Bia PDF Print E-mail
Tác Giả: Song Thao   
Thứ Hai, 02 Tháng 11 Năm 2009 09:51

 Uống bia chỉ tổ đi đái!

Nhậu rượu sang hơn nhậu bia, chẳng phải vì rượu đắt hơn bia mà vì nhậu rượu có... tư cách hơn! Một ông chỉ khoái rượu đã dè bỉu: “Uống bia chỉ tổ đi đái!”. Nhưng trời nắng chang chang, nóng muốn cởi đến cả chiếc nhẫn hột xoàn, mà có một chai bia lạnh, nốc vài hụm, khà một cái, đã hết biết!

Bia phải uống lạnh. Bia không lạnh thì chẳng ra cái...thống chế gì. Muốn bia lạnh, người ta bỏ bia vào tủ lạnh hoặc bỏ đá lạnh vào bia. Cách trước được ưa chuộng hơn vì nó không làm loãng bia. Đi quá một bước, ngày trước, ở Saigon người ta làm bia đặc bằng cách bỏ bia vào ngăn làm đá của tủ lạnh cho đông đặc lại thành đá. Nghề nghiệp hơn, trong các quán nhậu, người ta bỏ bia vào freezer, sản xuất bia đặc hàng loạt. Cái gì đi quá đà cũng... việt vị! Bia đặc chỉ được cái lạnh nhưng uống vào thì dở ẹc. Chất bia đi đằng chất bia, nước đi đằng nước rất vô duyên. Khi uống, vừa phải chờ cho bia tan, vừa cố nút như con nít ăn đá nhận, mất hết phong thái. Trước nữa, khi tủ lạnh thì chỉ có ở ... nhà tây thì muốn cho bia lạnh, người ta thả bia xuống giếng, chờ cho lạnh rồi kéo lên uống. Thả bia xuống giếng, bỏ bia vào tủ lạnh hay kiếm mấy cục đá bỏ vào ly bia, thứ nào cũng mất công. Thả bia xuống giếng thì phải chờ, quên bỏ bia vào tủ lạnh trước thì tiêu, mấy cục đá nhiều lúc cũng tìm mỏi mắt không ra. Muốn có cái rụp, búng chóc hai ngón tay là có bia lạnh ngay, được không? Được chứ! Ông Barney Guarino, Giám Đốc Điều Hành hãng Tempra Technology ở Anh, đã dõng dạc gật đầu. Ông là tác giả lon bia “lạnh tức thời” sắp được tung ra thị trường vào mùa hè này. Lon bia IC (Instant Cool) gồm có hai phần. Phần trên đựng bia được bao quanh bởi một lớp gel lỏng. Phần đáy chứa chất dessicant hút nước trong chân không và một khoang đặc biệt hút hơi nóng. Muốn uống, vặn một cái, lớp ngăn cách giữa hai phần bị vỡ. Chân không hút gel và hơi nóng vào phần đáy. Chất dessicant đưa tất cả hơi nóng và gel vào khoang. Nhiệt độ bia giảm đi 16 độ C. Lon bia trở thành bia lạnh. Độ lạnh này được giữ trong một tiếng, đủ để nhậu hết lon bia.
Nhậu bia không cần bày vẽ. Trái cốc, trái ổi, chùm ruột, mấy lát khế, mấy viên đậu phọng... cũng xong. Nhưng bia thường đi với mực nướng. Tình lắm, mà bắt lắm! Tuy vậy, bia cũng không chê thịt thà, nghêu sò ốc hến. Bia rất dễ tính.

không rượu mà say tít
nhấm nháp cánh và đầu...
em cũng như gà vịt
ngon nhất cái phao câu...
( Lê Vĩnh Thọ )

Ở Saigon, trời nóng, bia mới phát huy được hết...tần số của nó. Cứ chiều chiều là vỉa hè được bia chiếm lĩnh. Vỏ bia lăn long lóc trên đất. Sang nhất là bia Heineken. Sang hơn nữa là uống một nửa đổ một nửa! Không hiểu dân nhậu Saigon học được lối... sang trọng này ở đâu mà phí bia đến thế. Lối học làm sang này dẫn đến một màn rất... khó cười! Số là một hãng cà phê ngoại quốc dựng bảng quảng cáo trong đó có viết câu: Ngon đến giọt cuối cùng! Nhà cầm quyền ta, khí khái đầy một bụng, nổi giận liền! Quảng cáo như vậy là khinh dân Việt Nam nghèo phải uống vớt vát đến giọt cuối cùng, bèn ra lệnh dẹp ngay tức khắc. Hãng cà phê nước ngoài đành phải... nhập gia tùy tục: dẹp mà không hiểu mình mắc tội gì. Cũng chỉ có ở Việt Nam, bia nhậu với... ôm. Cũng thịt đấy. Nhưng thịt sống. Thịt chín ngon hơn, nhưng thịt sống... say hơn!

Dân Việt Nam ta ở hải ngoại, khi tụ nhau lại nhậu bia, cũng vẫn rất nặng về... mồi. Khác với dân bản địa. Uống bia là chỉ có bia hoặc cùng lắm vài miếng chip, mấy thứ hạt nhè nhẹ. Thế thôi. Uống bia có phong thái của bia. Nó là một thứ nước giải khát có tí chất cồn. Đầu thập niên 70, trong một chuyến ghé Tokyo, tôi ngụ tại một khách sạn nằm ngay trung tâm thành phố, có sân thượng là một lồng kính quay, cứ mỗi nửa giờ là quay xong một vòng. Giữa phòng là hai nhạc sĩ chơi dương cầm và vĩ cầm những bản nhạc tình quen thuộc, khách ngồi theo bàn đặt ngay sát tường kính, tầm mắt rộng rãi nhìn thấy phong cảnh thành phố Tokyo chầm chậm thay đổi dưới chân. Tối tối, tôi và một ông bạn Việt nam đi chung, leo lên ngồi uống bia nghe nhạc. Nơi quầy bia lừng lững một tấm bảng giăng ngang: “Nơi đây có đủ tất cả các loại bia trên thế giới!”. Máu nghịch ngợm nổi lên, tôi bảo ông bạn mình thử gọi bia 33 xem có không? Ông bạn, vốn tay mê bia, muốn uống thử các loại bia ở Việt Nam không có, gạt ngang. Bộ ở Việt Nam uống chưa chán sao, vài ngày nữa về tha hồ uống! Khi anh bồi tới, mặc kệ ông bạn muốn đi chu du tới đâu thì đi, tôi gọi bia 33. Họ mang ra thật! Tối đó, nhìn chai bia 33 lùn tì chen chân với các chai bia đủ quốc tịch chung quanh, tôi bỗng thấy vui vui. Nhấp hớp bia, thấy ngon vô tả!

Bia, hình như ai cũng thích. Chẳng thế mà trên thế giới hầu như nước nào cũng có bia. Lạc trên một hoang đảo không có bia quả là một cực hình.

Robinson lạc trên hoang đảo đã lâu ngày, cuộc sống thiếu thốn làm anh thèm khát đủ thứ. Một ngày kia, trong lúc đi bắt cá trên bờ biển, anh chợt phát hiện một cô gái đẹp, gần như trần truồng, đang ôm một chiếc thùng cố gắng bơi về phía đảo. Robinson cứu sống cô gái rồi hỏi:

“Cô có mang theo người được thứ gì không?”
“Gần như không - cô gái đáp - Tôi chỉ có thứ mà đàn ông ai cũng thích thôi!”
Robinson sáng mắt lên hỏi như reo:
“Thật ư? Nghĩa là, cái thùng này chứa đầy bia?”

 Bia do ai sáng chế ra mà thần sầu như vậy? Chính dân chúng thành Babylone đã là tác giả của bia từ 8000 năm trước Công nguyên. Khoảng 2000 năm sau đó, người Ai Cập mới biết làm bia chứa trong những bình lớn. Tới thế kỷ thứ 17, nhà bác học Antonius Van Leeuvenkoek mới quan sát các yếu tố tạo nên bia. Hai thế kỷ sau, nhà bác học Louis Pasteur mới chứng minh được là sự lên men bia không phải chỉ là phản ứng hóa học, mà còn có sự tham gia của các vi sinh vật kỵ khí, đó chính là men bia. Men bia là một loại nấm đơn bào nhiều công dụng thường được dùng để sản xuất bia, rượu, rượu vang, bánh mì...

Men bia sống thường được sử dụng làm thuốc trong các dược phẩm chữa cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, thiếu máu, kém ăn, chậm tăng trưởng, bị stress, rối loạn thần kinh. Khi kết hợp với selen, nó tạo thành phân tử selen hữu cơ, có tác dụng gia tăng hiệu năng làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ tế bào gan, bảo vệ tim mạch, chữa các bệnh ngoài da do gan suy yếu. Men bia sống còn có tác dụng chống nhiễm trùng bằng cách tăng cường hệ miễn dịch hoặc làm thực phẩm bổ sung cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Chưa hết, men bia còn giúp tái tạo những vi khuẩn cần thiết cho sự tiêu hóa ở đường ruột, thường được dùng song song hay sau một đợt điều trị bằng kháng sinh, hoặc khi bị loạn khuẩn ruột. Men bia còn có tác dụng lên da, tóc và móng. Lợi ích của men bia đa dạng như vậy nên người ta thường nói: mỗi ngày uống một lon bia, khỏi cần đi bác sĩ!

Uống một lon thôi, làm một hơi hơn một lít, dám xỉn lắm! Rượu say thì bia cũng say được vì bia cũng có chất cồn như rượu. Chuyện xỉn vì bia nó... lảo đảo lắm. Cháu tôi, rượu quất vài ly như không, bia nhúng miệng vào là chân nam đá chân chiêu ngay. Em tôi, chỉ một hớp bia là mặt biến thành mặt... Quan Công, ngay cả thứ nước cam có chất hơi Bireley’s ngày xưa ở Việt nam cũng có khả năng tô hồng cả mặt mũi. Bạn tôi thì cả két bia vẫn cứ nói cười rổn rảng, kê người nọ hích người kia như thường. Bia say hay không... tùy người đối diện!

Chưa hết một két bia đã xỉn, trên đường mò về nhà anh bợm bị ngã rách mông. Tới nhà, khi thay quần, liếc trong gương thấy vết thương, bợm nhậu cố gắng băng bó sau khi sát trùng cẩn thận. Ngả lưng xuống giường, vợ vẫn ngủ say, anh yên chí là đã qua mặt được... hiền thê. Đến sáng, bừng tỉnh vì tiếng tru tréo của vợ, anh tỉnh queo hỏi:

“Có chuyện gì vậy?”
“Tối hôm qua ông lại xỉn phải không?”
Anh gạt ngang:
“Bậy nào! Đâu có!”
Vợ gằn giọng:
“Thế ai bôi thuốc đỏ, dán bông băng đầy cánh tủ gương đây?”

Say, nó bắt mình làm nhiều chuyện lắm. Có người say đứng ôm cột đèn mà khóc. Có người thì giương cặp mắt lờ đờ, nhìn hết người này đến người khác, cười ngu ngơ. Người thì phá phách ồn ào, chửi bới om sòm, người thì lẳng lặng leo lên giường ngủ. Có một điểm chung là chẳng ai nhận là mình say.

Một anh chàng say khật khưỡng bước vào nhà, làm mặt tỉnh, ngồi phịch xuống ghế nệm, mắt cố nhướng lên nhìn về phía chiếc tivi. Rất lâu sau, anh ta càu nhàu:

“Phim gì mà chiếu mãi một cảnh rừng cháy thế này?”
Vợ càu nhàu lại:
“Uống vừa thôi, ông! Tivi bán rồi, còn trơ lại cái lò sưởi đấy!”
Thi sĩ say lại khác. Hết Budweiser đến Coors, thơ cứ hùa theo hơi bia mà lần về những ngày cũ, rất anh rất em.

Từ Bud đêm chạy qua Coors
Đến khi Coors hết đời thua luôn rồi
Đêm ngồi nói chuyện trời ơi
Xuống tới đất hỡi có bồi hồi nhau
............ .......
Như anh thương em một ngày
Vói tay nhành ổi đã bày rốn xưa
Bây giờ áo mới che vừa
Không ai nhỏ nữa mà sao đưa về
( Nguyễn Nam An )

                                      

 

Tuổi nào nhìn thấy rốn mới biết yêu? Tuổi nào mới học đòi biết say bia? Câu hỏi trước không trả lời được. Câu hỏi sau, ông Thống Kê Canada mới trả lời đây. Theo bản nghiên cứu dựa trên cuộc phỏng vấn 4296 em tuổi từ 12 tới 15 thì tuổi trung bình say lần thứ nhất trong đời là 13,2. Lớn hơn một chút, 15 tuổi, thì có tới 44% em cho biết là đã nếm mùi say. Bắt đầu nếm mùi bia hay rượu thì có 42% em ở tuổi từ 12 tới 15, 66% em ở độ tuổi 15. Học đòi theo ông Lưu Linh sớm hơn là các em có cha mẹ lơ là hoặc ít nghiêm khắc với con cái. Sự khác biệt là 1,1%. Các em có cha hoặc mẹ ghẻ có tỷ số nhậu và dùng cần sa gấp đôi số các em có gia đình đầy đủ cha mẹ ruột. Không có sự cách biệt nhiều giữa các em sống ở thành thị và vùng quê.

Bia tưởng là “hiền” hơn rượu, nhưng đối với những người có bệnh thống phong thì không phải vậy. Bệnh này, tiếng Anh gọi là gout, đã hành tới cả vua Henry VIII và nhà khoa học Charles Darwin. Nó làm sưng tấy và đau nhức trong các khớp xương từ tay tới chân. Bệnh phát sinh vì trong máu có nồng độ cao chất acid uric. Thông thường acid uric được thải ra theo đường tiểu, nhưng nếu trong máu có quá nhiều acid uric thì chúng sẽ kết tinh lại quanh các khớp xương và gây ra đau đớn nhức nhối. Theo Bác Sĩ Hyon Choi, tác giả của bản nghiên cứu vừa được phổ biến trên tạp chí y học The Lancet thì đau đến nỗi người bệnh không thể đắp một tấm trải giường lên chân được! Nhóm chuyên gia tại bệnh viện đa khoa Massachusetts ( Mỹ ), đã theo dõi 47 ngàn nam nhân viên trong 12 năm và đã ghi nhận được có 730 người bị “gút”. Bia có liên hệ đến bệnh thống phong này vì, cũng theo cuộc nghiên cứu, những người uống trên hai chai bia mỗi ngày, có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần những người không uống. Nhưng những người uống rượu thì lại chỉ có tỷ lệ 1,6 lần nhiều hơn. Tại sao vậy?

Theo Tiến sĩ Hyon Choi thì khả năng bị bệnh thống phong của những người uống rượu ít hơn người uống bia là vì chất purine, một chất có nhiều trong bia và có rất ít trong rượu. Chất purine này có thể tác động lên acid uric trong máu và làm gia tăng tác hại của chất cồn đối với cơ thể.

Đi đứng khó khăn, bước lên mỗi bậc thang là một cực hình thường là “hình phạt” cho các chiếc bụng bia có tuổi. Nhưng tại các nước đã phát triển thì bệnh này đang lên cao trong giới trẻ. Từ xưa tới nay, bệnh thống phong thường là độc quyền của nam giới. Nữ giới chỉ bị bệnh này khi mãn kinh vì, theo các chuyên gia, chất kích thích tố nữ estrogen đã giúp cho thận lọc được acid uric ra khỏi cơ thể.

Bia “gút” mà không... good! Nó đã tạo ra bệnh đi lệch bệch lại còn tạo ra thói xấu. Thói nhét các thứ tạp nhạp vào chai bia vừa uống cạn chẳng hạn như mẩu thuốc lá, kẹo cao su, vỏ chanh, giấy gói kẹo, vỏ đậu phọng... Thói xấu này làm phiền các nhà sản xuất bia vì ở Bắc Mỹ, nơi chúng ta đang sống, vỏ chai bia được thu lại để... đựng bia tiếp. Thường thì một vỏ chai có thể dùng đi dùng lại được 15 lần rồi mới phế thải. Về phương diện... rì xai, việc dùng lại này rất lợi, vừa đỡ rác rưởi, vừa đỡ tốn tiền. Một vỏ chai bia giá khoảng 15 xu, vứt đi sau khi xài là vứt luôn 15 xu. Rửa sạch và dùng lại thì chỉ tốn 2 xu! Xu, nghe ra thì nhỏ, nhưng cứ tưởng tượng một nhà máy bia trung bình cho ra 200 triệu chai bia một năm thì số tiền tiết kiệm được là bao nhiêu? Những thứ tiện tay nhét vào vỏ bia thỉnh thoảng lại được phát hiện vẫn nằm trong chai bia chưa khui thì... tăm tiếng cả một nhãn hiệu bia. Chai bia... tạo phản này mà được đưa lên mặt báo vẽ vời thêm thì hậu quả khôn lường cho nhà sản xuất.

Vì vậy, các nhà sản xuất rất thận trọng trong việc tái sinh vỏ chai bia. Điển hình là tại nhà máy bia Labbatt ở LaSalle, Québec, mỗi năm sản xuất 850 triệu chai bia, các vỏ chai thu về được các nhân viên kiểm soát trên dây chuyền để bảo đảm chai đã được mở nắp và xếp hàng ngay ngắn đúng vị trí trước khi chui vào máy rửa chứa được một lúc 10 ngàn vỏ chai bia. Trước hết, máy xúc chai với nước nóng 75 độ C, làm bắn ra tất cả các tạp chất trong chai. Sau đó chai được ngâm vào một hỗn hợp caustic soda để rửa bên trong và bóc giấy nhãn bên ngoài chai. Chai được đưa vào nhiều khoang khác trong 20 phút để rửa với hỗn hợp sodium hydroxide rồi được tráng rửa trong 10 phút với nước nóng 20 độ C. Tới đây, vẫn có những tạp chất chưa chịu buông tha chai nên người ta phải khám xét chai bằng máy chụp hình điện tử. Máy sẽ chụp phía trên và dưới mỗi chai rồi so sánh với chai tiêu chuẩn mẫu. Chai nào không vượt qua được cửa ải sẽ bị gạt ra ngoài dây chuyền. Thường có khoảng 1% chai... rớt trong lần kiểm tra điện tử này. 99% chai... đậu kỳ sát hạch sẽ được xả nước lạnh lần chót trước khi được đưa vào dây chuyền tròn để được đổ đẩy bia mới và đóng nắp. Rửa kỹ như vậy nên trong năm 2002, hãng Sleeman ở Guelph, Ontario, chỉ có 14 chai bị than phiền trong 200 triệu chai xuất xưởng và trong năm 2003, con số này xuống còn có 4 chai! Cũng trong năm 2003, hãng bia Molson cứ trong 1 triệu chai sản xuất thì chỉ có 6 chai có... vấn đề!

Bia là một chữ tiếng Việt dùng đỡ của tiếng Anh. Nó có nghĩa là... la-de! Nhưng nguyên thủy tiếng Việt cũng có... bia. Những ai đã ở trong quân trường chắc hẳn chưa quên những giờ đi bãi thực hành tác xạ. Tay giữ chắc súng, nòng chĩa thẳng ra phía trước, mắt dán vào từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi, và khi nghe tiếng hô “Bia Lên” thì bóp cò súng, nhắm vào bia vừa được dựng lên phía trước mà xả đạn.

uống bia thì tôi thích
làm bia thì còn khuya...
có em rất có ích
vì em thích làm bia...
bọt bia vọt trúng đích
em đỡ đạn rất xuya...
Ơ hay, cái ông nhà thơ Lê Vĩnh Thọ này, nói chuyện bia mà chẳng thấy quân trường đâu cả!