20 Tháng 11: Ngày Nhớ Ơn Thày Cô |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | |||||
Thứ Năm, 20 Tháng 11 Năm 2008 02:01 | |||||
* Tổng Thống Abraham Lincoln: “XIN THÀY DẠY CHO CON TÔI…” * Đức GM Hoàng Ngọc Oanh: NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 2008 * Nét văn hoá truyền thống: Học trò xưa với thầy cô giáo của mình * Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy: "Đã đến lúc phải cải tổ giáo dục" Bài 1: Tổng Thống Abraham Lincoln: “XIN THÀY DẠY CHO CON TÔI…”
Nghĩ đến sứ mạng Nhà Giáo, chúng tôi xin trích lại Thư Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con ông theo học, để chúng ta cùng suy nghĩ nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo (ngày 20-11). Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy dạy cho cháu biết rằng một đồng đô-la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quí giá hơn nhiều so với năm đô-la nhặt được trên hè phố … Xin thầy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất … Xin thầy giúp cho cháu thấy thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh. Ở trường xin thầy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân; dù tất cả mọi người xung quanh cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm… Xin thầy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hoà nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế. Xin dạy cho cháu biết lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp. Xin dạy cho cháu biết mỉm cười khi buồn bã… Xin dạy cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy. Xin dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình. Xin dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông đang gào thét…và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng. Xin đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được những thanh sắt cứng rắn. Xin dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại. Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình… Nếu được như vậy, con trai tôi quả là một cậu bé tuyệt vời. Ngọc Nga sưu tầm Bài 2: NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 2008
ĐGM HOÀNG ĐỨC OANH và các giáo dân địa phận Kontum
Mến gửi : Các Học sinh Sinh viên Công Giáo Giáo Phận Kontum. Các con rất yêu quý, Trong bầu khí hân hoan mừng ngày nhà giáo, Cha xin chia sẻ niềm vui với các con. Cha muốn qua các con gửi tới từng thầy cô giáo những tâm tình quý mến và biết ơn. Cha hiểu rõ những hy sinh, vất vả và tâm sức của thầy cô giáo dành cho các con trong thời điểm nhiều khó khăn chồng chất hôm nay. Cha muốn góp phần chia sẻ gánh nặng, trọng trách cao cả này bằng lời cầu nguyện, bằng cách giúp các con trở thành những học sinh chăm ngoan. Với tinh thần chăm học, các con sẽ trở thành niềm vui cho thầy cô. Cha tự hỏi làm sao để ngày biết ơn thầy cô trở thành ngày có ích lợi nhất cho các con cũng như cho thầy cô và cho mọi người? Biết ơn là đỉnh cao của đời sống yêu thương, là con đường đưa người học trò trở thành người hơn, là động lực thôi thúc người học trò chăm ngoan hơn, học giỏi hơn và góp phần làm cho môi trường giáo dục tốt đẹp hơn. Các con chính là phần thưởng to lớn của cuộc đời thầy cô. Sau cha mẹ, các thầy cô là những người đi sát các con trên quãng đường dài làm người. Làm người khó lắm các con ạ! Đòi hỏi cả một thời gian dài đào tạo rèn luyện. Một thời gian dài khổ công đào tạo các con nên những con người phát triển toàn diện, hài hòa và đồng đều giữa cái đầu, con tim và đôi tay, nếu không sẽ trở thành quái thai hoặc khuyết tật. Sợ nhất là chỉ phát triển cái đầu với đôi tay. Lịch sử đã phải gánh chịu bao tang thương và đổ nát do những con người như Hitler, như Pôlpôt... Các con biết ít lâu nay đã thấy xuất hiện khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” tại nhiều nơi. Muốn là những người trưởng thành của “thế giới ngày mai”, các con hãy kính yêu thầy cô và chăm ngoan từ hôm nay. Ngành giáo dục là một trong các ngành cao quý, nhưng cũng lắm thiệt thòi so với các ngành nghề khác. Cuộc sống khó khăn hoặc một nguyên do nào đó đã làm phát sinh hình thức dạy kèm, dạy thêm tràn lan. Đây có thể nói đang là một hình thức tra tấn, khủng bố đời học tập của các con và dày vò tâm hồn những ai thiết tha tới nền giáo dục của đất nước! Nó tác động lớn tới đời sống của chính các con cũng như gia đình và xã hội. Việc học thêm học kèm đã cướp hết thời gian dành cho bản thân, cho gia đình, cho giáo hội, cho xã hội. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, các con đừng quên lời Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Chăm lo học tập và chuẩn bị thi cử cho tốt là cách sống công chính. Đây cũng là cách hữu hiệu để dẹp bỏ được những hình thức dạy thêm, dạy kèm. Cha cũng cầu mong các thầy cô Công Giáo ý thức và có thể tự nguyện từ chối dạy kèm dạy thêm, để môi trường giáo dục trong sạch hơn. Các con thân mến, Trong khi chuẩn bị mừng ngày nhà giáo, học sinh sinh viên Công Giáo lại đang xôn xao về chương trình thi học kỳ I năm nay trùng vào chính ngày đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh. Nhiều người muốn cha lên tiếng. Cha cần suy nghĩ thêm. Còn ở đây cha có chút tâm tình với các con. Việc thi cử đúng vào lễ Chúa Giáng Sinh hằng năm là vấn đề nhức nhối cho học sinh Công Giáo tại Việt Nam từ 1975 đến nay. Khắp nơi trên thế giới, ngày lễ Chúa Giáng Sinh (Noël) là ngày nghỉ quốc tế, nhà nhà người người được nghỉ ngơi để mừng lễ. Ngày đó, không chỉ dành cho những người có đạo, mà trở thành ngày truyền thống, trừ một vài nước chưa được nghỉ ngày đó, trong đó có Việt Nam chúng ta. Ngay cả Nước Cuba cũng đã công nhận ngày lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ. Cha và nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội Kitô đã nhiều lần góp ý với Chính Quyền các cấp về vấn đề này trong hơn 30 năm qua. Có lẽ các nhà phụ trách chương trình giáo dục đào tạo tại Việt Nam chưa nghe rõ cũng như chưa cảm nhận được cái quyền sống đạo của người trẻ có đạo? Cách tốt nhất các con có thể làm lúc này là bình tĩnh chuẩn bị cho ngày thi thật tốt đẹp. Đừng có ai trong các con thốt lên những lời nói xúc phạm hay có thái độ bực dọc trước chủ trương tổ chức thi vào chính ngày lễ Giáng Sinh. Có người nghĩ bắt thi vào chính ngày lễ Giáng Sinh là một việc làm báng bổ Đạo Chúa, có người lại coi đây là một hình thức phân biệt kỳ thị. Cũng có người còn nghĩ đây là một hình thức bách đạo tế vi. Cha chưa dám nghĩ như thế, nhưng cha nhớ ngay tới tâm sự Nhà văn Voltaire - một người đã báng bổ Đạo Chúa – đã thổ lộ trước giờ chết : “Tôi chỉ vô thần trên bàn giấy. Còn trước cái chết chẳng ai vô thần được nữa”. Phần các con, nếu ngày thi “vẫn còn bị giữ” đúng vào ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh, các con hãy “hân hoan vui sướng như các thánh tông đồ xưa” (x. Cv 5,34-41) và biến trường lớp các con thành hang đá Belem sống động. So với hang đá đầu tiên là chuồng bò lừa, hôi tanh, vắng vẻ, thì trường lớp của các con là những hang đá sạch đẹp hơn nhiều. Hãy bước tới trường thi như các mục đồng xưa rủ nhau tới chiêm bái Chúa Hài Nhi bằng tâm tình cầu nguyện, cảm tạ tôn vinh Chúa, bằng cách chuẩn bị thi và thi thật tốt. Chính thái độ sống quảng đại như thế là lời loan báo tin vui giáng sinh cho mọi người! Hãy là những nhà truyền giáo bé nhỏ cho các thầy cô và bạn bè qua các bài thi thật tốt của các con. Các con sẽ được thấy những Phaolô mới xuất hiện trong cuộc đời mình như Tiến sĩ Phan Như Ngọc, như Bác sĩ Nguyễn Văn Ngoạn.... Tất cả đã vượt qua những đêm tối dò dẫm để tìm đến ánh sáng của chân lý, của tình yêu, của sự sống. Cha mong các con có dịp đọc lại cuộc đời của các vị này. Cha cầu mong các con có nhiều niềm vui khi mừng ngày nhớ ơn Thầy cô. Cầu mong các con có nhiều quyết tâm mới cho mai ngày tươi sáng. Xin Thần Khí Thiên Chúa ở cùng các con. Thương mến chào các con,
Kontum, 16 tháng 11 năm 2008 (đã ký và đóng dấu) X Micae HOÀNG ĐỨC OANH Giám mục Giáo phận Kontum Bài 3: Nét văn hoá truyền thống:
Thầy đồ và học trò ngày xưa Kính trọng thầy giáo đã dạy mình vẫn là nét đẹp truyền thống của bao thế hệ học trò từ ngàn xưa, bởi chúng ta, những người có học luôn ý thức được rằng: Cha mẹ sinh và nuôi dưỡng ta, còn thầy giáo khai tâm, khai trí truyền thụ kiến thức cho ta từ tấm bé, giúp ta nên người. Các bậc cao niên thường e chúng ta quên ân huệ lớn lao đó nên đã có ý nhắc nhở ta rằng "không thầy đố mày làm nên", "nhất tự vi sư, bán tự vi sư"...cho nên phải biết kính trọng thầy giáo của mình để thiên hạ không chê cười và khinh bỉ. Ngày xưa, thường thì một nhà khá giả nào đố nuôi thầy để dạy cho con mình, xóm làng trong vùng ai có điều kiện xin gửi con đến đó học theo và chỉ vào dịp nào đó, chẳng hạn như dịp lễ tết... cha mẹ học trò mới đư lễ đến thầy. Người nghèo cơi trầu; người dầu thúng gạo nếp, vò rượu, tấm vải...Bởi thầy dạy học quanh nǎm không có lương. Vào dịp đó thì học trod biểu lộ sự biết ơn thầy bằng nhiều cách. Chẳng hạn như ngày mồng ba tết, học trò còn đang hoch hay lớn tuổi đã đi làm hoặc ai đó đã có quyền cao chức trọng cũng đều đến lễ bái thầy giáo và lê xgia tiên của thầy để thị sự tôn sư trọng đạo của mình. các nếp ấy đã có từ ngàn xưa đã thành câu ca dao truyền tụng trong dân gian đến tận bây giời: Mồng một thì ở nhà cha, Thầy giáo luôn sống thanh bạch, mẫu mực khuyên bảo ân tình suốt đời làm việc nhân đức và chọn nghề dạy học không ai lấy đó làm giầu, chỉ một lòng với việc khai trí, khai tâm, rèn đức cho lớp trẻ đó nên người ... vì thế nên được lớp lớp học trò tôn kính suốt đời và được cả xã hội đề cao vị trí người thầy. Chẳng may khi thầy bị đau yếu, hoặc về già thì học trò lớn bé hợp nhau lại thành "Hội đồng môn" chia nhau đi vận động các gia đình của các học trò và học trò lớn đàn anh... gom tiền, mua gạo thuốc thang dến chǎm sóc thầy giáo. Hoặc thầy có mệnh hệ gì thì ma chay và bảo nhau "để tang tâm" thầy trong ba nǎm, đi lại giỗ thầy giáo của mình đều thu xếp cong việc, mang vàng hương đến nhà thầy cũng giô. Việc trả lễ ấy nếu chưa làm được thì chưa thể yên lòng. Học trò xưa với thầy giáo của mình đã thực lòng như vậy, cũng như cả cuộc đời người thầy đã tận tuỵ với học trò của mình lấy sự tiến bộ và thành đạt của lớp lớp thê hệ học trò để sưởi ấm cho nghề dạy học của mình. Sự vinh quang của người thầy và hạnh phúc của người trò phải chǎng xuất phát từ "cái tâm" đầy đặn đó! Xuất xứ: http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/981120/phan_1/bai_07.html
Cô giáo và các em học sinh trường làng ngày nay www.kinhtenongthon.com.vn/.../2008/5/11044.html
Bài 4: Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy: "Đã đến lúc phải cải tổ giáo dục" "Trao tối đa mọi thứ cho mỗi cá nhân thay vì tự bằng lòng trao tối thiểu cho tất cả. Đó là cách mà từ giờ trở đi tôi muốn chúng ta dùng để giải quyết vấn đề của giáo dục và đặc biệt là vấn đề của trường học...Tôi kêu gọi các vị hãy tham gia. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện. Chúng ta đã quá chậm trễ rồi" - Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy viết. > Giáo dục là sự dung hòa giữa hai hoạt động trái ngược Đưa bài giảng ra cánh đồng, bờ biển
Nền giáo dục của chúng ta phải trở nên ít thụ động hơn, ít cứng nhắc hơn. Nó cũng phải giảm bớt mức độ nhấn mạnh thái quá vào học thuyết, lý thuyết và các ý tưởng trừu tượng, điều sẽ khiến trí thông minh không thể phát huy. Chúng ta cần dành nhiều chỗ hơn cho việc quan sát, thử nghiệm, miêu tả và thực hành. Tôi tin rằng bằng cách này chúng ta sẽ làm cho trường học trở thành nơi thú vị hơn với nhiều trẻ em hơn và giảm tỷ lệ lưu ban trong các trường. Điều này đúng với lĩnh vực khoa học cũng như các lĩnh vực nhân văn và nghệ thuật. Để kiến thức trở nên sống động hơn, cụ thể hơn, phải mở thế giới của giáo dục sang những thế giới khác – của văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu, công nghệ và, đương nhiên, thế giới kinh doanh, nơi mà phần lớn con em chúng ta sẽ sống khi trưởng thành. Không nên hạn chế con em chúng ta trong phạm vi lớp học của chúng. Từ rất sớm, chúng phải được đến nhà hát, viện bảo tàng, thư viện, phòng thí nghiệm và xưởng sản xuất. Từ rất sớm, chúng phải được tiếp xúc với vẻ đẹp của thiên nhiên và khám phá những điều bí ẩn của nó. Các bài học vật lý, địa chất, sinh vật, địa lý, lịch sử và cả thơ văn thường có tác động và ý nghĩa lớn hơn khi được giảng dạy trong rừng, trên cánh đồng, trên núi hay bên những bờ biển. Con em chúng ta phải được dạy cách xem những kiệt tác của các nghệ sĩ cũng như của tự nhiên. Và chúng ta không được phép ngần ngại để chúng tiếp xúc với những tác phẩm vĩ đại của trí tuệ nhân loại và với những người giữ cho các tác phẩm này sống mãi. Điều này đúng với mọi trẻ em, mọi thiếu niên, bất kể xuất thân, hoàn cảnh xã hội, bất kể các em học phổ thông hay học nghề. Sở dĩ như vậy là bởi đối lập những gì thuộc về chân tay và trí óc cũng là một khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục truyền thống của chúng ta. Phải loại bỏ sự phân biệt ngớ ngẩn sao cho học nghề cũng được thừa nhận như các ngành học chất lượng cao. Còn một sự phân biệt nữa mà chúng ta phải vượt qua: phân biệt giữa hoạt động thể chất và hoạt động trí não. Giáo dục là một sự tổng hòa. Nó phải bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành, cả hoạt động trí não lẫn hoạt động thể chất, cả hoạt động nghệ thuật lẫn thể thao. Có quá ít thời gian được dành cho thể thao. Trẻ em cần nổi trội hơn người. Nhưng thể thao cũng dạy cho ta cách tôn trọng những người khác, tôn trọng luật chơi, lòng trung thành và cách đạt được thành tích tốt nhất. Tôi tin vào giá trị giáo dục của thể thao. Không những thể thao cần có chỗ đứng quan trọng lớn hơn trong trường học, mà thế giới của thể thao và giáo dục cần được mở ra để hòa quyện với nhau nhiều hơn nữa, sao cho có mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở thể thao và cơ sở giáo dục, có sự hợp tác giữa các vận động viên và giáo viên vì lợi ích của con em chúng ta. Trả lại khoảng thời gian sống Xin đừng hiểu lầm ý tôi, tôi không có ý muốn làm nặng thêm chương trình giảng dạy vốn đã quá nặng. Tôi không có ý muốn thêm môn học vào danh sách vốn đã quá dài. Ngược lại, theo suy nghĩ của tôi, mục tiêu của chúng ta là phải trả lại cho trẻ em khoảng thời gian để sống, để thở, để hấp thụ những gì chúng được dạy. Chúng ta cần xác lập lại tính liên tục trong hệ thống giáo dục. Đương nhiên việc này đòi hỏi phải rà soát lại cách chúng ta tổ chức năm học và chương trình giảng dạy, điều đã trở nên cần thiết sau hàng thập kỷ khi trường học phải đối mặt với một khối lượng ngày càng tăng những yêu cầu trái ngược nhau, đối mặt với sự căng thẳng và kỳ vọng ngày càng lớn, khiến cho sự gắn kết xã hội trở nên mong manh hơn. Chúng ta cần khôi phục lại tính liên tục trong mỗi môn học cũng như giữa các môn học với nhau, gắn với những kỳ vọng xã hội, và một lần nữa tìm ra nguyên tắc chỉ đạo cho giáo dục, tìm lại cho giáo dục một kim chỉ nam, xác định cho nó những nguyên tắc, mục đích và tiêu chí đơn giản. Đây là điều đầu tiên chúng ta phải làm. Đồng thời, chúng ta cần nâng cao yêu cầu, không phải về số lượng mà về chất lượng. Trao tối đa mọi thứ cho mỗi cá nhân Thay vì áp dụng một quy trình tuyển chọn khắc nghiệt vào đại học, một giải pháp dựa vào thuyết Mantuýt, chúng ta phải từng bước nâng cao yêu cầu đối với tiểu học, rồi đến trung học cơ sở và trung học phổ thông. Không một học sinh nào được vào học lớp 6 nếu chúng không tỏ ra có đủ học lực để hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Không học sinh nào được vào trung học phổ thông nếu chúng không tỏ ra có đủ học lực để theo học bậc học này, và kỳ thi tú tài phải là kỳ thi mà học sinh chứng tỏ khả năng theo học đại học. Đây sẽ là một quá trình lâu dài đòi hỏi cải cách từ tiểu học đến trung học phổ thông. Nhưng có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của thế hệ trẻ, và do đó, đối với tương lai đất nước chúng ta. Trao tối đa mọi thứ cho mỗi cá nhân thay vì tự bằng lòng trao tối thiểu cho tất cả. Đó là cách mà từ giờ trở đi tôi muốn chúng ta dùng để giải quyết vấn đề của giáo dục và đặc biệt là vấn đề của trường học. Việc cải tổ giáo dục này chỉ có thể hoàn thành với sự giúp sức của tất cả các nhà giáo dục. Chỉ có ý chí chính trị thì không đủ. Bởi lẽ đó mà tôi viết thư này gửi các vị. Phụ huynh: Nhà giáo dục đầu tiên Khi nói đến “tất cả các nhà giáo dục”, tôi muốn nói rằng mục tiêu này sẽ không thể đạt được chỉ với sự giúp sức của các giáo viên hay chỉ với sự giúp sức của các phụ huynh. Mọi người phải cùng nhau thực hiện. Để thành công, tất cả các vị phải làm việc cùng nhau. Đối với những người cha, người mẹ, giáo viên, quan tòa, cảnh sát, nhà giáo dục và tất cả những ai tiếp xúc với trẻ em trong môi trường thể thao, nghệ thuật và đoàn thể, lợi ích của trẻ em phải được đặt lên trên mọi đánh giá khác. Sự tin tưởng, hợp tác, trao đổi, tinh thần trách nhiệm phải được ưu tiên. Mỗi người phải vượt qua những định kiến để hoàn thành bổn phận của mình: đó là chuẩn bị hành trang để trẻ em trở thành người lớn. Hỡi các bậc phụ huynh, các vị chính là những nhà giáo dục đầu tiên. Tôi biết là vai trò này khó khăn đến mức nào khi tình trạng thất nghiệp đe dọa, trong các gia đình có bố dượng hay mẹ kế hay các gia đình nhận con nuôi, hay khi người cha hay người mẹ phải một mình nuôi dạy con cái. Tôi biết cuộc sống có thể nặng nề đến mức nào. Tôi muốn nói với các vị rằng các vị sẽ được giúp đỡ, rằng các vị sẽ nhận được sự trợ giúp bất kỳ khi nào các vị cần đến nó để giáo dục con cái mình từ khi chúng còn nhỏ, và rằng đối với tôi, chính sách đối với gia đình nằm trong chính sách giáo dục. Tôi muốn nói với các vị rằng, trong 5 năm tới, quyền được gửi con ở nhà trẻ hay mẫu giáo đối với tôi là những ưu tiên và tôi bảo đảm rằng không một trẻ em nào bị bỏ mặc khi kết thúc buổi học, nhờ đó các vị có thể hoàn thành ngày làm việc mà không phải lo lắng về việc con mình không được ai trông nom. Từ giờ trở đi, bài tập sẽ được làm tại trường, có thầy cô giám sát, và đối với các học sinh giỏi đến từ những gia đình có thu nhập thấp nhất – những gia đình không có khả năng chọn trường cho con, những trường nội trú chất lượng cao sẽ được xây dựng. Các vị sẽ được trợ giúp hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhưng các vị cũng có bổn phận đối với con cái mình. Các vị phải là một tấm gương. Các vị có trách nhiệm phải bảo đảm rằng con cái mình được đến trường, làm chúng thấm nhuần ý thức tôn trọng pháp luật và sự lịch thiệp, và kiểm tra bài tập của chúng. Nếu các vị không để chúng được đến trường, nếu các vị bỏ mặc chúng, thì việc các vị bị xã hội lên án, trách nhiệm của các vị bị nghi vấn và những hình thức trợ giúp dành cho các vị bị cắt bỏ là điều hoàn toàn bình thường. Nâng cao địa vị nghề giáo Hỡi các thày cô giáo, các vị cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Các vị đóng vai trò chính yếu. Các vị thường đã học tập trong một thời gian dài. Các vị phải thể hiện trí thông minh, lòng kiên nhẫn, tâm lý và năng lực. Tôi biết nghề nghiệp cao quý của giáo viên đòi hỏi cao đến mức nào, nó bắt buộc các vị phải hy sinh lớn lao đến mức nào, nó khó khăn và đôi khi bạc bẽo ra sao khi nạn bạo lực đã xâm nhập vào trường học. Tôi rằng địa vị xã hội và sức mạnh của các vị bị kém đi khi mà sứ mệnh của các vị trở nên gian nan và điều kiện làm việc của các vị trở nên khắc nghiệt hơn. Đất nước nợ các vị lòng biết ơn lớn hơn, triển vọng sự nghiệp tốt hơn, một mức sống cao hơn và những điều kiến làm việc tốt hơn. Trước đây, giáo viên có một vị trí được thừa nhận trong xã hội vì nền Cộng hòa tự hào về các trường học của mình, về những người mà nó giao phó trách nhiệm trong các trường học đó. Các giáo viên tiểu học và trung học đã tự hào về nghề nghiệp của mình, tự hào được phụng sự nền Cộng hòa, phục sự ý tưởng nào đó về con người và về sự tiến bộ. Chúng ta phải khơi lại lòng tự hào đó. Trong trường học của ngày mai, các vị sẽ được trả lương cao hơn, được tôn trọng hơn và, trái với chủ nghĩa bình quyền đã ngự trị quá lâu, các vị sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, sẽ thăng tiến nhanh hơn nếu các vị lựa chọn làm việc nhiều hơn và dành nhiều cố gắng hơn cho công việc của mình. Tôi muốn việc nâng cao địa vị nghề giáo trở thành một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, bởi nó là điều không thể khác được trong việc cải cách trường học và cải tổ nền giáo dục của chúng ta. Nhưng hỡi các thày cô giáo, cũng giống như các phụ huynh, các vị cần phải là tấm gương. Hành vi, cách ứng xử, sự tỉ mỉ, tinh thần công bằng và tận tụy của các vị phải thật mẫu mực. Các vị cũng phải làm gương bằng năng lực thể hiện quyền lực nhà giáo, bằng sự quan tâm thưởng phạt đúng người đúng tội. Ưu tiên cho chất lượng thay vì số lượng Trong hệ thống trường học mà tôi rất muốn được thấy, trong đó ưu tiên được dành cho chất lượng hơn là số lượng, nơi mà thời khóa biểu sẽ nhẹ hơn, nơi mà việc sử dụng các nguồn lực sẽ hiệu quả hơn bởi vì quyền tự chủ sẽ cho phép các trường quản lý theo nhu cầu, sẽ có ít giáo viên hơn. Nhưng đây sẽ là hệ quả của công cuộc cải cách trường học, chứ không phải là mục tiêu của công cuộc này. Và tôi cam kết rằng những nguồn lực được giải phóng nhờ đó sẽ được tái đầu tư vào giáo dục và nâng cao vị thế của nghề dạy học. Mục tiêu là hiệu quả hơn, chứ không phải phân chia đồng đều – và điều này không chỉ nhằm đạt được một mục tiêu kinh tế, không chỉ để sao cho ngày mai nền kinh tế của chúng ta có một lực lượng lao động có trình độ và lành nghề, mà có thể cao hơn tất cả, mục tiêu là bảo đảm sao cho con em chúng ta có thể đề cao những giá trị của nền văn minh để từ đó một ý tưởng nào đó về nền văn minh sẽ tiếp tục thấm nhuần trong chúng. *** Thưa tất cả các vị, tôi biết đang cân nhắc tầm quan trọng của thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Tất cả các vị phải hiểu rằng cuộc cách mạng tri thức đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta không cho phép chúng ta có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ xem từ “giáo dục” thực sự có nghĩa là gì. Một vài người trong số các vị nhận thức rõ rằng, xét đến xã hội khắc nghiệt của ngày hôm nay và sự lo lắng phải đối mặt với một tương lai ngày càng tỏ ra là một mối đe dọa, thế giới cần đến một cuộc Phục Hưng mới, điều chỉ có thể có được nhờ giáo dục. Chính chúng ta là người cầm lên sợi chỉ chạy xuyên suốt từ chủ nghĩa nhân đạo của thời kỳ Phục Hưng, qua thời kỳ Khai Sáng, đến thời đại của Jules Ferry. Đã đến lúc phải cải tổ. Tôi kêu gọi các vị hãy tham gia. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện. Chúng ta đã quá chậm trễ rồi. · Ngọc Sa - Vân Anh (dịch) · Xuất xứ: Việt Báo.vn
|