Tính giấu dốt và sĩ hão của người Việt |
Tác Giả: Đỗ Trường | |||
Thứ Bảy, 30 Tháng 10 Năm 2010 08:22 | |||
Người Việt giấu dốt? Đây là câu chuyện thật một trăm phần trăm, xảy ra đã gần 30 năm về trước. Có chị nguyên là đội trưởng, kiêm phiên dịch cho một đội lao động ở Đức quốc, dẫn nữ công nhân của mình đến bác sỹ khám bệnh. Ông bác sỹ nói người nữ bệnh nhân giơ cao tay lên, không biết chị đội trưởng kiêm phiên dịch có hiểu hay không? Lại bảo nữ công nhân của mình, tụt quần ra. Tất nhiên chị công nhân cởi trần như nhộng theo lời người phiên dịch, làm cho ông bác sỹ nổi cáu, chị ngượng tím cả mặt. Chuyện này xảy ra trong phòng khám kín, chỉ có ông bác sỹ, người phiên dịch và người nữ công nhân biết và sau này nó trở thành đề tài vui đàm tếu của công nhân người Việt. Lại có chuyện mới đây thôi, trong chương trình truyền hình trực tiếp liên hoan phim ảnh quốc tế tại Việt nam, ông dẫn chương trình Lại Văn Sâm chẳng biết có được giao nhiệm vụ, thông dịch cho khách nước ngoài khi phát biểu hay không? Mà ông ta dịch bậy dịch bạ, người nói một đường ông dịch một nẻo, làm cho những người xem truyền hình đỏ mặt tía tai tức giận vì xúc phạm, bị coi thường. Truyền hình là bộ mặt, tiếng nói của một quốc gia, ấy vậy cái ông Lại Văn Sâm coi như trò đùa. Nghe nói ông Lại Văn Sâm cũng là schef của nhà đài, qủa thật có những lãnh đạo vừa dốt lại sĩ hão như vậy, đất nước Việt Nam không khá lên được là phải. Viết đến đây, ông bạn nguyên giảng viên trường đảng ở Hà Nội, năm 1986 không biết vì đói quá hay vì vấn đề gì, chuồn sang Đức đầu quân vào đám thợ cầy thuê, hiện đang hành nghề xóc chảo, ghé mắt đọc, cười khẩy: - Mấy chuyện của ông còn nhỏ như con thỏ nhé, đến tổng thống Mỹ đọc điễn văn họ còn dám dịch khác đi nữa là… - Bản chất hai sự việc hoàn toàn khác nhau. Vì dốt, nhưng lại mắc chứng sĩ hão nên dẫn đến hậu quả đài truyền hình Việt Nam chỉ còn nước lấy mo úp vào mặt, xấu hổ và thối lắm.. Còn bài diễn văn Tổng thống Mỹ, họ chủ tâm dịch sai vì một động cơ nào đó, không thể nhập chung. Tôi cự lại như vậy, nhưng ông bạn vẫn lý luận: - Thì bản chất khác nhau, nhưng kết quả chẳng phải là sự lừa dối coi thường người đọc, người xem là gì. - Ông không đọc tựa đề bài viết của tôi sao? Tôi chỉ bàn về sự dốt và sỹ hão thôi. Còn vấn đề ông nói là chuyện chính trị, chính em tôi không bàn ở đây. Ông bạn tự nhiên sửng cồ, chỉ vào mặt tôi văng tục: - Mang tiếng ông là người văn hay chữ tốt nhưng đ. hiểu gì cả, cũng chính từ cái ông nói không bàn tới, nó mới là cơ nguyên đẻ ra những kẻ dốt, sĩ hão như bà đội trưởng, ông Lại Văn Sâm của đài truyền hình VN. Thôi.. thôi hiểu nửa vời như ông vứt mẹ nó bút đi, nghỉ ngơi lấy sức ngày mai xóc chảo tốt hơn… Tôi nghệt mặt nghe ông cựu giảng viên trường đảng giảng giải một thôi một hồi, không cãi lại được câu nào. Thật vậy, không biết chỉ số IQ của người Việt ta có cao như ông lãnh đạo, kiêm đại biểu quốc hội tỉnh Hà Nam nói hay không, mà tôi thấy người Việt toàn làm những chuyện trái khoáy. Nói như các cụ nhà ta là chưa nặn bụt đã nặn… chim. Không nói ai cũng thừa biết Việt Nam là một nước nghèo, lụt lội phá tan các tỉnh miền trung, vùng núi phía bắc nước lũ dội về thường xuyên, người chết nhiều hơn thời chiến. Trẻ em nông thôn miền núi phải bơi, hoặc đu dây qua sông để đến trường. Ông đại biểu quốc hội này, kêu gọi xây dựng đường tầu cao tốc trên cơ sở hạ tầng đánh đu như vậy, dưới trình độ điều hành, quản lý không phân biệt được thế nào là tầu điện với tầu cao tốc của ông. Không biết còn có nước nào nghèo như Việt nam mà dám đi vay tiền, để tổ chức những lễ hội phô trương, vô cùng tốn kém như ở ta? Tôi không thấy những nước giầu có như Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật dám tổ chức những lễ hội lãng phí như vậy. Phải chăng họ biết xót, hay họ sợ đụng chạm đến đồng tiền đóng thuế của dân?. Có lẽ chúng ta đã, đang, sẽ bội thực với những đại lễ hội lớn, nhỏ, đình đám quanh năm và chúng ta cũng loạn những danh hiệu hoa hậu, ứ hậu đang rầm rộ ở mọi nơi, mọi ngành, mọi cấp. Ông bạn cựu giảng viên trường đảng bảo: - Đó là những liều doping đang ru chúng ta ngủ đấy. Không biết đúng sai thế nào?. Nhưng, khi tôi nghe thấy tiếng trống đồng đại lễ ngàn năm Thăng long vang vọng, dường như văng vẳng đâu đây tiếng kêu ai oán của những linh hồn của đồng bào miền trung còn nằm dưới dòng nước lạnh vọng về. Tôi có ông bạn cựu sinh viên ở Ba Lan, sau sang Đức xin tị nạn, nên còn có nhiều tình cảm với đất nước và con người Ba Lan. Hôm nghe tin ông tổng thống Ba Lan rớt máy bay tử nạn, anh xụt xùi khóc. Hì hục cả đêm, anh viết được bài văn tế dài lắm, tôi nhớ mang máng có đoạn như thế này: “…. Hỡi tổng thống ơi! Ông liều lĩnh, dại dột, biết là nguy hiểm mà sao ông vẫn bay cùng chiếc TU già nua cũ kỹ như vậy. Ngày thường ông thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu, nhưng ông vẫn hào phóng giúp đỡ các nước khó khăn hơn đất nước ông trong đó có Việt Nam quê hương tôi. Trong khi lãnh đạo các nước được ông giúp đỡ, họ vẫn cỡi trên những chiếc Boeing sang trọng an toàn gấp hàng trăm, hàng ngàn lần chiếc máy bay của chính phủ ông? .. Đến hôm nay tôi cũng không hiểu được tại sao và tại sao….lại như vậy. Chỉ biết rằng thương ông quá Tổng thống ơi!..“ Cách nay đã lâu, có ông ca sỹ điên khùng tạc tượng mình trước cửa nhà, sau đó vung vít công bố trước báo chí, bàn dân thiên hạ sẽ cho đấu giá ngôi nhà mình, lấy tiền làm từ thiện. Nhưng gần chục năm sau lời tuyên bố, vẫn thấy ông ở ngôi nhà đó, tịnh không thấy ông nhắc lại lời hứa xưa. Khi báo chí hỏi, ông đều đánh trống lảng. Mọi người xung quanh thở dài: - Lại gặp một ông sĩ hão nữa. Nói đến chuyện tạc tượng, tôi lại thấy mấy ngày nay báo chí trong nước đăng tin có ông nào đó ở Bình dương, dựng tượng giáo sư Ngô Bảo Châu ở trong quán hay trong nhà mình?. Đành rằng đó là ý thích cá nhân của ông ta. Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ kỹ có nên làm như vậy không?. Ông Ngô Bảo Châu bảo: - “Chẳng cái khổ nào giống nhau“. Nghe đâu chính phủ lại tặng căn hộ cao cấp cho ông Ngô Bảo Châu và gia đình để một năm ông về nghỉ ngơi làm việc hai tháng ở Việt Nam. Việc này cũng giống như ông nhà giầu nọ, đánh tiếng tặng nhà cho giáo sư Châu nhằm đánh bóng tên tuổi mình mà thôi. Ai cũng biết một cánh én không làm nên một mùa xuân. Một mình ông Ngô Bảo Châu không vực cả một nền toán học Viêt Nam bay lên được. Mà nó cần cả một hệ thống chính sách lâu dài, đúng đắn, chứ không phải biến một cá nhân giáo sư Ngô Bảo Châu thành những điển hình, phong trào tiên tiến như những cô Ba dũng sỹ quê ở Trà vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái bình. Hơn nữa giáo sư Châu ăn lương của Mỹ, công việc cũng vắt kiệt sức lực, trí tuệ ông. Hai tháng hè cũng là lúc ông nghỉ xả hơi, nạp thêm năng lượng mới mà thôi. Gíao sư Châu cũng là con người bình thường như những người khác, ngoài toán học ra ông có những mặt không bằng người khác, chứ ông cũng chẳng phải là thánh nhân. Xin chúng ta cũng đừng tung hô, kỳ vọng một cách quá đà, khiến người được khen cũng thấy ngượng ngùng. Nói thật, giáo sư Châu không nhận nhà, và những ưu đãi đặt biệt của nhà nước, hai tháng làm việc ở Việt Nam còn có hiệu quả. Nếu nhận những ưu đãi này, xin bảo đảm ông làm việc không hiệu quả bên các cộng sự người Việt lương lậu thấp, lại phải ở trong những khu nhà ổ chuột. Lý do tại sao chỉ có các nhà quản lý, hoặc tâm lý học Viêt Nam mới giải thích được. Đã là tính cách dường như ít khi thay đổi được, dù chúng ta sống ở các nước Âu, Mỹ đã rất lâu. Mấy năm nay các hội, đoàn thể, báo chí ở vùng Đông Âu mọc lên như nấm. Nào hội phụ nữ, thanh niên, cựu quân nhân, hội đồng hương, các tỉnh thành v..vv. Có thành phố không biết lý do gì có đến hai hội đồng hương Hà Nội. Một mang tên Hà Nội, một mang tên hội người Tràng an. Không hiểu sao các bác lại lấy tên Tràng an đặt tên cho người Hà Nội. Về mặt lịch sử Hà Nội chưa bao giờ có tên Tràng an. Hà Nội còn nhiều tên hay, đẹp khác sao các bác không dùng. E rằng nhiều người tưởng hội các bác là của Trung quốc đấy. Ngoài báo giấy ra, báo mạng của các đoàn thể, hoặc một nhóm chung tay cùng làm, đông vui và xôm tụ. Qủa thật tôi không hiểu tại sao, một số báo từ ngày ra đời đến nay, tòan copy bài của các báo trong nước, hoặc các báo khác, chứ không thấy các bác biên tập được bài viết nào. Thế mà trên trang nhất báo copy, hoặc họp mặt các hội đoàn, thấy các bác treo lủng lẳng chức danh tổng biên tập trước ngực oai phong lắm. Họa hoằn lắm các bác cũng biên tập được một vài bài chưa phải là thơ, nói như một số bạn, đó là những bài vè, cổ động, lên gân, và dường như có hình hài của bác Tô huy Rứa ở trong đó. Đây là một trong những ví dụ đó: “ ….Anh đưa em qua…đại lộ Thăng long Tượng đài Bác Hồ-Bác Tôn, Thánh gióng Bao công trình hoành tráng mới xây xong Tôn vẻ đẹp ngàn năm văn hiến…“ Còn có báo cho in hẳn hai thẻ nhà báo của hai bác tổng biên tập và phó tổng biên tập do hội ngành nghề bang SachSen, Đức cấp. Không biết các bác cho lên mạng nhằm mục đích gì hoặc hù, dọa ai, trong khi báo của các bác copy tòan bộ tin tức các báo trong nước. Thành ra chức danh tổng biên tập của các bác nên chữa thành –Tổng Copy- đúng hơn. Có anh bạn chuyên hành nghề bán hàng rong nhìn thấy thẻ hành nghề của hai bác trên cười bảo: - Thẻ báo chí của hai ông này có khác gì cái giấy phép bán rong của tôi đâu (Reisegewerbekater ). Ai muốn hành nghề báo chí, và đóng tiền vào hội họ sẽ cấp thôi. Ngẫm nghĩ thấy cái tính giấu dốt, sĩ hão còn luẩn quẩn mãi trong cái tôi của mỗi chúng ta. Những chức “ hữu danh vô thực“ kia, như vòng kim cô thoát ra khỏi nó quả thật không dễ dàng chút nào. Bài viết bàn vui về tính cách của người Việt ta, cũng có thể một vài chi tiết vô tình đụng chạm đến một vài bác, làm các bác không vui, xin các bác lượng thứ. Các bác làm báo, chắc hiểu rõ, bài viết có những ví dụ cụ thể chắc chắn sẽ sinh động và vui hơn, có phải thế không các bác?.
|