Chuyện Có Thật Mà Cứ Như Đùa Ấy |
Tác Giả: Đoàn Thanh Liêm | |||
Chúa Nhật, 03 Tháng 1 Năm 2010 21:34 | |||
Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin sao lục lại một số chuyện có thật, mà ngộ nghĩnh lượm lặt trong các giai thoại chính trị quốc tế nhằm cống hiến đến quý bạn đọc xem cho vui nhé. 1/ Chuyện của Stalin và Mao Trạch Đông. Hai vị “đại lãnh tụ cộng sản “ này đều có cá tính và lòng tự ái khác người, nên họ có rất nhiều đụng chạm với nhau. Theo như Kruschev kể lại trong cuốn hồi ký được xuất bản vào cuối đời, thì hai ông đó luôn luôn có sự căng thẳng trong mối quan hệ song phương. Cụ thể là : Khi Mao Trạch Đông chiến thắng và làm chủ toàn thể nước Trung hoa, thì Stalin rất mừng rỡ và hăm hở đề nghị với Mao để cho Liên Xô qua trồng cao su và lập các nhà máy làm đồ hộp về trái cây của xứ nhiệt đới, đó là các thứ mà Liên Xô không thể nào mà có được, vì lý do khí hậu quá lạnh lẽo. Nhưng sau nhiều lần giới chuyên gia gặp gỡ, bàn thảo với nhau, thì Liên Xô cũng không thể tiến hành được một dự án hợp tác Trung-Xô nào đáng kể hết. Trái lại, bên phía Trung quốc thì lại nằng nặc yêu sách, đòi hỏi phía Liên Xô là “ bậc đàn anh” phải chi viện tối đa cho phía mình, với lý do là Trung Cộng còn quá nghèo túng, thiếu thốn đủ mọi thứ, nên phải cần xin Liên Xô giúp đỡ làm sao cho thật tiến bộ khấm khá lên mới được. Mà Liên Xô hồi đó vào năm 1950-53, thì vẫn còn chưa phục hồi được sau cuộc tàn phá thời đại thế chiến thứ hai, khiến người dân vẫn còn thiếu thốn khổ cực nhiều bề. Do vậy mà hai bên Stalin và Mao vẫn còn hục hặc lẫn nhau, giữ thế với nhau, mặc dầu bên ngoài thì vẫn phải giữ thể diện, uy tín cho khối cộng sản. Rõ ràng là giữa hai ông chỉ có sự “ bằng mặt”, mà “ không có sự bằng lòng”. Đàng khác, vẫn theo sự tiết lộ của Kruschev, thì hai vị lãnh tụ này lại còn đụng độ căng thẳng với nhau về mặt quan điểm nữa. Câu chuyện xảy ra đại khái như sau : Mao vẫn tự hào mình là một nhà tư tưởng, nên muốn có một nhà tư tưởng khác từ Liên Xô để cùng hợp tác biên tập lại các bài viết của mình để rồi xuất bản cho công chúng đọc. Lời yêu cầu này được Stalin đáp ứng bằng cách đề cử ông Yudine, là một thứ triết gia trong hàng ngũ cơ quan an ninh (gọi nôm na là chekist = cớm), để qua Bắc kinh làm đại sứ của Liên Xô. Như vậy là thuận tiện cho việc hợp tác biên soạn tác phẩm với Mao Trạch Đông. Nhưng sau mấy buổi hội họp riêng để bàn thảo công việc biên soạn này, thì hai bên lại đâm ra có nhiều sự bất đồng về quan điểm này nọ. Mao thì tự phụ mình là một lý thuyết gia tầm cỡ lớn của một đảng cộng sản lớn lao với bao nhiêu thành tích lãy lừng, do vậy mà cứ giữ lập trường quan điểm của cá nhân mình. Trong khi đó thì đại sứ Yudine cũng tự cho mình mới là người nắm vững tư tưởng chính thống Marxist-Leninist xuất phát từ đảng cộng sản đàn anh Liên Xô. Rút cục là hai bên bế tắc, không thể tiếp tục làm việc chung với nhau được. Và Stalin đành phải rút đại sứ Yudine trở về lại Liên Xô. Qua một số vụ việc đại khái như thế, Kruschev kết luận là sự nứt rạn, đổ vỡ giữa Liên Xô và Trung cộng đã manh nha ngay từ thời Stalin còn là lãnh đạo đầu thập niên 1950, chứ không phải là do Kruschev gây ra như một số đảng viên đổ vấy tội cho ông ta, lúc ông đã bị các “đàn em” hạ bệ từ năm 1964. 2/ Stalin và Hồ Chí Minh. Cũng trong cuốn hồi ký nhan đề “Kruschev remembers”, người kế vị Stalin này còn dành cả một chương nói về Hồ Chí Minh, với một mối thiện cảm đối với một người cộng sản kiên trì mà ông gọi đó là “vị thánh tông đồ” của chủ nghĩa Marxist-Leninist (apostle). Ở đây chỉ xin thuật lại chuyện ông Hồ xin tiếp kiến đàn anh Stalin vào hồi năm 1950-51. Hồi đó ông Hồ còn đang phải ở tại chiến khu Việt bắc và rất bận rộn với cuộc chiến tranh chống Pháp. Nhưng sau khi cộng sản Trung hoa toàn thắng ở lục địa, thì ông Hồ tìm cách đi qua ngả Bắc kinh để đến viếng thăm vị lãnh tụ đàn anh tại Moscow và đồng thời xin Stalin viện trợ thuốc men, võ khí v.v… cho quân đội kháng chiến Việt nam. Theo lời thuật lại của Kruschev, thì Stalin không tiếp đón ông Hồ như là một vị quốc khách, mà chỉ có những cuộc gặp gỡ kín đáo riêng tư mà thôi. Và giới báo chí truyền thông Liên Xô cũng không thấy đề cập gì nhiều về chuyến viếng thăm này của ông Hồ. Về khoản ông Hồ xin Stalin cấp phát cho bộ đội Việt minh một số thuốc chống sốt rét, thì Stalin đồng ý dễ dàng và ra lệnh cho xuất kho thuốc quinine để cung cấp cho ông Hồ. Còn các lời thỉnh cầu khác, thì Stalin nói là đó là trách nhiệm của bên Trung cộng, vì Liên Xô đã phân công cho nước này đặc trách mọi việc chi viện cho phía Việt nam. Do vậy, ông Hồ cứ việc thương lượng với Trung cộng, mà khỏi cần mất công phải đi xa và làm phiền đến Liên Xô nữa. Nhân tiện cũng xin ghi thêm chi tiết khá lý thú và ngộ nghĩnh này nữa. Đó là trong dịp tiếp kiến với đàn anh Stalin, thì ông Hồ có xin với vị lãnh tụ cho một tấm hình để làm kỷ niệm cho nhân dân Việt nam. Stalin bèn gật đầu và lấy một tờ báo bằng tiếng Anh nhan đề : “ The Soviet Union under reconstruction” (Liên Xô dười thời tái kiến thiết), rồi ký tặng cho vị khách này. Ông Hồ thật hớn hở vui mừng và đem về phòng mình ở nhà khách. Nhưng vài bữa sau, Stalin nghĩ lại và đã sai mật vụ đến tận phòng ông Hồ lúc ấy đi vắng, để lấy lại tờ báo có chữ ký tặng này. Kruschev ghi thêm là ông Stalin vốn có tính đa nghi thái quá, nên sợ ông Hồ lợi dụng bức ảnh có chữ ký đề tặng này để làm chuyện gì không hay chăng, nên đã có chuyện tìm cách lấy lại cái “kỷ niệm mà ông Hồ rất trân trọng” đó. 3/ Đặng Tiểu Bình làm cố vấn cho Liên Xô. Theo lời thuật lại của Harrison Salisbury nguyên là một chủ bút nổi danh của tờ New York Times, thì vào đầu năm 1956, khi xảy ra vụ nhân dân Ba lan nổi dậy đòi thay đổi chế độ cộng sản ở đây, Kruschev thật bối rối vì còn quá mới mẻ, chưa có thẩm quyền vững vàng của một vị lãnh tụ có tầm vóc như Stalin. Do vậy mà giới lãnh đạo Liên Xô phải cậy nhờ xin ý kiến cố vấn của Trung cộng. Mao bèn cử Đặng Tiểu Bình lúc đó giữ chức Bí thư đảng cộng sản Trung hoa, để qua bàn thảo với giới lãnh đạo Liên Xô anh em. Sau khi nghiên cứu tình hình, thì Đặng nói ngay với các đại diện Liên Xô : “Việc này, các đồng chí phải giải quyết êm thắm bằng cách nhượng bộ với khuynh hướng “cộng sản dân tộc” của Ba lan vậy thôi “. Kruschev đã nghe theo ý kiến này và đã dàn xếp để cho lãnh tụ Gomulka trở về lãnh đạo ở Ba lan. Ông lãnh tụ này trước đây đã từng bị Stalin đưa qua quản chế tại Liên Xô, vì sợ ông này có chủ trương tách Ba lan ra khỏi ảnh hưởng của Liên Xô theo gương của Tito ở Nam Tư. Nhờ vậy, mà chuyện ở Ba lan hồi đó mới được dàn xếp êm thắm. Nhưng đến tháng 10 cũng trong năm 1956, thì lại có chuyện nổi dậy ở Hungary. Lần này, Liên Xô cũng lại phải nhờ Trung cộng cho ý kiền xem phải giải quyết ra sao. Đặng Tiểu Bình lại cho ý kiến khác hẳn lần trước với chuyện của Ba lan. Ông nói với phía Liên Xô : “ Không được rồi, các đồng chí ơi. Hungary khác, Ba lan khác. Tôi nghĩ là ta phải mạnh tay đàn áp bọn nổi dậy ở Hungary, để tái lập lại uy quyền của đảng cộng sản….” Và rốt cuộc, Liên Xô đã “ngoan ngoãn” nghe theo sự chỉ dẫn của Trung cộng và đem quân đội đi dẹp “chuyện làm loạn của Hungary”. Qua chuyện này, ta không ngạc nhiên về chuyện Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh cho quân đội Trung cộng tàn sát chính đồng bào của mình trong vụ Thiên An Môn năm 1989. Salisbury bình luận : “ Sau trên 100 năm bị các cường quốc Tây phương hạ nhục kể từ trận chiến tranh nha phiến hồi giữa thế kỷ XIX và sau đó là bị các liệt cường túm vào xâu xé nước Tàu, bây giờ Trung cộng đã trở thành một cường quốc được mời tham gia giải quyết vấn đề của Âu châu xa lắc xa lơ. Đó là một dịp để rửa được cái mối nhục quốc thể cả một thế kỷ trước…” Về mục giai thọai chính trị quốc tế, thì rõ rệt đó là cả một kho tàng đồ sộ, có thể kê khai ra trong nhiều cuốn sách thì mới gọi là tạm đày đủ, thỏa mãn tính hiếu kỳ của quý độc giả được. Nhưng vì bài báo có giới hạn, dịp này người viết chỉ xin ghi ra mấy chuyện tương đối gần gũi với người Việt mình trong vòng mấy chục năm qua mà thôi. Xin hẹn sẽ tường thuật thêm với các bạn đọc về các chuyện lý thú, ngộ nghĩnh nữa trong một dịp khác. California, cuối năm Kỷ sửu 2009 Chuyện Có Thật Mà Cứ Như Đùa Ấy Đoàn Thanh Liêm (Trích từ các giai thoại chính trị quốc tế)
|