Nhìn lại 30 năm chống tham nhũng |
Tác Giả: Dương Danh Dy | |||
Thứ Sáu, 05 Tháng 12 Năm 2008 21:29 | |||
Bài viết cho thấy Đảng cộng sản Trung Quốc đã sớm nhận ra nguy cơ của nạn tham nhũng và sử dụng những biện pháp quyết liệt để trừng trị "những đồng chí bị lộ". Nhưng nạn tham nhũng vẫn tràn lan, nặng nề. Ở Việt Nam, với những biện pháp nửa vời, đánh tham nhũng 1, đánh báo chí 2... người ta có thể thấy trước kết quả. Đến tháng 12 năm nay (2008) công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc vừa tròn 30 năm. Mặt trận chống tham nhũng tuy cất bước chậm hơn một chút so với những lĩnh vực khác nhưng không hề bị xem nhẹ, ngược lại càng ngày càng được các cấp đảng, chính quyền, các thế hệ lãnh đạo và toàn thể dân chúng Trung Quốc quan tâm chú ý. Nhận thức về tầm quan trọng của công cuộc chống hủ bại ngày được nâng cao, nhiều chủ trương, chính sách và đạo luật chống hủ bại của đảng và của chính quyền đã được ban hành (và chắc chắn sẽ còn tiếp tục được ban hành), nhiều biện pháp giáo dục phòng chống hủ bại đã được thực thi, nhiều vụ án xử lý những người vi phạm từ cấp cao nhất tới những nhân viên bình thường với những khung hình phạt nặng nhất như xử tử hình, tù chung thân... đã được thi hành… Thế nhưng, xem ra hiệu quả chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mong muốn. Dưới đây xin nhìn lại mấy vấn đề sau : Nhận thức về tầm quan trọng của công cuộc chống tham nhũng
Qua những cuộc suy vong của hàng chục triều đại phong kiến, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình cũng như các thế hệ lãnh đạo sau này, đều thấy hủ bại chính là nguyên nhân dẫn tới sụp đổ chính quyền thống trị, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, họ càng thấy nguy cơ của tham nhũng không trừ một ai dù là “chủ nghĩa xã hội ưu việt” có sự lãnh đạo của “Đảng cộng sản” ! Vì vậy càng về sau, tầm quan trọng của việc chống tham nhũng càng được nâng cao, càng được coi trọng. Thế hệ lãnh đạo thứ hai mà hạt nhân là Đặng Tiểu Bình Ngay từ những ngày đầu của cải cách mở cửa, (đầu những năm 80) Đặng Tiểu Bình đã nhận định : “ Cải cách mở cửa mới được một, hai năm, nhưng nhiều cán bộ đã tha hoá. Số người bị cuốn vào các tội phạm kinh tế không phải ít mà ngược lại rất nhiều. Cơn gió này ngày càng mạnh, nếu Đảng ta không chặn đứng được thì rất có thể nảy sinh vấn đề khiến bộ mặt đảng, nhà nước có thể bị biến dạng ” (Văn tuyển Đặng Tiểu Bình, tiếng Trung, 1994, tập 2, tr 402-403, bên dưới sẽ viết tắt là VTĐTB, tr…) Tháng 1 năm 1986, ông chỉ rõ : “ trong lĩnh vực xây dựng kinh tế chúng ta đã gặt hái được nhiều thành quả đáng phấn khởi.., nhưng nếu tệ tham nhũng ngày càng phát triển thì sự thành công về kinh tế liệu còn ý nghĩa gì..”(VTĐTB, tập 3 tr-154). Sau sự kiện Thiên An Môn, ông nói : “ một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự lây lan của tệ tham nhũng, khiến một bộ phận quần chúng mất lòng tin ở đảng và chính phủ ”(VTĐTB, tập 3 tr.300), “ muốn chỉnh đốn đảng, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà không trừng trị tham nhũng đặc biệt là hiện tượng tham nhũng trong hàng ngũ cấp cao của đảng thì khó có thể tránh khỏi nguy cơ thất bại ” (VTĐTB,nt- tr-313). Tiếp đó Đặng Tiểu Bình đã đề ra phương châm “ chiến lược hai tay ” tức : “ một tay xây dựng kinh tế, một tay trừng trị tham nhũng ”(VTĐTB, tập 3 tr 297) Thế hệ lãnh đạo thứ ba mà hạt nhân là Giang Trạch Dân Thế hệ lãnh đạo thứ ba của Đảng CSTQ đã coi : công tác xây dựng đảng trong sạch và chống tham nhũng là việc lớn liên quan đến sự sống còn của đảng. Ngày 21-8-1993, khi phát biểu tại hội nghị lần thứ hai Uỷ ban kiểm tra kỷ luật Trung ương, Giang Trạch Dân nói : “…chúng ta không thể đánh giá thấp tính nguy hại và trầm trọng của hiện tượng tham nhũng... nếu coi nhẹ và để chúng lây lan, chúng sẽ chôn vùi đảng và chính quyền, chôn vùi sự nghiệp hiện đại hóa xhcn của chúng ta ”. Ngày 28-2 1984, cũng tại hội nghị lần thứ ba của Uỷ ban kiểm tra kỷ luật Trung ương, Giang Trạch Dân chỉ rõ : “ hiện tượng tham nhũng đã lan rộng vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là đã gặm nhấm sâu vào hàng ngũ cán bộ các cơ quan đảng, chính quyền…, tình hình cho thấy, nếu không tiếp tục chống tham nhũng chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đảng, mất nước.” Thế hệ lãnh đạo thứ tư mà hạt nhân là Hồ Cẩm Đào Báo cáo chính trị của Đại hội 16 (tháng 11-2002) nêu rõ : “ Kiên quyết và phòng ngừa chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn đảng. Không kiên quyết trừng trị tham nhũng thì mối liên hệ máu thịt giữa đảng và quần chúng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng có nguy cơ đánh mất vai trò cầm quyền của đảng, đảng có thể đi đến chỗ tự huỷ diệt…” Báo cáo chính trị của Đại Hội 17 (10-2007) nhận định : “ phải nhận thức đầy đủ tính lâu dài, tính phức tạp, tính gian khó của đấu tranh chống tham nhũng, đặt việc đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng liêm chính lên vị trí nổi bật hơn..” Những phương châm, chủ trương… biện pháp xử lý tham nhũng Ngay từ những năm đầu của cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình đã kịp thời đề xuất và đặc biệt nhấn mạnh phải từng bước hoàn thiện cơ chế giám sát, đưa cuộc đấu tranh chống tham nhũng và xây dựng liêm khiết vào quỹ đạo pháp chế, và nêu rõ chống tham nhũng phải được xử lý thông qua hai biện pháp giáo dục và pháp luật, không thể đạt được hiệu quả bằng lời kêu gọi hoặc dựa vào vài câu nói của một số người… Sau khi trở thành hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ ba, năm 1993, Giang Trạch Dân đã đưa ra sáu nguyên tắc, ba việc quan trọng cần làm trong đấu tranh chống tham nhũng, năm 1994 lại nêu chín ý kiến về công tác chống tham nhũng (xin phép không nêu cụ thể). Năm 1995, Giang Trạch Dân nhấn mạnh : cần nỗ lực làm tốt cả 3 công tác : trừng trị, tấn công tội phạm, tăng cường xây dựng pháp chế và tăng cường xây dựng tư tưởng chính trị…. Thế hệ lãnh đạo thứ tư với hạt nhân là Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh : “ kiên trì phương châm trị tận gốc tận ngọn và xử lý tổng hợp, tăng cường hơn nữa mức độ trị tận gốc…Kiên trì hoàn thiện thể chế lãnh đạo và cơ chế công tác chống tham nhũng…Cần phải xét xử triệt để và trừng phạt không khoan nhượng với bất kỳ phần tử tham nhũng nào.” (Báo cáo chính trị ĐH 16). “ Kiên quyết điều tra xét xử những vụ án vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, đối với bất kỳ phần tử hủ bại nào cũng cần phải nghiêm trị theo pháp luật, quyết không dung thứ vô nguyên tắc.” (Báo cáo chính trị ĐH 17) Từ năm 2003 đến nay, nhiều quy định, pháp luật đã được ra đời với mục tiêu đến năm 2010 xây dựng xong hệ thống pháp quy, chế độ đảng phong liêm chính và chống tham nhũng đặc sắc Trung Quốc, lấy hiến pháp và điều lệ đảng làm căn cứ, do Trung ương đảng, Quốc hội, Quốc vụ viện, Uỷ ban kỷ luật kiểm tra Trung ương, Bộ giám sát chế định hoặc chấp thuận (nếu là của cấp dưới), gồm 3 quy phạm lớn và 10 vấn đề (như quy phạm về những pháp luật, pháp quy quốc gia xây dựng liêm chính và chống tham nhũng và những pháp luật, pháp quy khác về xây dựng liêm chính và chống tham nhũng; chế độ pháp quy về mặt quy phạm đảng viên, cán bộ lãnh đạo liêm khiết tự răn mình và các hành vi khác v.v.). Đầu năm 2005, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc công bố “ Cương yếu xây dựng thực thi hệ thống kiện toàn giáo dục, chế độ giám sát, cùng coi trọng trừng trị và đề phòng tham nhũng ” yêu cầu đến năm 2010 xây dựng xong khung cơ bản của hệ thống trừng trị và đề phòng tham nhũng. Cùng năm đó Trung Quốc gia nhập “ Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc ”. Tháng 5 năm 2007, Uỷ ban Kỉ luật Trung ương công bố “ Một số qui định của Uỷ ban Kỉ luật Trung ương về việc nghiêm cấm lợi dụng những tiện lợi trong công tác để mưu cầu lợi ích không chính đáng ” gồm 10 điều. Tháng 9 năm 2007 Trung Quốc thành lập Cục đề phòng tham nhũng quốc gia và chế định “ luật chống tham nhũng ”. Tháng 4 năm 2008 Trung Quốc ra “ Quy định về việc Uỷ ban kỉ luật giúp tổ chức đảng uỷ điều hoà công tác chống tham nhũng ” (bản thi hành thử). Qua một số điều đã nêu (dù còn rất không đầy đủ) có thể rút ra mấy nhận xét bước đầu sau : - Trọng điểm chống tham nhũng đã chuyển biến thành : cùng coi trọng cả “ chống ” và “ phòng ” (từ chỗ chỉ nói chống tham nhũng chuyển sang nói chống và phòng ngừa tham nhũng.) - Xác định phạm vi chống tham nhũng từ “đấu tranh chính trị” sang “nhiệm vụ chính trị” (hàm nghĩa rộng hơn, cụ thể hơn). - Chống tham nhũng và phòng ngừa tham nhũng phải đứng vững trên “ chế độ chống tham nhũng ” (tích cực phát triển dân chủ trong đảng, tăng cường giám sát trong đảng, cải cách và hoàn thiện thể chế kỷ luật, kiểm tra của đảng) - Đã có luật chống tham nhũng và Cục phòng chống tham nhũng, tức là có căn cứ luật pháp và tổ chức chuyên quản việc này. Những biện pháp xử lý tham nhũng: Một điều có thể khẳng định là Trung Quốc xử lý các phần tử tham nhũng khá nghiêm khắc. Mặc dù không nắm được hết tình hình nhưng nói chung người ta đều biết chuyện Trần Hy Đồng, Uỷ viên Bộ Chính tri Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc bị cầm tù, Thành Khắc Kiệt, Phó Chủ tịch quốc hội Trung Quốc bị xử tử v.v.. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung Quốc, chỉ từ năm 1995 đến năm 2007 đã có 70 quan chức trong ngoài đảng, từ cấp tỉnh, bộ trở lên bị kết án vì tội tham nhũng (toàn Trung Quốc có trên 2.000 cán bộ thuộc diện này trong đó có hơn 1.000 đang tại chức, từ năm 2000-2003 trung bình mỗi năm có 16-17 vị bị ngã ngựa -- chiếm giữa 1% và 2% -- nguồn Tân văn chu san, ngày 26/8/2003) trong đó ngoài hai nhân vật nói trên còn có Trần Lương Vũ, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư thành uỷ Thượng Hải, nhiều bộ, thứ trưởng, bí thư tỉnh uỷ, tỉnh trưởng, phó bí thư tỉnh uỷ, phó tỉnh trưởng (hoặc chức vụ tương đương như cấp tướng trong quân đội) v.v.. trong đó mười mấy người bị xử tử hình (vì có người được xử hoãn thi hành án một thời gian nên chưa rõ là bao nhiêu người đã chết, nhưng chí ít theo thống kê của cá nhân cũng tới không dưới 5 người trong đó có 2 người chết vì tự tử trước khi bị tuyên án) hàng mấy chục người bị xử tù chung thân. Ngoài cán bộ cao cấp, những kẻ dính vào tham nhũng dù ở cấp bậc nào cũng bị nghiêm trị, dù chúng đã khôn ngoan chạy trốn (kể cả ra nước ngoài). Nguồn tin chính thức cho biết chỉ từ tháng 1-7 năm 2004 đã có 109 cán bộ cấp vụ, sở và 1.767 cấp huyện, phòng bị sa lưới vì tham ô, và cũng trong thời gian này đã lập án đối với 22.913 phần tử tham nhũng (riêng thành phố Bắc Kinh trong 6 năm (1998-2003) đã phát hiện 341 vụ án tham nhũng từ 1 triệu NDT trở lên trong đó có 138 tội phạm là cán bộ cấp vụ, sở. Năm 2003 tổng cổng đã truy bắt được 569 tội phạm tham nhũng bỏ trốn. Một số diễn biến, mức độ… của tình trạng tham nhũng. Không thể kể hết những ví dụ cụ thể. Từ một số vụ án điển hình xin đưa ra một số nhận định bước đầu như sau: - Tham nhũng đã trở thành hiện tượng càng ngày càng phổ biến trong xã hội, từ cấp thấp đến cấp cao (một phó trấn trưởng -- cấp chính quyền cơ sở, tại tỉnh An Huy đã tham ô 8,57 triệu NDT) ở trong đảng và ngoài đảng, trong bất kỳ lĩnh vực nào. Ngay những việc được coi là không hoặc ít dính líu tới tiền bạc như phong danh hiệu nghệ sĩ, phong học hàm v.v.. cũng đầy rẫy tham ô. - Mức độ tham ô hối lộ càng ngày càng lớn. Nếu những năm đầu của cải cách mở cửa, tham nhũng mười ngàn, vài chục ngàn NDT đã là lớn thì đến nay mức tham nhũng đã phổ biến lên tới hàng triệu, hàng chục triệu NDT (tháng 10 năm 2008, Lưu Chí Hoa, Phó thị trưởng thành phố Bắc kinh vừa bị kết án tử hình cho hoãn thi hành trong hai năm vì tham ô 6,7 triệu NDT, trước đó Chu Lương Lộ quận trưởng quận Hải Định, Bắc Kinh tham ô 16 triệu NDT, Án Đại Bân trưởng phòng giao thông huyện Vu Sơn, Trùng Khánh tham ô 22 triệu NDT… và gần đây nhất báo chí đã nêu, vụ án hối lộ lớn nhất Trung Quốc là chỉ riêng một lần đưa và nhận hối lộ đã lên tới 80 triệu NDT (hơn 12 triệu USD). - Đã hình thành “ Tập đoàn được lợi ” ở trình độ khác nhau (một số phần tử tham nhũng đã cơ bản hoàn thành “tích luỹ nguyên thuỷ” đang hình thành “tập đoàn được lợi” ở trình độ khác nhau). - Thủ đoạn tham nhũng càng xảo quyệt, che giấu càng giỏi hơn. Như “ cho mượn ” quyền lực, “ chuyển nhượng quyền lực ”, ngầm cho phép vợ con, bạn bè.. dùng danh nghĩa của mình đi khắp nơi kiếm món bở, thông qua các hình thức mở công ty, đầu tư ra nước ngoài, trở về nước đầu tư v.v. biến thu nhập bất hợp pháp thành thu nhập hợp pháp v.v.. - “ Tính kháng thuốc ” của phần tử tham nhũng càng nâng cao. Chúng thường hoá trang thành hình tượng “ cán bộ liêm khiết ” để lừa gạt người (như Lưu Chí Hoa đã tạo cho mình được một vỏ bọc “thanh liêm” thường đi ôtô cũ, không có lái xe riêng). Bọn tham ô lớn thường chuẩn bị sẵn cơ sở ở nước ngoài để khi cần có nơi ẩn náu. - Từ tham nhũng cá nhân phát triển thành “ tập đoàn ” tham nhũng. Chúng kéo bè kết cánh, thậm chí móc nói với cả bọn Mafia. - Trình độ ăn chơi xa hoa trụy lạc đã tới mức “ghê tởm” : 95 % “quan tham” có “bồ nhí”, thậm chí có tên có tới 5,6 người (kết luận của một bí thư thành uỷ sau khi nghiên cứu 50 vụ án tham nhũng) có người có căn hộ trị giá trên 1 triệu NDT nhưng không hề ở một ngày, hoặc có biệt thự trị giá tới 13, 5 triệu NDT, một nữ giám đốc để vừa lòng người tình đã bỏ ra 500.000 NDT để “chỉnh dung” cho đôi mông thành đôi mông đẹp nhất thành phố, bỏ ra mấy ngàn USD để được tham dự một bữa ăn với chính khách nước ngoài là chuyện vặt, sử dụng những ôtô trị giá tới hàng triệu, hàng mấy triệu USD… Một nguồn tin chính thức trong giới truyền thông Trung Quốc ước tính mỗi năm chi phí cho các khoản quan chức ra nước ngoài, ôtô công, chiêu đãi ăn uống đã ngốn hết 30 % thu nhập tài chính quốc gia trong đó riêng khoản tiền chi cho việc ra nước ngoài đã tới 400 tỷ NDT (Hua xia kuai di ngày 29/8/2007). Những nơi ăn chơi giải trí cao cấp ở những thành phố lớn như Thượng Hải, Thiên Tân, Nam Kinh, Hàng Châu, Quảng Châu, Tô Châu... chi trả bằng công khoản chiếm 70-80 % (Tạp chí Động Hướng số tháng 11 năm 2007). Do các quan tham và gia đình, ăn chơi xa hoa, tiêu xài xả láng nên Trung Quốc đã trở thành nước tiêu dùng xa xỉ phẩm lớn thứ ba trên thế giới. Năm 2007, tổng mức hàng tiêu dùng xa xỉ đạt 8 tỷ USD, trong đó có tới một nửa dùng để “ đưa lễ ”. - Tình trạng chạy trốn ra nước ngoài mang theo khoản tiền kếch xù (hoặc đã chuyển đi từ trước) trở nên nghiêm trọng. Tính tới năm 2006 đã có từ 16.000 đến 18.000 tham quan (gồm cán bộ đảng chính quyền, cán bộ công an, tư pháp, cán bộ đơn vị sự nghiệp quốc gia, nhân viên quản lý cấp cao doanh nghiệp quốc hữu, cán bộ cơ quan hợp tác Trung Quốc với nước ngoài…) trốn ra nước ngoài mang theo số tiền hơn 800 tỷ NDT trong đó những kẻ có hơn 10 triệu NDT chiếm 92 %, có trên 100 triệu NDT là hơn 430 người, có hơn 1 tỷ NDT là 27 người. Số kinh phí mà nhà nước bỏ ra để truy bắt năm 2008 là 105 triệu NDT năm 2007 là 220 triệu NDT... (nguồn mạng Sohu.com ngày 9/7/2008) v.v… Phải thừa nhận, Đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc bằng những lời nói và việc làm cụ thể đã tỏ rõ quyết tâm phòng, chống tệ nạn tham nhũng. Họ từng có những người lãnh đạo và đông đảo đảng viên, cán bộ sống gương mẫu, liêm khiết. Các chủ trương, biện pháp… chống tham nhũng rất được lòng dân. Nhiều người còn nhớ câu nói tràn đầy khí phách của cựu thủ tướng Chu Dung Cơ (lúc đương chức) khi ông tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng : “ Hãy chuẩn bị cho tôi một trăm cỗ quan tài, trong đó dành cho tôi một ” (Nghe nói khi còn đương chức mộ tổ ông đã bị kẻ xấu định nổ mìn phá hoại và từ khi nghỉ hưu, những nhà lãnh đạo khác chỉ chịu sự bảo vệ bình thường thì ông vẫn phái chịu sự bảo vệ đặc biệt của Trung ương – nguồn : “ Cuộc sống của mấy vị lãnh đạo Trung Quốc sau khi nghỉ hưu ”). Tuy nhiên, tình hình dường như không có tiến triển tốt. Để kết luận bài viết nhỏ về một vấn đề lớn này, xin trích mấy lời của Ngô Quan Chính nguyên Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Uỷ ban Kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 16 khi kết thúc nhiệm kỳ về một việc mà ai cũng tưởng là dễ làm: “ Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ bị các thế lực chống cự, phản đối chống lại khá ngoan cố. Các năm 2003, 2005 định làm trong ban lãnh đạo cấp tỉnh tại Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Giang Tây nhưng cuối cùng phải ngừng lại với lý do khó có thể thi hành được (thực chất là cán bộ đảng chính quyền chống cự dữ dội, dùng cách lãn công tiêu cực, làm cho cục diện chính trị bê bết để đối phó v.v.) Trong kê khai nội bộ ở Thượng Hải, cán bộ trung cao cấp thành phố và cấp Sở có tới 90% người có tài sản từ 10 triệu NDT trở lên…. Nếu nhân dân cho công tác của tôi 60 điểm (Trung Quốc dùng thang điểm100) tôi sẽ vô cùng cảm động. Đối mặt với những vấn đề hủ bại nghiêm trọng, tình hình tiêu cực, thói xấu lâu ngày khó sửa, tôi tự cho mình chỉ đạt 59 điểm, không đạt tiêu chuẩn…” (Tạp chí Động Hướng tháng 11 năm 2007) Tôi nghĩ đó là câu nói thật của một người nắm, hiểu được vấn đề ! Tình hình chống tham nhũng của Trung Quốc theo hiểu biết của tôi đại để là như vậy. Trông người lại ngẫm đến ta. Buồn vui lẫn lộn !
|