Sự hổ thẹn mang tên Việt Nam
|
|
|
|
Tác Giả: Mặc Lâm
|
Thứ Sáu, 28 Tháng 11 Năm 2008 11:13 |
VietCatholic News
WASHINGTON DC (RFA 28/11/2008)- 2 sự việc liên tiếp diễn ra với người Việt Nam ở nước ngoài, một ở Phi Châu một ở Đông Âu, đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về hình ảnh của đất nuớc trong mắt bạn bè quốc tế.
Sự kiện truyền thông Nam Phi cho phát hình một nhân viên tòa đại sứ Việt Nam buôn lậu sừng tê giác, tiếp đó là quyết định của Cộng hòa Czech ngưng cấp visa cho công dân Việt Nam do tình trạng buôn lậu, xã hội đen của người Việt gia tăng tại Czech khiến giới trí thức trong và ngoài nước cho là chuyện nhục quốc thể.
Văn hóa thờ ơ
Trên trang nhất của báo Saigon Tiếp Thị online giáo sư Phạm Duy Nghĩa đã viết một bài phân tích sự thờ ơ của xã hội Việt Nam hiện nay trước những việc mà ông cho là nhục quốc thể qua các vụ buôn bán sừng tê giác của nhân viên tòa đại sứ Việt Nam nơi xứ người.
Kế đến là người Việt sống tại Tiệp đã buôn lậu, mua bán ma túy cùng các hoạt động xã hội đen khác đã khiến cho nước này vừa ra quyết định không cấp hộ chiếu cho người lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này.
Giáo sư Nghĩa viết rằng nhiều người đọc những tin này không tỏ ra bất cứ một biểu hiện nào, thậm chí còn cười cợt cho là việc nhỏ.
Nếu nhìn vấn đề ở khía cạnh văn hóa người ta sẽ nhận thấy sự việc này không phải là nhỏ mà trái lại rất đáng để suy gẫm.
Vài năm về trước, một chiếc cặp da đầy tiền đô la bỏ quên tại phi trường Nội Bài Hà Nội và sau đó công an phát hiện chủ nhân của nó là một cán bộ cao cấp.
Ông này cho biết số tiền được mang đi mua sừng tê giác. Đáng tiếc là các cơ quan chức năng không xử lý việc này đúng mức và do đó dư luận cho rằng càng làm lớn thì tội càng nhẹ.
Từ bà Bí thư Tòa đại sứ
Việc không xử phạt các hành vi buôn lậu khiến tình trạng tiếp diễn với vụ việc mới nhất là đài truyền hình Nam Phi cho phát sóng cảnh một phụ nữ Việt Nam tươi cười trước ống kính với chiếc sừng tê giác.
Người phụ nữ này sau đó được xác định là bà Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi. Bà Anh đã bị triệu tập về nước để truy cứu trách nhiệm.
Nhân viên ngoại giao của một nước bao giờ cũng là thành phần trí thức của nước đó và khi đến xứ nguời công cán lại phạm tội để nuớc chủ nhà bắt quả tang thì ai cũng cho là điều đáng hổ thẹn. Tuy nhiên nếu cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý thích đáng sẽ đưa đến mất niềm tin của dân chúng.
Một khi mất niềm tin thì nhiều nguời có thể chọn thái độ thờ ơ, phó thác mọi vấn đề liên quan đến tinh thần cho người khác. Đây là tâm lý nguy hiểm và về lâu về dài có khả năng làm mất đi lòng tự ái dân tộc.
Trước sự kiện này một viên chức ngoại giao đã về hưu cho biết sự ưu tư của ông: “Trong quá trình chuẩn bị cho giới ngoại giao Việt Nam không kịp thời và đầy đủ và những chuyện tiêu cực đã lộ ra những nhược điểm.”
Trong khi đó thì tiến sĩ Đinh Thị Dung, hiện giảng dạy tại trường ĐHQG/TPHCM bộ môn văn hóa Việt Nam có ý kiến liên quan: “Không phải một người làm công tác ngoại giao xấu là mình kết luận người Việt như vậy. Cũng giống như các vụ trước kia khi các cô gái bị đưa đi làm dâu nước ngoài không phải các cô gái đều xấu. Người ta cho rằng có nói cho nhiều cũng vậy thôi, không thay đổi được gì cả do đó tâm lý người Việt có vẻ như bàng quan.”
Đến chuyện ở Tiệp
Sau vụ sừng tê giác, một sự kiện khác cũng khiến những người quan tâm tại Việt Nam lấy làm 'nhục quốc thể' như ý kiến của giáo sư Phạm Duy Nghĩa; đó là Tòa Đại sứ Czech tại Việt Nam tuyên bố ngưng cấp chiếu khán cho lao động Việt Nam sang Cộng hòa Czech (thường được người Việt gọi là Cộng hòa Tiệp) làm việc theo như hợp đồng hai nước đã ký.
Lý do được đưa ra là Cộng Hòa Czech lo ngại người Việt được cử đi lao động tại Czech ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động buôn lậu trên đất nước của họ hơn là làm việc như những công nhân bình thường.
Dư luận quan ngại Việt Nam sẽ mất nhiều triệu đô la từ lao động nước ngoài và các cơ quan tuyển dụng sẽ phá sản không lâu sau đó.
Tuy nhiên đây chỉ là những thiệt hại kinh tế còn các thiệt hại tinh thần thật khó mà thống kê bằng con số được; nạn nhân trực tiếp là nền văn hóa truyền thống - vốn quý của nguời Việt bao đời nay.
|