Có ai về ghé qua Đồng tháp |
Tác Giả: Tưởng Năng Tiến | |||
Thứ Tư, 14 Tháng 10 Năm 2009 15:14 | |||
Phong sương mấy độ qua đuờng phố Hạt bụi nghiêng mình nhớ cố hương. Sơn Nam - Chú Horwitz à, có khi nào chú đi ngang cái hồ ở Central Park không vậy? - Cái gì? - Cái vũng nước bự thiệt bự, coi giống như cái hồ nhỏ đó mà. Không biết mấy con vịt rồi tụi nó đi đâu há? - Vịt gì kìa? - Thì bầy vịt hay hay bơi lòng vòng trong đó chớ vịt gì? Mùa Xuân không nói làm chi chớ còn mùa Đông kẹt dữ à nha? Lạnh ngắt như vậy sống gì nổi? Rồi tụi nó bỏ đi đâu ta? - Mà cái gì bỏ đi đâu mới được chớ ? - Trời đất, mấy con vịt chớ cái gì. Ý tui muốn nói là có thằng cha nào mang xe chở tụi nó đi chỗ khác không? Ông Horwitz quay người lại nhìn tui chằm chằm. Chả nóng tính dễ sợ: - Ai mà biết. Làm sao tao biết được mấy cái chuyện mẹ rượt đó? Chắc tui đã nói cái gì đó mích lòng thằng chả: - Thì tui cũng hỏi chơi vậy thôi chớ có gì đâu mà chú nổi nóng... - Ai nổi nóng? Có ai nổi nóng gì đâu? Mẫu đối thoại đại khái như trên, tôi đọc trong cuốn The Catcher in the Rye của J.D. Salinger – cách đây đã mấy chục năm. Thuở ấy, tôi còn sống ở Đà Lạt. Nơi đây, chắc nhiều thành phố khác ở Việt Nam cũng vậy, chim chóc không có mấy. Quanh quẩn trong tuổi thơ của tôi chỉ có vài loại chim quen thuộc: se sẻ, bồ câu, chàng làng, chào mào, én, quạ, và thấp thoáng (đâu đó) mới có đôi chim gi, chim cu hay chim sáo. Gà vịt thì thường chỉ xuất hiện ở trên... bàn, sau khi chúng đã trở thành thực phẩm. Thản hoặc, mới thấy một hai đôi ngỗng hoặc dăm bẩy con ngan, cùng với vài loại gia cầm khác – nuôi quanh quẩn trong sân – nếu có dịp đi ra ngoại ô thành phố. Và những dịp đó không nhiều. Nói hơi quá ra một chút thì những năm tháng niên thiếu của tôi có phần hơi …héo úa! Đêm nào thành phố cũng giới nghiêm. Khuya nào tôi cũng nghe tiếng súng, đôi khi cùng với tiếng bom, từ những thôn ấp rất gần thành phố. Còn chuyện giật mìn, đắp mô những con đường dẫn ra ngoại ô hay liên tỉnh vẫn xẩy ra, như cơm bữa. Bởi vậy khi thời thơ ấu đã qua đi, khi hồ Xuân Hương và những đồi thông quanh Đà Lạt bắt đầu nhỏ lại, tôi thu hẹp những ngày vừa lớn của mình trong những quán cà phê quen thuộc của thành phố: Tùng, Phi Nhạn, Kiwini... Và đó là lý do tại sao hình ảnh của loài di điểu – những con vịt hay con ngỗng tầm thường vẫn sống quanh quẩn trong một công viên (nào đó) ở New York, đã có cơ hội vượt hàng ngàn dặm đường dài mỗi năm, đến những chân trời xa xăm – đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu xa. Hơn hai mươi năm sau, có hôm, tôi đọc được một đoạn văn khác nữa về loài di điểu: "Ngỗng Gia Nã Đại sinh nở tại những đầm những hồ ven các đồng lúa bát ngát miền Alberta và Saskatchewan, mùa thu rủ nhau cả ngàn bay về miền nam trốn cái lạnh khắc nghiệt... Nhưng không quên gốc nguồn, xuân tới chúng lại tập hợp thành đàn và qui cố hương. Cái ấm áp của miền Nam không thể cướp được luôn đàn ngỗng có tình. Điều kiện sinh sống chỉ cần bớt khắc nghiệt đôi chút là ngỗng lại bay về cố hương." (Mai Kim Ngọc, "Câu Chuyện Bảo Tồn Văn Hóa," Văn Học, tháng 10, 97). Bây giờ thì tôi cũng đã xa Việt Nam không phải hàng ngàn mà là hàng vạn dặm. Nơi tôi tạm trú, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, hàng ngày vẫn có cả ngàn con ngỗng xuôi Nam – làm vang vọng cả bầu trời mùa Đông xám đục, bằng những tiếng kêu buồn buồn thê thiết. Cũng qua bài báo thượng dẫn, nhà văn Mai Kim Ngọc còn đề cập đến một hiện tượng kỳ bí và ngoạn mục hơn nữa của thiên nhiên: "Đó là chuyện bướm, một loại bướm nổi danh, cũng của Gia Nã Đại. Tên bướm là Monarch Butterfly, tạm dịch là Vương Điệp. Mỗi mùa thu, bướm tụ họp hàng triêu con tại những nội cỏ miền Tây Gia Nã Đại, nhởn nhơ vài ngày với những bông hoa dại cuối mùa, rồi theo một hiệu lệnh bí mật chỉ loài bướm biết, chúng đồng loạt cất cánh suôi Nam. Mảnh dẻ thế mà chúng bay xấp xỉ ba ngàn cây số, dọc hết Hoa Kỳ, băng qua Trung Mỹ để xuống tận Nam mỹ. Xuân tới, chúng lại tập họp cùng nhau bay trở lại Gia Nã Đại. Trên dường hồi hương, chúng dừng lại nhiều trạm, mỗi trạm khá lâu, đủ để cặp đôi và đẻ trứng. Đời bướm ngắn hạn, những con bướm khởi hành mùa thu năm trước từ Gia nã Đại sẽ chết trên đường về, và không bao giờ được thấy lại cố hương." "Nhưng từ mớ trứng đẻ tại những đồng cỏ dọc đường, hoặc dưới Mễ Tây Cơ hoặc tại Mỹ, những con sâu róm nở ra, tham ăn chóng lớn như tầm ăn rỗi. Trưởng thành chúng dệt kén chui vào để biến thành nhộng. Đủ ngày, nhộng thành bướm, cắn kén chui ra. Đàn bướm hậu sinh mới nở tại những vùng đất gọi là tạm dung, vừa kịp cứng cáp đã họp nhau lại để bay tiếp chuyến bay qui cố hương mà cha mẹ đã bỏ dở. Chúng bay về một gốc nguồn không phải sinh quán. Chúng bay về một nguyên quán chúng chưa từng thấy. Thường thường phải ba bốn thế hệ nối tiếp, bướm với hoàn tất lộ trình hồi hương." Theo tác giả, đó là "một vòng kín của sự sống. Vòng kín này bản chất liên tục, vô thủy vô chung. Đã lâu, tôi tình cờ đọc được một mẫu tin ngắn trên báo Nhân Dân – số ra ngày 3 tháng 10 năm 99, phát hành tại Hà Nội – như sau: "130 Chim Sếu Đầu Đỏ Về Khu Bảo Tồn Tràm Chim (Đồng Tháp). Năm nay, thời gian chim sếu về khu bảo tồn Tràm Chim cũng giống như năm trước, nhưng số lượng chim sếu đã giảm đi một nửa. Nguyên nhân sự giảm sút trên chưa được xác định. Được biết, năm 1998 vào thời cao điểm có tới 510 chim sếu đầu đỏ đã về Tràm Chim." Cũng báo Nhân Dân, đúng mười ba tháng sau, số ra ngày 10 tháng 04 năm 2000, tiếp tục và thản nhiên loan tin: "Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim, đến đầu tháng 4 năm 2000, đã có khoảng 300 con sếu đầu đỏ về kiếm ăn..., so với năm 1999 giảm 100 con." Sáu năm sau – theo VnExpress.net, đọc được vào ngày 5 tháng 8 năm 2006 – Ban Giám Đốc Vườn Quốc Gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Số lượng sếu về ở trong khu vực vườn năm nay chỉ khoảng 100 con, bằng 1/8 so với cách đây 10 năm… môi trường và hệ sinh thái ở các nơi này đang thay đổi với tốc độ nhanh là nguyên nhân chính là ảnh hưởng tới việc trở về của đàn sếu. Với thực tế hiện nay, các nhà khoa học cảnh báo, loài chim quý này có thể sẽ bị tuyệt chủng ở Đồng bằng sông Cửu Long.” Và gần đây nhất, bản tin của TTXVN - đọc được qua Vietnamnet, vào ngày 12 tháng 3 năm 2009 - tường thuật rằng: “… số lượng sếu quay trở lại tìm mồi hàng ngày ở khu vực trên chỉ còn chưa đến 20 con, giảm nhiều so với khi đàn sếu xuất hiện lần đầu. Tôi mường tượng đến hình ảnh của những cánh chim mong manh, lượn vòng ngập ngừng – đôi ba lần – trên một vùng đất hoang vu, rồi vỗ cánh... bay luôn mà không dưng (chợt) thấy não lòng. Chúng đã quyết định đi luôn, không trở lại nơi xưa chốn cũ nữa. Những thân sếu mỏng mảnh sẽ tiếp tục xoãi cánh đến tận nơi đâu, sẽ rã cánh ở phương trời nào vô định? Rồi sang năm nữa, liệu có còn con chim sếu nào trở về Đồng Tháp? Và bao lâu nữa thì hệ thống môi sinh nơi quê hương tôi sẽ bị hủy hoại, đến độ không sinh vật nào có thể sống được ở nơi này? Khi cái vòng sống liên tục vô thủy vô chung đó có một mắt xích bị hỏng, khi môi trường sinh thái ở một nơi nào đó bị mất quân bằng, có bao nhiêu sinh vật sẽ bị ảnh hưởng – và bị ảnh hưởng tận cùng rốt ráo ra sao? Sự hiểu biết quá hạn chế của tôi về khoa sinh vật học, chỉ khiến cho những câu hỏi này làm dài thêm… những đêm khó ngủ. Là người tôi cũng chỉ là một sinh vật tầm thường, yếu đuối, nhỏ bé – như như con chim, con bướm. Có thể tôi cũng được thiên nhiên qui định làm tròn một cái vòng sống vĩ đại nào đó nhưng đã không chu toàn đuợc điều này. Kiếp sống của tôi, không may, nằm trong một cái mắt xích bị hở. Mùa Hè năm nay khí hậu ở California có vẻ bất thường, nhiều đêm (không dưng) trời trở gió. Hen suyễn khiên tôi thức giấc. Nằm thoi thóp thở ở một góc trời xa lạ, tôi bỗng nhớ đến những con sếu đỏ đầu đã thôi bay về Đồng Tháp mà chợt thấy xót xa cho kiếp sống lao đao của những sinh vật kém may mắn hơn mình. Tôi cũng đã quyết định không về và (may mắn) vẫn còn một nơi để ở. Những con sếu đầu đỏ ở quê hương tôi không có cái may mắn đó!
|