Người Việt lạc quan |
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc | |||
Thứ Bảy, 15 Tháng 1 Năm 2011 21:26 | |||
Hơn 70% người Việt Nam đều cho là họ đầy lạc quan về nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2011.
Người Việt lạc quan? Hình Reuters. Báo chí trong nước mấy ngày đầu năm 2011 loan tin khá nhiều về kết quả cuộc thăm dò của Viện BVA của Pháp và Viện Gallup của Mỹ về mức độ lạc quan trước tương lai của dân chúng tại 53 quốc gia trên thế giới. Tổng cộng có 64.000 người tham dự. Riêng tại Việt Nam có 1000 người tham dự. Đặc biệt, hơn 70% người Việt Nam đều cho là họ đầy lạc quan về nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2011. Đây là tỉ lệ cao nhất trong tất cả các nước. Chính vì thế, hầu hết các bản tin đều mang nhan đề: Người Việt Nam lạc quan nhất thế giới. Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên người Việt Nam đoạt được danh hiệu này. Nhớ, vào đầu năm 2007, kết quả một cuộc thăm dò tương tự cũng đã được công bố trên báo chí: 94% người Việt Nam được hỏi đều lạc quan về tình hình kinh tế trong năm mới so với nơi đứng hạng hai là Hồng Kông chỉ có 74%; kế đến là Trung Quốc với 73%; còn tỉ lệ lạc quan trung bình của các nước thì chỉ dừng ở mức 43%. Theo cuộc thăm dò được công bố vào đầu năm 2011 này, tỉ lệ những người lạc quan ở Trung Quốc bị rớt xuống, chỉ còn 49%, trong khi tỉ lệ trung bình của các nước thì xuống rất thấp, đến mức 30%. So với tỉ lệ chung của hai lần thăm dò ấy, người Việt không những lạc quan mà còn lạc quan với một mức độ rất đáng kinh ngạc. Chúng ta lạc quan hơn hẳn người dân ở các nước giàu có, phát triển và ổn định nhất trên thế giới. Hơn người Mỹ và người Canada (chỉ có 25% lạc quan). Cũng hơn hẳn người dân ở các nước châu Âu (tỉ lệ người bi quan về kinh tế trong năm 2011 ở Pháp là 61%, ở Anh là 52%, Tây Ban Nha là 48% và Ý là 41%). Sự lạc quan một cách đặc biệt như vậy nói lên điều gì? Trước khi trả lời câu hỏi ấy, chúng ta nên biết những nước được xếp vào loại lạc quan nhất trong các cuộc thăm dò này đều là các nước thuộc châu Á, châu Mỹ Latin và châu Phi, nghĩa là những vùng thuộc loại nghèo khó nhất trên thế giới. Khi tường thuật kết quả cuộc thăm dò, phần lớn báo chí đều nhấn mạnh: Ngay cả dân Nigeria và Afghanistan cũng lạc quan hơn cả dân Mỹ. Với Afghanistan thì, tuy dưới mắt mọi người trên thế giới, đất nước ấy đầy những bất hạnh, bất hạnh đến từ họa độc tài rồi chiến tranh, và cùng với cả hai, nạn tham nhũng tràn lan ở mọi cấp, nhưng dân chúng vẫn thấy lạc quan. Còn ở Nigeria thì báo Le Parisien nhận xét: “Bất chấp đảo chính, tham nhũng và đói nghèo thì người dân Nigeria vẫn tin tưởng về tương lai tươi sáng của đất nước họ”. Tại sao có hiện tượng lạ lùng như thế? Lý do đầu tiên có lẽ khá đơn giản: về tâm lý, người ta không thể sống mãi với đau khổ và tuyệt vọng. Nhớ, ngày xưa, Nguyễn Du có câu thơ: “Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng” (người đến bước đường cùng không thể có mộng đẹp được). Nói thì nói vậy, nhưng dù không có mộng đẹp đi nữa, người ta cũng phải bám víu vào một cái gì đó để tồn tại. Chỗ bám víu dễ dàng và tuyệt đối không tốn kém gì cả là hy vọng, cái niềm hy vọng được diễn tả bằng những thành ngữ hay tục ngữ đơn sơ như “hết mưa lại nắng”, “hết tối lại sáng”, “khổ cực cam lai” hay “bỉ cực thái lai”, v.v… Có điều, trong thế cùng khổ, người ta thường chọn cho mình một tầm nghĩ thật ngắn: Chỉ so sánh với ngày hôm qua. Hôm qua, mình ăn cơm độn; hôm nay được ăn cơm trắng, dù chỉ với nước mắm: Mừng! Hôm qua, mình đi xe đạp; hôm nay được lái xe gắn máy, dù ra ngoài đường lúc nào cũng bị kẹt xe và lúc nào cũng đối diện với nguy cơ bị tai nạn: Mừng! Hôm qua, đi đâu cũng phải xin giấy phép, hết giấy phép tạm vắng đến giấy phép tạm trú; hôm nay, muốn đi đâu thì đi, dù là những cái đi đầy rủi ro và bất trắc: Mừng! Với tầm nghĩ ngắn như thế, người ta mất khả năng so sánh với người khác. Người dân Nigeria quên hẳn là cách đây ba mươi mấy năm, họ là một trong những quốc gia thuộc loại thịnh vượng, giàu có và phát triển hơn hẳn Singapore và Malaysia; bây giờ họ lại nằm trong số những nước nghèo khó nhất trên thế giới. Người Việt Nam cũng thế. Sự so sánh của họ chỉ mang tính lịch đại, tự so sánh mình với chính mình, trước và sau đổi mới cũng như năm trước và năm sau. Hiếm người chịu nhìn sang các nước khác, chung quanh, ngay trong khu vực, để thấy Việt Nam bị hầu hết các nước khác qua mặt. Qua rất xa. Có khi vài ba chục năm là ít. Trương Duy Nhất, trong bài “Người Việt lạc quan: có nên vui không?”, ghi nhận: “Mấy Tết rồi (và Tết này chắc cũng vậy) tôi về quê thấy nhiều nhà tiếp bia, thậm chí bia lon, 333 hẳn hoi, không còn rượu gạo nút chuối như trước. Mừng. Bảo đó là sự thay chuyển lớn cũng đúng. Nhưng đó mới là ta nhìn với ta, nhìn so với cái bóng của chính mình. Trong chừng đó thời gian, mình bước (hơn mình) được mươi thước, nhưng người khác họ đã bay tới…cung trăng! Vì thế, so là so với thiên hạ, chứ không phải nhìn so với chính cái bóng của mình.” Rồi ông nhận xét: “[T]rong khi báo chí tỏ ra hồ hởi trước kết quả về chỉ số niềm tin “nhất thế giới” của người Việt, tôi lại nhìn đó là một nỗi lo. Nỗi lo về cái bản tính tiếp nhận các hiện tượng, sự thể và cuộc sống một cách rất dễ dãi theo cảm tính, hiếm khi biết lật ngược lại vấn đề, dễ chấp nhận dễ hòa nhập, dễ bằng lòng với thực tại mà ít đòi hỏi quyết liệt cho những thay chuyển lớn.” Cách đây gần hai năm, trong bài “Người Việt vô tư và lạc quan vì tư duy bằng…bụng?”, Nguyễn Ngọc Lanh giải thích thái độ lạc quan của người Việt Nam bằng một nguyên nhân xã hội: thiếu thông tin. Ông viết: “Một người mắc trọng bệnh vẫn có thể lạc quan nếu thầy thuốc và gia đình giấu bớt thông tin. [...] Một người gửi tiền vẫn lạc quan, nếu ngân hàng sắp vỡ nợ biết cách che giấu thông tin. Những đứa con của một gia đình đang lâm vào khốn quẫn vẫn có thể cứ vô tư và lạc quan nếu cha mẹ chúng cố ý giấu giếm chúng những thông tin nào đó. “Liệu có thiếu ví dụ? Câu hỏi là liệu những người trả lời cuộc điều tra có thiếu thông tin để dẫn đến thái độ ‘vô tư và lạc quan’, như kết quả điều tra đã công bố?” Tôi nghĩ, ngoài lý do tâm lý và xã hội nêu trên, chúng ta còn có thể giải thích thái độ lạc quan hơi có phần quá đáng của người Việt Nam được thể hiện trong hai cuộc thăm dò vào hai năm 2007 và 2010 vừa qua, bằng một nguyên nhân khác nữa: văn hóa. Nhưng bàn về văn hóa thì nhiều chuyện quá. Thôi, để dịp khác.
|