Home Phiếm Các Tác Giả Những kẻ chọn lầm nghề

Những kẻ chọn lầm nghề PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Chúa Nhật, 04 Tháng 4 Năm 2010 21:15

Cha mẹ sinh con, nuôi con lớn lên, ai cũng muốn chọn cho con một cái nghề có thể sống no đủ, nhưng phải lương thiện để khỏi ai nhắc nhở, chửi bới đến cha mẹ họ hàng.

 

 
Ngày thôi nôi, hay là sinh nhật đầu tiên của đứa trẻ, cha mẹ có tục bày ra trước mặt trẻ một số vật dụng nhỏ, như cây kéo, tờ giấy, cây viết, cây búa... để xem trẻ thích món gì nhất thì cầm lấy coi như đó là xu hướng chọn nghề của nó đã có từ tuổi này. Ðây chỉ là chuyện vui chơi, xem như chuyện bói nghề, chứ không phải là chuyện đoán trước được tương lai. Vì nghề nghiệp, ngay cả thời xưa ở xóm làng Việt Nam cũng đã có hằng trăm, mà vật dụng quanh quẩn trong nhà đưa ra cho đứa trẻ thì có giới hạn. Vậy mà cũng có chuyện đúng, nếu thời đó mà đứa nào vớ phải cây búa hay cây liềm, ắt lớn lên đi theo Cộng Sản! Cũng có người căn cứ vào tử vi để đoán nghề nghiệp cho người, nhưng cũng có lúc sai, khiến một ông thầy tử vi nổi tiếng ngày xưa đã phán rằng: “Không lẽ tôi đoán nhầm, số nàng là số ca kỷ chứ đâu phải là mệnh phụ nhu nhân!”

Thời phong kiến, người ta thu gọn nghề nghiệp vào trong bốn ngành: Sĩ Nông Công Thương, mặc dầu Sĩ vẫn được xem là trọng, nhưng nông nghiệp vẫn là nghề chính trong dân gian: “Nhất Sĩ nhì Nông, hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sĩ” và dù Thương được xếp chót trong bậc thang nghề nghiệp, người vẫn phải công nhận là “phi thương bất phú”. Ngày trước người ta không cho chọn nghề là quan trọng, phần lớn nghề nghiệp là cha truyền con nối, hay theo nghiệp tổ như nghề nông, nghề rừng, nghề biển, nghề đúc đồng, mà kinh nghiệm được trao truyền và giảng dạy cho các thế hệ tiếp nối từ lúc hãy còn nhỏ đi theo cha ông. Có những nghề cần “gia truyền” như nghề thuốc, nghề chữa bệnh, nghề bói toán, thậm chí đối cả với những nghề cần chút bí quyết về nghệ thuật hay khéo tay như nghề đan thêu, làm bún, nghề chằm nón... Bí quyết của nghề thường được truyền dạy giới hạn trong gia tộc, đến bà con, không dạy cho người ngoài hay con gái, sợ khi lập gia đình truyền nghề cho chồng là người ngoại tộc như người Trung Hoa vẫn thường chủ trương. Do đặc điểm đó, chúng ta có những làng cùng làm một nghề và tên làng nổi tiếng theo với nghề như làng mây tre Xuân Phúc, làng chiếu Nga Sơn, làng đúc đồng Ðại Bái, làng sứ Bát Tràng, làng tranh Ðông Hồ, làng nón Phú Cam. Ở Quảng Nam, có làng Kim Bồng nổi tiếng với nghề mộc chạm trổ truyền thống, nghề nề đắp vẽ, chạm trổ linh vật, thợ làng từng đi khắp mọi miền đất nước, đã góp phần xây dựng, tô vẽ những lăng tẩm, đền đài tại kinh đô Huế. Tay nghề giỏi không lo đói, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cái gì cũng biết chút chút kiểu “handy” thì người xưa chê là “nhiều nghề như cá trê đục vô ống!”

Làm nghề nào thì nhờ nghề đó, gần như là lẽ đương nhiên nhưng các cụ sao lại mỉa mai: “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ.”

Ở Mỹ nghề nghiệp được phân biệt rõ, thầy và thợ. Thầy thì ngồi trong văn phòng, áo quần bảnh bao là cổ trắng (white-collar worker), thợ thuyền làm việc tay chân, lấm lem là cổ xanh (blue-collar worker). Một đất nước muốn phát triển đều cần cả xanh lẫn trắng, tuy vậy nhiều quốc gia hiện nay dư trắng thiếu xanh phải mở cửa cho di dân vào làm thợ.

Ngày nay tiếp cận với nền văn minh, ít có người trẻ chọn nghề theo truyền thống gia đình mà tự chọn nghề cho bản thân mình, hoặc là theo sở thích, hoặc là chọn nghề nào kiếm ra tiền nhiều nhất để đền bù lại thời gian vất vả học hành và món nợ đã vay mượn. Nhiều bạn trẻ chọn nghề theo sở thích nhưng lại thiếu kinh nghiệm và ít có khả năng trong nghề mình yêu thích nên bị thất bại. Chọn nghề theo nhu cầu của thị trường, đôi khi tốt nghiệp thì thị trường đã thay đổi.

Nhiều người chọn nghề căn cứ trên những cuộc trắc nghiệm hướng nghiệp, không chỉ căn cứ trên khả năng, còn trắc nghiệm cả cá tính của bạn. Một người nóng tính, bộc trực không thích hợp với ngành ngoại giao hay nghề dạy học. Có nhiều nghề cần giao tiếp với đám đông quần chúng, dành cho những người lịch thiệp, khôn khéo, tế nhị, nhưng cũng có nghề làm việc riêng rẽ một mình dành cho những người ít nói, thích cô độc. Ở Mỹ ngày nay thanh niên có tinh thần thực dụng hơn, có người thích nghề nhàn nhã, cũng có người thích làm nghề nhiều tiền, cũng có người thích làm nghề để có cơ hội phục vụ xã hội và việc thay đổi từ nghề này sang nghề khác không còn là một chuyện gì phức tạp ghê gớm. Do đó chúng ta thấy có trường hợp tốt nghiệp luật sư nhưng lại đi làm báo hay vào nghề ca nhạc, tốt nghiệp kỹ sư lại mở dịch vụ photocopy, bỏ nghề bác sĩ y khoa để ra điều hành một franchise “hot wing” chuyên bán cánh gà chiên. Nghề gì miễn thấy vui, thoải mái mà không đến nỗi đói rách là được. Những trường hợp tôi vừa kể trên đều xẩy ra trong cộng đồng người Việt, điều đó chứng tỏ các bậc cha mẹ của chúng ta càng ngày càng thấy ép nghề, chọn nghề cho con là những quan niệm đã quá lỗi thời.

Trên đời có nhiều nghề có tiếng tăm oanh liệt những cũng có nhiều nghề chẳng ra nghề, nên nấc thang xã hội và giai cấp thường được đánh giá theo nghề nghiệp. Người ta thường rêu rao đạo lý và tình yêu, nhưng có nhiều nghề suốt đời vẫn phải bị coi rẻ, mặc dầu họ cũng chẳng hề ăn gian, ăn lận, lừa dối hay cướp giật của ai. Dù che giấu lòng kỳ thị đến đâu, thì người đời vẫn xem “cổ trắng” hơn “cổ xanh”, “thầy” hơn “thợ”, ông bác sĩ hơn người phu hốt rác.

Tuy vậy nói về nghề, điều nguy hiểm nhất cho nhân loại vẫn là chuyện bọn người chọn lầm nghề, vì không có khả năng: “Làm thầy thuốc mà lầm thì giết một người, làm thầy địa lý mà lầm thì giết một họ, làm chính trị mà lầm thì giết một nước, làm văn hóa mà lầm thì giết cả một đời.” Việt Nam hiện nay đang có nhiều người ở cấp cao đã chọn lầm nghề cho nên văn hóa suy đồi, nhân tâm ly tán.

Ở cấp thấp thì Bùi Tiến Dũng, một tên đáng lý ra phải làm nghề cá độ thì được cất nhắc làm đến chức tổng giám đốc uy quyền thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải. Vũ Mộc Anh có khả năng làm nghề buôn lậu chợ trời hay qua biên giới lại chọn lầm nghề ngoại giao, làm đến bí thư thứ nhất tại Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Nam Phi. Hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm, tỉnh Hà Giang Sầm Ðức Xương, lẽ ra phải làm nghề ma cô môi giới mãi dâm đưa khách ăn huê hồng ở bến xe, thì lại chọn lầm nghề giáo và được cất nhắc lên làm hiệu trưởng một trường trung học của Xã Hội Chủ Nghĩa. Và tệ hại nhất, ngay tại Saigon, Khổng Như Mai, trường Trung Học Marie Curie, bản chất dâm đãng, lý ra phải chọn nghề bia ôm hay gái làng chơi, nhan sắc có về chiều thì làm nghề Tú Bà, lại được ngành giáo dục cho chọn nghề dạy thể dục, để có thói quen mọi rợ là phạt nam sinh bằng cách bóp chim (có ảnh chụp). Không biết ngược lại, có nam giáo viên thể dục nào phạt nữ học sinh bằng lối ấy không? Nếu có, trong cái xã hội rách bươm, đạo lý suy đồi này, chắc cũng chẳng sao vì biện pháp của cấp lãnh đạo giáo dục chỉ là “yêu cầu ngưng trừng phạt như thế!” Có gì đâu, chuyện nhỏ!

Ðất nước càng ngày càng đi vào tăm tối vì có nhiều kẻ đã chọn lầm nghề.