12/13/2009 Khi bạn đứng tần ngần trước một quầy hàng bầy thiệp giáng sinh, và tất cả đều đã “off” từ bốn đến sáu chục phần trăm thì mọi chuyện kể như là đã lỡ. Chúng ta lại trễ tràng mất rồi.
Năm ngoái, cũng vào khoảng thời gian này đây. Lúc mà Noel đã đến sát tận lưng, và cái tết Dương Lịch đang đứng lù lù trước mặt thì (không dưng) bạn nhận được dăm ba cánh thiệp giáng sinh đến muộn. Thiệp có đặc tính chung là thường hay chuyên chở một thứ nội dung làm sẵn và đã nhẵn, đại loại như: “...một mùa giáng sinh tràn đầy ân sủng Chúa và một năm mới tràn đầy hạnh phúc…”
Ân sủng Chúa, nếu có, e cũng khó mà có thể phân phát tùm lum một cách “tràn đầy” cho nhân loại được. (Chúng ta đông qúa và mỗi lúc một thêm đông mà. Sức Chúa, cũng như sức người, có hạn thôi chứ bộ).
|
Hình minh họa.Photos.com
|
Còn hạnh phúc thì sợ rằng chưa ai biết nó mùi vị (thực sự) ra sao. Chúng ta chỉ đều mơ hồ hiểu rằng hễ nhắc đến hạnh phúc thì đừng bao giờ mong cho nó “tràn đầy”. Mọi thứ đầy đều dễ đổ. Và hạnh phúc (thì ôi thôi) bạn thử ngó quanh xem: đó là cái thứ cứ đổ bể rầm rầm, ở tất cả mọi nơi và mọi thời.
Bạn có thể không chú ý đến nội dung hàm hồ của những tấm thiệp nói trên nhưng tên người gửi, ghi rành rành ngoài phong bì, vẫn khiến bạn phải lưu tâm chứ. Có nhiều thằng cha lạ hoắc, sao chả lại gửi thiệp cho mình vậy cà?
Có những con mẹ mà bạn tưởng rằng đã hoàn toàn (và vĩnh viễn) ra khỏi cuộc đời mình rồi thì khi khổng khi không, chiều cuối năm – khi mà nắng vàng dịu dàng đang ôm nhẹ những thảm cỏ xanh mênh mông ở California – bạn bỗng nhận được một cánh thiệp muộn màng của cố nhân.
Mà không phải là loại thiệp cà chớn, mua hàng lố đâu nha. Thiệp loại chiến, kích thước dềnh dàng, mắc tiền là cái chắc. Cũng không phải chỉ có một chữ ký vội vàng (lười biếng) bên dưới hàng chữ “Merry Christmas and Happy New Year”, hay vài câu viết thêm vô nghĩa ngớ ngẩn thôi đâu. Người ta tuy chỉ viết vài hàng ngắn ngủi, giản dị nhưng đọc là thấy tình nghĩa nồng nàn, thấm đậm, và … tình tứ hết biết luôn! (Cố nhân ơi biết chiều nay ta buồn). Những cánh thiệp bất ngờ, muộn màng và chàng ràng như thế – đôi khi – làm chúng ta bối rối. Nó là bằng chứng hùng hồn về cách cư xử hơi (bị) thiếu văn minh của bạn. Nó khiến chúng ta lấy làm tiếc là tại sao mình lại vô tâm đến thế, sao không nhớ gửi thiệp cho thiên hạ như họ đã gửi cho mình.
Vào một lúc yếu lòng hơn, nó còn “dám” làm cho bạn tự hứa là sang năm sẽ nhớ ghé qua cửa hàng bán thiệp cho phải chuyện; và ghé sơm sớm cho xong chuyện.
Nếu đến cái lúc gọi là “sang năm” đó mà chúng ta thực hiện được lời hứa một cách nghiêm chỉnh, đàng hoàng thì cuộc đời (rõ ràng) ổn thỏa và dễ sống biết chừng nào. Vi nhân nan. Làm người quả khó, và khó lắm. Khi mà bạn có đủ trí nhớ, và đủ can đảm để dừng xe, ghé vào một cửa hàng nào đó thì (than ơi) chuyện gửi thiệp e không còn kịp nữa.
Bạn lại đứng tần ngần trước một quầy hàng bán thiệp, và tất cả đều đã “off” từ bốn đến sáu chục phần trăm. Bạn lại chậm chân y như năm ngoái hoặc năm kia vậy. Và tình trạng này, không chừng, dám đã xẩy ra từ năm kỉa hay năm kìa lận.
Ôi, nếu duyên nợ của bạn đối với chuyện thiệp thiếc này nọ mà nó cứ nhì nhằng, triền miên như thế từ năm này đến năm khác. Hay từ thập niên nọ qua thập niên kia thì xin cũng đừng lấy đó làm phiền. Như thế, không chừng, lại là một điều may đấy. – May sao? – Dạ, đúng! Nói tình ngay thì bạn cũng không may gì mấy; có điều, chắc chắn, là bạn vẫn may mắn hơn cả đống người Việt tha hương khác. Xin đơn cử một thí dụ, một trường hợp rất không may, bằng cách tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở.
Có kẻ ngay sau khi thấy rằng chuyện gửi thiệp giáng sinh không còn kịp nữa thì họ quyết định ngay là mua thiệp xuân để gửi cho kịp Tết. Họ thua keo này (liền) bầy keo khác. Họ suy tính một cái “rẹt”; hành động một cái “rột.” Thấy mà đã mắt, nghe mà sướng tai. Trong sinh hoạt hàng ngày của họ không có những giờ phút vớ vẩn kiểu như “tần ngần,” do dự” hay “nuối tiếc”... bất cứ chuyện gì. Bạn thấy họ sống mà phát thèm, đúng không?
Khoan, gượm một chút đi bạn vàng. Có nhiều chuyện (ngó) tưởng vậy chớ không phải vậy đâu. Tưởng như vậy là tưởng năng thối. Từ từ, bạn sẽ thấy là họ cũng khốn đốn thấy mẹ luôn.
Hãy hình dung ra chính bạn ngồi ngay ngắn ở bàn viết, với một đống thiệp xuân, mua trước Tết cả tháng trời, và với sổ địa chỉ điện thoại của tất cả những người quen trên “toàn thế giới”. Cho nó cẩn thận, để khỏi xót ai – không chừng – bạn còn làm một danh sách chia làm hai phần: A và B. Phần A dành cho những người ở Việt Nam hay còn đang ở trại tị nạn; phần B dành cho những kẻ ở Huê Kỳ, Pháp, Úc, Gia Nã Ðại, Tiệp Khắc…
Rồi sao nữa? Không lẽ ký tên cái ào bên dưới câu “Cung Chúc Tân Xuân” rồi gửi đi sao? Ðâu có được cha nội! Làm như vậy thà đừng làm còn hơn. Mỹ, Tây, Tầu, Ðại Hàn, Ba Lan, Nhật Bổn, Miên, Lèo… thì sao không biết, chớ người Việt mà nhận được một cái thiệp ký tên xuông như vậy là họ mích lòng (dữ lắm) à nha.
Bạn phải viết vô đó vài dòng cho nó đàng hoàng chớ. Câu hỏi đặt ra là chúng ta viết cái gì đây – hả Trời ? Với bố mẹ, anh chị, cô dì, chú bác… đang (kẹt) ở Việt Nam thì bạn tính làm sao? “Một mùa Xuân “an bình” hay “con cầu chúc bố mẹ, anh chị, và các em luôn được vui tuơi và khỏe mạnh trong năm mới…” ? Nè (tui nói cho mà hay) dù thân nhân ở quê nhà có thương yêu bạn cách mấy, và có xuề xòa dễ tính đến đâu chăng nữa thì họ cũng không chấp nhận được những lời cầu chúc vô tâm và vô trách nhiệm như vậy đâu. Nếu ở Việt Nam mà có “một mùa xuân an bình” hay một cuộc sống “vui tươi và khỏe mạnh” thì đâu có ai phải bỏ nước ra đi; hoặc đã lỡ đi thì chúng ta cũng đã ùn ùn kéo về không sót một mống nào rồi chớ đâu đến nỗi để xẩy chuyện “hồi hương cưỡng bách.” (Nghe thấy ghe chết mẹ)!
Rồi bạn viết cái gì trên tấm thiệp gửi cho một người đang “nằm chờ” ở trại tị nạn đây? “Một năm mới tràn đầy hy vọng” chắc? Hy vọng, cũng như hạnh phúc, tui đã nói rồi, kị nhứt là cái vụ “tràn đầy” mà. Một xíu xiu mảy may hy vọng họ cũng chưa chắc được, nhất là đối với những kẻ đến trại tị nạn sau ngày 19 tháng 6 năm 1988. Cái khổ của chúng ta là không đủ giả dối để cầu chúc cho họ “sớm được định cư”; và không đủ nhẫn tâm để mong họ “trên đường hồi hương được nhiều may mắn”! Cái gì chớ may mắn thì ở Việt Nam, kể như, miễn có.
Nếu nhờ Trời cứu, nghĩa là nhờ một phép lạ nào đó, bạn giải quyết xuông sẻ hết những người có tên danh sách ở phần A thì bạn vẫn còn bị kẹt ở phần B như thường.
Chúng ta – những kẻ đang sống an bình ở hải ngoại – nói năng làm sao với nhau, nhân dịp xuân về đây? Những lời chúc tụng truyền thống, được ông bà cha mẹ chúng ta sài tới sài lui hồi giờ đâu còn dùng được nữa. “Chúc ông bà, anh chị...làm ăn phát tài gấp năm, gấp mười năm ngoái” chăng? Bạn có tính xúi thiên hạ đi ăn cướp nhà băng hay bán cocaine không vậy?
Cũng chớ có quen miệng mà buông một câu kiểu như “đầu năm sinh con trai cuối năm sinh con gái” nha. Cái gì chớ phá thai là điều không mấy ai ưa. Nói năng lạng quạng gây thù chuốc oán như không. Hay là bỏ mẹ những chuyện cá nhân lẻ tẻ đó đi. Phang đại một lời cầu chúc cho đại cuộc, không chừng lại ngon lành. Tới luôn bạng vàng, đâu có chết thằng Tây nào mà sợ. “Mai này cùng về Việt Nam” chăng? Nghe thì vui nhưng nghĩ lại thì hơi khó. Ngó bộ mốt hay ngày kia cũng chưa chắc về được chớ đừng nói chi mai; trừ khi, bạn giả dạng làm du khách “chơi lén” một chuyến thì không kể.
Khó há! Trong hoàn cảnh chúng ta, nghĩ cho cùng, thì chỉ còn có thể gửi vài ba cái thiệp cho những người bạn thật thân thôi. Chỉ đối với những người này, may ra, mình mới có thể cởi bỏ được những hình thức xã giao nhảm nhí và gửi đến nhau đôi lời cầu chúc hay giễu cợt thân tình. Mà đã thân cỡ đó thì cần chi tới thiệp. Sao đêm ba mươi không dùng cell phone đấu láo, đấu lếu một chập cho nó đã miệng.
Tới đây thì hy vọng ít nhiều bạn cũng đồng ý rằng lờ tít chuyện thiệp xuân thiệp tết đi thì thiệt là kỳ, nhưng nhào vô cái vụ này thì phiền quá. Ðời sống, tự nó, đã phiền bỏ mẹ đi rồi. Bầy thêm chuyện để phiền mình và phiền lẫn nhau làm chi, phải không?
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn vai trò trang nhã, có tính cách truyền thống, rất đáng giữ gìn của những cái thiệp trao đi gửi lại đâu. Ðúng là nó cũng đẹp đấy, cũng được đó, nhưng chỉ e nó không hợp mấy trong lúc này thôi. Cái lúc mà chúng ta vẫn còn đang sống giữa nhũng mùa xuân ly loạn đó mà.
|