Home Phiếm Các Tác Giả "Rê đít cà": Lợi hay hại?

"Rê đít cà": Lợi hay hại? PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Tất Tiến   
Thứ Ba, 05 Tháng 4 Năm 2011 09:20

Có những món đồ mà nếu không có "rê đít" sẵn thì không mua được là mua xe và mua nhà

 

Hồi mới lờ quờ sang Mỹ đầu năm 90, nghe bạn bè nói về "rê đít cà", người nghe chẳng hình dung ra được nó là cái quái gì! Tại sao lại "càng nợ nhiều, càng gút rê đít?"

Nhớ lại ngày xửa ngøay xưa, những năm 67, 68, khi còn đi tu nghiệp bên này, đâu có biết chi về "rê đít", cứ móc tiền cash ra mà xài thoải mái.

 Một tháng được chính phủ cho 200 đô, xài đâu có hết. Tiền phòng có 15 tì, kể cả dọn giường, làm mền; ăn sáng 35 cents, ăn trưa 75 cents, chỉ có ăn tối là 1 tít 25 cents.

 Hôm nào "ngẫu hứng lý qua cầu" thì vô khách sạn lớn, ăn mệt nghỉ chỉ có từ 3 đô đến 5 đô. Hứng thêm tí nữa, đi chơi "mút chỉ cà tha" không về nhà, phải ngủ khách sạn ngoài thì từ 3 đến 10 đồng một ngày.

Những khách sạn lèng xèng thì thể nào anh quản lý cũng gợi ý: "Mua dzui không? rẻ như bèo, chỉ có 10 đô thôi, em mới ở ... Ngã Ba Chú Ía lên! Nhào dô! Trước mua dzui, sau là làm nghĩa ... hiệp!"

Người viết hồi đó còn "bạch diện thư sinh", chỉ nghe danh Ngã Ba Chú Ía hay Ngã Năm Chuồng Chó đã sợ đứng tim, nên không biết các em đó có xài "rê đít " không? Bây giờ thì không còn cơ hội để hỏi nữa rồi, muốn bước chân đến chỗ ấy thì phải gọi số điện thoại cứu cấp 1- 800- Cháy- Nhà trước!

Trở lại vấn đề "Rê dít" có lợi hay có hại. Dựa trên kinh nghiệm bản thân đã có nhiều năm làm tài chánh, người viết xin góp ý như sau: "Rê đít" có lợi nếu biết xử dụng đúng cách, ngược lại, sẽ làm ta thân bại danh liệt như chơi.

1- LỢI: Nhiều cái lợi lắm:

a- Trước hết, là ta không phải mang đùm đề tiền mặt đi chơi xa, khệ nệ ôm tiền theo, kẻ trộm sẽ rình mà móc mất. Nước nào cũng có trộm, nhất là trộm ở các ga xe lửa, phi trường, tầu thủy...Ở thủ đô văn minh phương Tây như Paris lại càng hãi hùng. Trộm ở đây chuyên nghiệp, nhanh hơn trộm "Sài gòn ngày nay" nữa.

Bởi vậy, nếu có cái "cạc" xanh xanh đỏ đỏ bỏ túi gọn gàng, thì đỡ lo. Đa số các thành phố lớn dù ở Á Châu hay đâu đó, cũng đều có hệ thống "rê đít cà", chỉ một vài nơi bất an như Trung đông, vài miền Trung Mỹ nghèo khổ, mới phải vác theo tiền mặt, và phải có người nọ trông chừng người kia mới khỏi bị .. cướp! (Cướp chứ không phải trộm!)

b- Không đi chơi xa, chỉ ở tại nhà, cũng có lợi. Mua hàng, mua sữa mà quên mang theo tiền cũng OK. Vào nhà hàng ăn, mà túi hơi nhẹ, lo lo không đủ tiền chi, thì cứ móc cái "cạc" ra là yên trí. Vợ hôm nào quên không dằn túi cho một hai chục, thì cũng không sao, lấy "cạc" ra đãi bạn bè. Mua xăng cũng có rất nhiều nơi dùng "cạc", trừ cây xăng Arco, khó tính khó nết, chê "cạc", đành chịu thua.

c- Dùng "cạc" mà trả đúng kỳ hạn thì không phải trả lãi, coi như mượn "chùa". Cứ nhận được "bill" thì móc cuốn sổ "chếch" ra mà ký thì an toàn xa lộ. Nhưng nhớ là phải dò các mục chi tiêu, có khi bị ghi ẩu thì gọi lên, càm ràm, thì họ điều tra và thường là xóa sổ ngay. Có nhiều món hàng, mình đã trả lại rồi, mà chưa được xóa đi, cũng phải gọi lên. Đôi khi tháng sau, mục trả lại đó mới được ghi vô cột trừ đi (rê đít).

d- Dùng "cạc" mà đúng hạn, thì từ từ số tiền được cho mượn cứ tăng lên, rồi hết hãng nọ đến hãng kia gọi mình, mời chào, "óp phơ" mình 0% cho cả một, hai năm sau.

Đôi khi túng tiền, cần mua xe, đồ gì nhiêu tiền, (trừ mua nhà) cứ việc lấy cái nào 0% lãi suất ra mà xài, rồi tới hẹn, mà chưa trả được, lại nhận cái "cạc" khác cũng 0%, trả cho cái nợ cũ, phủi tay, hết nợ. Anh chàng cũ kia thấy mình trả tốt đẹp, lại đề nghị cho mình mượn tiếp với số tiền lớn hơn, từ 500 lên 10,000, rồi cả 100,000. Cứ thế, ta có thể chạy vòng vòng như thế được vài năm, không trả đồng xu lãi nào cả.

e- Có những món đồ mà nếu không có "rê đít" sẵn thì không mua được là mua xe và mua nhà, trừ trường hợp anh móc cặp ra, để cái "bộp" trên bàn, một đống cash dưới 10,000 (dưới 10 ngàn thôi nhé! Tới 10 ngàn là phải khai với .. chính phủ, làm sao anh lại có số tiền đó. Có phải là tiền bán xì ke không, hay tiền đi "rửa" ?) rồi kèm thêm cái "chếch" tư, trả hết số tiền còn lại. Trường hợp này hiếm có, nên thường là phải xài đến "rê đít".

Như vậy thì xài "cạc" rất có lý chứ? Tại sao lại sợ ? Coi dzậy không phải dzậy đâu!

2- HẠI: nghĩa là không lợi:

a- Nếu không trả đúng hẹn thì sao? Xin thưa, là "con đường đau khổ" sẽ bắt đầu.

Lãi suất đang từ 0% nhẩy vọt lên 18, 19%. Thậm chí có những anh tính tới tính lui thành ra 21%, "xanh xít đít đui" y như nợ Chà Và ngày xưa trong Chợ Lớn.

Một khi lãi suất tăng lên, thì hy vọng trả hết nợ sẽ rất mong manh. Có những người nợ cả đời trả không bao giờ hết, chỉ có đủ sức trả lãi mà không thể trả vốn được, trừ khi trúng số, nếu không trúng số , thì có lúc phải trúng gió, ngã lăn quay ra, khóc hận.

b- Nhiều công ty gian lận, cứ điền vào những con số ma. Càm ràm phải lâu lắm mới xóa được. Chưa kể tiền "financial interest", tiền "late fee", tiền "quỷ ma" gì đó, cái này 19 đô, cái kia 25 tít... Kiên nhẫn thì gọi lên, chửi lộn; lười biếng thì cho qua luôn. Thế là mỗi tháng mất vài chục, để cả năm thành vài trăm; vài cái "cạc" như thế là mất vài ngàn...

c- Lại có những tên vô danh ở đâu đó, lợi dụng ăn ké vào cái "cạc" của mình. Khi khổng khi không thấy trả cho ông này vài trăm, ông kia ngàn mấy... Có những tên quảng cáo, gửi quảng cáo ăn ké vào công ty mẹ, gửi cho mình mấy cái mẫu vớ vẩn, một cái nhẫn giả, một cái đèn pin... rồi tự động trừ tiền mình trong "cạc".

d- Mất "cạc" là phải gọi lên liền một khi. Cho nên phải ghi lại số "cạc" của mình cùng số điện thoại ở một chỗ khác, lỡ mất thì còn khai báo, không báo kịp là vất vả vô cùng, phải thưa kiện lung tung. Kẻ trộm nó xài hết vốn của mình, chưa kể với loại "ATM", nếu bị mất, thì chỉ trong một buổi, là cái cuốn "chếch" của mình thành con số Zêrô, chả ai đền được.

Nói chung, xài "cạc" phải cẩn thận. Xài hoang, lại không chịu dò từng mục chi tiêu trong cái "bill" thì có phen vỡ nợ, "Bợ vỏ" như chơi (Vợ Bỏ...) .

Ở xứ Mỹ này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Khôn chết, dại chết, biết thì sống. Chẳng có chi là quá sức tốt, cũng không có cái quá sức tệ. Cẩn thận là hơn cả. Nhưng nếu không ai chỉ chọt, thì đôi khi phải học qua kinh nghiệm bản thân. "No pain, no gain", "không đau, không chừa", phải không quý vị?