Vè dân gian vẽ chân dung bác |
Tác Giả: Nguyễn Thái Hoàng | |||
Thứ Hai, 19 Tháng 4 Năm 2010 07:11 | |||
Tiến lên giết hết đồng bào, địa điền cải cách lật nhào không tha Bác mình tên cũ là Ba Hồ là họ mới, hiệu là Chí Minh Sinh ra trong một gia đình Nho nghèo hiếu học, bố Kinh, mẹ Mường Lớn lên gặp buổỉ đau thương Bác liền theo cái tàu buôn nước ngoài Suốt ngày cọ chảo, thái khoai Lau sàn, rửa bát, mệt nhoài... chỉn chu. Ba Lê tuyết lạnh mùa thu Ngồi ôm hòn gạch mà thù thằng Tây Xem ra khó sống nơi này Đầu năm 41 về ngay nước mình Bác liền thành lập Việt Minh Người nhiều súng ít, tình hình khó khăn Ban đầu chỉ có công nhân Về sau thấy lợi nông dân xin vào Tiến lên giết hết đồng bào (1) Địa điền cải cách lật nhào không tha Bác mình tên gọi là Ba... Hồ là họ mới, hiệu là Chí Minh... Bài thơ trên đây khá phổ biến trong giới trí thức cũng như giới bình dân tại Việt Nam vì nôm na dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ đã đành, còn khá ấn tượng, có thể ngồi đọc cả ngày không hết. Từ câu đầu: Bác mình tên cũ là Ba... một lèo đến câu cuối: Địa điền cải cách lật nhào không tha”, lại quay về câu đầu theo kiểu diễn ca, không có điểm cuối, giống như bài ca dao dân gian “Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào, con kiến mà leo cành đào, leo phải cành cụt leo vào leo ra, con kiến mà leo cành đa…”. Chỉ cần bỏ vài nghìn đồng mua tờ báo, đánh giày hoặc ngồi lâu lâu ở vườn hoa Lý Tử Trọng, công viên Lê Nin, trước cửa nhà một nhân vật lãnh đạo, nơi tập trung đông đủ bà con dân oan khiếu kiện, hay kể cả nhà hàng, quán xá sang trọng nào đó là cũng có thể được nghe bài ca dao trên đây... miễn phí. Lần đầu nghe từ miệng một cậu bé chuyên đạp xe bán bánh đa nướng, tôi ngạc nhiên đến sững người, không rõ tác giả dân gian nào đã sáng tác ra để nó sớm trở thành sản phẩm của đại chúng như vậy? Khi tôi đọc lại trong đám bạn hữu, người bảo: - Lại là “của độc” của ông nhà thơ Nguyễn Duy đấy, chả phải ông ấy đã từng viết: “Bác Hồ nằm ở trong lăng. Nhiều hôm bác bỗng nghiến răng giật mình. Rằng giờ chúng nó linh tinh...”, là gì? - Lại còn cả đoạn: “Hỏi rằng tướng Giáp đi đâu? Dạ thưa tướng Giáp lo khâu đặt vòng”, nữa chứ, cứ đọc là lại cười nôn ruột. Có người lại bảo: - Không phải, ông Duy đâu có tính “phản động” như vậy. Cái đoạn cuối dám nhắc đến cải cách địa điền, vạch tội cụ Hồ, bố ai dám nói. Dù 100 % dân Việt Nam đều biết đi chăng nữa, nhưng chỉ nghe Đảng nói láo riết thành quen thôi, chứ ai mà nói ra sự thật... thì cuộc đời bị nhuộm đen ngay, không ngóc đầu lên nổi, có khi phải đi cải tạo với thời hạn cao su, bởi ai lại bẽ mặt xử có án người ta chỉ vì đọc một bài ca truyền miệng dân gian. Cho nên, chỉ có thể hiểu bài thơ này là của nhiều tác giả, đã được “mô đi phê”, thêm thêm, bớt bớt, nhằm làm cho chân dung Bác chúng ta hiện ra rõ nét và thêm tính hài hước, chế diễu mà thôi. Lần thứ hai, ngồi ở quán cóc vỉa hè tôi hỏi cậu bé đánh giày: - Sao cháu biết bài thơ này, cháu nghe ở đâu, có nhầm câu nào không? - Cháu nghe ở nhiều nơi, chủ yếu là ở các quán ăn, nhà hàng nơi có rất nhiều khách xịn. Trong lúc họ ăn, chúng cháu tranh thủ đánh giày, cháu nghe lỏm vài lần rồi thuộc làu. Có điều... - Sao cơ? - Mỗi lần cháu nghe một khác. - Ừ cũng có thể nó bị tam sao thất bản, thế khác như thế nào, cháu còn nhớ không? - Nhớ chứ ạ, như hôm các cô các chú ngồi trong quán bia ở Tăng Bạt Hổ (trước cửa nhà văn hoá Thanh Niên) đọc thơ, cháu nhớ rõ đoạn cuối cùng là: “Tiến lên chiến thắng ào ào. Cho nên ta phải tự hào Bác ta”, chứ có nhắc đến cải cách, địa điền gì đâu? Tôi cười, hỏi lại: - Chứ không phải: “Tiến lên chiến thắng đồng bào. Bắc Nam vỡ mặt... đau nào đau hơn”, à? Nó ghé vào tai tôi thầm thì: - Lần mới rồi cháu còn nghe mấy chú ở Sài Gòn đọc: “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào. Bắc Nam xúm lại... lật nhào Đảng ta...”. Tôi đưa nó một tờ đỏ 10.000 đồng, bảo không phải trả lại, nó cười toét miệng: - Từ hôm cháu thuộc bài thơ này, lúc nào cũng trúng lớn. Có hôm các chú còn cười khà khà xoa đầu khen cháu là “thằng nhỏ phản động” rồi cho cháu hẳn tờ xanh 20.000 nữa cơ - Và nó cúi gập người ngoan ngoãn chào cả hội - Cháu cám ơn các cô, các chú. ... Dù là do nhà thơ truyền miệng dân gian hay của đám dân oan trong lúc ăn chực nằm chờ, màn trời chiếu đất, nhàn cư vi bất thiện làm ra, thì tác phẩm đã rời họ như con thuyền rời bến và trở thành sản phẩm của công chúng. Điều đáng nói ở đây là bức chân dung của Bác thể hiện khá sinh động. Cụ thể câu đầu: Bác mình tên cũ là Ba. Đơn giản vì Bác là anh thứ ba trong nhà, dưới Bác còn một cậu em nữa, nhưng vì mẹ chết, bố đang lang bạt mưu sinh ở xa không về kịp, nên cậu bị khát sữa, đau ốm, suy dinh dưỡng mà phải chuyển sang từ trần. Người miền Bắc gọi con cái theo đúng thứ tự: Cả (con đầu), Hai, Ba, Bốn… Còn ở miền Nam thì gọi người con đầu là (thứ) Hai, sau đó mới đến Ba, Tư,… Người Việt thời xưa kỵ tên tục, sợ mang tiếng xúc phạm, thiếu bặt thiệp, thường lấy thứ tự trong gia đình thay cho tên luôn. Cái Nhất hình như chỉ dành cho bố mẹ. Vì vậy khi may mắn được “theo cái tàu buôn nước ngoài” Bác liền lấy tên Ba để khẳng định vị thế của mình trong nhà. Câu tiếp: Hồ là họ mới, hiệu là Chí Minh. Chứng tỏ tác giả dân gian rất am hiểu về tiểu sử của Bác. Họ cũ của bác là Nguyễn. Nguyễn Sinh Cung (Coong?), Nguyễn Tất Thành, đổi thành họ Hồ do nhiều lý do, cũng nhiều giai thoại. Theo người dân quê Nam Đàn, Nghệ An kể cho nhà sử học Trần Quốc Vượng nghe thì cha của Bác là con rơi của Hồ Sĩ Tạo với cô gái chủ nhà, nơi mình dạy học, mang họ Hà, tên Hy. Vì thế mới có câu: “Cử Hồ đúc cốt, đồ Nguyễn tráng men”. Sau này khi biết rõ thân phận Bác mới lấy lại họ Hồ cho mình, còn Chí Minh theo cách hiểu của người Nghệ (nói lái) là “chính mi”, mi tiếng Nghệ là mày... Nghiã là chính mi là họ Hồ chứ không phải họ Nguyễn. Lúc bấy giờ, vì muốn nhập nhèm đánh lận con đen, nên mẹ của Bác đã mượn cửa nhà Nguyễn Sinh Nhậm già cả goá vợ, nghèo khó mà vào. Giờ họ của mi lại trả về cho mi. Nôm na vậy mà rất thâm thuý. Cái tên Hồ Chí Minh cũng làm người ta gợi nhớ đến một giai đoạn hoạt động cách mạng đầy gian hùng của Bác trước khi kịp cướp chính quyền về tay. Đó là thời gian Bác lang thang bên Tàu. Người ta nói rằng Bác đã chiếm tên Hồ Chí Minh của ông Hồ Học Lãm (một nhà ái quốc lừng danh lưu vong sang Tàu) cùng toàn bộ tổ chức “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” do ông phụ trách. Khi con gái ông Lãm phát hiện ra, làm ầm ĩ trước cửa Phủ Chủ tịch (Hà Nội) vào năm 1946, thì không biết Bác đã sai bảo ra sao mà trên đường bà này về thăm quê ở Thanh Hoá đã bị thủ tiêu bí mật. Cũng như sau này, khi Bác gian díu với cô Nguyễn thị Xuân, có con trai là Nguyễn Tất Trung, nhiều nhân chứng cho hay rằng, biết cô Xuân có ý muốn ra làm vợ công khai, Bác cũng đã cho người thủ tiêu để bảo vệ hình ảnh “Cha Già dân tộc”, không vợ con, gia đình, cả đời chỉ phụng sự cho Tổ quốc. Có lẽ phương thức của đảng cộng sản: Giết một người để triệu người... suy tôn, không sai một chút nào. Hai câu tiếp theo: Sinh ra trong một gia đình Nhà nho hiếu học, bố Kinh, mẹ Mường Thực ra, câu này có lẽ phải sửa từ hiếu học thành thất học thì đúng hơn, vì chỉ có sách báo của Đảng mới ca ngợi Bác chăm chỉ, thông minh, còn ngoài đời ai cũng biết Bác nằm trong diện thường thường bậc trung, “khinh học” như đặc điểm chung của tất cả các tầng lớp lãnh đạo Việt Nam khi đó. Khi cha của Bác được bổ làm quan ở Huế (sau khi đỗ phó bảng 1901), 11 tuổi Bác mới được vào học lớp đồng ấu của trường Pháp-Việt Đông Ba. 17 tuổi tốt nghiệp tiểu học cũng là lúc bố của Bác thà chán sống chứ không chán rượu, nên Tất Thành đương nhiên phải trở thành thất bại, thất thế... Rời khỏi trường quốc học, bao nhiêu chữ nghiã rơi táo tác dọc đường hết cả. Trở về quê nội thì xa hun hút, những cơn đói, lạnh đến run người từ năm nảo năm nào vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí từ suốt thời thơ ấu cho đến khi mẹ ốm và mất (1901) nên Bác đành cắm đầu đi tiếp. Đến Phan Thiết, đói quá phải dừng lại rao bán mớ chữ vừa học cho bọn trẻ con các chủ vựa cá mới phất. 18 tuổi Bác mới mon men vào được cửa trường trung học cơ sở, tương đương lớp 5 ngày nay, vừa kịp đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ, thuộc 4 phép tính nhân, chia, cộng, trừ trong phạm vi cho tới con số 100 thì bị đuổi. Thế thì sao mà gọi là hiếu học? Khen Bác Hồ hiếu học cũng giống như khen Bác vì nước quên thân, vì nhân dân mà không cần vợ vậy! Nhà dân tộc Mường, cũng là nhà sàn nhưng không đẹp bằng nhà sàn của Bác ở Hà Nội Câu này còn thêm một tia sáng soi dọi vào tiểu sử Bác. Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan là người Mường. Một trong bốn dòng họ nổi tiếng của người Mường là Đinh, Quách, Bạch, Hoàng. Đúng là rau nào sâu ấy, bố là con sâu ăn lá dâu của người Mường, nên con cũng là thứ sâu chỉ thích nghiền gái thổ mừ, từ Nông thị Ngát, Nguyễn (Nông?) Thị Xuân và nghe đâu còn rất nhiều “Nông Thị” khác trong suốt giai đoạn hoạt động “Kách Mệnh” từ năm 1941 đến 1954. Vì thế, sau ngày về Thủ Đô lên ngôi, Bác bắt người ta dựng nhà sàn để ở theo kiểu của người Mường, làm toàn bằng gỗ quý, giữa Ba đình lộng lẫy cờ hoa, bao la nắng gió, ngày ngày thượng ngoạn vườn cây, ao cá, hoa tươi, ong bướm đi về, cho Người nguôi nỗi nhớ đất… Mường. (Chứ không phải trồng cây vú sữa để nhớ đồng bào Nam Bộ như báo Đảng vẫn tuyên truyền đâu). Ở Việt Nam hiện nay, “sống và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, không ít nhà tư bản đỏ cũng có mốt sống trong cảnh điền viên với nhà sàn sang trọng trị giá nhiều tỷ bạc ngay giữa nội thành Hà Nội. Dừng lại ở Phan Thiết ít lâu, mục đích tìm cha chưa thực hiện được (do cha uống rượu làm chết người rồi lại tiếp tục đánh người nhưng chưa chết) nên bị chính phủ Đại Pháp bãi chức, lột mũ ô sa, ra khỏi triều đình. Xấu hổ không dám về quê gặp lại người làng, ông liền bỏ đi biệt, mặc đàn con tự do lấm láp, tự lo mặc, tự lo ăn, tự lo lớn như củ khoai củ sắn, con lợn, con gà ngoài vườn. Nghĩa là ngay từ khi ấy ngài phó bảng đã nêu cao khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự... lo, để trở thành một tư tưởng lớn, xuyên suốt “thời đại Hồ Chí Minh” sau này: Không có gì... Thời gian từ lúc Bác oe oe khóc ở cõi trần (1890) đến khi vào Sài Gòn, làm bồi trên tàu buôn của Pháp (1911) chính là “buổi đau thương” mà câu thơ trong bài muốn nói: Lớn lên gặp buổi đau thương Bác liền theo cái tàu buôn nước ngoài Để miêu tả kỹ lưỡng hơn công việc của Bác trên cái tàu buôn nước ngoài, 4 câu sau viết: Suốt ngày cọ chảo, thái khoai Lau sàn, rửa bát, mệt nhoài... chỉn chu Ba Lê tuyết lạnh mùa thu Ngồi ôm hòn gạch mà thù thằng Tây Tiết đoạn này chính “nhà văn bịa vĩ đại” Trần Dân Tiên đã nói rõ trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chủ Tịch. Từ 4 giờ sáng đến tận đêm khuya, suốt ngày Bác bị người ta sai bảo: - Ba lấy nước đi; Ba nhóm bếp đi. Rồi: Ba bỏ thêm than, Ba cọ nồi, v.v... đến mức mệt nhoài mới thôi. Vậy mà, theo Trần Dân Tiên ca ngợi, anh Lê văn Ba khi đó vẫn tranh thủ học thêm ngoại ngữ Anh, Pháp cùng tiếng quốc ngữ để bày cho các bạn bồi tàu đồng nghiệp người Việt cùng học theo. Thật đúng là tấm gương về sự... háo học, cũng giống với sự háo sắc, háo đàn bà, háo tiền tài danh vọng chức quyền của Bác vậy. Kinh thành Ba Lê mùa đông rét mướt, số tiền công ít ỏi đến nỗi Bác phải ở trong những căn phòng trọ rẻ tiền, không lò sưởi, vì thế mỗi sáng đến làm Bác đều để bốn viên gạch trong lò, trước khi về nhà trọ nhấc ra, bọc vào trong báo, cho gạch xuống dưới chiếu để sưởi ấm phòng, ấm người trong đêm dài lạnh lẽo chờ mặt trời cách mạng bừng lên. (2) Thời gian Bác yêu của, ghét người: “Ngồi ôm hòn gạch mà thù thằng Tây” không ngắn như trong bài thơ đã viết, thể hiện ở hai câu: Xem ra khó sống nơi này Đầu năm 41 về ngay nước mình Mà dài hẳn 30 năm từ khi theo cái tàu buôn nước ngoài rồi lênh đênh bốn biển một con tàu, qua Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, làm nghề bồi bàn, quét tuyết, thợ ảnh, thợ làm bánh nướng v.v. Đến năm 1917 Bác qua Liên Xô lần thứ nhất, 1923 lần 2, làm công cho Nga Xô-Viết, hưởng lương của Quốc tế Cộng sản, rồi sang Thái Lan, Hồng Công, Trung Quốc với nhiệm vụ dò xét, nắm bắt tình hình, báo cáo cấp trên, chán chê, mê mỏi mới chịu tìm đường về... phá nước. Sự "phá nước" này của Bác, tức là mang chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, được chứng minh qua lời Khrutshchev (1894-1971), cố bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô: "Người dân Việt Nam đang đổ máu và hiến dâng sinh mạng mình vì lợi ích của phong trào Cộng Sản thế giới”(3). Và bây giờ thì mọi chuyện không còn gì bàn cãi nữa: chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa của tội ác đối với nhân loại, đã bị nghị viện châu Âu (gồm 46 quốc gia, nơi sinh đẻ ra nó) phán quyết với đa số phiếu tuyệt đối tại cuối tháng 01/2006 vừa qua. Bác đặt chân lên địa đầu tổ quốc đầu năm 1941. Một thời gian sau, Mặt trận Việt Minh ra đời và Đội Tuyên truyền Giải phóng quân Việt Nam (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) gồm 34 người được thành lập. Vì thế thơ viết: Bác liền thành lập Việt Minh Người nhiều súng ít, tình hình khó khăn Trong giai đoạn 30 năm này, để nắm quyền lực, Người đã từng làm những chuyện ghê gớm nhất của một nhà chính trị gian hùng và độc ác. Nào đạo tên của nhóm Nguyễn Ái Quốc ở Pháp để hoạt động, bán đứng nhà yêu nước Phan Bội Châu cho Pháp, lấy tiền ăn diện, bao gái, nuôi tổ chức cách mạng non trẻ, bán luôn cả bí mật của Việt Nam Quốc dân Đảng nhằm đẩy họ vào chỗ chết. Bác ra tay “thịt” tất cả những ai có ý qua mặt mình để giải phóng đất nước khỏi ách của thực dân, hòng chiếm vị trí cao nhất là chủ tịch nước, chủ tịch Đảng. Bởi vì đảng là của giai cấp công nhân, với khẩu hiệu công, nông liên minh, nên có câu: Ban đầu chỉ có công nhân Về sau thấy lợi nông dân xin vào Từ con số 34 người sau hơn 4 năm thành lập, đến ngày khởi nghĩa tháng tám, con số đã lên tới cả triệu người trong đó đa phần là nông dân chân đất, mắt toét, đói ăn, đói mặc. Từ chỗ trang bị chỉ vài khẩu súng, chủ yếu vẫn phải dùng mã tấu, cuốc xẻng, gậy gộc... đến chỗ “tiến lên chiến thắng ào ào”, mỗi người được trang bị một khẩu súng. Thậm chí sau khi vào trận 5,10 phút, đội hình chuệch choạc, người chết như ngả rạ, nên mỗi người có đến 3, 4, 5 khẩu liền, không đủ sức vác. Hai câu cuối là cuộc “thủ ti cở cải” long trời lở đất mà bất cứ gia đình Việt Nam nào cũng đều là nạn nhân. Điều này miêu tả sắc nét trong tác phẩm “Thiên đường mù” của nhà văn Dương Thu Hương. Một thiên đường mù loà chỉ có thể đẻ ra những quái thai khát máu đồng bào, đồng chí. Người say thành tích, khát máu đồng bào nhất không ai xa lạ chính là Bác chúng ta. Nhắc lại sự kiện đau thương tang tóc này, nhà văn Vũ Thư Hiên - con trai cả của ông Vũ Đình Huỳnh - khi ấy là thư ký riêng của Hồ Chí Minh, viết trong cuốn “Đêm giữa ban ngày”, đại ý: Sau đi thị sát thực tế trở về, không thể chấp nhận được cảnh những người dân vô tội bị chết oan uổng dưới bàn tay của Bác, không kiêng nể gì nữa, nên vừa đặt chân đến bậc thềm của Phủ Chủ tịch, ông Vũ Đình Huỳnh nóng gáy quát : - Giờ này Bác còn ngồi hút thuốc lá được ư? Bác không thấy các đồng chí cố vấn Trung Quốc anh em đang ra sức tắm máu đồng bào mình à? Không một chút mảy may rung động, xót thương đồng bào, Bác nạt: - Chú Huỳnh, làm chi mà dữ như lửa vậy. Thay vì xuống thực địa khảo sát, chặn đứng hành động tàn ác của các cố vấn anh em lại, Bác dùng nước lạnh để dập tắt lửa trong lòng người thư ký già. Và khi biết không thể dập nổi Bác liền bỏ đi nơi khác, coi như tránh voi chẳng xấu mặt nào, mặc các con voi Trung Quốc tha hồ qươ vòi, dậm chân dẫm nát hàng trăm ngàn số phận dân lành, miễn ghi công Bác trong trang sử oanh liệt vẻ vang của họ là được. (Về sau này, cả ông Vũ Đình Huỳnh và ông Vũ Thư Hiên bị vào tù, ông Hồ cũng không một lời can thiệp, dù biết rằng họ bị oan ức). Cũng vì thái độ trốn tránh của Bác mà trước đó cố vấn Trung Quốc đã quyết định xử tử hình bà Nguyễn Thị Năm (tỉnh Thái Nguyên), một phụ nữ yêu nước nổi tiếng vì nền độc lập của quê hương, đất nước, đã hy sinh quyền lợi của gia đình, hiến vàng, không quản hiểm nguy che dấu, nuôi cơm cán bộ cách mạng và bà cũng là mẹ của hai sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam... Trong lúc lòng dân tứ tán, xao xác, hốt hoảng, Bác vẫn bình chân như vại, coi như việc dâng công, chuộc tội với các đồng chí cố vấn nước bạn là việc cần thiết hơn, đương nhiên, nên chỉ bày tỏ thắc mắc: - Chả lẽ không tìm địa chủ nam giới được hay sao mà ngay từ ngày đầu tiên của chiến dịch đã bắn nữ địa chủ? Hiểu rõ cái tâm cái tình của Bác vốn bao la như biển rộng, trời cao, lo cho nữ đồng chí hơn hẳn các nam đồng chí, cố vấn bảo: Hổ đực hay hổ cái cũng đều là hổ, đều ăn thịt người. Bắn tất. Không cần “cố véo” một lời nào nữa. Bác ung dung trở lại Bắc bộ phủ hút thuốc lá thơm, loại thuốc vốn phải nhập khẩu từ Anh, Pháp đắt gấp 30 lần thuốc "Tam Đảo", "Điện Biên" do các nhà máy lớn trong nước sản xuất. Cuối năm 1957, sau ba năm Cải cách Ruộng Đất, tàn sát nông thôn miền Bắc, ngại ra mặt trước nhân dân, Bác sai tướng Giáp: Chú đi đi, Bác ra không tiện! Thế là tướng Giáp vui vẻ nhận lệnh từ miệng Cha Già giải thích cho bà con, đơn giản như phân bua trò tập trận, bị đánh vờ, chết giả vờ (!), trong khi hàng trăm nghìn người đã chết ai oán, tức tưởi dưới bàn tay những đồ tể trung thành, dốt nát và độc ác của Bác. Bài thơ - nếu có kết thúc như chú bé đánh giày bảo: “Tiến lên chiến thắng ào ào. Cho nên ta phải tự hào Bác ta”, cũng chỉ là một sự giễu cợt, bôi bác, ẩn dưới sự ca ngợi đểu Bác mà thôi. Sở dĩ nó được toàn dân chú ý vì nhà thơ dân gian đã sử dụng một bút pháp nhẹ nhàng pha chút khôi hài, khác hẳn những bài thơ đạo mạo trịnh trọng lên gân lên cốt khác. Của Xê-ra (Cesar) phải trả về cho Xê-ra, hai câu thơ của Tiên Điền Nguyễn Du viết cho chính hậu bối của mình mà nghe nói, trước khi chết ông Hồ Chí Minh đã phải ngậm ngùi thốt lên: Rằng con biết tội đã nhiều Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam Xin trả lại cho Hồ Chí Minh tất cả tội lỗi mà ông ta đã làm cho dân nước hôm nay. Dưới sự chăm lo, dạy dỗ của ông - “Cha Già dân tộc”, đất nước Việt Nam đã bị cấu xé dâng cho ngoại bang, lòng người dân Việt trong cùng một nước mà bị phân ly, chia rẽ, hận thù ngút ngàn, truyền thống đạo đức của nền Văn hiến Đại Việt ngàn đời chỉ trong vòng mấy thập niên mà hoàn toàn bị băng rã, huỷ hoại. Bác có linh thiêng hãy gọi Đảng Cộng sản Việt Nam “quang vinh” tìm đường về với Bác. Lúc ấy tiền đồ đất nước mới có thể từ từ mà hồi sinh trở lại. Và cũng khi ấy, những bài thơ dân gian, biểu thị lòng uất ức và mỉa mai, lấy tiếng cười làm vũ khí trước bạo tàn của dân đen mới thuộc về quá khứ.
|