Home Tin Tức Bình Luận Xoay quanh đề tài chính trị

Xoay quanh đề tài chính trị PDF Print E-mail
Tác Giả: Cấn Thị Bích Ngọc   
Thứ Sáu, 25 Tháng 4 Năm 2008 12:52

’’La politique est la science de la liberté’’
Pierre Joseph Proudhon (1809-1865)
 

Trong thời gian gần đây, rất nhiều người đã dùng câu «Tôi không làm chính trị» để giải thích lập trường của mình (thí dụ, để từ chối không tham gia vào sinh hoạt gây quỹ trợ giúp, xin chữ ký can thiệp cho các nhà đấu tranh dân chủ ở nước nhà, hoặc để giải thích thái độ lãnh đạm của họ trước những biến đổi ở Việt Nam). 
 

Câu này như một điệp khúc được xử dụng rộng rãi trong mọi trường hợp, nó đóng vai trò chiếc chìa khóa thần kỳ giúp người ta nhanh chóng thoát ra những cảnh ngượng ngập, khó xử.

Tôi xin nhân dịp này đưa ra một vài suy nghĩ vụn vặt về danh từ chính trị. Hẳn nhiên, chữ Chính Trị ở đây chỉ mang một ý nghĩa đơn giản, thông dụng trong sinh hoạt thường nhật của chúng ta chứ tôi không đủ kiến thức lẫn sự ham thích để luận bàn về Chính Trị của những chính khách chuyên gia, xử dụng chính trị để nắm chính quyền.

Chính trị có muốn quên đi cũng chẳng xong, chính trị đầy rẫy chung quanh ta, bao bọc, xâm nhập, tác động đời sống con người, dù ta có muốn thu mình vào vỏ ốc. Sáng dậy mở TV là thấy chính trị, thâm thủng công quỹ vì phải có tiền mang quân đi dẹp terrorisme, năm nay thuế sẽ không giảm như lời hứa khi ra tranh cử, còn tăng thêm là khác. Mở internet, thấy tin hơn 90% dân biểu Mỹ bỏ phiếu chấp thuận phải ghi mục ràng buộc viện trợ cho Việt Nam vào với Nhân Quyền, vì nhà cầm quyền Việt Nam tham ác nhận tiền mà vẫn đàn áp tôn giáo, bắt bớ thượng tọa, linh mục đi tù, dân thì không có một tờ báo độc lập. 

Đi làm ghé đổ xăng, mắc hơn hôm qua chút ít, chợt nhớ báo nói mỗi lít xăng, chính phủ đánh thuế 45 xu. Tiền đó để làm gì, bầu cử 40 triệu mùa xuân năm tới, bù lấp thiếu hụt ngân sách do đảng cầm quyền nhiệm kỳ trước để lại, cuộc trưng cầu dân ý năm xưa đòi tách rời Québec hình như cũng đã thâm thủng mấy trăm triệu. Xe buýt đình công, cán bộ nghiệp đoàn cầm biểu ngữ. Đó là những hình ảnh chính trị đập vào óc, vào tim, ta dù muốn sống như cỏ cây cũng không thoát được những chi phối này.

Xin nhắc lại vài đoạn của Đinh Linh ghi trên báo Ngàn Thông do nhóm bạn trẻ chủ trương. Nhà văn Đinh Linh qua Mỹ năm 1975 lúc mới 11 tuổi, anh thông thạo cả hai ngôn ngữ Anh-Việt, làm thơ, viết văn, dịch sang tiếng Mỹ những truyện ngắn từ Việt Nam trong Đêm Lại Xuống. Hỏi về quan hệ văn chương và thời cuộc trên văn nghệ sĩ, anh phát biểu: «Người trí thức phải suy nghĩ cho đến nơi đến chốn những vấn đề chính trị, vì chính trị nhiễm vào tất cả các phạm vi đời sống. Nếu anh có cái nhìn lệch lạc về chính trị thì anh sẽ khó hiểu những yếu tố lịch sử, xã hội và đời sống nói chung». 


Để hiểu chính trị chi phối sinh hoạt văn chương trong nước thế nào, hãy nghe Đinh Linh: «Cái tức cười nhất về sinh hoạt văn chương ở trong nước là cái Hội Nhà Văn. Phải ngoan lắm mới được vô hội này... Hội Nhà Văn luôn luôn theo chỉ đạo của nhà nước. Mỗi khi một nhà văn nào bị nhà nước đàn áp thì Hội Nhà Văn lại rất bình thản và im thin thít. Thậm chí nhiều khi Hội Nhà Văn lại còn hùa theo Anh Cả để nạt chính hội viên mình».

Lấy chuyện Đinh Linh để nhớ lại những lời của các vị khuyên bảo chúng ta không nên làm chính trị, tôi nghĩ rằng chúng ta không có tài làm chính trị, không có sức làm chính trị, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có thái độ về ý nghĩa và thực chất sự có mặt của mình trên mảnh đất này. Chúng ta ở cái tuổi lỡ cỡ, người theo cha mẹ đi từ 75, kẻ đi sau chật ních trên thuyền nhỏ, có kẻ sanh ở bên này, ra đường cái visibilité nó cứ lồ lộ ra, không hề che dấu. Lúc hết công việc hàng ngày, ta cứ tự hỏi về ta, mà lời đáp còn mông lung bàng bạc. Hiểu cái tâm lý nặng nề đó đè nặng trên chúng ta, «người ta» bảo chúng ta quên đi, và «đừng làm chính trị»... 
 

Vừa rồi, đi nghe một buổi diễn thuyết về kinh tế, ông giáo sư thao thao về phát triển kinh tế, bảo rằng hãy quên đi để xây dựng. Có người đặt vấn đề dân chủ, xã hội như một điều kiện tất yếu để phát triển, ông nói ông không làm chính trị. Về sau mới vỡ lẽ ông đi du học bằng tiền của miền Nam, bây giờ được mời về cho một ân huệ, ông chỉ lập lại bài học chiêu dụ «quên đi» của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong lúc đảng của ông vẫn mạt sát người có lòng yêu nước, vẫn kiêu hãnh với kỷ niệm này nọ hàng năm hàng tháng... Không biết ông và ông Kiệt có mắc chứng Alzheimer? 


Ở hải ngoại, nhiều người có lòng quyên tiền cứu lụt, cứu đói, cứu trẻ em bất hạnh, khuyết tật, nhưng khi đặt vấn đề tương trợ những người vô tội trong vòng lao lý thì lại viện cớ không làm chính trị. Trong phạm vi y giới trong nước, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đáng lẽ có thể sống sung túc, nhưng lại mạnh miệng chống lại độc tài, bị bỏ tù năm mười năm, cách ly gia đình, nhận quà tiếp tế của vợ qua công an mà không được cho phép gặp mặt; có thể nào anh sẽ bị chủ trương «không làm chính trị» bỏ quên trong lạnh lẽo mùa đông miền Bắc? Không chỉ Phạm Hồng Sơn, bao nhiêu người trẻ đồng lứa tuổi can đảm hô hào dân chủ hóa giữa lòng địch cũng đang bị hành hạ chốn lao tù. Xin hãy đừng quên những chiến sĩ can trường này. 
    

Thật ra chủ nghĩa Quên, và không làm chính trị nếu ta áp dụng được, có lẽ sẽ làm cho cuộc sống bên này thanh thản hơn. Ta không còn phải nhức nhối bận tâm ta chỉ là một thiểu số may mắn được hưởng những tiện nghi vật chất, tâm linh trong khi 80 triệu đồng bào đã 32 năm qua, ao ước được một phần nếp sống an bình no ấm của chúng ta tại hải ngoại. Nếu quên được, ta không còn phải nghĩ đến hàng trăm ngàn nạn nhân đã vùi mình dưới biển sâu hay đã sa tay hải tặc cũng chỉ vì hai chữ Tự do, một danh từ đã trở thành quá bình thường quen thuộc với chúng ta. Chỉ sợ một lúc nào đó, quê hương vẫn chìm trong sắc cờ máu bạo tàn, đất nước chùng chằng những bước đi lạc hậu trong khi cả thế giới đang chuyển mình vươn đến ánh sáng văn minh, Việt Nam sẽ không còn là niềm tự hào của các thế hệ sau này. Bởi những trang sử hào hùng của hơn 4000 năm dựng nước đã không bao giờ được biết đến. Ngay trước mắt nhiều người đã rất thờ ơ với vận mạng đất nước. Ta sẽ có tự hỏi ta đã giữ phần nào trách nhiệm trước sự suy vong này. Ngay chính giờ phút này, có bao giờ ta tự hỏi tại sao Việt Nam đã không nối gót các nước đàn anh trong ngọn trào dân chủ của thập niên 90. Qua ngọn sóng dân quyền này, bao thành trì cộng sản kiên cố nhất đã bị sụp bại như bức tường ô nhục Bá Linh và những bức tượng Lê-nin khổng lồ. Đức, Nga và nhiều nước Đông Âu khác đã thoát ra được gọng kềm Cộng sản, tìm về thế giới tự do. Tất nhiên, câu trả lời chứa đựng nhiều ẩn số phức tạp. Nhưng có bao giờ ta đặt vấn đề: sự thờ ơ của nhiều đồng bào lưu vong cũng là một phần của bài đáp số???

Cộng đồng người Việt hải ngoại có thể trở thành hậu phương mạnh mẽ cho công cuộc đấu tranh kiến tạo dân chủ. Đại đa số giới trẻ lưu vong là thành phần tinh hoa của dân tộc khiến các đoàn thể Việt Nam tỵ nạn của mọi lớp tuổi hội đủ những điều kiện thiết yếu: nhân lực và tài lực lại thêm khả năng vận động dư luận thế giới. Có sự hậu thuẫn hùng mạnh như thế, tinh thần những người trong nước càng thêm phấn chấn. Sức mạnh quần chúng luôn là vũ khí lợi hại có thể lật đổ một chính thể bạo quyền. 
 

Chúng ta may mắn đã có lịch sử phong phú của một dân tộc hào hùng. Hội Nghị Diên Hồng là chứng tích của tinh thần bất khuất của toàn dân Việt. Bổn phận của chúng ta là tiếp tục bước đi của tiền nhân. Hãy để lịch sử sau này khi viết về chúng ta sẽ là những người tha hương nhưng luôn hoài niệm xây đắp cho một xứ sở nghèo nàn oằn oại dưới vòng kềm tỏa của gông cùm đỏ. Đừng để lịch sử phê phán chúng ta như những kẻ may mắn nhưng đã bị ru mê bởi những tiện nghi êm ái. Đừng để lịch sử nói về một tập thể lưu vong lỏng lẻo với những chia rẽ, rất hững hờ trước bao trầm luân nơi đất mẹ.

Với những lý do nêu trên, tôi e rằng ta không thể và không nên quên những xuất xứ cội nguồn của mình. Ngày bé tôi vẫn ghét và sợ hai chữ Chính Trị. Nhưng từ khi khoác vào người danh hiệu tỵ nạn chính trị, thì hai chữ này đã dính vào đời ta như một nghiệp vận, như một ràng buộc quá khứ hiện tại và tương lai. Như để an ủi, một nhà văn đã nói: «Làm chính trị trong nghĩa nhân bản, là cùng người khác hành động để tạo điều kiện cho con người học làm người, thành người, không ngừng phát triển nhân tính của mình, của đồng loại. Vì chính trị trong nghĩa sâu sắc của nó, là kích thước cơ bản nhất của con người».

Theo thiển ý, nếu làm chính trị có thể mang lại sự tự do dân chủ cho 80 triệu người Việt Nam, có thể cứu lấy một đất nước Việt Nam đang cạn kiệt trong đói khổ, bệnh hoạn, dốt nát, để Sài-gòn không còn là thành phố Hồ Chí Minh với những băng hoại buôn người, ăn xin, tham ô; nếu làm chính trị có thể tạo điều kiện cho các em nhỏ thư thái đến trường thay vì lê lết ngoài đường phố tìm kế mưu sinh, có thể mang lại cho dân Việt một đời sống tư duy an ổn thay vì luôn phập phồng nhịp thở trong lo âu sợ hãi; vâng, tôi xin từ bỏ thành kiến ngày xưa để xin được học làm chính trị. Xin các bậc trưởng thượng còn tâm huyết dân tộc chỉ cho một hướng đi. Xin các vị hãy chứng tỏ cho con em mình là các vị đã không bao giờ quên.

Theo tinh thần này, tôi xin ghi lại nơi đây lòng cảm phục đối với chí khí thép gan của hơn 50 hội đoàn bạn trẻ bên trời Úc trong công cuộc vận động vừa qua buộc đài truyền hình SBS phải đình chỉ ngay tức khắc việc phát hành chương trình thời sự của VTV4 nhiễm đầy tính cách tuyên truyền cho Cộng Sản Việt Nam. Khí thế của các bạn có thể chăng là một bằng cớ hùng hồn là các bậc cha mẹ đã luôn nhớ và trao lại cho thế hệ trẻ một truyền thống đấu tranh cho chính nghĩa.

Bây giờ tôi không muốn quên, và cũng không được nữa.