Home Phiếm Các Tác Giả Tôi đậu bằng lái xe ở Mỹ

Tôi đậu bằng lái xe ở Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan Ðức Minh   
Thứ Sáu, 31 Tháng 7 Năm 2009 06:58

Trước ngày đi tù cải tạo hơn 12 năm hồi 1975, ở Việt Nam, tôi đã có khá nhiều bằng lái xe, nào là tấm bằng lái xe dân sự gồm cái dấu son đỏ cho phần lái xe du lịch, thêm cái dấu son đỏ nữa cho phần lái xe có động cơ 2 bánh như xe Vespa, Lambretta, mô-tô phân khối lớn. Với cái bằng này, tôi lái xe du lịch hiệu Peugeot, Renault, Citroen của Pháp không bao nhiêu, nhưng lái xe Vespa ở Sài Gòn và Ðà Nẵng dễ có mấy năm lận. Rồi đến cái bằng lái xe “Nhà Choang”, tiếng lóng ngày xưa người ta chỉ “Nhà Binh” đấy thưa quý vị! Cái bằng này cũng đủ thứ dấu, nào là lái xe nhẹ như xe jeep, hạng trung như Dodge 4 x 4 và cả hạng nặng như xe vận tải quân đội GMC. Xe GMC thì tôi chỉ lái chút chút để chơi cho biết thế nào là xe nhà binh cỡ nặng. Xe Dodge 4 x 4 thì tôi cũng lái không nhiều, vì hồi ở trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tôi không có nhiệm vụ chi cần lái xe này. Tôi lái xe jeep là chính từ hồi mang lon thiếu úy cho đến đại úy và rồi... quan tòa thiếu tá. Dù rằng tôi ở vào trường hợp ngoại lệ, lên lon, lên chức quá mau so với bạn bè cùng nhập ngũ binh nhì (Soldat de 2ème Classe = Private của Mỹ)1 ngày. Khi gặp lại nhau, tụi nó phải đứng nghiêm cứng người, giơ tay chào tôi mệt nghỉ vì tôi là quan tòa thiếu tá mà tụi nó đa số còn là thượng sĩ, cao tay lắm là chuẩn úy, mặc dầu tôi chẳng theo học khóa sĩ quan nào cả. Có cậu Thượng Sĩ Nguyễn Kim Tỉnh, hồi còn là hạ sĩ (Caporal/Corporal) dạy tôi 2 tuần lễ căn bản quân sự tại ngay đơn vị, cùng với nhóm hơn chục anh em nhập ngũ năm 1952 ở Ðại Ðội 3 Truyền Tin Việt Nam ở Nam Ðịnh, sau này gặp lại ăn cơm với gia đình tôi, hắn cứ... nhăn răng cười hoài. Bà xã hắn bảo chồng, “Hồi xưa anh dạy ông lính mới này (chỉ vào tôi), nghe đâu anh dữ lắm cứ cầm cái “ba-toong” đập vào chân ông ấy hoài vì bước đi không đúng nhịp, phải không? Tôi đỡ lời, “Ờ! đúng đó, hắn đập tuốt luốt đám lính mới bọn tôi, chẳng trừ ai hết.” Bà xã hắn hỏi thêm, “Thế bây giờ anh có dám đập ông ấy nữa không?” Thượng Sĩ Tỉnh cười, “Bây giờ mà đập ông ấy, thì có nước ổng nhốt cả người lẫn cây ba-toong lại chớ bộ giỡn mặt à!”

Ấy! Nói chuyện lòng vòng, quên cả cái chuyện lái xe ở trên. Ý tôi muốn nói là ở Việt Nam, ngần đó thời gian, tôi đã lái xe... ngang dọc, xa gần ghê gớm lắm, lâu năm chớ đâu có phải là ít. Hồi mang cấp bậc thiếu úy, tôi đã thường lái xe Jeep hàng ngày... Bỏ trường học ở Hải Phòng khi chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ Tháng Mười Một-1946, tôi theo lớp người cha anh lăn mình vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Hai lần bị quân Pháp bắt. Lần đầu được tha ngay sau 1 đêm giam giữ. Lần sau là lần tôi cố tình nằm trong cánh đồng lúa huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình để cho Pháp bắt, hầu thoát ly khỏi hàng ngũ kháng chiến do CỘNG SẢN lưu manh, tàn ác lãnh đạo, sau khi làm việc tại cơ quan Tuyên Huấn, tôi được đọc sách báo, biết tin ông Bảo Ðại về lập chính phủ và quân đội Quốc Gia Việt Nam... Ra khỏi trại tù Nhà Máy Rượu, Nam Ðịnh ít lâu, tôi bị động viên đi học Trường Sĩ Quan Thủ Ðức, nhưng vì quá mệt mỏi sau nhiều năm tháng gian khổ, bệnh tật, tôi không đi, nhưng phải tình nguyện nhập ngũ vào Ðại Ðội 3 Truyền Tin Việt Nam với tư cách binh nhì (Soldat de 2ème classe/Private) ở ngay thành phố Nam Ðịnh, còn do sĩ quan người Pháp chỉ huy... Sau 11 năm học hành gian khổ, vào ban đêm, sau giờ làm việc, không thầy, không lớp, mà cũng chẳng có trường, qua 19 lần thi, với 3 thứ ngôn ngữ Pháp-Việt-Anh, hết thi viết rồi lại thi vấn đáp, có keo chơi luôn 2 lần vấn đáp cho 1 kỳ thi. Thoát nạn học hành là tiếp theo 3 năm thực tập, cộng lại 14 năm. Khi ??? c bổ nhi?m gi? ch?c vụ trong hàng ngũ quan tòa ở cấp đại úy, tôi được cấp xe riêng, có tài xế riêng, rồi lên thiếu tá, nhưng lái xe đi lại trong đường phố tôi thường hay lái xe lấy, để cậu tài xế ngồi ở phía sau. Do đó mà có một câu chuyện tôi nhớ hoài cho đến bây giờ đang sống ở Mỹ. Bộ Chỉ Huy Quân Trấn Ðà Nẵng quy định: lái xe trong đường phố, hai bên có cửa tiệm, nhà ở, xe jeep quân đội không được phép chạy quá 35 km/giờ (1 mile ở Mỹ = chừng 1km 6, có lẽ) Khi tôi lái như thế thì luôn luôn ở dưới mức quy định cho thong thả, thoải mái và cẩn thận, còn nếu để tài xế (tài xế của tôi đã chọn lựa là loại tài xế cẩn thận, nghiêm chỉnh đàng hoàng) nhưng tôi để ý thấy hắn luôn lái đúng mức tốc độ quy định. Một hôm, tôi đang lái xe trên đường Trưng Nữ Vương, Ðà Nẵng, bỗng thấy một trái banh tennis trong ngôi nhà cạnh đường, hàng quán liền nhau, lăn ra lối xe chạy. Không thấy có ai ra theo trái banh, nhưng tôi biết chắc trái banh là của một em nhỏ, và khi nhận ra trái banh lăn ra đường thì em nhỏ nhất định phải chạy theo kẻo... sợ người đi đường “lấy mất.” Từ khoảng cách chừng 6-7 mét, tôi rà chân thắng chờ đợi... Ðúng lúc đó, một bé trai chừng 4 tuổi từ trong nhà ngất ngưởng chạy ra, đưổi theo trái banh. Tôi đã dừng xe hẳn rồi, em bé mới chạy tới ngay đầu xe, tay vịn vào cản xe, mặt mũi hoảng sợ. Cậu tài xế từ phiá sau tôi nhào vọt ra, ôm giữ lấy em bé. Cùng lúc ấy, một bà lớn tuổi, chắc là bà trông cháu, chạy ào ra, ôm lấy cháu, bồng lên, cuống quýt chạy lại bên cạnh tôi, nói không ra hơi, “Lạy Trời, lạy Phật, cảm ơn thiếu tá! Nếu là người khác lái xe thì cháu tôi chắc đã chết rồi! Tôi mới quay đi một tí là cháu chạy ra đường xe chạy, Thiếu tá dừng xe kịp, chớ người khác chạy mau hơn tí nữa thì không biết cháu tôi và gia đình toâi ra sao?” Bà con nhao nhao vây quanh xe tôi, “Phúc đức quá! Ông thiếu tá tòa án (trông phù hiệu sơn trước xe, thêu trên tay áo của tôi, và tôi dạy học cả chục năm ở cái thành phố nhỏ bé này, học trò đông lắm, phụ huynh rất nhiều người biết tôi) ngừng xe lại kịp không thì cháu bé khổ... rồi.” Tôi đã cài số xe an toàn cẩn thận, nên nắm tay bà cụ và nói, “Không có chi cả cụ ạ! Chúng tôi lái xe là phải cẩn thận ở đường phố có bà con sinh sống, hàng quán hai bên. Cụ nhớ để ý trông cháu cẩn thận, các cháu nhỏ đâu có biết gì, thấy trái banh lăn đi là phải chạy theo thôi. Lần sau, cụ đừng để cháu như thế, nguy hiểm lắm! Thôi cụ vào nhà đi, kẻo xe phía sau chờ đợi.” Sau đó, tôi lái xe đi và nói với cậu tài xế, “Cậu thấy chưa! Lái xe trong thành phố, thị trấn, luôn luôn phải để ý đến những trường hợp bất ngờ từ hai bên đường phố nhào ra (đường ở Ðà Nẵng hồi đó đã hẹp lại chạy xe 2 chiều, không có vạch vẽ ngăn đôi chi cả)...

Sang định cư ở Mỹ, tại San Diego, Nam California theo diện H.O 10, năm 1992, gia đình tôi khá đông người, đi được gần hết, chỉ trừ người con trai lớn có gia đình, phải ở lại Việt Nam, đợi gia đình bảo lãnh khi đủ điều kiện. Tiền bạc quả thực chưa bao giờ trong túi lại rỗng tuếch như lúc này. Tôi đi tù cải tạo hơn 12 năm, vợ con phải làm nghề thủ công để sinh sống, lại còn tiếp tế cho tôi nữa chớ. Ngày xưa, lương và các khoản phụ cấp của “ông quan tòa” là loại cao thật đấy (theo quy chế của Pháp để lại) nhưng sống thoải mái là giỏi rồi! Tôi phải xin giấy phép dạy học ngoài giờ làm việc, chuyên môn kèm Pháp và Anh ngữ (British English chớ không phải American English, có khác nhau ít nhiều) cho các cháu học sinh trung học để cuộc sống khá hơn, tránh dính líu đến những chuyện lem nhem tiền bạc quá quen thuộc với cảnh sống xã hội lúc bấy giờ, nhất là thời kỳ đô la Mỹ theo quân đội Hoa Kỳ đổ vào Nam Việt Nam. Tiền dạy học hàng tháng rất khá, nhưng lãi suất ngân hàng lúc đó quá cao: 26% lận, cho nên tiền dạy học hầu như đẩy hết vào các tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, lo cho con cái học hành sau này, khi tôi tính chuyện đường xa, làm việc trong ngành ngoại giao. Khi Ðà Nẵng rơi vào tay quân Cộng Sản một cách chớp nhoáng, không đánh nhau chi cả thì các ngân hàng đóng cửa bỏ chạy lấy người hết trơn. Chúng tôi cũng như bao nhiêu người ở Ðà Nẵng đều bị tài sản tiêu tan theo vận nước. Việt Cộng đâu có cho buôn bán (buôn bán chui ngoài chợ búa, vừa bán, vừa trốn chạy công an, thuế vụ thì dở sống dở chết). Bà con ở quê nhà lắm người lại cứ nghĩ rằng... chúng tôi phen này sang định cư ở Mỹ là “lượm đô la” thoải mái mấy hồi. Tất cả các cháu đều vừa đi học và đi làm để sinh sống và trả nợ dần dần đủ thứ nợ: nào là tiền nợ máy bay (khỏi phải vượt biển), tiền vay bà con xa gần, nội ngoại, kẻ ít người nhiều, giúp cho gia đình sinh sống, chờ đợi làm thủ tục trước khi rời khỏi quê cha đất tổ, với đủ thứ đủ loại, mà bà con cứ kêu là “thủ tục đầu tiên, tức là thủ tục... tiền đâu?”). Kẻ viết bài này tuổi ngoài 60, lại sau 12 năm có lẻ đi tù cải tạo ở 5 trại tù nơi rừng thiêng, nước độc, gần biên giới Lào, khi sang đất Mỹ đỡ được phần nào cái mục lo thuốc men, bệnh tật, “đặc trách công tác” lái chiếc xe cũ Toyota đời 1979, đưa đón 7 đứa con, đi học, đi làm đủ... bở hơi tai ra rồi, tối về lọc cọc đánh máy viết bài cho 3 tờ tuần báo ở San Diego, 3 tờ báo ở Orange County, với chiếc máy chữ có dấu chữ Việt do một ông dược sĩ Việt Nam tự biến chế, làm công việc văn phòng, nhường lại với giá tượng trưng, bài vở xào qua, xáo lại, chuyện tù cải tạo, thơ vui, chuyện ngố về Vi Xi tha hồ mà viết... Tất cả là 6 tờ báo, hồi đó trung bình mỗi tờ báo trả cho ông già 50 đô la 1 tháng. Kể như là quá may mắn, làm việc ban tối ở nhà mà mỗi tháng 300 đô la, ngày lễ, ngày Tết, chủ báo còn đến thăm tại nhà, tặng quà, tặng bánh, kể như là nhất. Già rồi, bận việc đưa đón con cái di học, đi làm, tối ngồi lọc cọc đánh máy viết báo, chớ trong đầu vẫn còn ham học. Ngày xưa, học hành gian khổ như thế mà cũng vựơt qua được, nay sang Mỹ, nếu còn điều kiện, thì giờ, máy móc để học như người khác thì học chi mà chẳng thoải mái hơn. Thấy con cháu và đám học trò cũ ngày nào thành công trên đường học vấn mà mừng cho chúng nó. Chớ còn tụi nó mà học hành kiểu như tôi thì có cho ăn kẹo... chocolate thứ xịn, cũng vô số tên kéo nhau bỏ chạy, vượt sông, vượt biển, vượt núi, bỏ cuả chạy lấy mạng người cho khoẻ...

Sau chuyến bay thời gian dài lâu và “đừ điếc” nhất trong đời, từ Sài Gòn đến phi trường quốc tế Los Angeles, bang California Huê Kỳ, rồi “chơi thêm” chuyến bay nội địa chừng 1 giờ nữa, gia đình tôi về thành phố hiền hòa, đẹp đẽ là San Diego. Ông bạn thân từ nhỏ cùng gia đình đón chúng tôi về nhà ông ở tạm, rồi tìm thuê giùm chúng tôi ngôi nhà ở khu vực rất thuận tiện về mọi mặt ở ngay khu vực Mira Mesa. Khi trông thấy những đại lộ có đèn xanh, đèn đỏ tùm lum, những con đường lớn mỗi chiều có 4, 5 đường xe chạy, tôi phát hoảng lên khi thấy xe cộ chạy ào ào, phóng như tên bay. Xe cộ đã nhiều, lại chạy hai chiều trên xa lộ hay phố xá ngang dọc, đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng, quẹo trái, quẹo phải, quay trở đầu (U turn) cứ tưởng như... loạn xà ngầu, nhưng ngắm kỹ mới thấy nó nhịp nhàng, có trật tự, lề luật hẳn hoi chớ không có tùm lum, tà la, bóp còi inh ỏi, vô tội vạ như ở thủ đô Hà Nội hay thành phố Sài Gòn. À quên! Thành phố Hồ Chí Minh chớ! Nói xong cái tên thành phố này coi bộ muốn hết hơi quá, mệt... ná thở. Lúc ấy tôi thầm nghĩ: mai mốt rồi mình cũng phải lái xe như người ta trong cái rừng xe, trông hoa cả mắt mũi, nhưng rồi cũng phải xong, chớ chẳng lẽ cứ húc vào nhau tối ngày hay sao!

Ít ngày sau, gia đình tôi cũng có được cái xe Toyota thuộc loại “cổ lỗ sĩ” do một người quen để lại cho với cái giá rất bèo, với tinh thần giúp đỡ, nói ra... nghe mắc cỡ thấy mồ. Cái xe này dùng để cho tôi tập lái rồi chạy quanh quanh, gần nhà thì được. Tôi là con chim đầu đàn trong gia đình cho nên phải học lái xe trước nhất để lo mọi việc chuyên chở trong gia đình. Trong thời gian chờ đợi, thì cô cháu gái, con ông bạn, học trò cũ của tôi ở Ðà Nẵng, lo giúp đỡ đến cả mấy tháng lo chở người này, người nọ đi đủ nơi lo mọi chuyện cho cái gia đình khá đông đảo của chúng tôi. Mấy ông bạn, đa số gốc sĩ quan cũ, ở nhà thờ gần đó thay nhau chỉ dẫn cho tôi tập lái xe theo kiểu cách ở Mỹ. Có một cụ già gần 80 tuổi, trước dạy trung học ở Việt Nam, rất chi là chịu chơi, ổng đưa tôi ra xa lộ lái cho quen. Tôi ớn quá, bảo ông cụ, “Tôi chưa quen, mà cụ lôi tôi ra đây thì dám cả hai cùng tiêu tùng quá! Ông cụ bảo, “Không sao! Cứ lái theo cách thức tôi hướng dẫn, nhắc nhở, rồi cũng xong hết!” Tôi lái một hồi ngon lành, 65-70 miles đàng hoàng, nhưng khi thấy... hơi hơi quáng gà, tôi bảo, “Thôi bây giờ cụ lái tiếp trở về nhà, chớ tôi coi bộ căng thẳng rồi, lỡ sang lane, sang liếc tầm bậy, tầm bạ, đụng thiên hạ thì mệt cụ ạ!” Cụ già ô kê! Tôi ép xe sang bên phải để dừng lại, nhường tay lái cho cụ. Ông cụ lái được một lúc thì nghiêng đầu sang tôi nói nhỏ, “Xe cảnh sát chớp đèn phía sau, tôi sẽ phải đậu lại vì có chuyện chi đó. Ông cứ ngồi yên, đừng nhúc nhích, động đậy chi cả.” Ông cụ, đậu lại bên đường phía tay phải, hạ cửa kính xuống, rồi hai tay để lên bánh lái, chờ đợi cảnh sát tới... hỏi thăm sức khỏe. Ơ hay! lạ nhỉ! Anh chàng cảnh sát to con, da trắng, thò đầu vào trong xe, ghé sát mặt vào miệng ông cụ mà nói chuyện, hỏi han đủ thứ. Sau đó, chàng cảnh sát nhà ta phán, “Ông cụ cho tôi coi bằng lái xe! Chà, gần 80 mà còn lái xe ra Freeway, giỏi dữ à! Tôi thấy ông già lái xe thỉnh thoảng lạng qua, lạng lại, tôi nghĩ là ông già đã làm vài ly rượu rồi cho nên mới lái xe biểu diễn kiểu đó. May mà tôi ghé sát mặt vào nói chuyện với ông cụ, nhưng chẳng thấy hơi men, hơi rượu chi cả, nên cũng chẳng cần thử bằng máy móc làm chi, chắc tại ông cụ lớn tuổi rồi cho nên tay không vững, mới lái như vậy. Thôi! Cụ lái tiếp đi, nhưng cẩn thận nghe, kẻo nguy hiểm đó!” Hồi ấy, cách đây gần 2 chục năm cho nên xe cộ chưa quá đông đảo như bây giờ, nếu không tôi sợ ông cụ có ngày... tông vào xe khác như chơi. Bạn bè, cựu sĩ quan biết tin gia đình tôi mới sang Mỹ nên tìm cách giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần, mà ưu tiên là làm sao cho tôi lấy được cái bằng lái xe, chở các cháu đi học, đi làm, 8 tháng trợ cấp của cơ quan Xã Hội qua đi như gió thổi cái vèo... Lần đi thi đầu tiên, tôi phải mượn xe của bạn bè (chớ cái xe của tôi xệ quá, không đủ tiêu chuẩn để thi) và nhờ hướng dẫn đến cơ quan DMV gần nhất, xếp hàng xin dự thi. Thi viết thì làm gì chẳng đậu ngay cái một. Ðến cái màn thi lái thì hơi ngán. Tên tôi được gọi lên trong máy, rồi một ông to con, da hơi ngăm ngăm, giơ tay làm hiệu cho tôi biết và bảo, “Follow me, please!” lịch sự có thừa. Ra khỏi cửa vài bước, tôi chỉ tay và nói, “Xe của tôi đây, thưa ông!” Sau khi tôi ngồi vào xe, thắt dây an toàn, cầm tay lái, ông “giám khảo” ngồi bên cạnh, ổng dặn đôi điều ba chuyện, rồi bảo tôi lui xe ra. Ngon lành! Ông ta bảo tôi chạy ra phía cổng, nhập vào dòng xe đang chạy. Chỗ này không có đèn đường xanh đỏ cho nên tôi phải chờ cho trống đường rồi mới quẹo phải, làm điệu ngó gương chiếu hậu, ngó ra ngoài cạnh xe, đổi sang lane trái vì ông ta ra lệnh “U turn” ở cái đèn đường trước mặt. Hồi đó, chưa có lệnh cấm “giám khảo” không được phép hô bậy bạ, làm cho thí sinh lái tào lao, tầm phào gây tai nạn, có thể... ra nghĩa địa luôn, cả thí sinh lẫn giám khảo, vì xe là tôi đem tới thi, bộ phận thắng chân, thắng tay giống y chang các xe đang chạy trên đường, chớ đâu có phải xe 2 thắng chân của dân dạy lái xe loại “prồ” như bây giờ. Xe tới nơi, mải nhìn xe cộ, đèn xanh, đèn đỏ rối mù, tôi quên béng cái bảng gắn trên cao có chữ U và cái gạch chéo mầu đỏ, tức là “Cấm U turn.” Tôi cứ tỉnh bơ làm theo lệnh ngài giám khảo nhà ta, chơi cú “U turn” ngon lành, lả lướt. Ông ta ra lệnh cho tôi, “Chạy tới cái đèn đường phía kia rồi quẹo trái trở lại cơ quan DMV.” Tôi “hơi có tí thông minh” cho nên nhận ngay ra rằng “Bố khỉ! Mày hại ông rồi! Xúi bố mày làm bậy, rồi chỉ một cái lỗi nặng này, mày cho ông ‘Fail’ chớ chi nữa. Ngài giám khảo giảng thuyết đôi điều, rồi ngọt như mía lùi bảo tôi, “Ông nhiều tuổi rồi ‘over sixty’ cần về luyện tập thêm ít ngày nữa, đỡ nguy hiểm cho chính thân ông. Tức quá, dù là lính mới tò te nơi xứ người, cái mũi lại xẹp lép, nhưng gốc quan tòa, thầy cãi ngày xưa vẫn phải còn chút chút chớ, tôi cãi, “Ông thấy cái bảng cấm ‘U turn’, sao ông còn ra lệnh cho tôi quẹo xe trở đầu lại? Thí sinh thì phải nghe lệnh giám khảo chớ!” Tôi cay cú bồi thêm một lời nhẹ nhàng êm ái, “Ở đây hay nhỉ! Nghe lời dậy bảo của ông thầy, ông giám khảo thì dễ có chầu mất nhà, ra lề đường làm dân ‘homeless’ quá!” Ông ta không muốn tôi khiếu nại khi bước vào cơ quan cho nên dịu giọng, “Lái xe ở Mỹ cứ theo đúng luật lệ mà lái, ai xúi giục làm chi cũng mặc! Ông tập thêm ít bữa rất có lợi cho ông!” Rồi ông ta chìa tay ra bắt tay tôi đàng hoàng “See you later!” xong biến vào cơ quan lẹ như chớp. Nếu võ sĩ Mike Tyson (tay này có nhiều thành tích ghê rợn lắm) mà ở vào vị trí của tôi, thì ngài giám khảo nhà ta dám “ăn một cú Direct Punch” vào giữa trán, nổ đom đóm mắt ra, rồi tới đâu thì tới... Về nhà, coi lại tài liệu “lái xế” của xứ Huê Kỳ cẩn thận cho chắc ăn, rồi ngay tuần lễ sau, tôi nhờ bạn bè đưa tới DMV ở vùng khác không xa đó, thi luôn cho mau việc chính phủ. Lần này, cũng một ông giám khảo hơi giông giống như ông kỳ trước, nhưng tôi lái được lâu hơn, ra đèn xanh, đèn đỏ, bay bướm hơn kỳ trước. Khi trở lại DMV, ông này giảng thuyết một hồi, rồi phán, “Ông chỉ thiếu chút điểm nữa thôi là ông được cấp bằng lái. Về chịu khó tập thêm vài ngày, chú ý mấy điểm bị trừ, cho an toàn!” Thế nghĩa là... tôi vẫn chưa đậu phần lái xe! Lần thứ 3, rồi lần thứ tư, tôi vẫn lái thi coi bộ thoải mái ngon lành mà rớt vẫn cứ rớt. Thế là cái giống gì? Phải lái làm sao đây mới đậu đước cái bằng lái xế ở xứ Huê Kỳ này? Về nhà, gia đình tôi, quyết định, kiếm một cậu chuyên dạy lái xe nhà nghề để kèm cho tôi đàng hoàng, có đậu mới trả cho anh ta 250 đô la Mỹ, không phải đô Hồ đâu quý vị ạ! Anh này kèm cho tôi kể ra thì cũng chẳng có chi mới lạ, nhưng mọi sự do “sổ Thiên Ðình” bảo tôi lần này “ra quân” mới hợp thời cơ với đủ các yếu tố... Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cậu huấn luyện viên dẫn tôi tới DMV đầu tiên với chiếc xe Toyota Camry láng coóng, của con cháu ông bà bạn gần nhà. Khi lái xe đi, con cháu vui vẻ nói, “Bác lái xe của cháu thì lần này sẽ đậu!” Tôi cảm ơn cháu và nói vui vẻ, “Cháu cho bác đậu thì bác đậu thiệt cho mà coi!”

Tới DMV, cậu huấn luyện viên đứng cạnh tôi động viên tinh thần. Tôi cũng cảm thấy an tâm hơn những lần trước. Vừa lúc ấy, một chiếc xe chạy từ ngoài đường, vào sân, ngừng lại gần chỗ tôi đứng đợi tới phiên, và một cô gái Mỹ cỡ chừng 18 xuân xanh, chắc là chuẩn bị vào học College, được gia đình đưa đi thi lấy bằng lái xe hơi, gia đình khỏi phải đưa đón, mở cửa xe bước ra, rồi nhẩy lên reo mừng, người nhà ào tới ôm cô ta cứng ngắc, líu lo: Congratulations! Congratulations! Bà giám khảo, chớ không phải ông giám khảo, mở cửa xe bước ra, giơ hay tay lên cao chúc mừng Cô gái và gia đình. Sau một lát, bà giơ tay với cặp bìa cứng, giấy tờ tùm lum, chỉ về phía tôi, “Your turn!” Thấy tướng tá bà giám khảo phúc hậu, to lớn, đẫy đà, trắng trẻo, dù cho phụ nữ không rắn chắc, nặng ký như đàn ông, nhưng cũng phải cỡ chừng 170 pounds là ít, lại mới chấm đậu cô gái Mỹ xinh xinh vừa rồi, tôi chào bà rồi giở màn “ca cải lương” nói với bà rằng, tôi từng lái xe mấy chục năm ngon lành ở Việt Nam, cùng bạn bè là các sĩ quan cố vấn Mỹ đi công tác khắp nơi, bình an vô sự, mà sang đây đã thi 4 lần vẫn chưa đậu. Hy vọng lần này, gặp bà, và sự may mắn của cô gái bà vừa chấm đậu, tôi cảm thấy hi vọng... Bà giám khảo chắc chắn không phải là dân chơi bạo, ngổ ngáo, liều lĩnh như mấy “ông giám khảo” hắc ám 4 kỳ trước, bà ưa ngồi trên xe tán gẫu với tôi, hỏi đủ thứ chuyện lẩm cẩm “cổ tích thời xưa” cho khỏe hơn là thúc tôi nhào ra đường, vui chơi với đèn xanh, đèn đỏ ở các ngã tư đường, lỡ ra tôi tông, tôi ủi vào đâu thì bà ngồi bên cạnh, bà sẽ tiêu tùng dễ hơn là tôi cầm chắc tay lái. Biết đâu bà lại còn có mấy đứa con ở nhà, dại gì mà bà xúi tôi đưa bà vào chỗ... nhà thương, bệnh viện, nhà quàn. Bà an ủi tôi, “Ông cứ cố gắng hết mình, tôi không nghĩ là lần này ông vẫn thất vọng như những lần trước.” Bà nhẹ nhàng, vui vẻ bảo tôi, “Let's go!” Bà giám khảo “phúc hậu” chỉ bắt tôi lái xe ra cổng, quẹo phải, chạy tới cái ngã tư thứ nhất, chạy thẳng gặp lúc đèn xanh, rồi tới ngã tư thứ hai “Turn right”, ngon lành hết cỡ! Vào mấy con đường chỉ có nhà dân cư, xe cộ rất ít, bà bảo tôi trở đầu xe ở ngã ba, đậu xe sát lề đường, ngay ngắn, rồi lui xe, đậu lại, lái xe ra, lui xe vào. Sau hết là vòng về DMV theo lối khác. Thấy ngon lành, thoải mái quá, tôi càng tỏ vẻ cẩn thận, bật “signal”, ngó ra ngoài đường đúng bài bản rồi mới bay bướm cho xe ra, cứ như mình đã lái xe ở Mỹ cả chục năm rồi, chớ không phải là... đang run để mong lấy cái bằng “lái xế” ở thành phố San Diego hiền hòa, Nam California...

Xe đã vào trở lại sân DMV, bà giám khảo cho hay: tôi chỉ bị trừ có vài điểm, dư sức đậu, rồi bà tuyên bố long trọng trước thế giới loài người, “You pass! Congratulation!” Bà bắt tay tôi đàng hoàng rồi mới xuống xe và nói, “Ông vào trong kia làm thủ tục, lấy bằng lái tạm, rồi ít ngày sau bằng chính thức sẽ gửi về địa chỉ cư trú của ông.” Cuộc đời của tôi tất nhiên sướng khổ đã nhiều, nhưng đây nhất định phải là một lần sướng “đã đời” của tôi. Khi lái xe về nhà, mấy đứa con nhào ra hỏi, “Lần này bố có đậu không?” Ðứa con gái lớn coi bộ vẫn còn hơi lo lắng cho tôi nên cứ đứng yên nhìn, dò xét đoán chừng. Tôi hỏi nó, 'Con đoán bố keo này có ‘pass’ không?' Suy nghĩ vài giây rồi nó nói mạnh “Bố đã pass rồi!” Tôi bảo, “Con nói đúng!” Thế là nó ôm choàng lấy tôi “Con thấy tội cho bố quá, lái xe 1/3 cuộc đời rồi mà sang đây cứ phải đi lên, đi xuống, lo lắng căng thẳng đủ điều. Từ ngày mai, một số chị em chúng con sẽ được bố chở đi học, đi làm, rồi mai mốt có thêm xe, chúng con sẽ đỡ chân tay cho bố, bố già rồi cần phải có thì giờ nghỉ ngơi nữa chớ.” Nói xong, nó rơm rớm nước mắt, quay vào trong nhà, gọi điện thoại báo tin cho mấy đứa em đang còn đi làm ở hãng biết một tin vui, “Bố đã đậu bằng lái xe rồi!” Gia đình nhà mình sẽ bắt đầu vơi đi một phần vất vả nơi xứ người còn nhiều xa lạ với biết bao nhiêu trở ngại, khó khăn...
 
San Diego, California

Phan Ðức Minh