Con gái tên Dần tuổi Cọp |
Tác Giả: Trần tùng Chinh (An Giang) | ||||
Thứ Tư, 24 Tháng 2 Năm 2010 22:16 | ||||
Má tôi tuổi Dần. Năm 23 tuổi má lấy chồng. Cũng năm Dần má đẻ ra tôi. Một con cọp con. Người ta nói hổ phụ sinh hổ tử. Hai má con tôi là hổ mẫu sinh hổ tử. Có sao đâu! Nhà có hai con cọp. Con cọp cái là má, mạnh mẽ, quyết đoán. Con cọp con là tôi, "hậu sinh khả úy", ngang bướng và hung dữ - theo cách nói của em trai tôi. Thằng quỷ đó nó tuổi Thìn, nhỏ hơn tôi hai tuổi. Nhà có hai chị em. Má tôi cũng không thoát khỏi câu "tuổi Dần cao số". Năm thằng em tôi lên bốn tuổi, tía đi lấy tiền bán cá về, dọc đường mấy thằng cha buôn lậu đường quốc lộ chạy xe nhanh như bị bà nội nó rượt đâm sầm vào xe đạp của tía tôi. Tía qua đời tức tưởi, đột ngột. Người ta đi đám ma, chửi mấy đứa buôn lậu chạy ẩu thì ít mà rủa má tôi tuổi Dần làm tía tôi yểu mạng thì nhiều! Thây kệ, má một nách hai đứa nuôi tụi tôi khôn lớn. Thật ra là một đứa con gái hơn sáu tuổi tóc tai ngắn cũn, hở ra một chút là chạy nhong nhong trong xóm, bỏ ở nhà một đứa con trai chưa đầy bốn tuổi khóc nhèo nhẹo trên võng, mũi dãi lòng thòng. Mấy lúc đó má lăng xăng gánh bún trước nhà, gọi giựt ngược: "Con ôn dịch, về đưa em cho má. Tao mà kêu một tiếng nữa không về là tao oánh cho té đái bây giờ". Tất nhiên là tôi chạy về, ham chơi nhưng sợ má một phép. Người ta nói hổ dữ không ăn thịt con, chứ tôi thấy lúc đó mà không chạy về vừa đưa võng cho em, vừa lầm bầm chửi nó nhõng nhẽo thì thế nào má cũng ăn thịt tôi là cái chắc. Là nói vậy thôi, chứ quậy phá ham chơi cách mấy hổng lẽ má tôi đem tôi hầm nhừ tử trong nồi nước súp của má ? Má dữ nhưng má đẹp lắm. Mới ngoài ba mươi nhưng hôm nào ở xóm có đám tiệc, xong việc bán buôn, bới lại mái tóc rối thức từ lúc hai, ba giờ sáng chưa chải kỹ, má mặc bộ đồ áo bà ba bông với cái quần xa-ten màu đen bóng, cắp cái giỏ đệm là má mướt rượt, nhìn còn bén ngót. Về cái khoản này tôi cũng giống má. Càng lớn, ai cũng nói tôi đẹp y chang má hồi trẻ. Nhan sắc má cũng hút lũ ong bướm làng trên xóm dưới xáp vô. Nhưng hễ thằng cha nào bén mảng tới gần, má quắc mắt một cái, hỏi, cọp cái hai con nè, dám xớ rớ vuốt râu hùm thì nhào vô kiếm ăn! Chỉ có vậy thôi, đàn ông cỡ nào cũng chạy tám cây số là ít. Sau này tôi mới biết má không đi bước nữa là tại sợ hai chị em tôi gặp cảnh cha ghẻ, con riêng. Hồi đó, thấy má dữ dằn như vậy tôi rất tự hào, đi học hay đi chơi, tôi và thằng nhóc em tôi ít khi nào bị ai ăn hiếp. Má mà bênh con thì phải biết, má chửi té tát không có đường mà đỡ. Nhưng về tới nhà, thế nào hai chị em cũng phải cúi xuống bộ ván ngựa, nhổm mông lên ăn đòn vài cây là ít. Vì vậy tụi tôi ra đường cũng ngó trước ngó sau, không lên mặt hay làm điều gì bậy bạ sợ má buồn. Hò hét, la rầy, dằn mâm xáng chén vậy chứ khi hai đứa lăn ra ngủ, tôi lén thấy má chắc lưỡi hít hà xoa mông xức dầu cho hai đứa, rồi buông mùng thở dài, ngồi đờ đẫn trong đêm. Không biết má ngồi tới hồi nào vì chỉ một lát hai con mắt tôi ngủ trước nên tôi không còn dòm má để canh má ngồi tới mấy giờ. Giấc ngủ trong tiếng kêu của con tắc kè từng chập đã đưa tôi vào những giấc mơ, ở đó có má ngồi che chắn, y như con cọp cái bảo vệ lũ nhóc cọp con trong chuyện cổ tích Chú Cuội cung trăng vậy. Về cái khoản tình cảm này tôi thấy mình cũng giống má luôn. Hung dữ nhưng rất dễ động lòng... Lụi hụi vậy tụi tôi lớn lên lúc nào không hay. Tôi, như đã nói, thừa hưởng cái gen di truyền của má. Mười bảy tuổi, bẻ gãy sừng trâu, mái tóc cũn cỡn ngày nào giờ dài đen nhánh, mắt to mà lông mi dài mướt rượt nhưng tính tình thì cứ ngang tàng chụp giựt, cứ bài hải hét ra lửa như một "bà chằn" theo cách gọi giễu cợt của tụi con trai cùng lớp. Thằng em thì dù có lí lắc cách mấy cũng có vẻ hiền lành điềm tĩnh hơn. Chắc nó giống tía tôi. Ký ức về tía không nhiều nhưng tôi vẫn nhớ những lời răn dạy nhẹ hều của tía, những cái xoa đầu bẹo má mềm xèo của tía mà tôi không tài nào bắt chước được. Một bữa, thằng em thấy tôi vui vẻ bèn kiếm chuyện: - Nè bà chị, bữa hổm đi với mấy đứa bạn rình anh Tám với chị Mận tâm sự ở bãi sậy cánh đồng hoang, em nghe anh Tám thủ thỉ vầy nè, em Mận ơi, con mèo nhỏ dễ thương của anh ơi! Tôi vừa bĩu môi, vừa xì thành tiếng: - Trời, nghe mà nổi ốc cùng mình. Sến như con hến! Rồi sao nữa? Thằng nhóc cười hí hí: - Em biết là chị tò mò mà. Mà nè chị, chắc chị Mận tuổi con mèo hé? Tôi cộc lốc nhưng khờ khạo rơi nhẹ nhàng vô cái bẫy của nó: - Ừ, mà tuổi con khỉ gió gì thì mắc mớ gì tới tao? Ai dè nó xích ra một chút cảnh giác rồi tung "chưởng": - Em nghi quá, mai mốt anh Hiệp của chị mỗi lần tâm sự chắc kêu là em Dần ơi, con cọp cái của lòng anh ơi, cưng cưng lắm nè! Nói xong câu động trời đó tất nhiên là nó bỏ chạy với vận tốc ánh sáng, nhưng nụ cười khiêu khích vẫn còn rớt lại phía sau để chọc tức tôi. oOo Tôi nổi máu tam bành thật sự, Dần là tên cúng cơm của tôi, con cọp là cầm tinh của tôi... Và Hiệp là cái thằng, ủa, mà không... là cái "anh chàng" học cùng lớp tôi, lớn hơn tôi một tuổi nhưng má còn búng ra sữa. Hôm nọ dám nhờ thằng em quỷ quái nham nhở của tôi đưa giùm tấm thiệp xuân cho bà chị với lời đề tặng "táo bạo" mà lại làm cho tôi mất ngủ mấy bữa liền. Đó là một tấm thiệp xuân mà tôi dám chắc không có ở đâu bán vì nó được tự tay người tặng tỉ mẩn và kỳ công thực hiện. Trên cái nền màu đỏ thắm là một nhánh mai vàng rực được chăm chút từng cánh giấy. Quả là Hiệp rất khéo tay khi cắt từng mẫu chữ bé xíu kiểu thư pháp dán lên mặt thiệp một cách tự nhiên nhưng cũng rất thẩm mỹ. Ấn tượng nhất là lời đề tặng bên trong, quê quê mà dễ thương ác: "Dù cho thiệp có phai màu, nhưng mà Hiệp vẫn không sao thay lòng. Dần ơi, Dần có biết không? Tim Dần có thấu tấm lòng Hiệp đây?". Tại sao một lời đề tặng rất "sến" như vậy mà lại làm cho con cọp "gái" hung dữ mồm hô miệng hét như tôi động lòng? Không như tụi nhóc học cùng hay chọc ghẹo kêu tôi là bà chằn, và tôi cũng không hổ danh với thương hiệu giang hồ đã gán cho mình, Hiệp không bao giờ kêu tôi như vậy. Anh chàng có đôi mắt biết cười luôn nhìn về phía tôi một cách dịu dàng, và con mắt đó, bực mình một cái là nó như thôi miên để lần lượt nhổ hết móng vuốt, bẻ hết nanh nọc của tôi. Tức mình hơn là biết mình sẽ rất khác, sẽ rất bối rối khi đối diện với Hiệp, nhưng đôi khi tôi không cưỡng được mình cứ thích nhìn về phía Hiệp ngồi để phát hiện ra ánh mắt ấy như một mũi tên dịu dàng bay từ "sát thủ Đại Hiệp" xuyên qua trái tim con gái của mình, cắm phập và nằm yên đó, lì lợm và cứng đầu, bứng mãi không ra (mà hình như tôi có chịu bứng đâu). Về việc này, tôi định khi nào có dịp thuận lợi sẽ hỏi má. Má hung dữ phùng mang trợn má y chang bà cọp cái như vậy nhưng có ai làm cho má trở nên hiền lành như con mèo chưa ? Hồi đó tía thương má thế nào? Má có trở nên dịu dàng một cách khó hiểu mỗi khi gặp tía hông? Phải chi tía còn sống, tôi hỏi tía coi bộ dễ hơn. Hai mẹ con đều nóng tính, gặp câu trước câu sau tôi đã bị má rầy do cái tính bộp chộp và ngang bướng của mình. Mà hỏi má chẳng khác nào thừa nhận cái tính dịu dàng tiềm ẩn của mình mà tôi còn chưa hiểu hết. Nói vậy chứ cũng có lúc hiếm hoi ngồi chải tóc cho tôi, má tằng hắng nói: - Nè, lớn bộn rồi đó nghen mậy, liệu đi đứng nói năng cho đàng hoàng ý tứ, con gái con đứa như mày con trai nó chạy mất dép. Tôi cắc cớ: - Ủa, con mà dịu dàng thùy mị vậy chắc con trai thích lắm, má hén? Má hứ cái cốc: - Đừng có mà tào lao, lo học hành ngon lành, lẹ lẹ có nghề có ngỗng với người ta kìa, tao nuôi hai đứa bây oải lắm rồi, đừng có mới nứt mắt ra là nập nợn! - Hí hí, ai biểu má chê con chi! Mà "nập nợn" là gì vậy má? - Tao cũng hỏng biết, hồi đó bà ngoại cũng hay rầy má vậy đó. Chắc là chửi má ham chơi, kết bầy kết bạn đó mà! Kết bầy kết bạn? Chắc là bây giờ người ta hay gọi là "kết môđen" chứ gì? Như Hiệp với tôi vậy chắc? Má biết, chắc má chửi tắt bếp. Nghĩ tới Hiệp, vừa bực vừa nhớ, vừa thấy ghét vừa thấy thương thương thích thích. Nhưng nhớ tới Hiệp, tôi cũng nhớ tới thằng em quỷ sứ của mình. Hôm đưa thiệp cho tôi, chính nó đã xâm phạm đời tư, mở thư ra đọc trước. Đó là tội thứ nhất; để bụng chờ cơ hội để chọc ghẹo bà chị "hiền lành tội nghiệp" của nó là tội thứ hai. Hai cái tội này tôi sẽ quyết trừng trị cho bõ ghét. Chưa kịp trị tội nó, chỉ hôm sau nó lại lân la tới cầu hòa và ỉ ôi năn nỉ: - Nè, chị, em biết lỗi rồi, hôm nay cho em lập công chuộc tội nghen!? Miệng xin lỗi nhưng mắt nó thì lém lỉnh. Tôi cảnh giác cao độ: - Gì nữa đây? Mày mà lộn xộn tao méc má đó! Sao mày em mà mày cứ ăn hiếp chị mày là sao? Mặt nó nhăn nhúm tỏ vẻ đau khổ: - Chị méc má là chị hối hận trước đó, vì má đánh, em không chịu nổi thế nào cũng cung khai để má khoan hồng cho coi. Tôi lại nổi nóng trợn mắt: - Khai cái gì thằng quỷ dịch? Nó ấp úng: - Thì khai là... là... anh Hiệp lớp chị nhờ em đưa chị món quà này, chị mừng quá nhảy lưng tưng lên... đạp trúng em, hi hi! Tôi bỗng nhiên mềm nhũn như con cọp bị bỏ đói trong sở thú, nhẹ giọng bất thường: - Quà gì, đưa đây "chị”. - Trời, xưng chị nghe ngọt ngào quá ta. - Thằng em cà rỡn chịu không nổi - Đúng là tình yêu thật là kỳ... cục. Có thể cảm hóa được cái ác. Cả "chằn tinh" cũng cải tà quy chánh! Tôi chịu hết nổi: - Tao đếm tới ba, đưa đây! Một... - Má ơi, cứu con! - Thằng nhóc hăm dọa. Tôi vội xuống nước: - Muốn gì, nói!? - Muốn chị thương em. - Ừ, chị thương. - Muốn chị ký giao kèo Tết này lì xì thật nhiều cho em! - Tao... - Tôi bặm môi, nuốt cơn nóng giận một cái ực - Rồi, chị hứa! - Hì hì, móc ngoéo, đứa nào nói láo, hứa cuội, bồ bỏ luôn nghen! Tôi xùy ngón út ra ngoéo lấy tay nó. Tới lúc này thằng em quỷ quái mới chịu tung ra món quà cho tôi. Quà của Hiệp. Món quà gói thật đẹp. Tôi hồi hộp mở ra, bên trong là một con cọp nhồi bông rất xinh. Lạ một điều là con cọp này có thắt một cái nơ màu hồng trên đầu, đích thị là cọp "gái" rồi. Một tờ giấy cũng màu hồng rơi ra, tôi nhặt lên và đọc: "Tết này Dần cho Hiệp đến thăm con cọp đáng yêu này ở nhà của Dần nhe? Hiệp muốn xông đất nhà Dần ngay mồng một đó! Trời ạ, Hiệp có biết là nhà tôi có hai con cọp? "Hổ ma ma" và hổ tiểu thư, mà con cọp nào cũng "đáng yêu" hết trọi. Cọp má ơi, đây là "khắc tinh" của cọp con gái đó má. Cầu trời cho ngày Hiệp "vào hang cọp" mọi chuyện đều "như ý cát tường"... TRẦN TÙNG CHINH (An Giang)
|