Nước Trong, Nước Ngoài |
Tác Giả: Lê Bình | |||
Thứ Hai, 29 Tháng 6 Năm 2009 14:06 | |||
Chuyện nầy cũng bình thường thôi, đó là những “chuyện thường ngày ở …chợ”. Ông Tư Tâm, về hưu, có nhiều thì giờ muốn làm 1 chuyến thăm quê. Ông xa quê xa nước từ thế kỷ trước, chăm chỉ mần ăn, đến nay xong “Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo” Và bắt chước người xưa “Đường mây rộng thênh thênh cử bộ, Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.” Ông quyết định một chuyến “hồi hương” (cá hồi quy cố hương) trước thăm phần mộ ông bà, sau là bà con chòm xóm, những anh cu, chị mẹt ngày xửa ngày xưa cởi truồng tắm sông. Khi về Mỹ ông Tư Tâm thất vọng quá, ông chê đủ điều. Bạn bè ông cười “Đã nói là chuyện thường ngày mà”. Ông than “Thật ra mà nói, đất nước có đổi mới thật. Nhà cửa, cao ốc xây dựng nhiều, mở mang lắm…nhưng than ôi, cái sự mở mang đó không bù được cái mất mát.” Mọi người đều cười cho ông già ngây thơ. -Vậy chớ trước khi anh về anh không biết tí gì hay sao? -Biết cái gì? -Chuyện thay đổi, chuyện phát triển….không còn tem phiếu, bao cấp, xếp hàng cả ngày nữa….v.v. - Có biết chớ. Những cái chuyện bao cấp thì mất rồi, không còn xếp hàng cả ngày mà bây giờ là xuống hố cả nước. Hà Nội không còn là đất nghìn năm văn vật nữa, người Hà Nội không còn nữa, mà thay vào đó là dân tứ xứ; nền văn hóa Hà Nội bây giờ là “Văn Hóa Đ…”. Mọi người cười ồ. Văn hóa Đ…là văn hóa gì vậy? -Nét thanh lịch của Thăng Long không còn, người Hà Nội bây giờ ăn nói tục tiểu không chịu được. Mở miệng ra là đ… Ông Tư Tâm kể một câu chuyện nghe qua như hoang đường…tiếu lâm nhưng ông quả quyết đó là chuyện thật…Hỏi thăm đường một thằng bé, nó trả lời “Đ…biết”, đem chuyện nầy than van với một người quen thì anh ta phán “ông đ…hiểu gì hết. Hà Nội bây giờ là thế đó.”, “cha mẹ không dạy dỗ con cái à? Có đấy chứ, nhưng chúng nó đ…nghe lời.” Tư Tâm lắc đầu: “Các ông nghĩ coi có chán không chứ. Đi vào cửa hàng, quán ăn….bất cứ đi đến đâu cũng không gặp được một nụ cười…người ta nhìn mình như thể là kẻ cắp, ngoài đường thì xô bồ hổn độn, người đối xử với nhau chẳng ra làm sao cả…Người đi đường đụng nhau, xe cộ va vào nhau…chẳng có ai đến phân xử, muốn ra sao đó thì ra...” Ông ta còn kể nhiều chuyện, than thở đủ điều. Bạn bè của ông nói cho ông biết đừng ngạc nhiên. Tôi nói cho ông nghe nhé, đây, một chuyện ở bên Tàu, do một người Trung quốc kể, họ viết thành sách nhé-Người Trung Quốc Xấu Xí- Đó là ông Bá Dương, sách do ông Nguyễn Hồi Thủ dịch, nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành 1999 . Ông ta viết về xã hội TQ như thế nầy “…Tại Trung Quốc nếu hai người đụng nhau trên đường thì lại hoàn toàn khác. Phản ứng của đôi bên sẽ nhanh như chớp, mắt long lên, trợn trừng nhìn nhau như sắp biểu diễn một màn nhẩy cao. Câu đầu tiên dùng để nói với nhau sẽ là kiểu : "Mắt mù à?" Đối thủ cũng lập tức nhảy cỡn lên phản công: "Ái dà! Ai mà cố ý! Đi đụng vào người ta mà lại còn không biết điều!" Người kia lại gân cổ to tiếng hơn: "Đụng vào người ta mà lại còn già mồm, không biết được giáo dục kiểu gì?" Đối thủ mồm cũng không kém: "Đụng vào thì đã chết chưa? Chắc muốn người ta quỳ xuống lậy mình chắc? Bảo người ta đụng mình à? Thế mình lại không đụng vào người khác đấy? Chính mình đi đụng vào người ta mà lại còn muốn đổ vấy cho người!". Sự tình đến đây, người có vẻ yếu thế hơn sẽ bỏ đi, mồm lẩm bẩm chửi rủa, trong khi đó cái người có vẻ cứng mạnh hơn dơ chân múa tay, giọng điệu đe dọa khiến cho cả đám đông kéo nhau đến như thể sắp xem một đám đánh lộn. Nếu độc giả chú ý, từ lúc đụng nhau cho đến lúc rã đám, chúng ta không hề nghe được một câu "xin lỗi". Cái môn "đến chết cũng không nhận lỗi" rất tinh thông này của người Trung Quốc biểu hiện khá đầy đủ trong cái chuyện va vào nhau trên đường. Người Trung Quốc đã mất khả năng nói "xin lỗi!". Họ đều giống như những hỏa tiễn phun lửa, chỉ có cái dũng khí dựa trên sức lực để hơn thua với nhau mà thôi…” Tư Tâm cười không thể ngừng được…”Sao mà giống thế. Việt Nam bây giờ như thế đấy. Tôi chẳng bao giờ nghe một tiếng xin lỗi, hay cám ơn.” “Chưa hết đâu.tôi kể chuyện Tàu nữa nhé. Đây này, cũng ông Bá Dương viết”: “Con người là một loại động vật biết cười. Nhưng những cô y tá, những cô bán vé xe người Trung Quốc lại là một ngoại lệ. Về việc này hơn 10 năm nay mọi người đều than vãn nhưng cái bộ phận quản lý xe buýt và nhà thương quá bận về việc ăn tiền để có thể chú ý đến nó. Cứ xem tình hình này, trừ phi vứt tiền vào mặt họ, thì ngay cả ông trời cũng chẳng có thể cậy mồm họ ra cho họ cười được. Thực ra gương mặt những cô bán hàng bây giờ hầu như cũng có khá lên đôi chút. Ngay lúc anh bước vào cửa hàng, giống như con mèo thấy con chuột vào ổ của mình, đôi mắt nhỏ của các cô nhìn về phía anh chứa đầy những dò xét như đối với một địch thủ. Các cô bắt đầu bằng việc đánh giá áo quần của anh, và nói một câu gì đó kiểu: "ấy, cái này đắt lắm đấy!" Nếu anh hỏi: "Còn thứ gì tốt hơn nữa không?" thì sẽ được trả lời: "Còn đắt hơn nữa đấy!". Tôi có một người bạn, thời còn học Đại học Ngoại ngữ, đến một cửa tiệm bán hàng ủy thác nằm trước mặt Trung Sơn Đường ở Đài Bắc. Anh lấy ra một cái áo len giá tiền tương đối đắt, 500 đồng để ngắm nghía. Người chủ tiệm sau khi nhìn kỹ huy hiệu trường học ở cổ áo anh đã nói không do dự : "Lúc nào cậu tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ xong, thành thông dịch viên lương mỗi tháng ít nhất là 500 đồng cái đã. Bây giờ cậu phải tiết kiệm chứ!" Kết quả đã hoàn toàn ngoài dự đoán của ông ta, vì người bạn tôi đã mua cái áo đó. Không có gì khổ tâm cho khách hơn cái việc sau khi vào xem một vài mẫu hàng trong tiệm rồi cáo từ đi ra không mua gì. Lúc đó từ chủ tiệm cho đến người bán hàng, nếu không lườm nguýt thì cũng thì thầm chửi rủa như vừa gặp trộm cướp, thái độ đều lộ rõ bên ngoài không hề giấu diếm. Thế mà có người bảo: "Có can hệ gì đâu! Bọn họ thấy người nước ngoài vào tiệm vẫn tươi cười đấy chứ!". Cả bọn cùng cười. “Nếu thay vào đó một hai chữ thôi thì câu chuyện vẫn đúng ở một nơi khác.” “Chưa hết đâu nhé. Ông Bá Dương viết về người TQ như thế nầy”: “Lúc quay lại Đài Loan tôi vẫn quen thói "tôn sùng" Tây phương này. Nhưng chỉ được ba hôm thì lại vẫn chứng nào tật nấy. Mà cái đó không phải vì ý chí của tôi yếu đuối, nhưng vì mỗi lần dừng lại cung kính giữ cửa, thì cái ông bạn da vàng ở đằng sau nhìn tôi như thể mồm anh ta đang ngậm cứt khô, không thể nào nghe được một thanh âm gì giống như tiếng "cảm ơn" từ nó cả. Tôi bèn cứ thả cho cửa nó tung ra như thói quen cũ, mặc kệ mẹ cho nó đập vào mặt ai thì vào, có đập chết cũng được ! Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người Trung Quốc ra cái câu "cảm ơn ông" e rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của ông bạn Trư Bát Giới của chúng ta thì không thể được. Thật ra cái câu "cảm ơn" và cái câu "xin lỗi" của người Mỹ cũng giống nhau. Chúng đã trở thành một bộ phận của đời sống dân chủ, từ đứa bé vừa học nói, mẹ nó chùi đít cho nó, nó cũng biết nói cảm ơn.” (Tr.146) “Ông Bá Dương nầy nói hơi quá, đâu có lẽ nào như thế” Một người không đồng ý. “Ừ, cũng có thể ông ta hơi quá một chút đi, nhưng cũng có chớ? Đâu phải nói oan?” “Hoàn toàn chính xác 100%, ở VN bây giờ là như vậy” Tư Tâm quả quyết “Kiếm một tiếng xin lỗi hay cảm ơn làm thuốc cũng không có.” “Nè! Anh không tin à? Đừng nói ở đâu xa, ngay tại đây nè, ngay trong nước Mỹ nè…trong cộng đồng người Việt nầy, cái chuyện không “cảm ơn, xin lỗi” đôi khi cũng…không phải là ít?” Những chuyện kể về một chuyến đi, về đời sống của người trong nước, và hải ngoại đôi khi cũng chỉ là câu chuyện “trà dư tửu hậu” không ai để ý cứ cho đó là chuyện người không phải chuyện mình. Văn hóa của một nước là do tập quán, thói quen, ảnh hưởng của vùng đất sống, địa dư…v.v. mà thành hình. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” có thể được hiểu là sự thích ứng, mà cũng có thể hiểu là sự ảnh hưởng của môi trường, sự tác động qua lại giữ con người và hoàn cảnh, môi trường. Con người ta sống ở đời nhìn cung cách đối xử với nhau người ta có thể biết được trình độ của một sắc dân, một xã hội. Trong cổ ngữ đông phương có câu “Văn nhân tương khinh, đồng hành tương kỵ, đồng tính tương xích” có phải chăng là một đúc kết kinh nghiệm của người xưa? Đâu đó trong xã hội cho thấy các định kiến đó vẫn còn đúng vì “2 cô ca sĩ có khen nhau bao giờ” Ông Bá Dương nhận xét “Chỉ có bản thân mình là đáng khen, còn những người khác đối với họ đều là cứt chó hết” (Tr.171) không chỉ dành cho người TQ, mà dường như đã là con người thì tự trong bản chất đã có “tánh” đó rồi. Cộng đồng Việt lớn mạnh rất nhanh, thành đạt nhiều. Tuy nhiên, ở đâu đó, thảng hoặc người ta còn nhìn thấy cung cách hành xử không thích hợp...như: Đi trể, gièm pha, đối xử với nhau còn mang bộ mặt “hình sự”, dòm ngó, chia rẻ, cà riềng cà tỏi…v.v. Không chỉ người trong nước do đời sống khó khăn trở nên cáu gắt, còn người nước ngoài lý do gì mà người ta không thoát ra được cái bóng tối âm u để vươn mình lên làm gương cho con cháu?
|