Home Phiếm Các Tác Giả Bệnh nói chữ

Bệnh nói chữ PDF Print E-mail
Tác Giả: Phương-Vũ Võ Tam-Anh   
Thứ Ba, 21 Tháng 4 Năm 2009 05:35

 Trên con đường xâm lược Miền Nam Việt-Nam để thi-hành chiến-tranh nghĩa-vụ do khối cộng-sản giao-phó, bên cạnh những xe tăng đại-bác rần-rộ của Liên-xô Trung-cộng, cộng-sản Bắc Việt đã không quên đem theo một thứ vũ-khí kỳ-quái khác không kém phần nặng nề, đó là  "Văn-hóa  Xã -hội Chủ-nghĩa " để mong áp-đặt lên nhân-dân Miền Nam. Mặc dầu được hết sức tô-bồi sơn phết cái gọi là "văn-hóa" đó đã không cảm-hóa được ai vì nó quá lai-căn, xa lạ đối với người dân Miền Nam, mà còn đem lại hậu-quả trái ngược là bị đồng-hóa trước nền văn-hóa thuần-túy dân-tộc sáng-tạo và cởi-mở của Miền Nam. Qua sự bở ngở lúc ban đầu, dần dà nó trở nên khó chịu rồi bị châm-biếm chế-nhạo để rồi cuối cùng làm đề-tài cho những mẫu chuyện tiếu-lâm được lan tràn khắp nhân-gian.

  Trong văn-học nghệ-thuật, nền văn-hóa đó đươc bắt đầu bằng một tình thương:
      " Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
 Thương mình thì một, thương Ông (Staline) thì mười ".
 và một niềm vui:
" Vui biết mấy khi nghe con học nói,
  Tiếng đầu lòng con gọi Xit-Ta-Lin ".
    Trong cuộc thi vẽ nhà mồ của Hồ-chí-Minh, người trúng giải được khen thưởng là phản-ảnh đúng tinh-thần dân-tộc, đã nói lên nghệ-thuật Việt-Nam ( ! ). Ngày nay không còn ai chối cãi đươc rằng "Lăng Bác" sừng sững ở Hà-nội là bằng-chứng một bản sao thu nhỏ cái lăng của Lénine ở Mac-tư-khoa, thắp đuốc tìm mãi cũng không thấy chút gì Việt Nam cả, kể cả những nhận xét vô-tư nhất của báo-chí thế -giới.
   Sứ-giã tiền-phong của nền văn-hóa đó không ai khác hơn là mấy cán-bộ Miền Bắc vào tiếp-thu Miền Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Với một bộ gió bên ngoài không mấy hấp dẫn, với một kiến-thức của con cóc ngồi đáy giếng, lại mang cái bệnh hay nói phét, họ đã không dấu diếm nổi dáng-điệu ngơ-ngác bàng-hoàng trước cảnh-vật và nhân-tình Miền Nam, rồi đâm ra mơ màng, thèm thuồng, ham muốn và tự đặt câu hỏi là không biết ai "giải-phóng" ai. Một cán-bộ văn-hóa tiếp-thu đài phát-thanh Sai-gòn, đã giam mình ba ngày liền trong phòng vi-âm để mê-mang với những bản nhạc Miền Nam như được đưa vào một thế-giới khác mà họ chưa hề biết tới, để rồi không kiềm hảm được sự sản-khoái của tâm-tư nên đã đặt tên những bản nhạc đó là "Nhạc Vàng". Sau đó chính-quyền cộng-sản sực tỉnh, thấy rằng chữ "Nhạc Vàng" quá hay và còn quá hấp-dẫn với dân-chúng miền Bắc nên phải đổi lại là "Nhạc Ngụy", nhưng cũng chưa ổn, vì cái gì hay là còn của "ngụy"  hay sao, cuối cùng phải gán cho cái tên thật xấu xa là "Nhạc Sến". Chao ôi! Trong một chế-độ mà lao động là vinh-quang, công-nhân là đội tiền-phong của Cách-mạng Xã-hội Chủ-nghĩa, thì người lao-động chân tay lam-lũ nhất lại được xếp vào hạng thấp hèn đáng khinh-miệt nhất, còn đâu những danh từ hoa-mỹ như đấu-tranh giai-cấp, chiến-tranh nhân-dân v...v...
   Chiến-lợi-phẩm đầu tiên hấp-dẩn nhất của cán bộ chỉ là chiếc đồng hồ đeo tay, một thứ xa-xỉ của miền Bắc. Chiếc đồng hồ tự động có ngày tháng đã mê-hoặc các sứ-giã đó và đã được họ mô tả bằng một thứ danh-từ siêu-thực: "đồng hồ hai cửa sổ và không người lái ".
   Trong tình-trạng lúng-túng đó, người cán-bộ bị lâm vài thế kẹt. Một mặt lúc nào cũng nơm-nớp lo sợ cấp trên đọc được tư-tưởng thầm kín của mình mà bị phê-bình là "tiêu-cực" là "chao đảo" chăng, một mặt muốn đánh tan cái mặc-cảm thua sút nên bèn tung ra cái chưỡng "nói chữ", vừa để chứng tỏ là mình trung-kiên, vừa để lòe rằng ta đây cũng có văn-hóa. Không biết lệnh lạc ở đâu  mà từ trên xuống dưới, từ ông lớn đến ông bé đều dùng một thứ ngôn-ngữ giống nhau, mà lại... chẳng giống ai, và chẳng Việt Nam chút nào, khiến cho người dân trong Nam cứ ngỡ là mình đang bị xâm chiếm bởi một đoàn quân ngoại-lai nào.
   Dân Sài-gòn đã được một phen nực cười khi nhìn mấy chú cán-bộ dạo phố cứ ngẩn tò te ngước mắt nhìn các nhà cao tầng để cho nón cối rơi lộp độp, rồi bào nhau: " Đi khẩn -trương lên các đồng-chí, trời có khả năng mưa đấy, tớ là anh nuôi, còn phải tranh thủ về thổi cơm tốc-độ cho mấy đồng-chí ở trên ăn nữa đấy ". Đáng buồn thay, những chữ thật dãn-dị, thật dể thương, thật Việt nam như "mau", "có thể ", " cố gắng", "gấp" thì nay bị thay thế bằng những danh-từ " bác-học" kiểu cộng-sản vừa nặng nề, vừa sai nghĩa, vừa đi xa ngôn-ngữ đại-chúng (thế mà cộng-sản thường vổ ngực tự xưng là phát sinh từ đại-chúng)
  Chữ "khẩn-trương" không phải là nhanh mà còn hàm ý là nguy cấp, căn thẳng, cần phải đối-phó ngay, phải đề-phòng, phải chăng với bản-chất đa-nghi, nên cộng-sản lúc nào cũng đề-phòng, dòm trước ngó sau nên đã nhập-tâm mà phát-âm ra như vậy. Trời có "khả-năng" mưa phải hiểu là trời có quyền, biết cách làm ra mưa chứ không phải là có mưa hay không. "Tranh thủ " có hàm ý là thi đua, giành giựt chứ không phải là cố gắng. Chữ "anh nuôi" lại không có giống cái, một chị đầu bếp cũng phải gọi là "anh nuôi ", vì nếu gọi là "chị nuôi" thì lại hóa ra "vú em " mất. Còn " thổi cơm tốc-độ " thì xin miễn phê-bình, vì chữ này đã đi vào ngôn-ngữ của mấy chú ngáo trong truyện khôi-hài binh-dân để chọc cười thiên-hạ.
  Theo cộng-sản thì ngôn-ngữ là một phương-tiện chính-trị. Khi còn chịu ơn Trung-quốc, để được đồng-hóa một chút cho vừa lòng quan thầy, họ chẳng những đã không ngần-ngại cho du -nhập vào những danh-từ nặc mùi Ba Tàu, như " sự-cố kỹ-thuật" "bị-vong-lục" mà cả những khía cạnh khác của văn-hóa như y-phục, tóc tai, âm-nhạc, nghệ -thuật v...v... Ngay cả những bản nhạc được tôn-kính như " Hang Pắc-Bó" để ca tụng Hồ-chí-Minh khi còn ở hang thì cũng nặc âm-điệu của một bài hát xẩm. Có một dạo, ngay giữa thành phố Hà-nội có một cái đồng-hồ lớn như kiểu Big Ben ở Luân-Đôn (chắc con ếch Hà-nội muốn to bằng con bò Luân-đôn hay sao) cứ mỗi giờ lại trổi lên bản nhạc"Hang Pắc-Bó" khiến cho khách qua đường cứ ngỡ là mình đang du-lịch ở Hồng-Kông hay Chợ-Lớn.
   Khi xãy ra chiến-tranh với Trung-cộng, Trung hoa không còn "vỹ-đại " nữa mà trở thành "kẽ thù số một" thì lập tức Việt Nam hóa những chữ như "sự cố " thành "trục trặc" và "bị vong lục " thành "sách trắng ", nhờ đó dân Việt Nam mới hiểu được tiếng Việt .
   Như bất cứ hành-động nào của người dân dưới chế-độ cộng-sản, kể cả những cảm-tình như vui buồn thương ghét, đều được chỉ-đạo để rập theo một khuôn, nên "nói chữ " cũng phải theo những nguyên-tắc nhất-định. Do đó, "nói chữ" cũng không phải là chuyện dể, muốn chắc ăn thì trên nói sao dưới cứ theo đó mà nói như con vệt, vì lỡ nói sai một chút hay không đúng thứ-tự các chữ thì có thể bị nghi ngờ là xuyên-tạc và sẽ "có vấn-đề" ngay. « Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã -hội Chủ -nghĩa » là nhất định phải theo thứ tự đó, bố bảo cũng không có chú cán-bộ nào lại dám nói  « tiến mạnh, tiến nhanh… »
    Trong một dịp nào đó, lãnh-tụ đã thốt ra câu "nói chung là tốt ", thế là liền sau đó, cả nước đua nhau nói theo, hình như nói được câu đó thi được gần lãnh-tụ hơn, trung-kiên hơn, hể mở miệng ra là "nói chung là tốt ", dù cho ở trường-hợp chẳng tốt chút nào hết, đến nổi có người than phiền là bị dị-ứng với bốn chữ đó. Khi xãy ra chiến-tranh với Trung-cộng, một bác-sĩ của Hà nội quản-lý chúng tôi ở trại tù Sơn-La, vẫn tự-hào là có giòng máu tư-sản nên ít mặc cảm hơn với chúng tôi, đã mớm cho chúng tôi biết là sẽ phải chuyển đến một trại tù do công-an quản-lý rất khắc-nghiệt, có nghĩa là bước xuống thêm một tầng nữa trong địa-ngục nhà tù cộng-sản. Trước hoàn-cảnh bi-đát không lấy gì tốt đó, bác-sĩ không biết nói gì hơn, bèn an ủi chúng tôi bằng bốn chữ "nói chung là tốt" !!
  Trong một bài diễn-văn, lãnh-tụ đã dùng sai văn-phạm khi nói "Học tập tốt, lao động tốt."....vì theo tiếng Việt, chữ "tốt " là một tỉnh-từ chứ không thể là một trạng-từ. Thế nhưng từ đó về sau, cả nước cứ nhắm mắt sai theo, để rồi những câu chúc nhau thật duyên-dáng như "ăn ngon, ngủ yên, chơi vui" được thay thế bằng một thứ tiếng Việt nhại theo lãnh-tụ như : "ăn tốt, ngủ tốt, chơi tốt "  nghe chói tai như người ngoại-quốc mới học nói tiếng Việt Nam vậy.
    Lẽ tất-nhiên cái bệnh nói chữ cũng không chừa mấy ông bác-sĩ cách-mạng. Trên một bệnh-án, có lần chúng tôi phải điên đầu vì mấy chữ :"O.E. viêm ruột thừa ". Sau khi toát mồ hôi lần mò mới té ngữa ra O.E. là viết sai của chữ E.O.(En Observation) mà các quan thầy thuốc Tây thời Pháp-thuộc hay dùng còn lưu lại. Điều oái-ăm là vị bác-sĩ đặt bút viết mấy chữ đó lại mù tịt tiếng Tây, cho nên OE hay EO thì cũng thế thôi, miễn sao nghe "oai" hơn, Tây hơn, mấy tiếng Việt Nam mà họ cho là tầm-thường như "nghi ngờ..." hoặc "đang theo dõi..."
    Một chàng trai si-tình Miền Bắc chóa mắt trước vẻ mỹ-miều của cô gái Miền Nam đã viết một bức thư đầy tình-tứ như sau (những chữ trong dấu ngoặc là do tác-giã bài này chú-thích để dể hiểu):
  "....Từ ngày gặp em, anh đã có đối-tượng (người yêu), tuy đã nhiều lần trao-đổi (nói chuyện) nhưng em vẫn chưa nắm (hiểu) được anh, tuy anh không có khả-năng (có thể) gặp em nhiều nhưng nói chung là anh rất căn (nôn nóng) nhưng không mấy cường điệu (bốc-đồng), mặc dầu có nhiều sự-cố (trục trặc) nhưng anh cũng khắc-phục (vượt qua) sẽ bố-trí (sắp đặt) để khẩn-trương (mau) gần em hơn, rồi sẽ đề-bạt (xin) tập thể nhất-trí (thuận) để anh quản-lý (cưới) em, anh sẽ tranh-thủ (cố gắng) kiếm được một mặt bằng (căn nhà) cho chúng ta, thì lúc đó mới đạt yêu cầu (thỏa mãn)...."
 (Bức thư còn dài nhưng không dám trích hết vì sợ người đọc sẽ điên lên mất.)
     
Chắc chằn là chàng trai sẽ không "đạt yêu cầu" được vì cái mùi tình-tự khó ngữi của bức thư không làm xiêu lòng được cô gái miền Nam dãn-dị hiền-hòa, cũng như "văn-hóa xã-hội chủ-nghĩa" lai căn phải vấp ngã trước thành-trì văn-hóa truyền-thống Việt Nam.