Vui Buồn Với Xe Cộ Ở Mỹ |
Tác Giả: Vĩnh Hầu | |||
Thứ Ba, 23 Tháng 6 Năm 2009 22:35 | |||
Bàn về xe cộ ở Mỹ, thì ôi thôi, có biết bao nhiêu điều để nói! Mà đa số là những chuyện 'cười ra nước mắt', đã xãy đến cho những ai bắt buộc phải dùng xe, như là 1 nhu cầu di chuyến không thể thiếu ở xứ Cờ Hoa này, với hệ thống đường sá mênh mông bát ngát, trong đó ngầm chứa đựng nhiều tiện nghi thú vị, cũng như những hiểm nguy đang rình rập người lái xe, từng giờ, từng phút, từng giây! Muốn được lái xe, trước tiên phải có bằng lái, tức là phải đi qua 'cửa ải' D.M.V, mà đối với một số người, xem nó như 'Vạn Lý Trường Thành'! Chao ôi!, sao mà gay go đến thế, đôi khi phải thi tới thi lui 2, 3, 4 lần mới cầm được mảnh bằng trong tay. Đậu Tú Tài cũng không sướng bằng! Trong số này có nhiều tay đã biết lái rành rẽ từ quê nhà rồi mới lạ.. Tuy nhiên, cũng có một số người không ít, dễ dàng vượt qua cổng D.M.V trong lần Thi Test đầu tiên, nhờ bình tĩnh cũng có, cầm lái vững cũng có, hoặc nhờ may mắn không gặp phải giám khảo thuộc loai 'sát thủ', ít khi cho thí sinh 'pass' ngay lần đầu, vì bất kỳ 1 lý do gì. Thí sinh có biệt hiệu 'Người Thi Rớt Nhanh Nhất' là Cậu tôi, chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, kể từ khi rồ máy xe, ra khỏi khu vực khởi hành, trở về chỗ củ, chàng ta bị đánh rớt ngay bởi giám khảo bằng câu nói mới nghe thì rất 'ngọt', mà ngẫm lại thì thấy 'chua lét': 'Good luck to you for next time!' Làm sao không rớt được, khi mà chiếc xe chàng lái vừa quẹo phải, bắt đầu ra đường cái, thì đã nghe tiếng còi dài từ bên trái, của một chiếc xe khác đang trờ tới, phải lạng qua 1 lane để tránh hít vào mông của xe 'thí sinh', vì quá hồi hộp, nên mắt có nhìn mà không thấy, tai có dểnh lên, nhưng lại không nghe tiếng giám khảo la xì-top! Thật ấm ức cho ông Cậu tôi, chưa kịp thi thố tài năng, thì đã nghe lời chúc may mắn cho lần thi tới! Cũng ví như câu 'Nàng chưa lên ngựa, Chàng đà xuống yên!' rồi vậy. Với cái lỗi tày trời như thế, thì 'no choice' cho Giám Khảo, và 'no chance' cho thí sinh! Ngược lại với ông Cậu, tôi là người rất may mắn trong kỳ thi lấy bằng lái xe. Hai cái may: Thứ nhất, chỉ thi một lần là đậu ngay, thứ hai, khi đi ghi danh, có thí sinh 'cancel' buổi thi ngày hôm sau, tôi được thế vào chỗ trống, thế là, thay vì phải chờ một tuần, tôi chỉ chờ một ngày! Về chuyện thi cử, sở dĩ tôi được 'pass' ngay lần đầu, cũng nhờ bí quyết riêng của tôi, xin phổ biến rộng rãi: Phải tận dụng tối đa 2 con mắt và cái đầu một cách nhịp nhàng, thoải mái và liên tục! Giám khảo luôn luôn để ý cặp mắt mình có xử dụng đúng mức không, nghĩa là có thường xuyên liếc nhìn kính chiếu hậu, kính bên hông trái, bên hông phải, kết hợp với cái đầu, cũng liên tục ngẩng lên nhìn kính chiếu hậu, xoay thật nhiều qua bên phải khi sang lane phải, xoay bên trái ít hơn khi sang lane trái. Tâm lý của các vị giám khảo là, thường xuyên cảm thấy bất an đối với những thí sinh cứ ôm tay lái chặt cứng, mắt thì trừng trừng phía trước, không dám, hoặc rất ít khi di động cặp mắt, hoặc cái đầu, sợ mất phương hướng, hoăc lạc tay lái! Điều quan trọng của thí sinh, là làm sao, luôn luôn tạo cho giám khảo cảm giác an bình, thoải mái khi ngồi bên 1 tay lái không biết trình độ cao siêu đến cở nào, hay là như ông Cậu tôi thì 'good luck for next time' là chuyện đương nhiên, không có gì phải phàn nàn cả! Cái ngày hạnh phúc nhất, đối với tôi ở xứ nhiều xe cộ nhất thế giới này là lấy được cái 'Driver License' và sở hữu một cái xe 'cũ người mới ta' để bắt đầu cuộc đời mới, tự do đi lại, không còn lệ thuộc vào giờ giấc và tài xế nào cả, ngay cả tài xế bus! Tự do, ôi tự do, tôi đổi bằng ... chả có gì ghê gớm lắm. Đó là một chiếc xe 'Ford', màu trắng, nước sơn còn mới, máy nổ nghe cũng còn ngọt, giá $2,500 vào năm 91. Sau khi làm giấy tờ đăng bộ cái xe cũ mới mua ở Nha Lộ Vận, tôi được phát một cái 'sticker' mới để dán phía sau xe, chứng minh chủ xe đã đóng thuế. Trong khi tôi đang lui cui làm cái việc dán sticker, thì bỗng nghe tiếng nói cất lên, phía sau lưng. Giọng nói của một người Mỹ, nửa như ngạc nhiên, nửa như đùa cợt: -Hey! What are you doing? Tôi ngoái đầu nhìn lui, thấy một chàng Mỹ bự con, quần Jean, áo chemise bỏ ra ngoài, đang nhìn tôi với vẻ mặt hóm hỉnh, chờ đợi câu trả lời. -You see what I am doing! Tôi cũng láu lỉnh trả lời. -But, it's my car! Tôi giật mình, đứng phắt dậy, nhìn kỹ lại chiếc xe Ford màu trắng tinh. Rõ ràng là của mình, sao anh chàng này lại bảo là của y! Tim tôi hơi đập mạnh, coi chừng, tên này có ý đồ gì đây, nó bự con quá, muốn cướp xe mình, thì cũng chẵng khó khăn gì, chỉ việc làm vài cử động thể dục, là tôi yên vị, để nó muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên tôi cũng vẫn còn bình tĩnh, vì thấy tên này, vẻ mặt cũng đẹp trai, hiền lành, không biểu lộ chút nào ý định cướp xe. Tôi bỗng nhìn sang bên phải, cách xe 'của tôi' 2 cái xe khác, thì, ổ ồ! Một chiếc xe Ford khác, cũng màu trắng y chang chiếc xe Ford này, đang nằm chờ tôi dán sticker cho nó, vì chính nó, mới là xe của tôi! Tôi ngỡ ngàng quay lại nhìn 'ông' Mỹ, miệng rối rít xin lỗi vì sự vô ý nhìn lộn xe của người ra xe của mình! Trường hợp này, cũng có thể tha thứ được, vì không phải tôi nhậu quá say, đến nỗi 'trông gà hóa cuốc', mà tại vì 2 con gà giống nhau như 2 giot nước, nếu không nhớ bảng số xe, thì không tài nào phân biệt được. Một điều đáng kinh ngạc, là 'ông' Mỹ đi xe Ford giống xe tôi là 1 ông 'Cớm' thứ thiêt! Rõ ràng là tôi đang vuốt râu 'COP' ( COP- tiếng lóng của Mỹ, có nghĩa là Cảnh Sát), may là ngày 'off-duty” của 'ổng', chắc cũng có việc gì cần đến D.M.V, nên trông ông có vẽ hiền lành. Nhân tiện đây, tôi cũng đang thắc mắc không biết chữ 'CỚM' có phải bắt nguồn từ chữ 'COP' không? Tại sao có sự trùng hợp lý thú và hay ho thế? Có ai biết, xin giải đáp dùm, vì chữ 'CỚM' của Viet Nam ta đã được dùng từ lâu lắm rồi. Trở lại chuyên dán lộn 'sticker', theo Nhà Phật, thì ngày hôm đó tôi đã gặp được 1 cái DUYÊN, để trả NỢ cho D.M.V $15.00, 2 cái stickers, phải mua lại, (mỗi cái$7.50), vì chắc ai cũng biết, khi đã dán vào xe rồi, thì đừng tính chuyện gỡ ra mà còn nguyên vẹn! Nếu Thầy Cảnh ra sớm 1 khắc, tôi ra trể 10 giây, hoặc xe tôi màu đen, hoăc ông COP đậu xe chỗ khác, hoăc ngày đó không phải là ngày 'off' của ông ...v.v và v.v, thì tôi đâu có phải lâm vào cảnh này, vô số sự trùng hợp nên mới gọi là DUYÊN, mà chữ DUYÊN thường đi đôi với chữ NỢ là thế. Cũng còn may gặp được ông COP, nên việc mua lại 2 cái stickers chỉ mất hết 10 phút, thay vì phải 'get line' từ đầu, chờ đợi 1 vài tiếng đồng hồ nữa thì não nề biết mấy, chưa kể đến chuyện nếu nạn nhân của tôi không phải là Thầy Cảnh, cũng chờ theo tôi, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra!, chẳng hạn, ông ta là 1 luật sư, lương 1 giờ có thể lên đến vài trăm, nếu theo tôi ngồi chờ 2 tiếng đồng hồ, thì có thể tôi bị kiện để bồi thường thiệt hại gấp nhiều lần so với 2 cái stickers! Do đó tôi có thể kết luận rằng bửa đó NGHIỆP của tôi còn nhẹ, nên chỉ mất có 15 tì là được 'Nhẹ Nợ' ngay! * Người lái xe can đảm nhất, đối với tôi, không ai khác hơn là 'Bà Xã' của tôi! Thât vậy, mới có bằng lái chưa tới 2 tuần, và thời gian lái cũng chỉ ngần ấy thôi, thế mà, vì nghe lời rủ rê đường mật của đứa cháu, dám ngồi một mình, theo đuôi xe trước lái ra Free Way, đến Sở làm của đứa cháu, để nộp đơn xin việc! Rõ ràng là 'điếc không sợ súng!' Lượt đi. may mắn không gặp chuyện gì, vì Xa Lộ còn trống, có thể bám sát chiếc xe trước được , nhưng lượt về thì lượng xe cộ hơi nhiều, thế là cô nàng lạc mất bóng dáng của chiếc xe chạy phía trước, vì chưa đủ khả năng bám sát, để vài ba chiếc xe khác chen vào. Mặc dầu đứa cháu đã cố tình chạy chậm lại, và bật đèn 'emergency' lên, cô nàng chạy theo sau cũng chả thấy gì nữa. Lúc này tinh thần đã bắt đầu quýnh quáng rồi, cell phone liên lạc nhau cũng chả ăn thua gì. Thế là cô nàng đành nghe lời khuyên căn bản khi lái xe ngoài Xa Lộ, exit đại vào đường trong, dừng xe lại ngồi chờ cả tiếng đồng hồ sau, đứa cháu mới tìm được vị trí thất lạc, để hướng dẫn nạn nhân về đến nhà an toàn. Hú hồn! Có một kỷ niêm khá buồn cười, giữa tôi, thầy dạy lái xe, và bà xã, hoc trò ngoan và hiền của tôi. Cứ tối đến, khoảng 9 giờ, tôi chở Nàng ra các khu có parking lot rộng rãi để tập cho Nàng lái xe, cứ đi vòng vòng độ một giờ mỗi đêm, làm quen với tay lái, khi đã khá rồi, sẽ thuê thầy dạy thêm, ra ngoài đường chính, để có thể đi thi lấy bằng. . Tôi tập cho Nàng đến đêm thứ tư, thì Nàng bắt đầu 'control' được chiếc xe một mình, tôi không phải nhắc nhở gì nhiều, vì bản chất của Nàng khá thông minh, lanh lợi. Qua đêm thứ năm, tôi hoàn toàn yên tâm về mọi thao tác của Nàng, giờ đây đã khá 'nhuyễn', xe chạy đều và không 'cà giựt' như những ngày đầu, bỗng nhiên tôi để ý nhìn xuống đôi chân Nàng, thấy có vẻ hơi lạ, tôi cúi sát nhìn kỹ hơn, vì ban đêm, mọi vật đều lờ mờ, phải nhìn gần mới rõ, thì ô kìa kìa, Nàng đã xử dụng cả 2 bàn chân, '1 thì nhấp thắng 1 thì rồ ga!' Ối giời! Thế này thì công trình tập luyện gần tuần lễ đã thành công 'dã tràng xây cát biển Đông rồi'! Phải bắt đầu lại từ đầu thôi! Nàng thì không tin tôi, cứ cho rằng tôi sai, phải dùng 2 chân mới thoải mái và hợp lý, chứ tại làm sao, xe thì có hai bàn đạp, người thì có hai bàn chân, lại chỉ xử dụng 1, không thể vô lý như thế được! Chẳng lẽ chân trái dùng để đánh nhịp, khi nhạc nỗi lên? Vả lại, lúc này Nàng đã qúa quen thuộc với cách xử dụng 2 chân rồi, cảm thấy không có gì trở ngại cả, nếu đổi qua kiểu khác, Nàng sẽ thấy thừa thãi và lúng túng ngay. Tôi không có cách nào để thuyết phục cho Nàng tin ngay, đành tạm ngưng công tác, để Nàng đi hỏi lại người khác cho chắc ăn, rồi sẽ 'hạ hồi phân giải'. Qua ngày hôm sau, khi đã 'thẩm vấn' nhiếu người khác, Nàng ấm ức bảo tôi; 'Kỳ cục quá, em vẫn không hiểu sao người ta lại chỉ xử dụng một chân cho 2 bàn đạp'! Tôi trả lời; 'Khi nào em lái giỏi rồi, thì mới biết tại sao.' Quả nhiên, sau một thời gian vật lộn với tay lái khá nhiều, Nàng mới 'ngộ' được lý do tại sao người cụt chân trái vẫn lái xe an toàn và được pháp luật cho phép! Thật ra, không phải chỉ mình Nàng mới có sự thắc mắc hợp lý này, rất nhiều người, trong đó có cả tôi, cũng rất bở ngỡ khi lần đầu tiên, ngồi vào tay lái, và được bảo rằng, cấm xử dụng 2 chân! Cho hay, người phát minh thường thường có nhiều kinh nghiệm và có lý hơn người xử dụng! Riêng về mục lái xe, đối với bà xã tôi, cũng gặp nhiều may mắn. Sau khi luyện tập vòng trong khoảng 10 đêm, do tôi hướng dẫn, cô Nàng chỉ học thêm 7 ngày (mỗi ngày 1 tiếng) ở vòng ngoài, do 1 thầy chuyên nghiệp dạy, nàng liền đòi nộp đơn xin ứng thí ngay. Thế mà Nàng đỗ ngay trong lần đầu! Thật đáng nể! Có thể Nàng đã biết dùng cặp mắt và cái đầu một cách tích cực, do tôi truyền lại, nên mới được giám khảo cho 'điểm tốt' cũng nên! Trong suốt quá trình xử dụng xe cộ, ít có ai mà không trải qua những giờ phút hồi hộp, bối rối, bực mình vì bị ăn 'ticket', hoặc toát mồ hôi lạnh, hú hồn vì gặp tai nạn, không nhiều thì ít, không lớn thì nhỏ! Tôi và bà xã cũng không thoát khỏi cái 'sự cố' đáng sợ đó, khi xử dụng 'con dao 2 lưỡi' thường ngày để thu hẹp khoáng cách quá bao la đối với đôi bàn chân bé nhỏ. Đôi khi, 'họa vô đơn chí', gặp phải tài xế đang 'xỉn', hoặc, 'anh hùng xa lộ', có duyên với mình, nên 'hửu duyên thiên lý tông cái đùng', rồi 'vô duyên bỏ chạy chẳng muốn phùng!' Điển hình là cái vụ 'hit and run' xáy ra cho bà xã tôi, cách đây không lâu: Trên đường về dọc xa lộ 405 North, cô nàng chuẩn bị exit vào đường trong để về nhà, Nàng đã cấn thận ngó trước ngó sau, thấy 'clear', liền bật 'signal' đổi sang 'lane' phải, chưa kịp nằm gọn vào hẳn trong 'lane', thì đã nghe cái rầm, tuy không lớn lắm, nhưng cũng đủ làm cho cô Nàng 'hồn xiêu phách lac', con tim đập thình thịch, như muốn nhãy ra khỏi lồng ngực! May mà chiếc xe bạt mạng kia nhỏ hơn xe cô Nàng, và có sự lách tránh của tài xế, không thì, với tốc độ rất lớn, mà tông phải nhau, thì cả hai xe có thể bị lật nhào như chơi. May mắn xe bà xã chỉ lệch 1 tí, sau đó trở lại bình thường, có thể lết vào 'lane' khẩn cấp, nằm chờ Thầy Cảnh đến, nhưng cũng vô ích, vì chiếc xe kia đã biến mất, không còn để lại một dấu vết nào ở hiện trường, còn cánh cửa xe bên phải của cô nàng thì bị móp nặng. Bấy giờ tôi mới hiểu, công dụng của việc mua bảo hiểm có phần 'uninsured motorist', nếu gặp 'xế' nào không có bảo hiểm, hoặc nó tông mình xong rồi bỏ chạy, mình không biết kiện ai, thì đã có hãng mình lo hết, vì mình đã có mua bảo hiểm phần này. Giá cả thì cũng không nhiều lắm, chỉ vài ba bốn chục 1 năm là cùng. Vậy nếu ai chưa mua, thì nên mua ngay, kẻo đến khi 'mất trâu mới rào dậu' thi sự việc đã trể rồi! như trường hợp của bà xã tôi, thật là đáng tiếc. Cũng may, cô Nàng chẳng bị thương tích gì, chỉ bị rúng động con tim 1 tí, rồi cũng qua đi, nhưng lại học được kinh nghiệm về khoảng cách và tốc độ, lần sau phải cẩn thận hơn, trong việc ước lượng 'khoảng cách an toàn'. Mặc dầu thời gian lái xe của tôi lâu năm hơn Nàng, tôi chưa được hân hạnh 'hit' ai, và cũng chưa có ai 'hit' mình, nhưng 'tickets' thì tôi có thừa, ít nhất cũng nửa tá, kể từ năm 91 đến giờ, kể ra cũng còn 'good credit' chán. Tuy nhiên, tôi đã gặp một trường hợp khá nguy hiểm và gay cấn xảy ra trên Xa Lộ, vào một buổi chiều trên đường về nhà. Đang chạy phom phom, bỗng nghe 1 tiếng 'đùng', khiến tôi giật nẫy người, chân tự động đạp thắng, tay lái hơi chao đảo, con tim đập loạn xạ, chiếc xe Ford của tôi cũng lảo đảo, chạy cà xệch cà xoạc, nhưng không đến nỗi xiên xẹo quá để có thể gây nguy hiểm. Tôi rà thắng, lết vào 'lane emergency', ngừng xe, nhưng không giảm bớt được tốc độ của con tim vẫn còn đập mạnh. Một trong 4 bánh xe đã gặp phải vật nhọn, hay vì lý do nào đó, đột nhiên 'xì hơi' một cách ầm ỉ, khiến cả chiếc xe trở thành vô dụng, chẳng còn thăng bằng để tiếp tục lăn bánh,' 1 con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ!' Tôi chắc lưỡi, hé mở cửa, nép người, bước ra khỏi xe để quan sát xem bánh xe nào đã ăn vạ giữa đường. Không may cho tôi, bánh xe nổ ruột lai là bánh xe sau, nằm phía ngoài, tiếp cận với luồng xe đang vùn vụt lướt qua. Tôi nhìn trước ngó sau, tìm xem cái 'phone box', nhưng không thấy đâu cả, rõ khổ! Tai nạn này xảy ra cách đây10 năm, tôi còn độc thân, thường xuyên ăn cơm tay cầm, nên không đủ khả năng xài điên thoại cầm tay! Trời tối dần, cái lạnh bắt đầu gia tăng, khi mặt trời sụp lặn, mặt đường rung ầm ầm, như động đất, gây nên bởi đoàn xe nối dài bất tận. Còn gì bi đát hơn, con người sống trong thời đại văn minh, gặp hoàn cảnh này, chi bằng trở lại thời kỳ đồ đá, e còn thanh bình, hạnh phúc hơn! Hình như luât. không cho sửa xe ngoài xa lộ, mà phải gọi xe khác đến kéo đi thôi, nhưng phone không có lấy gì mà gọi? Tôi không đủ can đảm đi dọc xa lộ 1 đoạn đường dài tối tăm, để tìm cho ra cái hộp điện thoại, thường đặt ở dọc đường, cách nhau một vài mile gì đó. Túng quá phải làm càn, tôi đi đén quyết định, vừa nguy hiểm cho tính mạng, vừa vi phạm luật pháp. Thay bánh xe trên xa lô!, chẳng biết tôi có làm được không, vì tôi chưa từng làm lấy một mình, chỉ nhìn thấy và phụ người khác làm thôi, đây cũng là sự lo âu được cộng thêm cho hoàn cảnh bi đát của tôi. Nguy hiiểm nhất là phải thao tác ngoài lề đường, phía xe chạy, chỉ cách xe tôi khoảng 1m, gió cuốn, âm thanh và sự rung động mặt đất làm tôi co rúm người lại trong lúc hì hục đội xe, mở ốc, tháo bánh xe, khệ nệ khiên bánh xe phụ lắp vào v.v..trán lấm tấm mồ hôi, miệng lâm râm niệm Phật, cầu khấn cho công việc được hanh thông, tai qua nạn khỏi! Khoảng nửa tiếng đồng hồ trôi qua trong sự căng thẳng cùng cực, cuối cùng tôi cũng hoàn thành được sứ mạng, mà tôi cho là vô cùng oanh liệt, đối với cá nhân tôi! Khi đã lên xe lăn bánh an toàn, tôi có cảm giác vô cùng nhẹ nhõm, chưa bao giờ hạnh phúc bằng lúc này, vì tôi đã trải qua trạng thái cô đơn lo lắng cùng cực, đến 1 trạng thái an bình, ổn định trở lại một cách bất ngờ, ngoài sự suy đoán của tôi. Ba điều may mắn đã đến với tôi hôm đó, thứ nhất, không có xe nào 'cọ quẹt' tôi trong lúc loay ahoay ngoài hiện trường, sát với luồng xe chạy; thứ hai, không có Thầy Cảnh nào chạy ngang trong thời gian nay 'biếu' tôi một 'ticket'; thứ ba, tôi đã làm được việc mà tôi chưa bao giờ làm lấy một mình! Trong cái rủi, vẫn có cái may có thể làm giảm cường độ hoặc hóa giải được.tai ách gây ra bởi con người hoặc bởi thiên nhiên. Chiếc xe ra đời đã đem lại nhiều tiện lợi và thú vị cho con người, nhất là những người giàu có, xem việc thay đỗi kiểu xe là 1 thú vui, vô cùng hấp dẩn, vừa thỏa mãn được sở thích cá nhân, lại được xã hội đánh giá cao về sự thành đạt, ít ra cũng là bên ngoài. Ngược lại, xe cộ cũng đem đến nhiếu rắc rối, bưc mình, đôi khi vô cùng thê thảm, dẫn đến thương tật nặng nề, hoặc chết chóc, tử vong, Hãy nhìn vào các nghĩa địa xe hơi, càng ngày càng nhiều, cũng đú biết, mình đồng da sắt mà còn tan nát, phải ra nghĩa địa, huống hồ là da thịt con người! Tôi tin chắc rằng, hầu hết những người đã từng xử dụng xe hơi như là 1 phương tiện di chuyển, điều không nhiều thì ít, đã phải nếm qua những giờ phút đắng cay, hồi hộp, gay cấn, hoặc nguy hiểm chết người trong cuộc đời, mà họ chưa có dịp nói ra, hoặc không muốn bộc lộ, hoặc không có cơ hội bày tỏ, vì đã ra người thiên cổ. Nếu mọi tài xế đồng ý tự viết lên câu chuyện về đời mình, có liên quan đến xe cộ, thì tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ có một pho sách. dày tới cả nghìn trang, gồm nhiều chuỗi dài những bi-hài kịch, mang đủ sắc thái vô cùng hấp dẫn, có thể viết thành phim để đưa lên màn ảnh.
|