Vãi ! PDF Print E-mail
Tác Giả: Vương Văn Quang   
Chúa Nhật, 20 Tháng 12 Năm 2009 06:45

Tôi có thói quen xấu, là thường nghĩ ngợi lan man linh tinh trong bất cứ lúc nào, nhất là… lúc bị kẹt xe.

Mà kẹt xe ở Việt Nam thì biết rồi, còn trên rất nhiều cái mức mà người ta vẫn hay gọi: Vấn nạn! Nghĩa là nó nhiều tới mức trở thành rất bình thường, đã “bình thường” thì sao còn gọi là “vấn nạn”? Ở đây không có chuyện đạo văn hay ăn cắp ý tưởng gì đâu, bác Bảo Ninh yên tâm nhé(1) . Chỉ đơn giản là tôi nói lên câu chuyện: Chính vì giao thong ở Việt Nam tốt quá, khiến tôi “lan man” đến sinh bệnh. Bệnh rất chi “triết gia”, rất chi  hay suy tư. Mặt mũi lúc nào cũng ngơ ngơ ngáo ngáo như bò đội nón vậy. Vì suy nghĩ lan man đấy ạ !

Kể ra đây vài “xen” suy tư lan man hầu vui các bác ná.

Vụ kẹt ở đầu đường Hồ Văn Huê (chỗ Văn phòng Quốc hội):

 

Lì lợm là tính tốt hay tính xấu? Suốt ngày chửi cha thiên hạ với giọng điệu mất dạy giả danh tri thức, bị thiên hạ la ó phản đối. Kệ mẹ chúng mày. Bố cứ chửi theo đúng phong cách bố mày. Thế là tốt hay xấu nhỉ?

Tốt hay xấu thì chưa biết, nhưng tôi biết chắc một điều, muốn làm vậy phải được trời phú cho cái phẩm chất “mặt trơ trán ngắn”(2)

Hồi học phổ thông tiểu học, tôi học cùng với một thằng có đức tính hệt như vừa miêu tả, nghĩa là rất “mặt trơ trán ngắn”. Nó ngồi cuối lớp, cùng dãy bàn của tôi (xếp vị trí lớp dựa vào tầm vóc và độ “nhiều chuyện”). Có thằng bé ngồi dãy bàn đầu lớp mất quả đồng hồ điện tử Casio “4 số” (thời đó là cả đống của) sau giờ ra chơi. Chẳng là ra chơi cu cậu đá bóng nên mới tháo đồng hồ. Thế là mất. Cu cậu mách cô giáo (chuyện tày đình như thế, trẻ con chả mách cô thì mách ai?), và khẳng định rằng, có bạn trong lớp mình lấy (vì trận “gôn tôm” hôm đó, chỉ có nam sinh lớp tôi tham gia). Cô giáo sau một hồi đăm chiêu, bèn quyết định khám cặp, túi quần túi áo, và thậm chí cả những chỗ “tế nhị” nhất. Kể thì hơi bị “vi phạm nhân quyền”, nhưng cú vi phạm nhân quyền này mang lại hiệu quả tức thì: Chiếc Casio 4 số vỏ nhựa đen nằm gọn trong đáy quần “xịp” ông mãnh này (hồi đó bọn tôi “hàng” thằng nào khủng lắm thì cũng chỉ bằng quả ớt thường, còn thông thường thì chỉ cỡ… ớt hiểm, vậy nên đương nhiên chỉ mặc quần xà lỏn, thả rông. Vậy mà ông mãnh chơi hẳn quả “xịp” cứ như thanh niên vậy). Hành động mặc xịp của nó là vô tình hay hữu ý? Không biết! Chỉ biết rằng, khi bị phát hiện, nó tỉnh bơ: Em nhặt được. Cô giáo bảo: Nhặt được ở đâu? Ở hộc bàn em (trong khi dãy bàn nó ở cuối lớp, dãy bàn thằng có đồng hồ ở đầu lớp. Ghê không?). Sau vụ ấy, lớp có vẻ “tẩy chay” nó, nhưng nó “kệ con mẹ” – nói theo ngôn ngữ đương đại – mặt mũi nó vẫn cứ cứ nhơn nhơn, kinh thế!

Vụ kẹt xe ở gần tòa soạn báo Tuổi Trẻ:

Tôi học cùng với nó, cái thằng “mặt trơ trán ngắn”, đến hết cấp I thì thôi. Tôi chuyển trường. Nghe nói, sau này nó cũng vào đại học, lại nghe đâu học “nhân văn” mới ác. Trường báo chí nhân văn chả là học nhân văn à? Tôi cũng làm “nhựt trình” (3) kiểu amateau, nên có gặp mặt nó chan chát, nhưng chỉ là chan chát trên mặt báo, mặt màn hình computer. Và cái sự “trơ trán ngắn” của nó thì vẫn nguyên si như thủa nào, nhưng được gia cố thêm ít nhiều kiến thức nên dù sao cũng bớt “hồn nhiên” - hồn nhiên một cách thô bỉ.

Nó viết ra luôn theo kiểu lời nó là ý Chúa, bạn đọc nhao nhao chửi bới, nó giữ nguyên cái vẻ của vụ chôm đồng hồ năm xưa, và lần viết sau: Ông cứ thế! Đôi khi nó còn bóng gió, cái đám đông mu muội bầy đàn thì “bít jề”!

Vụ kẹt xe ở ngã tư Điện Biên Phủ + Trương Định (chỗ nxb CAND):

Bố tôi làm việc ở một đoàn nghệ thuật, “sếp” bố tôi là một kịch tác gia có tiếng. Ông được đồng nghiệp kính nể vì thực tài, vì lối sống thẳng thắn kiểu “thanh bần lạc đạo”. Sau này về hưu, ông chỉ viết những gì ông thích. Dù gia cảnh chẳng mấy đề huề, nhưng có ý này ý nọ xen vào, phải viết thế nọ thế kia, là tiền tấn ông cũng coi như lá bàng.

Hồi bé, tôi cũng hay sang nhà ông chơi, vì không hiểu sao, ông có vẻ quí tôi. Nhà ông có một tủ sách mà nếu so với tủ sách nhà tôi thì chẳng khác gì so tủ sách gia đình với thư viện quốc gia. Tôi hay sang chơi cũng vì lí do ấy. Và ông để tôi thoải mái “vọc”. Những cuốn hàng hiếm, sách cấm thời đó như Làm đĩ, Số đỏ rồi các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Tầu, tôi đều “lĩnh hội” ở tủ sách của ông.

Tóm lại, ông là con người đáng kính

Tên ông là Lãng. Nghe đâu, ông là dòng dõi Ngô Gia. Ấy thế nhưng trên các tác phẩm của ông, tôi thấy ghi: Hàn Thế Du. Sau này, nhà nước ta phú quí sinh lễ nghĩa nên trước tên Hàn Thế Du, bao giờ cũng là Giáo sư - NSND(4)

Vụ kẹt xe kinh hoàng trên xa lộ Hà Nội:

Dạo này, trong làng báo chí, xuất hiện một tác giả có tên gần giống như bút danh ông Lãng. Nhưng ngược hẳn với thái độ khiêm cung đi cùng tài năng đích thực của Giáo sư- NSND, nhân vật này cũng khoe là nhà văn, dù hình như tác phẩm chỉ là những bài báo chất lượng dưới mức trung bình khá. Và đặc biệt, cách hành văn và thái độ với bạn đọc của tay này giống hệt với cung cách thằng bạn ăn cắp đồng hồ của tôi.

Tôi sẽ mong một vụ kẹt xe ra trò để nghĩ kĩ xem, có đúng cái thằng bồi bút vô sỉ kia là thằng bạn thời tiểu học của tôi không!?

Vụ kẹt xe ở chợ nhỏ:

Tôi vốn dân ballett, thứ người/nghề mà thiên hạ thường nói: Đầu óc ngu si tứ chi phát triển. Bởi khả năng đọc/viết của dân ballett hầu như là rất kém. Điều này tôi nghĩ cũng hợp lí, vì vắt kiệt sức trên sàn tập, sàn diễn, ai hâm hơi mà đọc hay viết lăng nhăng làm gì?

Ballett là loại hình nghệ thuật phương Tây, phát triển và được ưa chuộng thời nhạc cổ điển (giao hưởng_symphony; khúc thức_concerto) đang là mode, tức là từ khoảng thế kỉ 16 đến cuối 19 (đại khái thế, tôi không biết có chính xác không!?)

Ballett xa lạ với tuyệt đại đa số người Việt. Và, với người Việt, ai đi làm nghề múa ballet, con trai thì… trym (penis) to, con gái thời …lẳng lơ. Hoặc ngắn gọn mà đủ ý: ba lê với ba táo, bọn này nhà nước nuôi chỉ để … lấy cứt

[Lẳng lơ vì trang phục biểu diễn của nữ nghệ sĩ ballett thường khoe ngực tối đa khoe dùi, hông hết cỡ; còn trang phục nam vũ công thường là trên mặc gì không cần biết – cởi trần cũng ok – nhưng “quả” quần bắt buộc phải bó trẽn, chất liệu kiểu như valise hay musse… đại khái chất liệu ấy, bó trẽn, làm “quả” trym vô hình chung trở nên to lớn khác thường. Ông nào ông đấy cứ như đeo cái bình tích ở háng vậy]

Đánh giá con người qua trang phục cũng là biệt tài của dân Việt mình, dù là trang phục biểu diễn, trang phục nghề nghiệp.

Hồi học Trường Múa, tôi có thằng bạn, nó rất mê đọc, và đặc biệt rất ngu. Đọc đây, nhưng mãi chả hiểu gì. Vậy mà nó không bao giờ chán, cứ vớ sách là nó đọc. Kể ra cũng đặc biệt. Nó đọc chăm chú hẳn hoi, nhưng kết quả vẫn cứ là … không biết gì, hiểu gì. Nhớ có lần tôi cho nó mượn cuốn Dế mèn phiêu lưu kí. Nó đọc đi đọc lại, đọc tái đọc hồi, nhưng vẫn than: Chả hiểu gì sất. Sao lại đi chu du làm gì? Bốc phét nhất là đoạn con Cóc mà nói cứ như thầy bu tao ở nhà. Rồi nó làm giả giọng “thầy, bu” nó: “Hà cớ gì mà nhị vị tráng sĩ du nhàn qua bản thôn…”

Vụ kẹt xe ở Co-op Mark Nguyễn Kiệm:

Những người hay viết (chưa nói hành nghề viết lách), thường đọc nhiều. Tôi tuy dân … trym to, nhưng hồi bé, tôi toàn “làm bạn” với cỡ Giáo sư Trần Bảng, Giáo sư Chu Văn Thức, hay Giáo sư Hàn Thế Du mà tôi đã kể. Nói chính xác là tôi được thoải mái “làm bạn” với tủ sách của các ông. Bởi vậy nên mới ra nông nỗi. Học ballet bẩy năm Ta ba năm Tây (5), thế nhưng hầu như không làm nghề, mà sinh tật viết lách. Trời quả báo điều gì chăng?

Trường hợp của tôi quả là một bi kịch!

Nếu hành nghề, ít nhất, tôi sẽ có thu nhập từ nghề, và một điều quan trọng không kém: trym cứ vật vã mà bương vào mặt thiên hạ. Ấy thế mà sở trường đầy vinh quang không làm di làm sở đoản đầy trắc trở

Thế nhưng có thể lí giải, do tôi đọc nhiều từ bé, và sự viết lách nó thôi thúc từ - nói theo kiểu Freud – libido. Hic hic

Nhưng còn một đại nhân khác - đại nhân tôi vừa kể bên trên - cũng học ballett như tôi (tuy chỉ thuần túy học trong nước), cũng đọc nhiều như tôi (chỉ mỗi tội chậm hiểu), và đến nay, anh ta cũng bỏ hẳn nghề nghiệp được đào tạo qui củ bẩy năm trời của mình, bỏ sang địa hạt viết lách. Rõ khổ! Cũng libido chăng?

Tuy viết lách hơi bị ngây ngô, nhưng anh ta không trơ trẽn, “mặt dày trán ngắn” như tay trên đầu tôi kể. Anh chịu khó viết, nên ra nhiều chữ. Nhưng tôi tuyệt nhiên không hề nhớ lấy một chữ của anh, dù cái gì của anh viết ra, tôi cũng đọc. Đọc không phải do thích, mà do mỗi khi viết xong bài lục bát hay cái tản văn ca ngợi mặt trời, anh đều đưa tôi, bắt buộc chia sẻ. Và luôn nghĩ tác phẩm của mình thuộc hàng “chất xám nhân loại”. Thế mới bỏ bu.

Có lẽ chiến công oai hùng nhất của anh ta trong nghiệp cầm bút, ôm bàn phím là làm rách âm hộ một nữ độc giả (6) (về chuyện này thì nội tình ra sao, tôi không rõ lắm. Chỉ nghe kể lại, rằng có cô nọ, đọc văn anh, buồn cười quá, cười tới mức rách âm hộ, phải đi cấp cứu).

Vụ kẹt xe ở Big C Market, đường Hoàng Văn Thụ:

Lâu rồi tôi không gặp anh bạn “học một đằng làm một nẻo”. Thỉnh thoảng anh vẫn xuất hiện trên tờ báo này, tạp chí kia…, nhưng chả chữ nào đọng trong tôi, dù tôi rất quí anh (tôi quí anh thế mà chữ nào anh viết, tôi quên tiệt, không biết thiên hạ, có ai nhớ gì tới chữ nghĩa của anh ấy không nhỉ?), điều tôi nhớ nhất về anh là chứng chậm hiểu, và vụ tai nạn ngoài ý muốn. Tôi cũng nhớ quê nhà anh ta, nơi tôi vẫn về chơi mỗi dịp nghỉ hè hồi còn học cùng trường Múa, một làng quê Bắc bộ rất đẹp, nơi sinh ra thần đồng lục bát Trần Đăng Khoa – làng Đông La

Vụ kẹt xe chợ nhỏ trong đường nội bộ, nơi tôi ở
:

Kẹt xe trong đường nội bộ thì thật là hêt chỗ nói, bực quá, tôi quay về (mặc dù chỉ là xách xe dưỡn dẹo đi… lang thang), và, mở computer.

Cái bài phỏng vấn của bà Phạm Thị Hoài thực hiện đã hiện diện 12 tiếng đồng hồ Tây trên trang mạng talawas.org. Nói ngay: Bài phỏng vấn này tôi đã đọc từ lúc nó xuất hiện, và tôi đã định phết phẩy vài chữ gọi là thể hiện tấm lòng với người phỏng vấn và người trả lời, nhưng tôi tặc lưỡi không viết, vì nghĩ, có thể những điều mình định viết, ối người đang/đã viết trước mình rồi. Vậy mà đến giờ, nửa ngày trời rồi mà vẫn chưa thấy ai viết gì. Chưa có ý kiến ý càng nào. Lạ!

Thôi thì nhân dịp kẹt xe đường nội bộ, tôi phẩy vài phát đặng tri âm tới người tri kỉ

Trước khi nhận xét trực tiếp, tôi xin nói chung chung thế này, rằng thì là mà, từ ngày tờ nét (7) ra đời, quái nhân xuất hiện nhiều đã đành mà quái thú cũng xuất hiện ào ạt. Rõ kinh!

Trước là cách hỏi của bà Hoài, nhà văn Phạm Thị Hoài mà tôi hằng kính nể. Bà Hoài ơi, tuy tuổi tôi chưa nhiều, kinh nghiệm các kiểu các loại còn rất khiêm tốn, ấy vậy mà đã gần đất xa giời. Dạo này tôi mắc chứng “không kiềm chế bài tiết, bao gồm tiểu, trung, đại”. Các cụ nhà ta bảo, ai đã mắc tới chứng này, ắt hẳn gần đất xa giời, nếu không tránh những tình huống có thể gây … vãi. Vậy mà nghe bà hỏi câu nào, tôi (gần như/suýt) vãi câu ấy. Vãi vì cười. “Cười vãi rắm vãi rít”, “cười té đái vãi cứt” – như dân gian vẫn hay nói.

Tôi thử liệt kê ra đây vài tình huống, mà bà nói, bà hỏi người ta mà suýt làm tôi chết. Bà suýt làm kẻ sát nhân

Tôi đồ rằng, cái danh hiệu “triết-gia-xe-cảnh-sát-hú-còi-mở-đường”, chẳng của ai cả, mà là của bà đấy thôi, hoặc giả, bà nói sau khi tổng hợp các ý kiến ý càng (và cả ý của bà) cho bài  "Nơi giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an".

Vãi…!

Sau câu mào đầu đầy hữu nghị, bà liên tục hỏi “đối phương” những câu tao nhã, bặt thiệp, nhưng móc họng người phải trả lời bà, và làm một vài lần suýt/và đã vãi ở tôi (đủ cấp độ), là kẻ đọc bà.

Và tới câu hỏi thứ 7, bà buông ra quả này: “…Chúng ta đang hiểu tự do theo những nghĩa khác nhau, hay ở đây có phép biện chứng nào đang hoành hành?”.

Thú thật, bà đã suýt gây án mạng vì tôi vãi đủ ba thứ cùng lúc khi đọc câu này. Mà theo các cụ và các y văn cổ truyền có chép:  “Vãi đủ ba thứ không do nhu cầu tự nhiên là hiện tượng sắp về chầu ông bà ông vải”

Thôi nhé, đám kẹt xe trong đường nội bộ khu nhà tôi đã tan, tôi sẽ và đã tắt máy rồi đi chơi đây. Bởi thực lòng, muốn nói và muốn báo cho bà Phạm Thị Hoài về tình trạng một người suýt chết khi đọc bà đã là quá đủ. Riêng về “mặt hàng” người trả lời, tức ông Nguyễn Hữu Liêm, tôi không còn lạ gì khi đọc ông ta. Đọc ông, tôi vô cảm. Không vãi gì hết. Và, tôi tin rằng, nếu thuần túy là bài viết made… ông, dù kẹt đường lên giời, tôi cũng xin phép bỏ qua. Bởi triết học – nhất là triết học hú còi – không nằm trong sự quan tâm của tôi

--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:

(1) Nhà văn Bảo Ninh có cuốn: Lan man trong lúc kẹt xe

(2) Nguyên tác: mặt trơ trán bóng

(3) Cách dùng chữ của dân ta để gọi đám nhà báo thời đầu thế kỉ XX

(4) NSND: Nghệ sĩ nhân dân [tình huống này phải chú thích cẩn thận, bởi nhiều cách viết tắt được công nhận trên văn bản chính thức đươc/bị “diễn” rất kinh. Ví dụ GS-TS đáng lẽ là Giáo sư- Tiến sĩ  thì  dân tình “diễn” thành Gia súc thiến sót (hình như nguyên tác của bác Đặng Thân)

(5)Đúng theo nghĩa đen. Tây ở đây là Liên Xô (cũ)

(6)Trang mạng talawas.org (bộ cũ), có nói về trường hợp này

(7) Internet