Chuyện tiếu lâm thời đại? |
Tác Giả: Nhị Khê | |||
Thứ Hai, 23 Tháng 2 Năm 2009 12:19 | |||
Trong khi ở Hoa Kỳ từ TT Obama đến các ông bà nghị trong Quốc hội đang quyết tâm đưa Hoa Kỳ thoát khỏi cơn bão tài chánh như khi mới lập quốc Cố TT Washington quyết tâm đưa Hoa Kỳ ra khỏi mùa đông giá lạnh giữa lúc kẻ thù đang bao vây: "Vào năm Hoa Kỳ ra đời, trong những tháng lạnh nhất, một nhóm nhỏ những người yêu nước chụm lại bên nhau cạnh đống lửa gần tàn trên bờ dòng sông băng giá. Thủ đô đã bị bỏ lại. Kẻ thù đang tiến tới. Tuyết loang lỗ vết máu. Vào thời điểm khi kết quả cuộc cách mạng rơi vào hồ nghi, vị cha già của quốc gia ra lệnh đọc cho mọi người những lời này: "Hãy nói cho thế giới tương lai... rằng trong mùa đông giá lạnh nhất, khi chỉ còn lại hy vọng và nghị lực... thành phố và đất nước, lo lắng trước mối nguy hiểm chung, đã tiến lên để đối đầu" - (Trích Diễn văn nhậm chức của TT Obama ngày 20/01/2009). Ngày 12/02/2009 dân chúng Hoa Kỳ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Cố TT Abraham Lincoln (12/02/1809-12-02-2009), người đã dẫn dắt nước Mỹ qua cuộc khủng hoảng lớn nhất "Nội chiến Hoa Kỳ" bảo toàn được Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ khi đánh bại những nhân vật ly khai trong cuộc nội chiến này. Ngày 14/02/2009, sau khi Lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật kích thích kinh tế, TT Obama tán dương Quốc hội về việc thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế và nói nguyên văn rằng "chúng ta đã mang lại tiến bộ cụ thể và thật sự cho người dân nước Mỹ" với quyết tâm biến Hoa Kỳ thành trung tâm chính trị, kinh tế và quân sự của thế giới, trở thành thánh địa của tự do, dân chủ và nhân quyền. Bên kia nước Nga, một giáo sư tên gọi Igor Panarin tiếp tục lải nhải "Dự đoán ngày tận cùng của Hoa Kỳ" (Predicts End of US), không khác gì chuyện tiếu lâm thời đại, khiến cho giới truyền thông thế giới bàn tán xôn xao. Để quý độc giả biết thêm nội dung câu chuyện hoang đường này, người viết xin giới thiệu sơ qua một số điểm. Hoa Kỳ tận số? Người tung ra "Dự đoán ngày tận cùng của Hoa Kỳ" là Igor Panarin, tiến sĩ chính trị học, Giám đốc Khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Ngoại giao, trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga. Theo dự đoán hoang đường của vị giáo sư tiến sĩ này, tháng 11 năm 2009, nguy cơ kinh tế sẽ khiến Hoa Kỳ bùng nổ nội chiến, chia thành nhiều khu vực lệ thuộc vào ngoại quốc, cuối tháng 06 đầu tháng 07/2010, cường quốc vĩ đại nhất thế giới sẽ không còn tồn tại. Mười năm về trước, tiến sĩ Igor Panarin đã từng phổ biến dự đoán hoang đường này, được nhiều người cho là "ăn nói hồ đồ". Ngờ đâu, sau 10 năm, thế giới lại có dịp bàn tán trở lại. Trong một lần trả lời phỏng vấn của "The Wall Street Journal", Igor Panarin cho biết hiện nay ông ta phải trả lời mỗi ngày 2 lần cho giới truyền thông thế giới về vấn đề này. Tháng 09/1998, trong cuộc hội thảo quốc tế về "Chiến tranh Tin học" (Information warfare) họp tại Linz, Úc Đại Lợi, với sự hiện diện của khoảng 400 người, khi lên phát biểu, Igor Panarin đã nói đến "Dự đoán ngày tận cùng của Hoa Kỳ" khiến cho toàn hội trường vang lên tiếng xì xào, giễu cợt. Lúc bấy giờ ông ta cũng đưa ra nguyên nhân làm cho nước Mỹ tan rã là nguy cơ tài chánh, đồng Mỹ kim không có gì bảo đảm. Igor Panarin nói ngọn Kim Tự Tháp này nhất định sụp đổ. Kinh tế Hoa Kỳ đúng như dự đoán của ông theo kiểu "chó ngáp phải ruồi", gặp cơn bão lớn về tài chánh. Năm ngân hàng lớn ở Wall Street có 3 ngân hàng sụp đổ, 2 ngân hàng khác đang khốn đốn. Hoa Kỳ không còn giữ được địa vị lãnh đạo tài chánh toàn cầu. Luận cứ chính trong dự đoán hoang đường của Igor Panarin gồm mấy điểm sau: 1- Nguy cơ tài chánh của Hoa Kỳ ngày càng gia tăng. Hàng chục triệu dân Mỹ mất hết tiền để dành, vật giá ngày càng lên cao, số người thất nghiệp ngày càng gia tăng. Những thành phố sống nhờ vào các công ty lớn sẽ thất nghiệp toàn thành phố, các tiểu bang đều ngã tay xin chính phủ liên bang viện trợ tài chánh. Dân chúng bất mãn dẫn đến nguy cơ xã hội. 2- Cơ cấu của chính thể Hoa Kỳ nhiều điểm không có lập pháp thống nhất toàn quốc, sức mạnh của dân chúng tương đối yếu. Trong số những người lính Hoa Kỳ ở Iraq có người không phải là công dân Mỹ. Họ đi lính với hy vọng được vào quốc tịch Hoa Kỳ. Quân đội không có khả năng bảo vệ nước Mỹ. 3- Sự chia rẽ trong tầng lớp lãnh đạo. Igor Panarin cho rằng, ranh giới chính trị ở Hoa Kỳ không phải giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, mà là giữa hai phe: Một theo khuynh hướng Toàn cầu và một theo khuynh hướng Quốc gia. Phe Toàn cầu giống như những người theo chủ nghĩa Trotskyism của Cộng sản Nga trước kia. Lý luận của phái này không khác gì Leon Trotsky từng nói: "Cái chúng tôi cần không phải nước Nga, mà là cách mạng thế giới". Nhân vật chính của Phe Toàn cầu là Condoleezza Rice và Dick Cheney, đại diện cho quyền lợi của Tập đoàn Tài chánh, chủ trương xâm lược Iraq. Trong cuộc hội thảo về cuộc xung đột giữa Nga và Georgia, bà Rice khẳng định kẻ nổ súng đầu tiên là Nga. Phe Quốc gia gồm người đứng đầu quân đội là Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, cựu Giám đốc Cục Tình Báo Trung Ương (Central Intelligence Agency) Michael Hayden, cựu Giám đốc Cục Tình Báo Quốc gia (The Director of National Intelligence - DNI) John Michael McConnell. Họ đại diện cho quyền lợi của quân đội, các cơ quan tình báo và những tổ chức liên quan đến quân đội. Theo họ, Iraq không có kế hoạch vũ khí hạt nhân. Trong cuộc xung đột giữa Nga và Georgia, họ nói Georgia nổ súng đầu tiên. Hai phe phái này thường khẩu chiến với nhau, họ chống đối nhau không còn là chuyện bí mật, điều đó chứng tỏ Hoa Kỳ đang trên đường đi đến chỗ phân hóa. Theo Igor Panarin, Barack Hussein Obama đắc cử Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ chính là thành công của Phe Quốc gia. Phe phái này có lợi cho nước Nga, Moscow nên lợi dụng thời cơ đưa đồng Ruble tung hoành trên thị trường thế giới, chờ ngày thay thế địa vị đồng Mỹ kim. Bản đồ Igor Panarin Sau khi đưa ra một số luận cứ minh họa cho "Dự đoán ngày tận cùng của Hoa Kỳ", Igor Panarin chia cắt Hoa Kỳ thành 6 khu vực khác nhau lệ thuộc vào tình hình địa lý mỗi khu vực theo cái gọi là "Bản đồ Igor Panarin" (Igor Panarin Map). Ông ta cho rằng, Hoa Kỳ sẽ chia thành 6 khu vực lớn: Thứ nhất là Cộng hòa California (The Californian Republic) gồm các tiểu bang nằm dọc theo bờ biển Thái Bình Dương thuộc phạm vi thế lực Trung Quốc, cư dân San Francisco một nửa là người Hoa. Ông Gary Faye Locke (Lạc Gia Huy), người Mỹ gốc Hoa, từng làm Thống đốc tiểu bang Washington trong 2 nhiệm kỳ từ 1997 đến 2005. Seattle từng là cái cổng lớn cho di dân người Hoa đi vào nước Mỹ. Nước Cộng hòa này gồm các tiểu bang: California, Washington, Oregon, Nevada, Arizona, Utah và Idaho. Sau này nó sẽ nhập vào Trung Quốc, chịu ảnh hưởng của người Trung Hoa! Khu vực thứ hai ở phương Nam là Cộng hòa Texas (The Texas Republic) gồm các tiểu bang Texas, New Mexico, Oklahoma, Louisiana, Arkansas, Mississippi, Alabama, Georgia và Florida. Khu vực này sẽ do người Mễ Tây Cơ thống trị. Thứ 3 là Cộng hòa Trung tâm Bắc Mỹ (Central North American Republic) gồm các tiểu bang ở Trung tâm miền Tây Hoa Kỳ (Midwest) cộng với các tiểu bang Montana, Wyoming and Colorado. Theo Ủy ban Điều tra Dân số, Midwest gồm các tiểu bang Illinois, Indiana, Iowa, Kansas, Michigan, Minnesota, Missouri, Nebraska, North Dakota, Ohio, South Dakota và Wisconsin. Khu vực này sẽ thuộc về Gia Nã Đại và chịu ảnh hưởng của vùng "xứ lạnh tình nồng". Khu vực thứ tư là các tiểu bang ở dọc bờ biển Đại Tây Dương gọi là Nước Mỹ Đại Tây Dương (Atlantic America) gồm miền Đông-Bắc Hoa Kỳ (Northeastern United States) cộng với các tiểu bang Kentucky, Tennessee, North và South Carolina. Cũng theo Ủy ban Điều tra Dân số, Northeastern United States gồm các tiểu bang Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut, New York, New Jersey, và Pennsylvania với các thành phố lớn là New York, Philadelphia, và Boston. Xuất phát từ nguồn gốc lịch sử, khu vực này sẽ gia nhập vào Liên minh Châu Âu. Thứ năm là Hawaii có thể gia nhập vào Nhật Bản hoặc Trung Quốc. Thứ sáu là vùng Alaska sẽ thuộc về nước Nga. Alaska trước thuộc Đế quốc Nga, năm 1867 Hoa Kỳ mua lại với giá 7.200.000 Mỹ kim, không bao lâu nữa sẽ thuộc về Nga. Theo Igor Panarin, Hoa Kỳ sẽ bị các thế lực ngoại quốc khống chế. Igor Panarin ông là ai? Nghe dư luận bàn tán xôn xao về "Dự đoán ngày tận cùng của Hoa Kỳ", nhiều người đặt câu hỏi: "Igor Panarin ông là ai?". Igor Panarin chào đời ngày 30/10/1958. Ông ta là một tên cộng sản gộc năm 1976 từng làm việc cho KGB (Cơ quan an ninh, tình báo và cảnh sát mật của Liên bang Xô viết). Ông ta tốt nghiệp khoa báo chí và tâm lý học tại trường Đại học Quân chính Nga, từng nghiên cứu nhiều về kinh tế Hoa Kỳ. Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, ông làm việc tại FAPSI (Federal Agency of Government Communications and Information) của Nga tương tự như Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Security Agency). Panarin lấy bằng tiến sĩ môn khoa học chính trị năm 1997. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách về tâm lý và thông tin học, phần lớn nói về "chiến tranh tâm lý". Hiện nay ông là Giám đốc Khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Ngoại giao, trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga. Igor Panarin cho biết nhờ trước đây từng làm việc cho KGB và FAPSI mới thu thập được những tài liệu mật về Hoa Kỳ. Tài liệu mật này chủ yếu nói về kinh tế, tài chánh và dân số. Trên cơ sở đó ông ta mới có thể đưa ra "Dự đoán ngày tận cùng của Hoa Kỳ". Những học giả bình thường không thể có được những tài liệu "quý giá" này. Ngoài ra, ông ta còn thường xuyên phát biểu trên đài truyền hình giới thiệu với thế giới "Nước Nga Ngày Nay" cũng như phân tích tình hình chính trị thế giới trên đài phát thanh "Tiếng Nói Nước Nga" nên có cơ hội nghiên cứu sâu tình hình chính trị, kinh tế và tài chánh của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây. Trên cơ sở đó có thể khẳng định những "dự đoán" của ông hoàn toàn chính xác. Sau khi "Dự đoán ngày tận cùng của Hoa Kỳ" được dư luận báo chí bàn tán xôn xao, giới truyền thông Hoa Kỳ đã viết bài phê phán. Trong đó có các bài: "As if Things Weren't Bad Enough, Russian Professor Predicts End of U.S." của The Wall Street Journal số ra ngày 29/12/2008. "Igor Panarin Predicts Break Up Of The United States" của USA-wethepeople.com, ra ngày 31/12/2008. "Russian Professor Says U.S. Will Break Up After Economic Crisis" của Bloomberg.com, ra ngày 24/11/2008... Ngoài ra, các học giả chuyên nghiên cứu tình hình chính trị kinh tế thế giới của nước Nga cũng hoài nghi luận điệu của Igor Panarin. Học giả Sergei Rogov, Giám đốc Sở Nghiên cứu Hoa Kỳ và Gia Nã Đại thuộc Viện Nghiên cứu Khoa Học Nga, cho rằng: "Đó là dự đoán điên cuồng, không thực tế". Vladimir Pozner, Giám đốc Học viện Truyền hình Nga, đồng thời là nhà bình luận trên đài truyền hình, khi phân tích "Dự đoán ngày tận cùng của Hoa Kỳ" cũng phải nói: "Dự đoán này nói lên tâm trạng chống Mỹ cao độ trong xã hội Nga ngày nay, còn mạnh hơn thời Liên bang Xô viết cũ". Đài phát thanh CITY FM bình luận, Hoa Kỳ lâm nạn, chưa chắc chúng ta đã yên thân. Lúc lâm nguy, điều gì cũng có thể nói ra, nhưng chưa chắc phù hợp với thực tế. Dân chúng Nga đối với dự đoán này có nhiều cách suy nghĩ khác nhau. Nhiều người Nga cho rằng Hoa Kỳ vẫn là một nước mạnh, không thể sụp đổ dễ dàng như vậy. Hơn nữa, theo họ, người dân nước Mỹ có hai đặc điểm lớn: Kiên nhẫn và thích nghi với hoàn cảnh. Một người thích viết cảm tưởng trên mạng internet Nga nghịch ngợm ghi lên những suy nghĩ của mình về dự đoán Hoa Kỳ sụp đổ của Igor Panarin: "Nghe nói Hoa Kỳ sụp đổ tôi muốn hô to thương hại cho dân Mỹ, nhưng khi thốt ra lời lại là câu "thương hại cho dân Nga ngu xuẩn". Có người phê phán Igor Panarin quả là không biết điều. Ông ta muốn Hoa Kỳ suy nhược như vậy dễ lắm à. Thật là ngông cuồng! Ăn nói không suy nghĩ!". Nhiều người còn phê phán Igor Panarin nói đồng Mỹ kim sẽ trở thành tờ giấy lộn là sai lầm to. Hiện giờ ai cũng thích Mỹ kim. Ngay cả khi Nga bán khí thiên nhiên cho Ukrain cũng đòi hỏi thanh toán bằng Mỹ kim. Hoa Kỳ là quốc gia có vũ khí tinh nhuệ nhất thế giới, có sức mạnh phi thường trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, không thể sụp đổ được. Igor Panarin còn có một số luận điệu hoang đường. Ông ta nói năm 2009 Mỹ kim sẽ trở thành tờ giấy lộn. Năm 2006, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ đã bí mật cho ra đồng AMERO tương tự như đồng EURO của Liên minh Châu Âu chuẩn bị thay thế đồng Mỹ kim. Trung Quốc và Nga cần hợp tác cướp đoạt vùng đất thuộc khu vực Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Obama sẽ không làm được việc gì. Ông là nhân vật không khác gì Mikhail Gorbachev từng làm cho Liên bang Xô viết cũ tan nát. Giáo sư tiến sĩ Igor Panarin xứng đáng là một tên cáo già về tâm lý chiến. Ông ta lợi dụng những khó khăn của Hoa Kỳ phát động cuộc chiến tranh tâm lý với ý đồ khiến cho Hoa Kỳ sụp đổ như Liên Bang Xô Viết trước đây. Tuy chiến tranh tâm lý do ông gây ra chưa chắc đã thành công, nhưng cũng phản ánh tâm trạng của một thiểu số người Nga mang nặng tư tưởng dân tộc. Igor Panarin cũng thường rêu rao Hoa Kỳ đang muốn lật đổ nhà cầm quyền Nga hiện thời, xây dựng một chính thể thân Tây phương. Cũng vì vậy mà ông được giới truyền thông quốc doanh Nga ca ngợi, trong khi đó lại bị những người đầu óc tỉnh táo phê phán Igor Panarin là kẻ ăn ốc nói mò.
|