Phà Rạch Miểu |
Tác Giả: Lê Bình | |||
Chúa Nhật, 16 Tháng 11 Năm 2008 07:41 | |||
Câu chuyện bắt đầu từ những hình ảnh trên cuốn video cũ của gia đình trong lúc dọn nhà đã được moi ra… Đó là ngã ba Trung Lương, chợ Mỹ Tho, vườn hoa Lạc Hồng, cù lao Thới Sơn, Ngã Bảy Phụng Hiệp, Chợ Nổi, bến Ninh Kiều…v.v. Cuốn phim quay lâu rồi, bằng kỷ thuật camcorder sau nầy được kỷ thuật mới biến thành DVD và lồng vào đó những bài hát Cây Cầu Dừa, Về Phương Nam, Lý Cây Bông, Ngẫu Hứng Lý Qua Cầu. Bài hát được lặp đi lặp lại nhiều lần là bài Quê Hương, thơ của Đỗ Trung Quân, nhạc của Giáp Văn Thạch. (Cũng xin nói thêm chỗ nầy là bài thơ cùng nhạc phẩm không có gì liên quan đến nhau về ý nghĩa mà người nghe thường cho thêm vào sau nầy. Bài thơ bình thường thôi, chỉ là món quà sinh nhật bất đắc dĩ của một nhà thơ nghèo tặng một cháu bé mừng sinh nhật xong rồi thôi…nhưng trớ trêu sao đã cảm xúc trái tim người lớn là Giáp Văn Thạch (đã qua đời) thành hình nên tác phẩm có tiếng vang, đưa bài thơ đi vào lòng người nghe, sau đó người ta gán cho nó một thông điệp chính trị?! Bài thơ nhắc đến hình ảnh cây cầu, bông bí, hoa cau, bướm vàng, con đò, giòng sông…là những hình ảnh của tuổi thơ được âm nhạc nâng cao bay bổng tha thiết gợi nhớ…và chấm hết) Trong lời nhạc có câu …”Quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi”…đã sanh chuyện hôm nay. Thằng anh lớn trề môi: “Sai bét, ai nói với mầy quê hương chỉ có một?” Con em gái “Thì bản nhạc đó, lời hát đó”. Thằng anh “Tao hỏi mầy…quê hương là làm sao nè? Là cái country, hay là mother land, father land?” “Là nơi chôn nhau cắt rún” “Ai nói vậy?” “Má nói.” Đến đây thì thằng anh hết hỏi. Má nói là xong rồi, không có gì thắc mắc. Gia đình ông bà đến Mỹ năm 75, hai đứa con sanh tại Mỹ, nhưng được bà mẹ là một cô giáo, tốt nghiệp đại học Sư phạm Sài Gòn, gia giáo nghiêm minh cho nên tuy sanh ra tại Mỹ nhưng 2 đứa con nói và viết tiếng Việt rất rành rọt, biết nhiều câu chuyện lịch sử Việt…v.v. Có điều hai đứa hay cãi nhau vì văn hóa Mỹ đã phần nào có trong đời sống và suy nghĩ của hai đứa trẻ. Có lần thằng anh hỏi mẹ “Chôn nhau cắt rún là sao hả mẹ” Người mẹ giải thích “Chôn nhau cắt rún là lúc con người sanh ra, bà mụ phải cắt cái cuống rún cho lìa khỏi bụng mẹ, và cái nhau nuôi dưỡng thai nhi phải đem ra vườn mà chôn…Hình ảnh đó được ví von, được coi như là nơi mình sanh trưởng, là quê hương là bản quán của người được sanh ra.” Thằng bé coi bộ hơi lấn cấn, nó hỏi tới “Như thể là má ở nhà ngoại, má được sanh ra ở đó…có chỗ chôn nhau…còn mấy người ở Sài gòn…như ba con được sanh ở bệnh viện thì làm sao?” Người mẹ bật cười to thành tiếng “Trời ơi, con của mẹ giỏi quá. Hỏi hay quá. Đúng rồi, ở bệnh viện thì đâu có đất mà chôn nhau con, thì họ bỏ vào thùng rác...Ừ mà dù có bỏ vào thùng rác thì người ta cũng đem ra đất mà chôn, là chung quanh Sài Gòn thôi….cũng có chỗ chôn nhau đó con.” Im lặng giây lát, người mẹ nói tiếp “Mà con nè, cái câu đó chỉ có ý nghĩa là tượng rưng, ý là mình sanh ra ở đâu thì quê hương mình là nơi đó vậy mà.” Hôm nay con em nhắc đến mẹ, thằng anh im lặng không cải. Với nó mother land, father land là đúng rồi, còn nó sanh ra ở bệnh viện Hoa Kỳ, đất nầy, nơi đây mới là quê hương của nó, và nó cũng có một quê huơng khác là “quê mẹ, quê cha” là đất tổ tiên, nơi có ông bà ở đó. Như thế con người ta có thể có 2 quê hương. Bữa ăn chiều, thằng anh nói với ba nó “Ba ơi, người ta xây cái cầu bắt qua sông Tiền, Mỹ Tho thay cái phà Rạch Miểu rồi.” Người cha ngạc nhiên “Vậy sao! Bao giờ vậy?” “Dạ năm nay sẽ xong, sắp khánh thành rồi.” “Chà! Chà! Uổng dữ ha.” “Sao vậy ba. Làm cây cầu thì tiện lợi cho việc giao thông, sao lại uổng.” Người cha nhìn con “Con nói đúng, tiện lợi cho giao thông, nhưng với ba, và cũng có thể có nhiều người chiếc phà là hình ảnh của quê hương, là kỷ niệm…và họ cũng sẽ tiếc như ba.” Thằng con hởi “Ba ơi, đó là nhánh sông Tiền giang mà sao gọi là Rạch Miễu hả ba?” Người cha im lặng. Phà Rạch Miễu nằm trên tỉnh lộ nối liền Mỹ Tho (Định Tường) và Bến Tre (Kiến Hòa) Rạch Miễu là một thị xã ở bờ phía Bến Tre. Đường đi của Phà Rạch Miễu qua sông Tiền Giang dài khoảng 3.2 km, đi vòng qua cồn Phụng và cồn Thới Sơn. Bến phà Rạch Miễu đóng vai trò là cửa ngõ chính vào tỉnh Kiến Hòa. Trên lộ trình, phà sẽ chạy ngang qua Cồn Phụng. Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, Châu Thành, Bến Tre, có diện tích 50 mẩu. Trên Cồn Phụng chùa của ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam với khoảng sân có 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc những hình chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh bát đĩa, ấm chén…trên có một tòa tháp lớn. Hiện nay, tất cả những di tích của Đạo Dừa không còn gì, tín đồ đã tản mát, cư dân trên cù lao sống bằng nghề làm kẹo dừa, hoặc đồ lưu niệm. Cũng như nhiều nơi khác ở Kiến Hòa, Mỹ Tho, Cồn Phụng hiện nay bán đồ lưu niệm: Những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng , tất cả được làm bằng thân cây dừa. Theo tin tức báo chí loan tải vào ngày 20/8/08 chiếc cầu đã được xây xong (nhưng chưa hoàn tất) và sẽ khánh thành vào cuối năm nay. Chiếc cầu mang tên cầu Rạch Miễu bắc qua hai cù lao Thới Sơn và cồn Phụng dài gần 3km được khởi công ngày 30/4/02. Năm nay chiếc cầu sẽ khánh thành, cũng là lúc phà Rạch Miễu sẽ kết thúc “nhiệm vụ lịch sử” sau hơn 100 năm chuyên chở qua lại sông Tiền Giang. Chiếc phà đã đưa qua sông bao nhiêu thế hệ con ngưòi sống ở hai bờ Tiền giang. Và biết đâu trên nhũng chiếc phà đó còn mang theo dấu tích của những cuộc tình, những hình 2 trái tim lồng vào nhau và mang tên tắt của những cô cậu Mỹ Tho-Cồn Phụng-Bến Tre… Mỹ Tho, một nơi chốn phồn thịnh của Nam Kỳ Lục Tỉnh hơn 2 thế kỷ trước: “Cách một khúc sông kêu bằng cách thủy Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa Gửi thư thăm hết mọi nhà Trước là thăm tía má, sau là thăm em…” Đồng băng sông Cửu Long phì nhiêu, nhưng cũng chia cách bởi những giòng sông, việc đi lại nhờ vào những con đò. Sông nước miền Nam gắn liền hình ảnh của con đò. “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi, Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm. Không xuồng nên phải lội sông, Đói lòng nên phải ăn ròng bè môn.” Và những cuộc tình: Đêm năm canh phận chữ tòng đành lẻ đôi.
“Tàu xúp lê một anh còn mong đợi Tàu xúp lê hai anh than vắn thở dài. Tàu xúp lê ba tàu ra biển bắc Vịn song sắt nước mắt nhỏ bên sông... Mở miệng kêu bớ chú tài công, Chú ơi chú làm chi cho phân vợ rẽ chồng Theo báo mạng đăng thì người dân hai bờ Rạch Miễu đang háo hức trông chờ ngày cây cầu được thông thương. Đối với bạn hàng buôn bán, khi cầu hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ nhà đến nơi tiêu thụ chợ búa, và từ nay Kiến Hòa không còn là ốc đảo cheo leo bốn bề sông nước. Tuy chưa khánh thành, cầu chưa hoàn tất, nhưng người dân cù lao Phụng, và cồn Thới Sơn đã được phép lưu thông về phía Bến Tre mà không còn phải “lụy đò” Ông già nói với thằng con “Chèn ơi có một cây cầu mà thôi đủ thứ chuyện để nói.” Cũng theo tin báo trên mạng thì như vầy “Cần Thơ là cây cầu lớn nhất Đông Nam Á, còn Rạch Miễu là cầu dây văng đầu tiên do chính người VN thiết kế và xây dựng. Cả hai cây cầu này, vì vậy, có ý nghĩa rất lớn không chỉ với ĐBSCL mà còn với cả nước.” Người ta kể lại rằng “Từ những tháp cầu vòi vọi, nhìn dọc hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu vẫn thấy thấp thoáng những ngôi nhà bé xíu tạm bợ khép nép bên bờ. Vựa lúa của cả nước, miền đất màu mỡ bậc nhất này vẫn còn nghèo. Và sứ mệnh của những cây cầu nối nhịp đông-tây là phải làm cái gạch nối phồn vinh, đưa miền đất Cửu Long - Chín Rồng phát triển.” Nghe mà ham, đứng trên dốc cầu cao nhìn bao quát cả vùng sông nước Cửu Long vẫn còn nhìn thấy những túp lều mái lá nghèo nàn. Phải chi mà đừng ngăn sông cấm chợ thì ngày nay đâu cần phải chờ đợi cây cầu “nối liền bờ vui” Người ta đã đi tới cung trăng, lên tận Hỏa Tinh…xuống tận đáy biển…mà dân mình còn chờ đợi một cây cầu. Cây cầu không phải là trở lực chính làm cho đồng bằng phì nhiêu cửu long giang nghèo đói. Dẹp con đò, dẹp chiếc phà…như dẹp đi căn nhà từ đường, hương hỏa, phá những vỉa hè Sài gòn với những viên đá có di tích hàng trăm năm để thay vào đó mấy viên gạch Con Sâu dơ bẩn… Ngày mai đây khi về thăm quê, đứng ở vườn hoa Lạc Hồng nhìn xuống giòng sông Tiền sẽ không còn nhìn thấy chiếc phà kỷ niệm, và rồi đây như bắc Mỹ Thuận ở hai đầu bến bắc không còn cảnh rộn ràng mía ghim, mận hồng đào, những trái sầu riêng, những con chim ốc cau, chàng nghịch nướng thơm lừng kéo chân du khách. “Dường như ba không thích có sự đổi thay” “Đâu có mậy. Thay đổi tiến hóa là đúng chớ…nhưng mà tao vẫn buồn. Thiệt ra đất nước mình đâu có nghèo, cái phà Rạch Miễu, cái Bắc Cần Thơ…những giòng sông, con rạch miền Nam không phải là nguyên nhân của sự nghèo đói mầy ơi.” Hai cha con vẫn còn có những chỗ chưa hoàn toàn hiểu nhau, cái xưa và nay vẫn còn khoảng hở, tiến bộ và thóai hóa có nhiều cách nhìn khác biệt; biết bao giờ cái “gap”(1) đó có được một chiếc cầu?
|