Home Tin Tức Bình Luận Đức trị hay Đảng trị?

Đức trị hay Đảng trị? PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Bảy, 27 Tháng 9 Năm 2008 16:28

Vũ Khánh Thành
An Việt - Anh Quốc

LTS: Bài này đã được đăng trên Thông Luận số 75 tháng 10/1994 nay xin đăng lại trên mạng An Việt để rộng đường dư luận.
 
 Cụ Nguyễn Xiển trong thư gửi Đỗ Mười đã kêu gọi: "Xin Đảng phải sáng suốt hơn các Đảng khác, phải thay thế chế độ "đảng trị" bằng chế độ "đức trị" (Thông Luận 73, tr.6).
 
Báo Thông Luận trong lời toà soạn viết: "chia sẻ quan điểm của những độc giả coi lời đề nghị "thay đảng trị bằng đức trị" là mơ hồ và lẩm cẩm. "Đức trị" không những là một khái niệm chưa được định nghĩa rõ rệt mà còn gợi lại cái thời quân chủ "thay trời lấy đức trị dân". Tuy nhiên ông Nguyễn Xiển đã đề nghị bỏ đảng trị để thay bằng đức trị thì ít ra ta cũng có thể đồng ý với ông 50%".
 
Cụ Nguyễn Huy Bảo trong số báo tiếp đó (Thông Luận 74, tr.31) viết: "Tôi rất lấy làm lạ là một chính trị gia đã có nhiều trách nhiệm quan trọng, đã sống trong bầu không khí Mác xít, Lê-nin-nít gần nửa thế kỷ mà vẫn duy tâm như vậy. Thật cũng là đáng tiếc. Thế mới biết xứ mình thiếu người suy nghĩ, thiếu tư tưởng gia".
 
Phải hiểu quan điểm của cụ Nguỹễn Xiển về đức trị và đảng trị như thế nào?
 
Phải rất đáng mừng thay vì đáng tiếc một người cộng sản đã viết ra quan điểm này. Đáng mừng vì "văn hóa là cái gì còn lại sau khi ta đã đập hết", "văn hoá là cái gì còn lại khi ta tưởng đã quên hết cả". Đáng mừng vì cả đời đảng cộng sản đã tẩy não các đảng viên, các con dân nước Việt, thế mà họ cũng không thể nào tẩy được tinh hoa văn hoá Việt, đã ngấm vào máu huyết người Việt, tạo nên chính bản chất con người Việt Nam xưa và nay. Vì gần với cái truyền thống văn hoá dân tộc mà người Việt Nam đã tạo nên sự nghiệp dựng nước và giữ nước của tổ tiên, từ Hai Bà Trưng, đến Lý, Trần, Quang Trung, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương... Ngược lại, càng xa truyền thống càng tệ.
 
Cái đức trị và đảng trị mà cụ Nguyễn Xiển nói đây chính là quan niệm vương đạo và bá đạo trong thuật trị nước của người xưa hay nói bằng danh từ thời đại là dân chủ và độc tài.
 
Cái đức trị trong văn hoá Việt Nam bắt nguồn từ gia đình, người vợ được coi trọng ngang bằng với người chồng (Ở Tàu và Ấn: chồng trên vợ) - thiếu vợ thì lễ gia tiên bất thành. Mặt khác thì thầy trên cha, sau vua (quân sư phụ), làng trên nước (phép vua thua lệ làng). Lý trưởng là người được bổ nhiệm do chính quyền nhưng còn dưới Hội Đồng Kỳ Mục, gồm những cụ già khi đã tới hay trên sáu mươi tuổi. Bất kể giàu nghèo hay quan tước,  các cụ khi đã về hưu (trường hợp Nguyễn Khuyến chẳng hạn) đều vào Hội Đồng Kỳ Mục để điều hành việc làng xã. Lệnh vua nếu không hợp lệ làng cũng không được thi hành. Chính làng Việt nam là yếu tố mạnh nhất bảo vệ văn minh, văn hoá Việt nam nên qua hàng ngàn năm nô lệ Tàu, Tây, văn hoá Việt, dân tộc Việt vẫn trường tồn. Sau này bọn thực dân và tay sai... tìm cách bôi nhọ làng Việt nam với những tệ đoan Lý Toét, Xã Xệ, hà hiếp, bất công. Chính chúng tạo nên những chênh lệch xã hội, chia để trị. Bao nhiêu ruộng vườn đã vào tay bọn cường hào ác bá, người dân chỉ còn là kẻ làm thuê, trái hẳn với chế độ bình sản trong xã hội ta xưa. Thời đó, mọi người khi đến tuổi 18 đều được làng cấp cho một miếng đất để làm nhà, một miếng ruộng để cày cấy. Cho đến đầu thế kỷ 20, tỷ lệ công điền công thổ ở miền Bắc và Trung vẫn còn chiếm đến 48%, trong khi tại miền Nam thuộc Nam kỳ Tự Trị, địa chủ chiếm đến 90% đất. Đến thời cộng sản thì địa chủ là Đảng, toàn dân phải làm nô lệ cực khổ hơn trăm lần, dưới họng súng và tù đầy, "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm" mà vẫn đói rách.
 
Qua làng đến nước. Nước được cai trị bằng một ông vua như bao nước khác trên thế giới, chẳng có gì xấu hổ để gợi lại cái thời quân chủ "thay trời trị dân", trái lại phải hãnh diện vì người dân Việt từ thời lập quốc không có hàng triệu người phải chết để đi xây lâu đài cho vua chúa như xây Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp, Đền Đế Thiên Đế Thích... Biết bao vị quan đã dám liều chết can vua như Chu Văn An chẳng hạn. Tại Trung Quốc do ảnh hưởng của du mục phương bắc, bọn Hán nho đã bẻ quặt quan niệm tôn quân sang "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" để củng cố chế độ quân chủ chuyên chế cũng như đưa ra quan niệm tam tòng để xiết cổ người đàn bà để rồi sau này phải đoạn tuyệt với gia đình như trong tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, rồi "theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự" - "theo mới tức là Âu hoá". Tư bản hay cộng sản cũng là cùng một bình diện. Tư bản sinh ra cộng sản và cả hai cùng là con đẻ của văn hoá Tây Âu với ba tệ đoan lớn nhất là chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cộng sản và kỳ thị chủng tộc.
 
Trở lại với Việt Nam, lịch sử đã hơn một lần chứng tỏ rằng nhiều vị vua, theo dòng truyền thống, đã dựng nước và giữ nước một cách kiêu hùng: nào Hội nghị Diên Hồng, nào thể chế thi cử, chọn nhân tài theo đức độ tài năng hơn là máu huyết dòng tộc. Cái học xưa dựa trên Tứ Thư Ngũ Kinh đã đào tạo ra biết bao nhân tài cho đất nước, văn võ kiêm toàn. Căn bản cái học ấy có thể tóm gọn trong ba đức nền tảng là Trí, Nhân, Dũng. Có cả ba mới được gọi là chính nhân quân tử. Anh là nhà quân sự ư, tốt lắm. Đức trổi vượt của anh là Dũng nhưng anh không thể thiếu Trí để có chiến lược, chiến thuật tốt để không tốn nhiều quân, hạy nhiều thường dân vô tội (đức Nhân). Trái với Cộng sản giết nhầm còn hơn tha nhầm.
 
Anh là người trí thức ư? Là chính trị gia ư? Tốt lắm. Đức trổi vượt của anh là Trí nhưng anh không thể thiếu Nhân để những kế hoạch của anh hướng về nhân sinh, phục vụ xã hội chứ không phải chỉ nghĩ kế vinh thân phì gia, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. Rồi cũng phải có Dũng để vượt mọi khó khăn thi hành kế hoạch của mình, không mị dân để đắc cử. Anh là nhà tu hành, đức của anh là Nhân nhưng cũng cần có Trí và Dũng. Tu cho mình, làm điều thiện thôi không đủ, còn phải có Dũng để ngăn kẻ khác làm điều bậy, can đảm nói lên lẽ phải và công bằng, sáng suốt (Trí) để điều Nhân được thực hiện.
 
Theo nghĩa như vậy, thì "thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Tu tại gia là làm tròn bổn phận làm cha, làm chồng, làm con trong gia đình. Tu chợ là làm trọn bổn phận người công dân trong xã hội, người dân trong làng xã, thành viên trong cộng đồng đoàn thể, chịu khó hy sinh một chút thì giờ của mình cho công việc chung... Cuối cùng mới là tu chùa, cho những người ẩn dật hay vì lý do riêng...
 
Nói tóm lại, cụ Nguyễn Xiển, có thể do tiềm thức mà cụ không hề nghĩ tới, đã kêu gọi Đỗ Mười và đảng cộng sản Việt Nam dùng đức trị tức là dùng chữ Nhân, tôn trọng nhân quyền, tôn trọng quyền sống, quyền làm người của mỗi người dân để rồi đi đến dân chủ. Văn hoá là gì còn lại sau khi cụ Xiển đã quên hết tất cả! Nói một kiểu khác, Nguyễn Xiển đã hỏi thẳng Đỗ Mười: Nếu anh có đủ sáng suốt (Trí) để nhìn ra con đường phải theo thì phải thấy rằng, chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời, đã bị loài người ruồng bỏ. Để cứu lấy chính anh và cứu cả đảng cộng sản, để đảng có tể còn chỗ đứng như tại các nước Đông Âu hiện tại, kể cả nắm lại chính quyền dưới cái tên mới là Đảng Xã hội chẳng hạn, thì phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng, cho tự do ngôn luận và chấp nhận cho các đảng khác cùng hoạt động. Anh có đủ Trí và Nhân để thả Nguyễn Hộ, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế.... đừng giết hại những người đã và đang đấu tranh cho lý tưởng tự do và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Nếu quả thật anh còn một chút gì cho Việt Nam thì anh cần phải có Dũng để thi hành.
 
Trên đây là một vài lý tưởng giải quan điểm của cụ Nguyễn Xiển về đức trị. Phần thứ hai là một vài ý kiến về nhận xét của cụ Nguyễn Huy Bảo: "xứ mình thiếu người suy nghĩ, thiếu tư tưởng gia".

Nếu thiếu tư tưởng gia là những người viết ra những lý thuyết này, chủ nghĩa kia như chủ nghĩa hiện sinh J.P.Sartre, chủ nghĩa duy vật biện chứng Hegel, Marx... thì quả thật nước ta thiếu. Nhưng nước ta không thiếu những người biết suy nghĩ. Nhưng cách biểu lộ những suy nghĩ kia, tư tưởng nọ khác với nền văn minh "nhiều lời" tây phương (đa thư loạn tâm).
 
Lấy một ví dụ: Âu châu đã tốn biết bao nhiêu giấy mực sách vở chứng minh có Thiên Chúa. Với Á châu thì lối chứng minh trung thực nhất là kinh nghiệm trong cả sự siêu thoát huyền nhiệm lẫn trong lối hành sử ở đây và bây giờ, ngay cả trong thời gian này. Không cần tìm Thượng Đế ở đâu cả. Không cần đợi đến lúc chết mới về Thiên đàng gặp Chúa. Chúa đang ở ngay trong lòng ta: "Thiên lý tại nhân tâm". Chỉ cần chí thành (trung với tâm) là như thần. Sách Đại Học viết : "Đại học tri đạo tại minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện" cái học của bậc đại học, của người chính nhân là làm sáng cái Đức sáng ở trong mình, gần Dân, và hướng mọi việc về điều thiện). Chỉ một câu nói phất phơ như vậy thôi mà tiềm ẩn biết bao chân lý cao siêu diệu vợi, chỉ có người thánh, người đạt đạo mới nói ra được. Tây phương đã tốn biết bao nhiêu tranh cãi, kể cả máu đổ thịt rơi, chỉ vì hai ý niệm có Thượng Đế hay không có Thượng Đế. Cùng công nhận một Thượng Đế nhưng Thượng Đế đó theo lối giải thích của tôi ,Công Giáo, hay của anh, Tin Lành, mà máu vẫn chảy mỗi ngày tại Bắc Ái Nhĩ Lan! Đông Phương bỏ suy luận theo lý trí, có và không ra một bên, mà sống "chí thành như thần".
 
Văn hoá Tây Âu hiện đang trải qua cái mà Keyserling kêu là hỗn loạn và bất hạnh (chaos et malheur). J.P.Sartre coi đời là buồn nôn, tha nhân là kẻ thù, Berdiaeff, nhà triết gia có tiếng của Nga nói: "thời đại chúng ta là thời đại bước vào đêm tối", Âu Châu đang thối nát, những người ý thức đang lo âu đến mức độ hấp hối (l'Occident est en train de mourir, les meileurs hommes eprouvent une angoisse mortelle - Sens et Histoire, p.189). Trong khi đó Á Châu sống an nhiên tự tại vì hoà với mọi người (Nhân) hoà với cả trời (Thiên - kính quỷ thần nhi viễn chi, có trời mới có ta), hoà với cả đất (Địa - không cần quá lo lắng về vật chất, sống đạm bạc, biết đủ thì là đủ). Mọi việc ở đời muốn thành công thì phải hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Sống phải chí trung (với mình) để có chí hoà (với người).
 
Còn gì đau khổ hơn cảnh nước mất nhà tan, cải tạo dã man, chết chóc khi vượt biên... thế mà người Việt vẫn vui đùa, và còn đùa được kiểu "đắm đò tiển thể rửa trôn". Ai cũng khóc lóc khổ đau nhưng vẫn cố tìm ra một lý để tự an ủi mà vui sống. Mất quê mẹ Việt Nam yêu dấu vào tay cộng sản, lại được thêm một nước Việt Nam hải ngoại trải rộng khắp hoàn vũ. Người ngoại quốc làm việc trong các trại tỵ nạn rất đỗi ngạc nhiên khi tỷ lệ người Việt Nam bị loạn thần kinh rất ít trước thảm cảnh họ đã phải gánh chịu. Họ đã có một quan niệm sống rất tài tình và quân bình. So với người tây phương chỉ cần sai ngân sách (Budget) là có thể bị loạn tâm thần liền! Lối sống người Việt kỳ lạ như vậy nên ông Paul Mus, một nhà nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, đã nhận xét rằng nước Việt đầy dẫy những triết gia, càng về nhà quê càng nhiều, tới nỗi ông cho là xã hội lý tưởng mà Platon mơ ước đã hiện thực ở Việt Nam từ lâu rồi.