Cọp trong Ðạo Mẫu và tín ngưỡng dân gian |
Thứ Ba, 16 Tháng 2 Năm 2010 07:29 | |||||||||||
. . . đây là một đề tài nhiều màu sắc, còn rộn rã bằng chứng hiện hành.
Hổ là thú dữ, con người buộc phải đối phó để bảo vệ, khi tính mệnh, khi gia súc. Việt Nam có rừng núi nhiều hổ, nên từ ngàn xưa, hổ vẫn là mối đe dọa thường xuyên. Nhưng trong tâm lý người Việt xưa, cọp lại được xem là phúc thần, được vẽ trên nhiều tranh thờ, nhất là miền Bắc. Tranh thờ trong nhà để trừ tà yểm quái như lời thơ xưa đã ghi: “Trong nhà Hắc hổ trấn phù, Sinh con sinh cái nuôi cho dễ dàng” (Truyện thơ Trinh Thử) Tương truyền tranh Hắc Hổ có tác dụng diệt trừ quỷ Phạm Nhan thường đột nhập vào phòng người phụ nữ đang ở cữ để ám hại trẻ sơ sinh. Nhưng đặc biệt tranh hổ được phổ biến nơi các đền điện thờ Thánh Mẫu hay Ðạo Mẫu - nôm na gọi là Ðồng Cốt. Ở Miền Bắc, có tục thờ Bà Chúa Thượng Ngàn nơi rừng núi, Mẫu Thoại nơi sông nước, Bà Liễu Hạnh ở đồng bằng, thần Thiên Y A Na ở Huế, Bà Ðen, Bà Chúa Sam ở Nam bộ... tất cả đều chung gốc gác là tục thờ Thánh Mẫu thời nguyên thủy. Từ thời Văn Lang xa xưa đã có hình cọp trên hoa văn Ðông Sơn, vài ba thế kỷ trước Tây lịch. Sử sách còn ghi lại tục thờ cọp từ thời ấy. Sách Lĩnh Nam Chích Quái, thời Lý Trần, trong chuyện Mộc Tinh, kể lại tục thờ Thần Hổ dưới tên Xương Cuồng, có nghĩa là thổ thần tàn bạo và hung ác, hàng năm phải dùng sinh mạng để cúng tế vào ngày 30 Tháng Chạp. Do đó, ngày nay có người vẫn gọi cọp là Ông Ba Mươi.
Như vậy trong tín ngưỡng nguyên thủy, không cứ riêng gì ở nước ta, tục thờ cọp như một phúc thần, và thờ Thánh Mẫu có thể phát triển song hành, đến lúc nào đó thì gặp nhau như ta thấy hiện nay qua hình tượng con hổ trong các chi nhánh của Ðạo Mẫu. Vào phương Nam, hình tượng hổ mờ nhạt hơn phía Bắc, có thể vì những lý do lịch sử. Nhưng trong tâm lý người dân phía Nam cũng có niềm tin cọp là phúc thần, như trong truyện Lục Vân Tiên hay Thoại Khanh Châu Tuấn. Ở đây chúng tôi quan tâm đến hình tượng hổ trong Ðạo Mẫu, phổ biến trong dân gian; trước tiên là qua tranh thờ, loại tranh Hổ sản xuất ở Hàng Trống tại Hà Nội, sau là qua vai Hổ khi nhập vào đồng cốt. Tranh Hổ ngày nay được xếp vào nghệ thuật dân gian thường nhiều màu sắc nguyên thủy, ngũ sắc tươi thắm và hồn nhiên, điềm thêm ánh kim nhũ, ngân nhũ lấp lánh màu vàng màu bạc, tăng thêm phần long trọng nếu không phải là thần bí. Tranh Hàng Trống phục vụ tầng lớp trung lưu, từ đồng bằng lên mạn ngược, làm theo kỹ thuật riêng. Sau khi in xong nền, như tranh Ðông Hồ, nghệ nhân mới tỉ mỉ tô màu sau, khi tỉa tót chi ly, khi vờn vẽ bay bướm, tạo nên nét riêng biệt cho mỗi bức tranh và sinh khí cho con hổ: mắt sáng quắc nhìn hung tợn, nanh vuốt bén nhọn, bộ râu tua tủa và đặc biệt bộ lông vằn vện. Tranh Hắc Hổ màu đen hung bạo, cọp chống hai chân trước vững chãi, mặt nhìn thẳng trong thế chờ mồi. Tranh Bạch Hổ cùng một tư thế, tươi sáng hơn, nhưng ghê rợn. Tranh Ngũ Hổ Thần Tướng còn được gọi “Ông Năm Dinh” vẽ năm con cọp màu sắc khác nhau, trấn ngự bốn phương và trung ương ,theo nguyên lý ngũ hành của Á Ðông. Loại tranh này chịu ảnh hưởng tranh Trung Quốc và Tây Tạng. Các chuyên gia đã nhận xét: “tranh Hổ với những đám mây do các đường cong gẫy khúc nối nhau, lớp trong lớp ngoài cuồn cuộn đã cho cảm giác xếp dầy nhưng nặng nề và đàng sau nó ẩn dấu một cái gì thần bí và thiêng liêng” [1]. Xin bàn góp: “những đám mây, đường cong gẫy khúc nối nhau” thật ra bắt nguồn từ mô hình ngọn lửa, biểu hiện cho giác ngộ và siêu thoát trong Phật Giáo, thường thấy trong nhiều tranh hổ dân gian của Tây Tạng. Trong sách nhà Phật, cọp là một hình tượng được ưu ái. Như vậy, tranh Hổ ngày nay chứng tỏ có sự giao lưu văn hóa sâu lắng và lâu đời giữa nhiều dân tộc, và giao thoa tín ngưỡng trong vùng lân cận.
Tại Huế, điện Hòn Chén, tên chữ là Huệ Nam, là một trung tâm Ðạo Mẫu quan trọng, ngày nay còn tấp nập, do vua Ðồng Khánh xây dựng vì sùng tín. Ðặc biệt bên cạnh chính điện thờ Thánh Mẫu, còn có đền thờ Ngũ Hổ, nhưng không phải là năm con cọp thần linh như nơi khác mà là năm tướng mạnh của Lưu Bị trong truyện Tam Quốc. Học giả Bửu Kế có nêu thắc mắc trên báo Ðại Học, Huế, số 35-36, cuối 1963. Theo chúng tôi có sự “thờ lệch” như vậy là do các chúa Nguyễn phía Ðàng Trong, rồi các vua triều Nguyễn về sau, không thờ Hổ mà còn tìm cách triệt hạ uy thế của Sơn Thần trong tâm lý dân gian. Các vua chúa đã tổ chức các trận đấu voi cọp bất bình đẳng: nhổ nanh nhổ vuốt cọp, khớp mõm để cho voi dày. Pierre Poivre trong hồi ký có kể chuyện chúa Nguyễn Phúc Khoát tổ chức trận đấu voi cọp như thế năm 1752 tại Cồn Giả Viên để cho 40 voi tận diệt 18 con cọp. Tục lệ này đến 1904 mới chấm dứt. Rải rác phía Bắc có nhiều đền thờ Thánh Mẫu. Nơi bàn thờ thứ ba thường thờ Hổ gọi là “hạ ban” vì thờ dưới đất. Xác Ðồng lên vai hổ là một màn khó khăn, căng thẳng mà chuyên gia Maurice Durand đã mô tả căn cơ. Ðộng tác lên vai hổ: “Trùm khăn đỏ (phủ diện) lên đầu, rồi tập trung, lấy tay che mắt, bỗng nhiên thấy hai vai trĩu nặng; con đồng lấy tay xoa mặt, xong chống tay xuống đất trong tư thế hổ ngồi, rồi gầm thét. Người tham dự biết rằng Thần Hổ đã giáng. Lập tức họ rót rượu vào bát rồi đốt. Con đồng nhúng tay vào, xoa mặt với rượu nóng. Nhìn lên điện thờ, đồng lại gầm thét. Người dự mang đến bó hương, đồng đốt hương và cắn vào ngọn lửa đang cháy. Sau đó có người mang đến đĩa dầu lửa và đốt lên. Con đồng cắn vỡ đĩa sành, mồm miệng đầy dầu lửa, và cứ thế lập lại nhiều lần. Cho đến khi cử tọa yêu cầu ngưng, để biểu diễn việc trừ tà và cho thuốc. Cuối cùng Thần Hổ thăng.” [3]
... Trên thượng thiên có năm tướng hổ, Luyện người về để độ vạn dân. Người thời đại độ khoan nhân, Thanh nhàn tự tại sạch không lầu lầu. Thấy Phật ngự khấu đầu vọng bái, Phật ban cho phép đại uy linh. Có phen hống động thiên đình, Giương nanh ra vuốt quỷ tinh bạt hồn. Có phen tướng xuống Diêm môn, Tà ma cũng phục, Phạm Nhan thu hình. Xuống Thủy Tinh các tòa cũng phục, Năm ông đều lại tót lên non. (...) Khi thời biến ra hổ thần, Hiện ra hổ tướng nhãn tinh sáng lòe. Nhân dịp tết Canh Dần chúng tôi nhắc đến hình tượng con Hổ trong tâm linh Việt Nam, đã có từ lâu, có lẽ từ thời các vua Hùng như sử sách đã ghi lại, và hoa văn thời Ðông Sơn còn minh chứng. Ðể cho chứng từ được cụ thể và còn hợp với thời sự, chúng tôi nhắc đến tranh thờ nhất là trong đạo thờ Thánh Mẫu làm ví dụ, vì đây là một đề tài nhiều màu sắc, còn rộn rã bằng chứng hiện hành. Nhưng mục đích chính là kể chuyện Ông Ba Mươi. Vui chơi ngày Tết. Riêng cho Người Việt Paris, 12 tháng 2 năm 2010
|