Kén Chồng |
Tác Giả: Bích Hà | |||
Thứ Tư, 23 Tháng 2 Năm 2011 11:50 | |||
Đàn ông năm bảy lá gan Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người Ca dao mẹ đã dạy như vậy, nên tôi thường nhìn đàn ông với đôi mắt rất ngờ vực. Thực ra mẹ tôi chẳng phải dạy gì nhiều, cứ xem cái cảnh mẹ suốt đời bị đè đầu cưỡi cổ bởi đức lang quân xem chuyện chồng chúa vợ tôi, như thiên đàng tuyệt vời của hạnh phúc lứa đôi, nên cứ mặc ông đi ngang về tắt, bạc bẽo phụ tình lắm phen, mà mẹ cứ một mực nhẫn nhục nín chịu, thực hiện nghiêm chỉnh câu: "Tam tùng tứ đức, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" cho đúng qui củ mà Đức Khổng phu tử đã truyền dạy cho thế hệ của bà; rõ làm tôi ngán ngẩm phát chán, quyết tâm mơ mộng ao ước, sao cho lấy được một ông chồng nể vợ chìu chuộng và cưng tôi như trứng mỏng, lại: Biết rửa bát quét nhà (nói thế cho đúng với ý của câu ca dao, chớ bây giờ, nhiều nhà có máy rửa bát và hút bụi, nếu chàng không biết rửa bát quét nhà, chắc cũng chẳng hề hấn gì). Tôi không biết các đấng nữ nhi khác nghĩ gì, nhưng chắc là chị dâu tôi, hồi đó đang cặp kè với anh Hai của tôi, nhất định không kén chồng kiểu: Dốc lòng lấy anh chồng dốt nát Vì anh Hai tôi chẳng dốt chút nào, dù sao cũng học xong đại học và có vài văn bằng khác tại Úc, tuy tôi thấy anh Hai tôi, sau vài năm lấy vợ đâm ra tiến bộ vượt bực, hiện giờ đã biết nấu nồi cơm điện, luộc trứng gà, nấu nước sôi và đi làm về cũng sốt sắng giúp vợ dọn dẹp nhà cửa! May quá! Chả là vì, anh là con trai một của mẹ tôi, từ nhỏ đến lớn, mẹ và các em gái lúc nào cũng tận tuỵ cưng chìu săn sóc anh. Nhờ chị dâu tôi đi nhà thương đẻ hai lần, anh phải ở nhà một mình, nên giờ mới biết luộc trứng! Ui cha! Nhưng tôi e ngại nhất là tánh lẳng lơ đa tình trời cho của các ông, mà ca dao mẹ cũng dạy: Lẳng lơ đeo nhẫn chẳng chừa Ôi thôi! Phúc đức tại thiên hay tại mẫu cũng nguy quá, phận má hồng nhỡ vô duyên vớ phải ông chồng có tính lẳng lơ trai gái, lại phong phú trí tưởng tượng, đêm đêm nằm bên cạnh vợ mà lúc nào cũng mơ màng tơ tưởng bởi: the other's grass always greener thì rõ khốn. Trên trời có vảy tê tê Sớm mai đi chợ gò vấp, mua một sấp vải đem về Cuộc sống lứa đôi, trong một gia đình có ngót ngét 10 bà vợ của ông, hẳn đem lại nhiều thú vị, chỉ mường tượng câu ông đắc ý trả lời, thì cũng rõ sự tham lam vô bờ bến của các ông Sông bao nhiêu nước cũng vừa Chết chửa! Rõ ràng ông này thực sự có năm bảy lá gan, nên nhiều người hết mực can ngăn ông cũng chẳng thèm nghe gì ráo trọi. Lấy ai chỉ lấy một người Một trâu anh sắm bảy cày Tôi sực nhớ đến các cụ, lúc trà dư tửu hậu, thi tứ sổ ra ào ạt, thường rung đùi tủm tỉm, gật gù cười đắc ý với nhau, lẩm bẩm suy tôn câu ngạn ngữ: Tôi với sự thông minh hiếm hoi có chừng mực, cũng lờ mờ đoán ra là các cụ muốn nói rằng: Thơ của chính mình, dĩ nhiên bao giờ cũng hay nhất, cho dù các ông có gắng gổ làm bộ bày tỏ tinh thần khiêm cung từ tốn đến đâu đi nữă khiêm tốn là một trong những bách đức, mẫu mực mà các đấng quân tử mày râu phải có, theo như lời chỉ dạy của cổ nhân)_ dấu dưới vẻ khiêm nhường, các ông vẫn ngấm ngầm tôn thờ chủ nghĩa tự tôn tự đại, tự xem mình là tuyệt vời vô cùng của tài hoa, tuyệt đỉnh minh mẫn khôn lường của trí tuệ, là trung tâm sáng ngời của vũ trụ?? Các đấng trượng phu khi ở nhà với vợ, cứ vờ vĩnh một mực leo lẻo tuyên xưng:nhất vợ nhì trời, làm các bà tưởng thật, sướng rên, đâu có dè các ông đỉnh cao trí tuệ của chúng ta, sau khi cân nhắc lý lẽ, lượng định kỹ càng mọi khía cạnh, lại nhất trí phải bỏ hết tính tự tôn tự đại_ xem cái gì thuộc về mình cũng nhất_ đồng lòng dứt khoát tuyên xưng: thơ mình nhất, vợ người nhất; thế có lạ không? Hỡi ôi! Phải chăng vì người ta hay đứng núi này trông núi nọ, nên vợ người khác bao giờ cũng đẹp hơn chăng? Hoặc giả cái gì chưa chiếm hữu được, trông cũng muôn phần hấp dẫn lôi cuốn các ông hơn? Điều này, phải chất vấn các ông, xem các ông trả lời như thế nào thì mới rõ được! Cái câu ngạn ngữ vắn tắt "thơ mình, vợ người" kia, nhiều phần đã bày tỏ hùng hồn một minh chứng xác thực, cho tính hư hỏng truyền thống của các ông (đấy chẳng phải là tội lỗi của tổ tông đâu nhé, tôi nhớ kinh thánh chép ông Adam chỉ có mỗi bà Eva, nhưng truyền xuống đời của Abraham thì hỏng bét vì ông bắt đầu không noi gương của tổ phụ Adam để sống cảnh một chồng 1 vợ. Ngoài người vợ cả xinh đẹp tuyệt trần là Sarah, Abraham lấy người đầy tớ tên là Aga làm thứ thiếp, rồi lúc về già lấy thêm nàng Kêtura). Tôi không ưa Abraham, tổ phụ của người Do thái và dân Ả Rập, vì sự bạc bẽo hèn nhát của ông đối với vợ. Trong Sáng thế ký, đoạn 12 từ câu 10 đến hết đoạn, chép rằng: Khi gặp cơn đói kém, Abraham phải qua kiều ngụ tại xứ Êđíp- tô, vì bà vợ Sarah của ông quá đẹp, sợ dân Êđíp- tô giết ông để đoạt vợ, nên ông chỉ nhận bà là em gái, thế nên vua Pharaôn vời ngay bà vào cung, hết sức hậu đãi ông anh vợ, tăng cho ông không biết cơ man nào là tôi tớ, chiên bò, gia súc. Ừ! Thì cứ cho là ông Abraham vì bảo vệ mạng sống của mình, hay vì bảo tồn gia đình dòng họ_ mà ông có trách nhiệm phải dẫn dắt lãnh đạo trên con đường di cư qua xứ Ai cập_ đành hy sinh tình riêng và sĩ diện, mới bị bắt buộc phải làm thế, nhưng ông Abraham đâu có cư xử với bà Sarah như vậy chỉ một lần, để tôi có thể lấy lòng dễ dàng cởi mở hơn, mà xét đoán cho chuyện chẳng may lỡ vận cùng đường, mới nhường vợ cho người ta của ông. Kinh thánh chép, khi ông rời xứ Êđíp-tô xuống miền Nam, ông lại chơi trò đánh lận con đen ấy một lần nữa với vua A-bi-mê-léc. Ông chỉ vào người vợ sắc nước hương trời Sarah mà bảo với vua rằng: "Thưa, cổ là em gái tui" May mà lần này, vua chưa kịp vui vầy gì với nàng Sarah, Đức Chúa trời hiện ra trong giấc chiêm bao mà quở trách vua, khiến vua sợ hãi phải trả vợ lại cho Abraham. Hú vía, không biết bà Sarah có thờ Đức Khổng tử hay không? Mà bà một lòng xuất giá tòng phu, chồng biểu gì cũng không hề cãi cọ lôi thôi, một mực phu xướng phụ tùy, răm rắp tuân theo. Nếu lỡ lấy nhằm người chồng bạc tình như thế và phục tòng chồng theo kiểu của bà Sarah, thì tôi hổng ham, thà ở giá, chẳng cần già kén kẹn hom chi cho mệt. Mẹ tôi hồi đó, mỗi lần bị cha tôi ức hiếp, ngồi buồn so một góc.Tôi thấy cha chuyên chế, bất công lại bạc tình, làm mẹ tôi sống một đời buồn phiền thiếu ý nghĩa, nên tức giận, bất bình thay cho mẹ, tôi bảo bà: _Hơi đâu mà má buồn, chồng không thương nữa thì bỏ ổng phứt đi cho rồi. Lúc đó tôi còn nhỏ, chẳng hiểu rõ được xã hội, phong tục và luân lý đã trói buộc người đàn bà Việt Nam trong thế hệ của mẹ như thế nào, không cảm thông được nỗi khắc khoải đau đớn vô cùng của mẹ, nên mới nói vậy. Tôi chắc ý bà muốn nói: Chẳng phải vì mẹ dở, chẳng phải vì mẹ không đẹp, không đảm đang nên bị chồng đì đến thế đâu con, tại ông trời xui khiến thế thôi! Ngẫm hay muôn sự tại trời Mẹ nhẫn nhục cho qua một kiếp người, trọn đạo làm mẹ làm vợ cho dù bị Ông trời, Đức Khổng tử, và đức ông chồng_ đè mãi trên đầu trên cổ. Thuyết định mệnh tuyệt đối mà mẹ tin, như doa. dẫm nhắn nhe tương lai cuộc đời tôi: kén chọn gì cho tốn hơi mệt xác, trời đã định mọi việc cả rồi! Nghe tới đây, chắc mọi người hiếu kỳ cũng suy nghĩ, nhan sắc tài năng cô thế nào mà kén chọn dữ vậy? Tôi xin trích bài ca dao đặc biệt, khả dĩ diễn tả được phần nào vẻ duyên dáng trời cho của tôi và xin thưa là: nghe lời mẹ dạy, từ đó tôi chẳng dám xét nét kén chọn gì nhiều nữa!! Và cũng xin thưa: theo thiển ý của tôi, ngày xưa phụ nữ không đươc cắp sách đến trường, dù ca dao là văn chương bình dân truyền khẩu, hẳn số lương ca dao đã sáng tác, phần lớn đều do các ông là tác giả. Tôi là: Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần Chồng con chả lấy để liều thân ru?
|