Văn hóa dựa |
Tác Giả: Việt Hà | |||
Thứ Bảy, 09 Tháng 10 Năm 2010 06:20 | |||
- Cháu tên gì vậy? Thông thường, một đứa trẻ bản xứ khi được ai đó hỏi một câu như vậy, ngay lập tức đứa trẻ đó sẽ không cần phải cân nhắc nhiều, mà nó có thể trả lời một cách tự tin: tên, tuổi và những dữ kiện liên quan tới nó. Nhưng với những đứa trẻ người Việt, nếu được hỏi, phản ứng đầu tiên của chúng là sẽ phải ngước lên để nhìn ông bố, bà mẹ, hoặc người thân lớn tuổi hơn mình đang đi cùng, hoặc đứng bên cạnh, và dĩ nhiên khi được sự trợ giúp, hay nói khác đi: sự đồng ý bất thành văn bản của “bề trên“, lúc ấy đứa trẻ Việt mới dám thỏ thẻ để trả lời câu hỏi của người đối diện vừa nêu ra. Tự do phát biểu là phản nghịch? Ở một góc độ nào đó, với người Việt, hành vi ứng xử trên của đứa trẻ được xem là có khuân phép (có sự giáo dưỡng) và dường như người Việt trong nhiều thế hệ tới nay vẫn xem cách hành xử trên là một khuân mẫu để giáo dưỡng những thế hệ con em của mình trưởng thành. Và đương nhiên những đứa trẻ bỗng nhiên đi ngược lại những khuân phép đó, ngay lập tức chúng sẽ bị đẩy sang hàng: hỗn xược, xách mé, cầm đèn chạy trước ô-tô và thậm chí còn bị liệt vào hàng: vô giáo dục (phản nghịch). Đây chính là một mâu thuẫn lớn khiến cho những thế hệ người Việt lớn lên sau này (cả trong nước lẫn hải ngoại) đã tự tạo cho mình một lối tư duy: Dựa! Nói khác đi đó là lối tư duy một chiều, bởi trong suy tưởng của lớp trẻ này: mọi suy nghĩ, lời nói của mình đều nhất nhất phải được các bậc phụ huynh “duyệt“ qua, lúc đó mình mới được quyền phát biểu. Chưa kể trong quá trình đứa trẻ phát biểu, đôi mắt và đôi tai của chúng vẫn luôn phải ngó trước, nghe sau để “bắt sóng“ kịp thời những “chỉ thị“ của các bậc phụ huynh. Đây cũng chính là nguyên nhân tạo ra sự trì trệ trong tư duy, tầm nhìn, ý tưởng, trong lời ăn tiếng nói lẫn mọi hành động của những đứa trẻ người Việt, từ đó đã vô tình tạo cho thế hệ này một đức tính ỷ lại vào thế hệ trước. Suy tưởng giản đơn của chúng là: Dẫu mình có đúng, có giỏi, có kiệt xuất mười mươi chăng nữa, mình vẫn bị các bậc “bề trên“ nhìn bằng nửa… con ngươi, thôi thì ta cứ vui vẻ chấp nhận phận làm con, làm cháu, để lo chuyện cái… kiến, còn những chuyện to bằng con voi thì hãy để các bậc “bề trên“ lo lắng…v.v. Trở lại trạng thái nêu trên, với người Tây phương, dẫu có bố mẹ, hay ông bà hoặc những người lớn đi bên cạnh, họ sẽ tìm cách giả lảng nhìn đi nơi khác, hoặc họ sẽ có thái độ kích thích tính tự tin của đứa con, rồi để đứa con tự suy nghĩ, và trả lời những vấn đề người đối diện vừa nêu ra. Ở góc độ nhỏ: đây không phải là sự “mang con bỏ chợ“ như những suy tưởng của người Việt, lại càng không phải: kích thích tính tự do, cao ngạo, vô kỷ luật của đứa trẻ. Trái lại hành vi của các bậc phụ huynh nói trên đã kích thích cho đứa trẻ đức tính tự tin, tự lập dám nói, dám làm và dám nhận trách nhiệm về mình. Đây cũng chính là điều mà những đứa trẻ Tây phương khi được hỏi ở bất kỳ nơi đâu, ở phương diện nào chúng cũng đều không cần phải cân nhắc lâu mà có thể trả lời trực diện và rốt ráo mọi vấn đề. Sẽ có người phản biện: Không thể tự do thế được! Vườn nhà ai dậu nhà đó! Ta là ta, Tây là tây! Cứ thả lỏng cho các anh chị phát biểu thì còn gì là bản sắc văn hóa dân tộc nữa, mà chửa biết chừng còn đại loạn đằng khác v.v… Vậy là: các anh, các chị nói gì thì nói nhé, chúng tôi – các bậc phụ huynh rất dân chủ, luôn khuyến khích các anh chị dám tư duy, dám nói, dám làm, nhưng (chữ “nhưng“ của các bậc phụ huynh, của người Việt giống như lưỡi tầm sét của thiên lôi, luôn lăm le nơi cổ những đứa trẻ và sẵn sàng bổ xuống không thương tiếc khi chúng phạm lỗi) các anh chị phải nhớ rằng: các anh, chị có uyên bác tới mười mươi thì kết cục vẫn chỉ là hàng con, hàng cháu, mà áo mặc thì làm sao qua khỏi nổi đầu? Vậy là những đứa trẻ người Việt dẫu muốn vượt ra khỏi cái vòng “kim cô“ ấy là một điều không tưởng. Hành vi duy nhất của chúng là: tự mình “phá rào“ hoặc sẽ cố khiêm nhẫn để làm tròn cái đạo làm con, vậy là đủ. Người Việt dựa vào nhau đến chết? Sai rồi! Đấy không phải là “dựa“, mà nó là thứ văn hóa quần thể, văn hóa cộng đồng, những thứ này chỉ có con cháu “Lạc hồng“ chúng ta mới có, các anh, chị phải biết trân trọng và phát huy cái bản sắc độc đáo mà chỉ dân tộc Việt mới có đó. Để xem nó có phải là một thứ văn hóa độc đáo hay không, ta thử làm phép qui chiếu cụ thể. Những đứa trẻ bản xứ, thông thường khi đến tuổi 18, lập tức chúng sẽ tự tìm, hoặc có đủ khả năng để tìm cho mình một hướng đi, một công việc, một nơi sống tương đối ổn định, và dĩ nhiên nó không cần nhiều đến sự chi phối và trợ giúp của các bậc phụ huynh. Khi nhìn vào những đối tượng cụ thể đó, người Việt ta sẽ chép miệng bảo: Cái thằng, cái con bé ấy sao nó ngu, nó dốt, nó dở hơi thế không biết. Bố mẹ (ông, bà) nó nhà cao cửa rộng như thế nó không ở, lại đùng đùng tự mình đi thuê nhà, rồi xin việc để đi làm… nói chung lại: tự mình chuốc khổ vào thân! Thực tế không phải vậy. Một đứa trẻ bản xứ, khi đến tuổi 18 (tuổi trưởng thành) mà chưa làm được điều đó, có thể gọi: đứa trẻ đó đã tương đối thất bại, và đa phần những đứa trẻ này đều rơi vào trường hợp học lực quá kém cỏi, hay rong chơi lêu lổng, bằng không, đến lứa tuổi này, chúng đều có sự định hình rõ rệt cho một cuộc sống riêng tư. Với người Việt ta hoàn toàn khác. Trong gia đình này, hiểu xa và rộng hơn: trong xã hội này không có gì là riêng tư, là thuộc về cá nhân riêng anh, chị cả. Do vậy, các anh, chị muốn làm giời, làm bể gì cũng đừng mong thoát ra sự kiềm tỏa của chúng tôi. Chẳng biết có phải vậy không mà những đứa trẻ Việt đã có sẵn một tiềm thức: cứ dựa vào ông bà “bô“ mà sống. Người bạn tôi về phép, sang thăm một nhà hàng xóm. Anh kể, lúc anh đi học nước ngoài, ông hàng xóm còn khỏe, và còn làm nghề lái xe tải đường dài. Nhà có 6 mạng con, vợ ông mắc bệnh rồi chết sớm, bầy con một tay ông cáng đáng hết cả… Rồi sau hơn hai chục năm, người bạn tôi quay trở về thăm gia đình, và qua thăm luôn người hàng xóm sát vách. Ông hàng xóm năm xưa nay đã trở thành ông già hơn 80 chục tuổi, râu tóc bạc phơ như ông bụt… suy dinh dưỡng. Nhìn thấy anh, ông hàng xóm già run run chìa tay ra bắt. - Ngồi đi cháu! Ông hàng xóm mời người bạn, giọng ái ngại – Cháu thông cảm và đừng chê bác nghèo nhé. Nhà bác quả thật không có trà để mời cháu uống đâu. Sợ người hàng xóm khó xử, người bạn tôi vội đỡ lời: Bác đừng pha nước làm gì. Cháu qua thăm sức khỏe bác thôi. Anh bạn tôi nhìn ông già hàng xóm, rồi ái ngại hỏi: Giờ bác sống thế nào? Ông già hàng xóm nhìn xa xăm, cười buồn đáp: - Cháu nhìn thấy rồi đấy. Nhà bác lúc cháu đi vẫn thế này, giờ hơn hai chục năm sau cháu trở lại vẫn thế và xơ xác đi nhiều. Các anh chị, con bác cũng đều có gia đình và con cái cả, nhưng đứa nào đứa nấy cũng đông con, và đều vô công, rỗi nghề cả. Còn thằng út, bằng tuổi cháu, nó cũng có vợ và hai đứa con nhưng cả đám vẫn phải dựa vào ông già hơn 80 tuổi này để sống cả. Bạn tôi bảo: có lẽ lâu lắm ông già không có người để tâm sự, thành thử, khi được hỏi, ông kể một mạch, hệt như sợ không còn cơ hội để bộc bạch nữa. - Gia cảnh của bác buồn và nghèo lắm cháu ơi. Mà chẳng riêng gì bác – ông già hàng xóm cười mai mỉa – cả cái phố này được cái ai cũng đều nghèo vĩ đại như bác cả cháu ạ. Xã hội mình người nghèo còn nhiều lắm cháu ơi. Gia đình bác cháu biết rồi đấy. Các anh chị lớn chẳng đứa nào học hành ra hồn cả. Đến khi lập gia đình, rồi sinh con, đẻ cái, đứa nào đứa nấy cũng 3-4 đứa con, nhưng cuộc sống của chúng nó cũng nghèo vĩ đại như bác. Thi thoảng túng thiếu, tụi nó lại sai con đến ăn vạ ông già này. Thương con, sót cháu, nên nhiều khi lại phải rút ruột để đong cho tụi nó vài ba yến gạo. Nhiều đận đám cháu nó đến ăn vạ, lại kẹt lúc bác chưa có lương, vậy là đành để tụi nó về tay không. Nhìn gương mặt thất thểu của tụi nó mà bác đứt từng khúc ruột. Ấy vậy mà bố mẹ chúng nó không hiểu, lại còn đến đây để trách mắng ông già này là bất nhân, thấy con, cháu chết đói mà không ra tay cứu giúp. Bực quá rồi bác lớn tiếng mắng mỏ tụi nó là đứa nào cũng có gia đình riêng, có con cái cả, sao không có gắng mà học hành, rồi kiếm công việc mà kiếm tiền nuôi con, lại cứ đến ăn vạ ông già này? Bác mắng chỉ có vậy mà tụi nó sấn sổ mắng nhiếc, rồi đổ lỗi cho bác là ông bố vô tích sự, nên mới để đám con cháu phải sống trong nghèo khổ như vậy. Đời có nhiều cái khổ, chẳng có cái khổ nào bác chưa trải qua cả, nhưng cái khổ và nhục nhất của cuộc đời bác là đám con mình sinh ra lại quay lại chửi mình là thứ đồ vô tích sự. Vậy là từ ngày ấy bác đã cai luôn cả nước trà cháu ạ. Có lẽ nói chả ai tin, vì ấm trà có đáng là bao, nhưng bớt đi một vài ấm trà, bác cũng có thêm vài ba ngàn cho đám cháu. Cháu thấy có nực cười không? Ở đời chỉ có cai rượu, cai bạch phiến, cai cờ bạc, cai truyện trai gái… chứ có ai phải cai cả uống trà như bác? Ấy vậy mà bác cũng phải ngậm ngùi để chia tay nó đấy cháu ạ. Riêng thằng út, nó bằng tuổi cháu, nhưng chẳng được cái tích sự gì. Còn đi học thì hai năm một lớp. Lúc cháu tốt nghiệp cấp 3 thì nó mới xin nổi cái bằng bổ túc cấp 2. Bạn bè cùng lứa nó, chúng nó cũng nghèo túng nhưng không đến nỗi mạt vận như thằng út nhà bác. Cháu xem, nó gần 40 tuổi mới cưới nổi vợ. Bạn bè nó cũng mối lái cả bao năm trời, nhưng nhìn gia cảnh, lại thêm cái bằng xoá nạn mù chữ của nó thì cô nào cũng chạy làng cả. Vợ nó bây giờ cũng người nông thôn, gia cảnh cũng nghèo vĩ đại như nhà bác. Chắc nó ngỡ cưới được anh chàng con nhà tỉnh sẽ được nhờ vả, nhưng cưới nhau rồi thì rốt cuộc cũng chẳng ai nhờ vả nổi ai, mà tất cả là nhờ vào ông già hơn 80 tuổi này gánh vác cả. Cũng may bác có ngót triệu đồng tiền lương, vừa hưu vừa thương tật, ấy vậy mà cũng phải chia năm, xẻ bảy để giúp đỡ con cháu. Riêng vợ chồng thằng út nhà bác, lấy nhau chừng vài tháng thì sòn sòn mỗi năm một đứa. Việc làm thì chẳng có, hai vợ chồng nó trông vào gánh rau bán rong và mẹt trứng vịt lộn ngay đầu phố. Ấy vậy mà lắm hôm cũng bị cánh công an và đám trật tự viên hết dỡ lều, lại tới tịch thu cả mẹt hàng. Vậy là hôm nào “móm“ ông già hơn 80 tuổi này lại phải lo chuyện cơm nước cho 4 miệng chúng nó. Chẳng biết ông già này còn lo được cho tụi nó bao lâu, nhưng ở nước mình nó khổ thế đấy cháu ạ. Bố mẹ nghèo thì con khó, bố mẹ có thì con sang. Nhưng bác ngẫm lại, dân nhà mình dẫu bố mẹ nghèo hay giàu có đám con cháu cũng đều như nhau cả. Nó như là một món nợ đồng lần cháu ạ. Hễ mình đẻ ra nó thì mình phải lo lắng cho nó tới khi mình chết thẳng cẳng thì may ra tụi nó mới chịu buông tha, bằng không nó còn quay lại mắng chửi mình là đồ vô trách nhiệm. Đời ngẫm mà cay làm sao… Ông già hàng xóm hai mắt chợt ướt mèm, khẽ đưa tay, day day lên hai sống mũi, khụt khịt nói. – Ấy vậy nhưng bác cứ mong được sống mãi thế này để cho chúng nó tiếp tục dựa dẫm. Người Việt mình là thế, sống dựa đằng sống, chết dựa đằng chết. Người nọ dựa người kia để tồn tại. Nó là một phản ứng dây truyền giống như loài tầm gửi cháu ạ. Hễ cây này ngã, tất nó chạy qua dựa vào cây khác để sống. Các ông ấy cứ ngợi ca thế hệ trẻ bây giờ thế này, thế nọ, nhưng bác cứ ngẫm thế hệ này rồi cũng chẳng làm được cái tích sự gì ngoài chuyện dựa dẫm rồi cùng phá hoại. Cứ xem đám cháu mới lớn nó nói chuyện thì bác hiểu. Với chúng nó quan trọng nhất bây giờ là tiền. Đứa nào có chút học vấn thì lo lót, chạy chọt, rồi leo lên chức này, chức nọ để có chút bổng lộc, công danh, rồi xả láng tiêu phá tiền “chùa“. Những đứa học hành làng nhàng thì không mánh mung cũng làm chuyện phi pháp để sống. Còn những đứa vô dụng như đám con nhà bác, ngoài chức năng xử dụng cơ bắp để kiếm tiền chúng cũng chẳng còn khả năng gì hơn để cống hiến cho xã hội. Vậy là gần một thế kỷ trôi qua bác vẫn chỉ được chứng kiến một đám con cháu bầy nhầy, bạc nhược, chỉ thích vơ vét, chích hút, tiêu pha, đổ thừa, phá hoại hoặc dựa dẫm vào người khác để sống. Cứ như thế, cháu bảo làm gì nước mình không nghèo vĩ đại hả cháu?… Bạn tôi bảo: dân ở nhà bây giờ họ không dùng hai từ “vĩ đại“ để ca ngợi lãnh tụ như thuở xưa, mà hai chữ “vĩ đại“ được họ dùng để ca ngợi cái nghèo, hèn đến cùng cực của chính mình và xã hội.
|