Mùa Thu đang đến, dưới gốc mận, lá đã tạo thành chiếc khuyên xinh xắn. Vườn thay màu, những bông hoa mùa hạ đang tàn, dành chỗ cho cúc, cho lá vàng và cho ớt. Cuối hạ, đầu thu là mùa ớt chín, ớt đỏ - ớt xanh - ớt cam - ớt vàng - ớt tím, ớt chùm - ớt đơn, ớt chỉ thiên - ớt chỉ địa, ớt chuông - ớt bi, ớt trâu - ớt hạt tiêu, ớt nào cũng đẹp. Người ta ví von: “Ớt nào là ớt không cay – Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.” Rồi lại khẳng định: “ Chị trồng ớt cay thế này, ghen phải biết.” Khi ra vườn hái phải cây ớt chuông màu cam (habanero) thật đẹp, được gọi là ớt vua vì nó cay ngầm. Cắn miếng đầu, chưa cay, nhai nuốt xuống cổ rồi cô nàng mới bốc khói, nhả ra không xong, nuốt vào chưa kịp. Thật ra cay hay không là tùy vào giống ớt, cũng như ghen hay không là tùy vào người đàn bà. Người đàn bà tự tin nghĩ rằng, bà ta đã chiếm trọn tình cảm, từ người đàn ông mình yêu, thì ghen làm chi cho mệt. Người đàn bà không tự tin, sẽ khổ sở vì luôn tự hỏi: “Không hiểu anh ấy yêu mình đến mức độ nào, nhiều hay ít, có chia xớt cho ai hay không!” Và ghen điên cuồng với nhiều điều phi lý. Mà ghen hay không, cũng phải tùy thuộc vào sự chung thủy của người đàn ông. Ông chỉ cần sống với một mùi hương, hay ông ta thích chạy mù đời, đuổi tàn hơi, muôn vạn mùi hương lôi cuốn chung quanh. Gặp phải ông: “mùi nào cũng chuộng, hương nào cũng mê” thì người đàn bà tự tin tuyệt đối về chính mình, cũng biến thành loại ớt vua cay thấu trời xanh. Hình như lâu lắm rồi, từ thế kỷ 20, có vụ đánh ghen bằng ớt, đã được báo chí Việt Nam đăng rầm rộ. Câu chuyện khởi đi từ một rạp chiếu bóng. Anh chàng lén lút trốn vợ, dẫn đào đi xem phim, bà vợ được tin mách lẻo từ bạn bè, rình theo được. Vũ khí bà dùng rất đơn giản, gói muối ớt của bà bán cóc ổi trước rạp hát. Xuất chiếu thường trực vắng người, ngồi sau lưng chồng đang âu yếm“con khốn nạn”. Khán giả đang xem phim, bỗng nghe tiếng rú kinh hồn, vang lên từ một góc rạp, đèn bật sáng. Người ta biết ra người vợ, từ phía sau lưng, ụp hai tay xát đầy muối ớt vào mắt tình địch. Không thấy bàn tán thêm gì, về việc đánh ghen bằng muối ớt kết quả ra sao, nhưng quí bà hẳn thích thú lắm, về món vũ khí dễ tìm ấy. Có thể bà vợ, sau việc ấy khóc bù lu bù loa xỉa xói chồng về việc phụ phàng: “có đó quên đăng – có trăng quên đèn, có bồ nhí – quên vợ già” rồi vội vã lên xe xích lô về nhà nấu cơm cho con ăn, ghen gì thì ghen cũng phải lo cho tụi nhỏ không bị bỏ đói, “dằn mặt cho ổng biết rồi thôi.” Cũng có thể, sau đó bà cấm cửa không cho ông vào nhà, dù chỉ vào nhà để lấy túi hành trang “ôm cầm sang thuyền khác.” Nếu vào thế kỷ này, câu chuyện đã lên phim truyền hình và nhất là, mạng lưới truyền thông vi tính. Cách đánh ghen này chưa cay lắm, chỉ đáng xếp vào hạng ớt trâu jalapeno, có cái thân xanh thẫm to tròn, ăn giòn sần sật, cay thoang thoáng thơm thơm, được các tiệm phở Việt Nam tận dụng, hay nhà hàng dùng nó xào chung với hành hương làm món cua hay mực rang muối. Ớt chỉ thiên có màu đen, chui ra từ cái hoa xinh xinh màu tím, trở màu xanh chuyển sang màu đỏ cũng cay kinh khiếp, chỉ thua ớt vua chút xíu làm duyên, nếu xếp độ cay của ớt tương đương với cái ghen của người đàn bà, thì ớt vua có thể cắn xé, ớt hiểm Việt Nam, ớt chỉ thiên củaThái cũng cào cấu chẳng nương tay. Tình yêu mà không có chút ghen tương trong ấy, các ông bà tâm lý học bảo là: “thiếu chất xúc tác” ắt hẳn giống y như ăn cơm phở, thiếu ớt kích thích vị giác. Những vùng càng lạnh, người ta càng thích ăn cay, ăn cay cho toát mồ hôi, ăn cay cho xuất hạn, ăn cay để lột lưỡi nói nhiều, đến con chim két, muốn tập cho nó nói cũng phải cho nó ăn ớt. Các ông thường không thích đàn bà biết ăn ớt, có lẽ tại lý lẽ này chăng? Vòng lại chuyện cuối hạ đầu thu vườn nhà đầy ớt, biết phải làm sao, ăn thì sợ cay lột lưỡi nói nhiều, đem cho hết bao này túi nọ trái vẫn lúc lỉu trên cây, thôi thì làm dấm, làm tương cho vào chai vào lọ đẹp, khách đến nhà ai thích lọ nào lấy lọ ấy, kèm thêm câu lưu ý: “ăn ớt nhiều nóng lắm, dễ bị nổi mụn!” Làm ớt ngâm dấm cũng rất dễ, dùng một chén dấm, một chén đường, hai chén nước, nấu sôi để nguội. Ớt rửa sạch lau khô, thái khoanh thả vào, cho vài lát tỏi càng thơm, cất vào tủ lạnh ăn dần. Muốn để dành ớt ăn dần đợi mùa sau, thì hái ớt cho vào túi ny – lông cùng vài thìa đường, gài kín lại cho vào tủ đá. Sợ tương ớt ngoài tiệm có hóa chất độc hại, thì dùng ớt nhà trồng, bỏ cuống hấp cách thủy, cho vào máy xay với đường, muối, dấm, tỏi, sau đó nấu sôi, để nguội cho vào lọ thủy tinh, đổ một lớp dầu đậu phọng lên trên, có thể pha thêm cà chua hộp cho bớt cay và có thêm màu đỏ đẹp. Muốn làm ớt sa tế, thì phải phơi ớt cho khô, giã nhỏ. Sau đó dùng một chén dầu ăn để lên bếp nấu thật nóng, đổ nửa muỗng canh tỏi vào cùng một muỗng canh sả băm nhuyễn vào, đến khi tỏi và sả thơm vàng bắc xuống khỏi bếp, đợi nguội một chút hãy cho nửa chén ớt khô vào. Món ớt sa tế này, dùng để nấu các món Huế ngon lắm. Ăn có cay đừng nghĩ vì mình ghen quá, mà sợ.
|