Home Phiếm Các Tác Giả Viễn xứ và viễn ý

Viễn xứ và viễn ý PDF Print E-mail
Tác Giả: Tưởng Năng Tiến   
Thứ Sáu, 02 Tháng 10 Năm 2009 12:38

 Lấy cớ rằm tháng Tám – Tết Trung Thu – tôi hú cả đống bạn bè tới uống sương sương (vài chai) cho nó vui nhà, vui cửa.

 

Sau khi cạn mấy ly đầy, rồi đầy vài ly cạn, và lại cạn mấy ly đầy, rồi đầy vài ly cạn nữa… thì cả đám (dù đã bước vào tuổi năm mươi) đều ngỡ như còn thơ.

Chúng tôi cùng ca vang Thằng Cuội , bản nhạc mà có lẽ mọi đứa bé sinh trưởng ở miền Nam – vào thập niên 50, hay 60 – đều thuộc. Bài đồng dao này tuy được Lê Thương viết vào năm 1953, khi nền tân nhạc Việt Nam còn ở giai đoạn phôi thai, nhưng lời lẽ tân kỳ dễ sợ:

“Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…

Lặng nghe trăng gió hỏi nhau
Chị kia quê quán ở đâu
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta…

Các em thích cười muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang…

Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ…

Hát bộ, hát chèo, hát cô đầu, hát cải lương, hát hồ Quảng… để kiếm sống ra sao thì tôi không rõ. Chớ còn hát xẩm thì dù có được (cho) tiền, vẫn  nghèo xơ xác.

Thuở bé, đôi lúc, tôi cũng nhìn thấy những người hát xẩm. Họ thường ngồi ở cầu thang chợ  Đà Lạt – vào lúc chợ đông – cùng với cái đàn bầu, và những bài ca buồn bã.
Đó là hình ảnh hát xẩm quen thuộc, trong trí nhớ thơ ấu của tôi, ở miền Nam. Ngoài miền Bắc, sinh hoạt của một số những người hát xẩm – xem ra – hơi khác:

“Và đây là một công tác độc đáo: ấy là khi hoà bình mới lập lại 1954, ông  được giao phụ trách một đoàn xẩm, gồm 23 anh chị em, phần lớn là mắt kém, đi về hướng Bùi Chu – Phát Diệm, lấy lời ca tiếng hát dân gian để động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ di cư của kẻ địch mà hãy ở lại với quê hương. Không biết ai đã có sáng kiến đặt Thanh Tịnh vào việc ấy? Song quả thực, đấy là một trong những lần, tài năng của Thanh Tịnh được sử dụng một cách đắc địa (Vương Trí Nhàn. Cây bút đời người. Nxb Trẻ : Sài Gòn 2002, 174).

Tác giả đoạn văn thượng dẫn (tiếc thay) không viết thêm một chữ nào về chuyện “quả thực” này, để xem “tài năng” của Thanh Tịnh đã được “sử dụng một cách đắc địa” ra sao –  trong việc “động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ địch di cư” vào Nam.

Vẫn cứ theo như lời của Vương Trí Nhàn thì sau “sáng kiến” này,  “tài năng” của Thanh Tịnh (dường như) không còn được “sử dụng một cách đắc địa” vào bất cứ “công tác độc đáo” nào khác nữa:

“Ở vào cái tuổi chưa đầy sáu muơi mà Thanh Tịnh những năm đó trông đã già lắm, già hơn tuổi rất nhiều… muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào phải nhìn những lúc ông đi bộ. Trên đường Phan Đình Phùng, duới những hàng sấu, cũng già cả mệt mỏi, ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn (sđd, 181).

Một nhà văn tăm tiếng, một sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà “đăm chiêu” và “đờ đẫn” (thiếu điều muốm xụm bà chè luôn) như vậy thì những người ở lại đã sống (dở, và chết dở) ra sao – bên kia vĩ tuyến – là điều mà ai cũng có thể hình dung được, kể cả những người đui.

Còn những kẻ bỏ đi thì hậu vận cũng không sáng sủa gì cho lắm. Họ bị bắt lại, gần trọn đám, sau khi miền Nam thất thủ. Từ đây, “Nam / Bắc hoà lời ca.” Nhiều người ca (rất) dở nên đã phải liều mình đâm sầm ra biển, hoặc ù té bỏ chạy thục mạng qua những bãi mìn – nơi biên giới xứ người. Chết chóc (ôi thôi) hết đếm luôn!

Đó là những thành phần “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, phản bội tổ quốc, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ” – theo như nguyên văn lời giải thích của Chính quyền Cách mạng, với thế giới bên ngoài, và với lũ cột đèn còn (kẹt) lại.

Không hiểu những người ra đi đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao –  nơi đất lạ quê người – nhưng số lượng bơ thừa sữa cặn mà họ đều đặn gửi về cố hương đã cứu toàn dân, cũng như toàn Đảng, thoát chết (đói) nhiều phen.

Từ đó, Đảng ta đổi giọng: những kẻ  phản bội tổ quốc không những đều được “khoan hồng” mà còn được “tôn vinh” như “những sứ giả Lạc Hồng,” và (bỗng) trở thành “một bộ phận  không thể tách rời của cộng đồng dân tộc.” Nghị quyết số 36-NQ/TƯ, về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, đã ra đời (hơi muộn) vào ngày 26 tháng 3 năm 2004 – cũng dựa trên cơ sở đó.

Đây là công tác vô cùng quan trọng, của Bộ Ngoại giao, do một vị Thứ trưởng đứng đầu. Ngoài những ban ngành phụ thuộc, mỗi thành phố lớn đều có thêm một vị Chủ nhiệm (hay phó Chủ nhiệm) Ủy ban Người Việt ở Nước ngoài – chuyên trách về khu vực của mình. Nếu bỏ những chức danh này qua một bên – cho nó bớt rườm rà  – và nói trắng phớ ra thì đây (cũng) chỉ là… một đoàn hát xẩm thôi!

Vấn đề chỉ khác ở chỗ là bây giờ (ta) không động viên đồng bào ở lại nữa (vì chúng đã lỡ đi hết trơn rồi) mà chỉ kêu gọi họ “làm ơn” đừng có quay lưng đi luôn, tội lắm. Con cá nó sống nhờ nước, và Nhà nước ta thì sống nhờ… kiều hối mà!

Một trong những công tác “độc đáo” mà đoàn hát xẩm tân thời được giao phó là chuơng trình “Vinh danh nước Việt”. Wikipedia ghi nhận được ba đợt vinh danh,  trong ba năm liên tiếp (*):

Năm 2004, có 19 Việt kiều được mời tham dự “Ðêm Vinh danh của những người con nước Việt xa xứ ” –  tổ chức vào ngày 18 tháng 2 năm 2005 –  ở Hà Nội. Con số khiêm tốn này được ông Nguyễn Anh Tuấn (Tổng Biên tập báo điện tử VietNamNet) giải thích một cách khéo léo là “vạn sự khởi đầu nan.” Còn ông Lê Truyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì nói một cách rõ ràng hơn:

“Đó chỉ là một con số ngẫu nhiên vì khả năng phát hiện, thông tin của chúng ta mới chỉ được đến thế. Có thể nói rằng công lao đóng góp của bà con Việt kiều ta trên khắp thế giới đối với quê hương đất nước là rất phong phú đa dạng, dưới nhiều hình thức. Việc vinh danh họ sẽ vẫn còn tiếp tục được thực hiện trong các lần khác. Tất nhiên, có cả những người chưa muốn xuất hiện trong đợt vinh danh này.”

Qua đợt sau, Đêm Vinh danh nước Việt 2005 – cũng tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 5 tháng 2 năm 2006 – con số “những người chưa muốn xuất hiện” lại tăng thêm chút đỉnh, làm giảm số người “muốn xuất hiện” xuống chỉ còn 15 mạng.

Đến đợt kế tiếp thì chỉ có 11 trong số 17 kiều bào được trao giải “muốn xuất hiện” trong Đêm Vinh danh nước Việt 2006 –  theo như tường thuật của Tiền Phong Online, đọc được vào ngày 5 tháng 3 năm 2007.

Tình trạng, rõ ràng, không khá.  Bởi vậy Thủ tướng Chính phủ mới ban hành chỉ thị 19/2008/CT-TTg ngày 06/06/2008 để chấn chỉnh “những hạn chế, yếu kém trong việc nắm tình hình người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở từng địa bàn và các đối tượng cụ thể…”

Phen này, Đảng hạ quyết tâm: Từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 11 năm 2009, (LTS: Hà Nội đã thay đổi ngày từ 20.- 22.11.2009)  Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị người Việt ở nước ngoài.  Khi được phóng viên của VnExpress.net hỏi về “nội dung của hội nghị này,” ông Trần Trọng Toàn – Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài – đã trả lời như sau: “Hội nghị này được coi như dịp quy tụ trí tuệ của Việt kiều, hiến kế cho đất nước.”

Tui chưa tới Hà Nội lần nào. Cũng chưa bao giờ có ý định phiêu lưu đến một nơi (rất) lôi thôi, và bất an như thế. Đường thì xa, vé tầu thì mắc, thủ tục thì lung tung rườm rà, và lỡ mà kẹt luôn thì… chết mẹ! Bởi vậy, xin phép Hội nghị để được đứng vào thành phần “viễn ý’ (góp ý từ xa) cho nó chắc ăn:

- Nghị quyết 36, trong phần những “nhiệm vụ chủ yếu,” có đoạn như sau: “Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại… Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài.”

Nói như thế người Việt gọi là “nói trạng,” hay “nói khoác”. Và cái giọng điệu ba hoa, khoác lác tương tự không thiếu trong bản Nghị quyết này. Theo thiển ý: đã đến nước phải ngổi ngửa nón giữa chợ (đời) thì cũng nên bỏ cái thói huyênh hoang, và cái tính khoác lác đó đi.  Kỳ lắm.

- Nghị quyết 36 gồm 3.824 chữ nhưng không có một chữ nào – nửa chữ cũng không luôn – đề cập đến nguyên do khiến mấy triệu nguời Việt phải lưu lạc và tứ tán khắp năm châu. Nói cách khác, đây là một “bản nghị quyết không đầu.” Thiếu đầu thì làm gì có hậu. Sao mà đoảng dữ vậy, mấy cha?

Cứ làm như thể là khi khồng khi không (cái) từ trên trời, có mấy triệu đứa Việt Nam rơi rớt xuống khắp cả địa cầu vậy. Đảng chỉ tiện tay gom cả đống lại cho nó gọn, rồi tiện miệng phán luôn: “Tụi tao đang kẹt lắm. Tụi bay sẵn có tiền, có của thì đóng góp cái này cái kia chút chơi nha.” Chơi như vậy có mà chơi với chó.

Nói gần, nói xa chả qua nói thiệt: chỉ có những thằng những con mất trí nhớ, hay tụi chó má, mới chơi (được) với tụi mày thôi.