Clinton - Obama: từ lạnh lẽo đến ấm nồng |
Tác Giả: T. Huyền (theo IHT) | |||
Thứ Ba, 25 Tháng 11 Năm 2008 12:31 | |||
Thứ ba, 25/11/2008, 11:10 GMT+7 Dấu hiệu ấm áp đầu tiên trong mối quan hệ quyết liệt và lạnh băng giữa người phụ nữ quyền lực nhất đảng Dân chủ với nam đối thủ trẻ tuổi xuất hiện hồi mùa hè, khi Hillary Clinton có bài phát biểu ủng hộ Barack Obama nhiệt thành đến nỗi các trợ lý của ông nhảy bổ khỏi ghế, đứng lên hoan hô bà.
Barack Obama và Hillary Clinton. Ảnh: AFP. Obama, trong những bước đi đầu tiên của ông nhằm xây dựng mối quan hệ chiến lược, đã gọi điện để cảm ơn Clinton. Đến thời điểm đó, các trợ lý thân cận của Clinton cho biết bà đã thực sự khâm phục chiến dịch vận động tranh cử mà phe Obama tiến hành. Ít nhất, bà biết rằng không ai khác ngoài Obama có thể thấu hiểu sự khắc nghiệt của vòng cạnh tranh sơ bộ. Cho đến thứ năm này, khi Obama khẳng định với Clinton rằng với tư cách ngoại trưởng bà có thể liên lạc trực tiếp với ông và có thể tự tay chọn các nhân viên dưới quyền, thì quá trình hàn gắn đã xong. "Bà ấy có cảm giác được trọng thị, đúng như mức mà bà đòi hỏi", một cố vấn thân thiết của Clinton tiết lộ. Những người thuộc quyền của Clinton cho biết bà đã quyết định từ bỏ sự nghiệp thượng nghị sĩ để trở thành bộ trưởng ngoại giao trong chính quyền của Obama. Việc đạt được sự hòa hợp giữa hai nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ là đỉnh điểm của một tuần hồi hộp trên chính trường ở thủ đô Washington. Sự bổ nhiệm này công nhận một người phụ nữ đã tự xây dựng lực lượng chính trị của mình, trở thành biểu tượng cho sự thành đạt của nhiều phụ nữ. Ghế ngoại trưởng Mỹ sẽ biến Clinton thành một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới, và cũng sẽ tác động rất nhiều đến một trong những gia đình nổi tiếng nhất thế giới, bởi như vậy cựu tổng thống Clinton dường như cũng trở thành một thành viên chính phủ của Obama. "Bà ấy đã sẵn sàng", trợ lý của Clinton cho hay. Nhiều người dự đoán mối quan hệ mới, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau nhưng xuất phát từ lợi ích cá nhân này, khó có thể phát triển thành sự gắn bó mật thiết giữa một vị tổng thống và gương mặt đại diện cho chính sách ngoại giao của ông. Nhưng một số người khác cho rằng không điều gì là không thể. Họ lập luận, tình bạn thân thiết giữa hai quan chức cao cấp là hữu ích, nhưng không nhất thiết phải có, và càng không phải là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến thành công của một ngoại trưởng. Trong lịch sử, ngoại trưởng James Baker rất thân thiết với tổng thống Bush cha và được coi là một trong những bộ trưởng ngoại giao xuất sắc. Nhưng Dean Acheson không phải là bạn của Harry Truman, và Henry Kissinger không ưa gì Richard Nixon. Colin Powell, bộ trưởng ngoại giao lừng danh trong nhiệm kỳ 1 của Tổng thống Bush, có thể là một ví dụ cảnh báo cho trường hợp bà Clinton, bởi quan hệ giữa ông với ông Bush rất căng thẳng và Powell đã rời nhiệm sở với nỗi buồn rầu. Ngoại trưởng thứ hai của ông Bush, bà Condoleezza Rice, có tình bạn hết sức thân thiết với tổng thống nhưng thành công ngoại giao của bà lại không lớn như mức mà người ta tưởng tình bạn đó có thể tạo ra. Với Obama-Clinton, các cố vấn của họ cho rằng việc thảo luận suôn sẻ về ghế ngoại trưởng là nhờ tác nhân công việc. Phía Obama tiết lộ rằng ông rất quan tâm đến việc đưa đối thủ về làm việc cho mình, và ông nhận thấy rằng bà Clinton có tính kỷ luật và sự tập trung cao hơn hẳn chồng bà. Obama có đủ tự tin để đề cử một "thương hiệu" nổi tiếng thế giới làm sứ giả. Ông nhận thấy cần phải xây dựng một mối quan hệ có thể khiến các nhà lãnh đạo khác của thế giới yên tâm rằng khi bà Clinton nói, bà nói những điều ông mong muốn. "Tôi nghĩ ông ấy sẽ không bổ nhiệm bà nếu nghĩ bà ấy làm việc không hiệu quả", cựu đại sứ Mỹ ở Israel và ủng hộ Clinton, ông Martin Indyk, bình luận. Các cố vấn thân cận của Obama nhận xét rằng những kỹ năng chính trị của Clinton sẽ giúp bà thực hiện tốt sứ mệnh ngoại trưởng, như từng giúp các bộ trưởng ngoại giao Baker và Kissingger. Họ hiểu rằng làm ngoại trưởng chính là làm chính trị, dưới một tấm áo khác. Hồi tháng 6, Obama và Clinton gặp và nói chuyện lần đầu kể từ khi ông giành vé ứng viên đại diện của đảng. Sau khi hai người yên vị trên ghế máy bay, câu chuyện bắt đầu, và theo những người có mặt ở đó thì cuộc đối thoại diễn ra êm ả hơn so với dự kiến. Trong những tuần tiếp theo, mối quan hệ ấm lên dần dần. "Họ đã bỏ qua từ lâu, trước cả khi fan của họ làm được điều đó", một người thân cận với cả Obama và Clinton cho biết. Sau bài phát biểu ủng hộ đầy nhiệt huyết dành cho Obama ở đại hội đảng Dân chủ, Clinton đã đi dọc ngang khắp đất nước để vận động cho ông - vận động nhiều đến mức chính Obama nói với các trợ lý rằng ông bị gây ấn tượng mạnh mẽ trước khối lượng công việc mà bà đã làm thay ông. Sau đó Obama bắt đầu gọi điện trực tiếp cho Clinton, ông gọi từ máy di động của mình đến số di động của bà để cảm ơn. Đến lúc này sự khác biệt trong chính sách, mà họ từng nhấn mạnh ở cuộc đua sơ bộ, đã lùi vào dĩ vãng. Tất nhiên, vẫn có sự khác nhau trong quan điểm đối ngoại của hai người. Vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, mối quan hệ giữa Obama và Clinton đã trở nên dịu ngọt. "Chúng tôi vượt qua những khúc mắc nhỏ vì cuộc chiến lớn", một trợ lý của Obama nói.
|