Hà Nội rỗng ruột và đang lún: Chỉ khoan giếng cũng sập nhà, lún đường |
Tác Giả: Người Việt Online | |||
Thứ Bảy, 06 Tháng 12 Năm 2008 04:23 | |||
Monday, December 01, 2008 Khai thác nước ngầm ồ ạt với khối lượng lớn và cho phép xây dựng quá nhiều cao ốc như trong ảnh là những nguyên nhân khiến Hà Nội lún vài cm/năm. (Hình: AFP) Hà Nội (NV) - Một tai nạn hi hữu vừa xảy ra tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Sáng 30 tháng 11, khi nhóm thợ khoan giếng để lấy nước ngầm cho gia đình ông Phạm Văn Nga sử dụng vừa chọc mũi khoan đến độ sâu khoảng 50m thì đất quanh miệng hố khoan bắt đầu sụp xuống. Sau đó, đất lở dần làm ba căn nhà quanh đó đổ nghiêng. Ðáng lưu ý là tỉnh lộ 419 chạy qua khu vực này cũng lún sụt, mặt đường nứt toác. Tờ Tuổi Trẻ cho biết, chính quyền huyện Quốc Oai đã phải tổ chức di tản khẩn cấp hàng trăm người sống trong khu vực kể trên. Công an huyện Quốc Oai thì được lệnh phong toả tỉnh lộ 419, cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông qua nơi đang lún, sụt... Tai nạn kể trên cho thấy địa tầng ở Hà Nội đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro chỉ vì quản lý quá kém. Hệ thống cấp nước vừa yếu, vừa thiếu, không được đầu tư đúng mức trong một thời gian dài đã dẫn tới tình trạng khai thác nước ngầm hết sức tùy tiện, vừa khiến tầng nước ngầm bị ô nhiễm nặng, vừa làm lòng đất bị rỗng. Trước đó hai ngày, hôm 28 tháng 11, tờ Tiền Phong công bố kết quả nghiên cứu mới nhất của Liên đoàn Quy hoạch và Ðiều tra tài nguyên nước miền Bắc, theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, mực nước ngầm trong tầng nước ngầm ở Hà Nội tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng. Số liệu quan trắc tại Hạ Ðình, quận Thanh Xuân, cho thấy, mực nước ngầm dưới đất đã tụt xuống 0.8m so với năm trước. Tiến sĩ Nguyễn Văn Ðản, liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Ðiều tra tài nguyên nước miền Bắc, nhận định: “Ðó là hệ quả của việc khai thác nước ngầm vô tội vạ. Nguồn nước ngầm ở Hà Nội vốn rất sạch nhưng hiện nay, hàm lượng thạch tín và NH4, sinh ra từ các chất hữu cơ, chất thải lỏng, chất thải rắn... trong nước ngầm lại rất cao. Có nơi như Ðan Phượng, hàm lượng thạch tín trong nước ngầm gấp 40 lần mức độ cho phép. Nhiều nơi như Thanh Trì, Hoàng Mai, Quỳnh Lôi... hàm lượng thạch tín cao hơn mức độ cho phép từ 10 đến 20 lần. Nước ngầm ở khu vực phía Nam Hà Nội, diện tích khoảng 100 km2 đang nhiễm NH4 với hàm lượng gấp 10 lần mức độ cho phép”. Tiến Sĩ Nguyễn Văn Ðản cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nguồn nước ngầm ở Hà Nội bị ô nhiễm là do quá tùy tiện trong việc khoan vào lòng đất: Khoan thăm dò, khoan xây dựng, khoan khai thác. Ðáng lưu ý là tình trạng dung túng việc khai thác nước ngầm tràn lan đã làm tăng tốc độ thấm nước, kéo các chất bẩn ngấm mạnh vào nguồn nước. Chưa kể sau khi sử dụng, nhiều giếng khoan không được lấp đúng cách khiến chất độc và chất bẩn đi theo đường ống chui vào mạch nước ngầm. Ðể giảm chi phí, thay vì hút, lọc nước sông, công ty kinh doanh nước sạch của Hà Nội cũng khai thác nước ngầm, khi nước ngầm bị ô nhiễm, nước do công ty kinh doanh nước sạch của Hà Nội cung cấp cho dân chúng đã bị nhiễm nhiều loại khuẩn gây ra các bệnh đường ruột. Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước do công ty cấp nước của Hà Nội cung cấp cho các khu đô thị mới như: Trung Hòa- hân Chính, Ðại Kim, Mễ Trì, Ðịnh Công, Linh Ðàm đều có E.Coli và Coliform. Tiến sĩ Nguyễn Văn Ðản cảnh báo: “Việc khai thác nước ngầm với khối lượng lớn, cộng với sự xuất hiện nhiều công trình lớn đang gây sụt lún nhiều khu vực tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, tại Hà Nội, có những khu vực như Pháp Vân, tốc độ lún đã quá 3 cm/năm. Số khu vực có tốc độ lún xấp xỉ 2 cm/năm cũng đang tăng rất nhanh: Thành Công, Pháp Vân, Hạ Ðình, Tương Mai, Văn Ðiển, Mai Dịch...” Ðầu năm nay, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng, thuộc Sở Xây dựng Hà Nội đã từng công bố những nghiên cứu về sự thay đổi mực nước trong tầng nước ngầm từ 1991 cho đến 2007, đồng thời lên tiếng cảnh báo về tình trạng Hà Nội đang lún, có khu vực, tốc độ lún lên tới 4 cm/năm. Viện này từng đề nghị nên ngưng khai thác nước ngầm cũng như tính toán thật kỹ trong việc cấp giấy phép xây dựng các công trình lớn. Thế nhưng đến nay, công ty kinh doanh nước sạch của Hà Nội vẫn tiếp tục vận hành 160 giếng khoan lớn, có tổng công suất khai thác là 500,000 m3/ngày. Các thành viên của công ty này còn vận hành khoảng 500 giếng khoan nhỏ với công suất gần 200.000 m3/ngày. Nếu cộng cả công suất khai thác của mười ngàn giếng khoan tư nhân tại Hà Nội, tổng lượng nước ngầm mà Hà Nội đang khai thác ở mức hơn 700,000 m3/ngày. Với kiểu quản lý và khai thác như vậy, Hà Nội không lún, đất không sụt mới lạ. (G.Ð)
|