Về vùng mỏ Tụ Long này, các sứ thần ở Quốc sử quán triều Nguyễn giữa thế kỷ 19, viết rõ trong bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” rằng: “Núi Tụ Long ở địa phận xã Tụ Long, châu Vị Xuyên. Khoáng sản trong núi, có đá nam châm và đồng đỏ, lại có chỗ lẫn cả ngân sa, nên cũng gọi là Xưởng Bạc”. Và viết nữa: “Trước đây, nước ta cùng nhà Thanh lập mốc giới hai bên ở núi Xưởng Chì. Còn núi Tụ Long của nước ta vẫn bị mất về nhà Thanh. Thổ ti nhà Thanh đặt quan ải để đánh thuế. Đất ở biên giới nước ta bị mất 40 dặm”. Những dòng sử bút của các sử thần – gần 200 năm trước viết 2 chữ “trước đây”, là trước năm Mậu Thân, niên hiệu Bảo Thái thứ 9, tức là năm dương lịch 1728. Và, khi thẳng thắn rành mạch chuyện mất đất 40 dặm, thì cùng với việc nói rõ rằng nó rất liên quan đến việc mất một vùng tài nguyên khoáng sản giàu có, các sử thần xưa cũng đã có lúc mô tả kỹ việc triều đình Lê – Trịnh đương thời ráo riết bằng mọi cách đòi lại vùng đất ấy. Kết quả là như thấy chép trong các sách Trung Quốc đời Thanh: “Nhất thống chí”, “Đông hoa lục”… rằng tuy vẫn có những lời lẽ như: “Can cớ gì phải so đo 40 dặm đất đai nhỏ bé ấy”, và “Chuẩn cho đem đất ấy ban thưởng Quốc vương (nước Việt) được đời đời giữ lấy”. Vua nhà Thanh trên thực tế vào năm 1728 đã phải hạ chỉ trả lại vùng biên cương. Vị Xuyên có mỏ Tụ Long cho nước Việt, lấy sông Đổ Chú làm giới mốc. Thế là dòng sông Đổ Chú trở thành nơi phân định ranh giới cho vùng biên cương có mỏ Tụ Long và từ năm này, trên giấy tờ, được trở về với nước Việt.
Dòng sông ấy ở đâu? Vào năm 1728, cũng canh cánh như bao lâu và bao người, câu hỏi ấy có một người họ Nguyễn, tên Công Thái, vâng mệnh triều đình Thăng Long đã từ kinh đô nước Việt, ngược lên biên cương đi tìm sông Đổ Chú. Giữa các hàng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội tấm bia khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11, đời vua Lê Dục Tông (1715), ở hàng chữ vinh danh các “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân” khoa này, có ghi rõ tên tuổi Nguyễn Công Thái, là người làng Sợi Tơ Vàng, Kim Lũ, huyện Thanh Trì. Sách “Sử ký tục biên” nhận xét: “Nguyễn Công Thái bản tính ngay thẳng, cứng cỏi, ít nói, vào chính phủ mà không thiên vị ai cả”. Những đức tính này cộng thêm trí tuệ uyên bác: “Chỉ 13 năm sau khi thi đỗ tiến sĩ, đã được cử làm Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng trường Đại học quốc lập hoàng gia) đồng thời giỏi việc quốc phòng: giữ cả chức tư binh phiên (đứng đầu cơ quan ngang bộ Binh (ở bên phủ chúa) đã khiến giữa hàng trăm quan, Nguyễn Công Thái được chọn để đi lên biên giới “hội khám”. Cuộc “hội khám” ở miền biên viễn núi rừng này, ngoài những vất vả gian truân đường sá, còn vướng vít những mưu mô trí trá từ phía những kẻ ở biên giới và từ phía bên kia biên giới. Sử cũ đã biên rõ cả danh tính và hành trạng của chúng như là “bọn Ngạc Nhĩ Thái, Phan Doãn Mẫn, Hàng Dịch Lộc, Nhậm Lan Chi, Ngô Sĩ Côn, Vương Vô Đảng…”, với cả thủ đoạn tệ hại là vì “muốn ăn chặn” nên “chỉ láo” ra một đoạn khác, nói rằng đấy là sông Đổ Chú! (Những chữ trong ngoặc kép là nguyên văn sử cũ). Dĩ nhiên, chỗ sông nước giả mạo này phải ở mé dưới mỏ Tụ Long, để nếu được “hội khám” dễ dãi xác nhận, thì trên thực địa, việc trả lại bằng giấy tờ 40 dặm đất đã bị mất – nhất là chỗ có mỏ Tụ Long – bị vô hiệu hóa, có cũng như không.
Bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (quyển 35, tờ 5) chỉ chép gọn: “Nguyễn Công Thái biết là gian trá, bèn xông pha lăn lộn ở những nơi lam chướng hiểm trở, đi trải qua các vùng Xưởng Bạc, Xưởng Đồng, nhận ra đúng chỗ sông Đổ Chú!”. Điều đó có nghĩa là Nguyễn Công Thái đã phải ngược nữa lên mạn trên vùng núi có mỏ Tụ Long, để cho miền đất biên cương giàu khoáng sản này nằm trong lãnh thổ Tổ quốc. Đấy là giá trị và kết quả của cuộc “hội khám” năm 1728. Không những thế, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thái còn biết quyết liệt và sáng tạo vào thời gian thế kỷ 18 ấy, “dựng bia ở nơi giáp giới ngay”! (chép trong chính sử). Và chắc nịch, hào hùng thay, là lời văn bia: “Lấy mốc sông Đổ Chú làm căn cứ, ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6 (1728), chúng ta là: Nguyễn Huy Nhuận, Tả thị lang Bộ Binh và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc Tử Giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”! Vào một ngày đẹp trời giữa thế kỷ 19, Vua Nguyễn Tự Đức, nhân sử cũ, biết việc này, đã cầm bút châu phê vào cuối từ 5a, quyển 37, bộ chính sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của triều đại, rằng: “Đạo bầy tôi phải như thế”! Và những vị dịch giả khả kính của bộ chính sử triều Nguyễn ở Viện Sử học, một thế kỷ sau, lại làm chú thích cho đoạn ngự bút này: “Lời phê này, có ý khen Nguyễn Công Thái chịu khó lặn lội tìm được đúng chỗ sông Đổ Chú”! Nhà sử học Lê Văn Lan
|