Bình Luận về chiến tranh Iraq |
Tác Giả: Cổ Lũy | |||
Thứ Bảy, 06 Tháng 12 Năm 2008 09:14 | |||
December 02, 2008 Baghdad: Sáng sớm Thứ Tư, ngày 12 Tháng Mười-một, 2008, tiếng nổ ầm ĩ làm rung chuyển khu trung tâm phố Saadoun nhộn nhịp ở phía Ðông Baghdad vào lúc người đi làm đang vội ăn sáng và các hàng hiệu bắt đầu mở cửa: bốn người bị thiệt mạng. Con số thiệt hại tương đối nhẹ so với trước đây cả chục người một ngày, nhưng vụ nổ cộng với một loạt tấn công khủng bố nguyên tuần ở thủ đô gây ảnh hưởng tâm lý lớn lao: đứng giữa những người thiệt mạng và bị thương người dân thủ đô nhận rõ cơn ác mộng của họ chưa chấm dứt, dù bạo hành nói chung đã thuyên giảm trong nước. Cuối ngày, cảnh sát cho biết 23 người đã thiệt mạng trong những tấn công quanh Baghdad. Theo thống kê an ninh, ba ngày đầu tuần lễ những bom dọc đường, bom gắn trong xe hơi và bom giấu trong người đã giết hại 58 người ở ngay thủ đô. Ngoài thủ đô, ở thành phố Mosul phía Bắc, hai phụ nữ đạo Ki-Tô thiểu số bị kẻ lạ hạ sát trong đụng độ tranh giành quyền lực kéo dài giữa người gốc Kurd và A-Rập. Một số người Iraq chứng kiến vụ nổ bom ngày Thứ Tư ghi nhận hiện diện đông đảo của lực lượng an ninh Iraq tại những trạm kiểm soát dọc khu phố và nhiều nơi khác và kết luận rằng không thể tin tưởng nhân viên an ninh có thể bảo vệ dân chúng được. Một số cũng nghĩ lực lượng Iraq “chưa sẵn sàng” bảo vệ thủ đô nếu quân lực Mỹ rút ra khỏi đây. Viên chức quân sự Mỹ không nghĩ những người nổi dậy đang hoành hành trở lại. Họ giải thích bạo hành thường xẩy ra sau mùa lễ Ramadan thiêng liêng chấm dứt đầu Tháng Mười. Những bầu cử cấp tỉnh sẽ bắt đầu Mùa Ðông tới và các phe phái chính trị gia tăng chống đối nhau để tranh giành vị thế. Tổng tuyển cử ở Hoa-Kỳ với một tổng thống mới lên cầm quyền gần cuối Tháng Giêng năm tới cũng dễ gây cảm tưởng có một khoảng trống quyền lực (power vacuum) ở ngay thủ đô Mỹ và khiến một số phe nhóm ở Iraq gia tăng biểu dương lực lượng. Người Iraq nghĩ theo chiều hướng khác, tấn công bạo hành có thể liên hệ đến những điều đình giữa Hoa-Kỳ và Iraq về thỏa thuận an ninh làm căn bản pháp lý cho lực lượng Mỹ ở lại Iraq (Status of Forces Agreement, SOFA) sau khi quyết nghị của LHQ cho phép Hoa-Kỳ chiếm đóng Iraq hết hạn cuối năm nay. Một số tin rằng bạo hành có liên hệ tới việc láng giềng đầy uy quyền Ba-Tư (Iran) chống đối thỏa thuận mới và muốn lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq. Có người lại nghĩ rằng “tình báo Mỹ” đặt bom để gửi thông điệp cho chính quyền Thủ Tướng Nuri Maliki rằng bạo hành sẽ tiếp tục nếu Iraq không thỏa thuận để lực lựng Mỹ ở lại. An ninh Iraq nhận xét người khủng bố muốn chứng tỏ họ vẫn không ngưng cuộc chiến của mình. Họ cũng ghi nhận thời điểm (sáng sớm lúc mọi người sửa soạn đi làm hoặc chiều về) và địa điểm (khu vực người thuộc giáo phái Shiite đa số) giống nhau của các cuộc tấn công khủng bố tuần lễ này: như ở Kasra (31 người chết, gồm năm nữ sinh) và Ðông Baghdad 5 giờ chiều (14 người chết, 67 bị thương). Nhiều người trong đám đông nói an ninh chỉ dành cho viên chức và giới cao cấp; lính tráng ở khắp nơi sao vẫn có người đặt bom? Có thể tin vào ai lúc này? Cùng ngày ở Nineveh phía Bắc thủ đô, một binh sĩ Iraq nổ súng bắn chết hai binh sĩ Mỹ và gây tổn thương sáu binh sĩ nữa tại trại kiểm soát trước khi bị bắn chết. Nội vụ đang được điều tra; cuối năm ngoái một vụ bắn chết hai binh sĩ Mỹ tương tự đã xẩy ra ở đây. Trên nguyệt san Thế-Kỷ 21 số Tháng Sáu 2008, trong loạt bài về Iraq viết từ trước khi cuộc chiến bắt đầu năm 2003, người viết đã nhận xét: Qua hành động phiêu lưu tiến chiếm Iraq, chính quyền Bush-Cheney đã triệt tiêu Saddam Hussein, đối thủ độc nhất của Iran, và với “thành công” ở đây tạo “power vacuum” mà Iran, dưới quyền các giáo sĩ Shiite và tổng thống “không đeo cà-vạt” Mahmoud Ahmadinejad sẵn sàng lắp vào. Ðe dọa và áp lực từ Iran (đã khống chế với viện trợ tài chính và vũ khí vùng bán nguyệt từ Iran qua Iraq và Syria, tới Lebanon dưới sự khống chế của lực lượng “khủng bố” Hezbollah sát nách-và tổ chức phục quốc cực đoan Hamas ở Dẻo Gaza ngay trong lòng Do-Thái) trực tiếp lên Do-Thái và gián tiếp lên Hoa-Kỳ là quân bài mặc cả (bargaining chip) của chính quyền Ahmadinejad. Ðây đã khiến Hoa-Thịnh-Ðốn phải để yên cho Iran phát triển khả năng nguyên tử-và cũng là “thành quả” sau sáu năm long đong Iraq và bẩy năm lận đận trong “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” (G-WOT, Global War on Terror). Một câu hỏi quan trọng là sự “thành công” của “chiến lược đôn quân” (surge, thêm 30 nghìn quân Mỹ vào Iraq) của tướng chỉ huy mặt trận Iraq David Petraeus (nay đã thăng chức tổng chỉ huy Bộ Chỉ-huy Trung-bộ Toàn-cầu, CenTCOM đặt tại Florida, coi từ Ðông Châu Phi sang tận Afghanistan). Trong “chiến lược” này, một phần lớn số lính tác chiến mới được đổ vào giữ an ninh ở thủ đô Baghdad; mặt khác, tướng Petraeus mua chuộc các bộ tộc phái Hồi-giáo thiểu số Sunni (nhóm đặc quyền dưới thời Saddam Hussein, nổi dậy chống đối Hoa-Kỳ đầu tiên và lâu dài) với quyền lợi tiền bạc, trang bị vũ khí, truyền tin và vận tải. Những nhóm “Sunni bừng dậy” (“Sunni Awakening”) này ngừng tấn công du kích lực lượng Mỹ, bắt đầu chống đối người thánh chiến Hồi-giáo Jihadist và al-Qaeda (cùng hàng ngũ với mình trong những nổi dậy chống Hoa-Kỳ từ đầu) nhưng với trang bị mới rút về khu vực Sunni tiếp tục độc lập và chống đối chính quyền đa số Shiite. Hai mặt của “surge” này đưa đến “tiến bộ về an ninh” với số thương vong quân sự và dân sự ở Iraq thuyên giảm tạm thời. Hơn ai hết, Tướng Petraeus và Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates chưa bao giờ xem và gọi đây là “chiến thắng.” Tổng Thống Bush có cơ hội rêu rao, và Nghị Sĩ John McCain từng kể công đã khai sinh ra “surge” và buộc cả ứng viên Barack Obama chống chiến tranh Iraq từ đầu phải công nhận “chiến thắng” của “surge” trong kỳ tranh cử tổng thống vừa qua, và giới truyền thông nhắm mắt đi theo - và không một ai lập lại câu hỏi đã đặt ra cho các nước thực dân từ lâu: làm sao để có chiến thắng trong một chiếm đóng? “Surge” ở Iraq đã gây chia rẽ rất lớn trong Bộ Quốc-Phòng Mỹ: Mùa Xuân năm 2008, dù có an ninh hơn, hoặc “thành công,” Tướng Petraeus được thăng chức nhưng vẫn qua mặt Tham Mưu Trưởng Michael Mullen và Tổng Trưởng Robert Gates đi thẳng lên tổng thống, đòi và được ngưng rút quân ra khỏi Iraq. Chiến Tướng William Fallon, người tướng Petraeus thay thế (đã lên tiếng bất đồng với chính sách Iraq và đã từ chức) được sự ủng hộ của Tham Mưu Trưởng Mullen và Tổng Trưởng Gates. Tướng Fallon muốn rút quân nhanh hơn gấp bội vì như Tướng Mullen và ông Gates ông âu lo vô cùng về sinh lực và sự sẵn sàng lâu dài của quân lực Mỹ, trong khi trách nhiệm chính của Tướng Petraeus là “thành công” trong cuộc chiến Iraq - phù hợp với nhu cầu chính trị của chính quyền Bush-Cheney. Giới quân sự ghi nhận bộ tham mưu không khuyến cáo giảm hết quân số ở Iraq, nhưng Tướng Mullen và ông Gates nghĩ an ninh ở Baghdad phải được xem như thứ yếu so với mối đe dọa là sức mạnh và sự sẵn sàng của quân đội từ những viễn chinh đáng ngờ (như Iraq, so với nhu cầu nếu cần phải mở thêm mặt trận ở Iran chẳng hạn) và sự việc giới chỉ huy cao cấp và trung cấp từ bỏ quân đội ra đi. Bộ tham mưu liên quân rất lo ngại về “surge” vì thực tế không cho thấy tỉ lệ thuận giữa ổn định quân sự hơn và mức cải thiện chính trị khả quan hơn của chính quyền Nuri Maliki. Ba-mươi nghìn binh sĩ mới không làm chính quyền đỡ bất lực hơn hoặc gia tăng hòa giải hòa hợp giữa các phe phái tôn giáo, chủng tộc; an ninh có thể khá hơn nhưng đây không chuyển dịch tới thành công về mặt chính trị. Ngay cả an ninh ở Iraq thôi cũng tùy thuộc vào ba yếu tố mong manh như giới quan sát chính trị nhận xét: (1) sự hiện diện đông đảo của lực lượng Mỹ; (2) sự sẵn sàng của lực lượng Sunni địa phương chống lại các thế lực tôn giáo cuồng tín từ bên ngoài; và, (3) ngưng chiến tạm thời giữa chính quyền Shiite có Hoa-Kỳ đứng sau và khối Shiite đông đảo ủng hộ giáo sĩ trẻ tuổi Muqtada al-Sadr luôn luôn đòi Hoa-Thịnh-Ðốn chấm dứt chiếm đóng ngay - đây chưa kể xung đột, mâu thuẫn truyền thống và gay gắt giữa giáo phái Sunni và Shiite. Chỉ riêng yếu tố (1) mất đi, người ta khó tưởng tượng những ghê gớm gì sẽ xẩy ra; đây cũng là lý do chính cho việc khó thể rút quân và cũng khó ở lại chịu trận - với câu hỏi dai dẳng: làm thế nào để chiến thắng trong một cuộc chiếm đóng? Cũng dễ hiểu tại sao chính quyền Bush-Cheney, giới trí thức tân bảo thủ (néo-conservative, xin xem Phái Tân Bảo-Thủ và Chính-Sách Ngoại-Giao Mỹ, Thế-Kỷ 21, Tháng Tư 2004, cùng người viết) và ứng viên Cộng-hòa John McCain chống thời biểu rút quân tới cùng trong cuộc chiến họ đã khai sinh. Nhưng dù họ cực lực phản đối, dù muốn dù không, thời biểu rút quân đã tới - dù đây đã là đề tài trong tranh cử tổng thống vừa qua và thời biểu đã bị xem như một cái gì tiêu cực nếu đến quá nhanh. Cuộc điều đình giữa chính quyền Bush và Maliki về SOFA thật sự kéo dài đã chín tháng dù ngoài mặt chính quyền Mỹ (và cả ứng viên McCain) khăng khăng phản đối thời biểu rút quân. Dĩ nhiên, khó khăn nhất là làm sao cho những phe phái khác nhau ở Iraq chấp nhận những thỏa thuận; đây đã lần hồi thành hình trong thời gian hơn năm tháng gần đây sau những áp lực, thỏa nhượng và mua chuộc từ hai chính quyền cũng như giữa các phe phái Iraq. Ngày lễ Tạ Ơn Mỹ vừa qua, quốc hội Iraq đầy chia rẽ đã thông qua thỏa thuận với một đa số không bền chắc lắm: khoảng ba phần tư các nhà lập pháp hiện diện bỏ phiếu chấp thuận (149 trong số 198 có mặt) với 77 người vắng mặt; nhóm phản đối to tiếng nhất là 30 nhân vật dân cử Shiite dưới quyền giáo sĩ al-Sadr, được xem là mang tinh thần quốc gia cực đoan cũng như chịu ảnh hưởng lớn từ Iran. Những điều khoản chính trong SOFA gồm thỏa thuận rút binh sĩ tác chiến Mỹ ra khỏi các thành phố lớn, nhỏ và làng mạc Iraq trước cuối Tháng Sáu 2009; rút hết lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq trước cuối năm 2011 - đây có khác thời điểm rút quân trong vòng 16 tháng ứng viên và nay tổng thống đắc cử Barack Obama đưa ra và từng bị chỉ trích là “phản chiến, đầu hàng.” SOFA cũng hạn chế khả năng của Hoa-Kỳ trong việc sử dụng lãnh thổ Iraq để tấn công, xung kích (các nước láng giềng Iraq) hoặc bắt giữ người Iraq nếu không có thỏa thuận của chính quyền Iraq, và giành quyền xử những vi phạm hình sự của binh sĩ Mỹ cho tòa án Iraq. Thủ tục tiếp theo là chấp thuận của cả ba nhân vật Shiite, Sunni và Kurd đứng đầu hành pháp (tổng thống và hai phó tổng thống, mỗi người đều có quyền phủ quyết để vô hiệu hóa thỏa thuận). Thủ Tướng Maliki lấy được phiếu của người thiểu số gốc Kurd đổi lấy hứa hẹn họ sẽ được tự trị ở vùng dầu hỏa phía Bắc Iraq. Quan trọng hơn là sự ủng hộ của Tawafiq, tên của liên minh Sunni trong quốc hội (đã được Hoa-Kỳ mua chuộc như nói trên) với những hứa hẹn không ngược đãi người Sunni và sẽ bao gồm họ vào đời sống chính trị (như thả tù nhân Sunni bị giới quân sự Mỹ bắt giữ, sát nhập các nhóm dân quân Sunni do Hoa-Kỳ dựng lên vào quân đội và lực lượng an ninh Iraq). Nhưng người Sunni cũng đòi hỏi phải đưa SOFA ra trưng cầu dân ý để đánh bóng hình ảnh “quốc gia” không hợp tác với ngoại nhân của họ. Bên trong họ rõ ràng e ngại trưng cầu dân ý, định vào Tháng Bẩy năm tới, có thể khiến chính quyền chịu áp lực dân chúng phải bỏ rơi hoặc sửa đổi SOFA đòi hỏi Hoa-Kỳ phải rút quân sớm hơn ngày 31 Tháng Mười-Hai, 2011. Nếu việc này xẩy ra, người Sunni sẽ mất bảo vệ của lực lượng Mỹ chống lại chính quyền và lực lượng an ninh Shiite vẫn chưa quên những áp chế từ Sunni dưới quyền Saddam Hussein. Học giả Toby Dodge thuộc viện Nghiên-cứu Chiến-lược Quốc-tế (International Institute for Strategic Studies) ở Anh cũng nhận xét, “Thái độ của Tawafiq liên hệ nhiều đến các cuộc bầu cử hội đồng tỉnh [mà họ chiếm rất ít ghế vì chỉ có 20 phần trăm dân số tụ tập ở phía Tây thủ đô] cuối Tháng Giêng. Thái độ này nhắm vào cử tri của họ.” Họ cũng có thể dùng trưng cầu dân ý như “bargaining chip” để buộc Thủ Tướng Maliki nhượng bộ trước những đòi hỏi của Sunni; “Họ thật sự lo sợ ý định của chính quyền Maliki một khi Hoa-Kỳ không ở lại bảo vệ họ,” theo ông Joost Hiltermann thuộc viện nghiên cứu Khủng-hoảng Quốc-tế (International Crisis Group). Người thật sự chống đối SOFA là giáo sĩ Sadr; tuần lễ này, 30 dân cử theo Sadr kịch liệt phản đối thỏa thuận, gây ồn ào và đi gần đến bạo động trong quốc hội; đa số đeo băng tang phản đối việc thông qua thỏa thuận và nguyện sẽ tiếp tục chống đối. Phe Sadr ghi nhận SOFA có những điều khoản cho phép hai bên Iraq hoặc Hoa-Kỳ gia hạn ngày rút quân lực Mỹ; SOFA cũng chuẩn nhận những tu chính tương lai mà phía Hoa-Kỳ hiểu rằng mình có quyền gia hạn rút quân nếu tình hình an ninh Iraq quá bấp bênh. Tổng thống Bush tuyên bố việc quốc hội Iraq thông qua SOFA “khẳng định sự trưởng thành” của dân chủ ở Iraq trong năm thứ sáu cuộc chiến bạo tàn ông khởi xướng với chiêu đề “xiển dương dân chủ.” Tổng Thống George W. Bush có thể nói mình đã thành công, như đầu Tháng Năm 2003 khi ông tuyên bố “sứ mạng hoàn tất,” sau hai tháng tiến chiếm Iraq để rồi phải ở lại cho đến nay với ngày rút quân Mỹ ra khỏi Iraq chưa thấy rõ. Gần năm nghìn binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng, và gần 30 nghìn bị thương. Từ 2006 chuyên san The Lancet của hội Y-Khoa Anh cũng như viện đại học kỹ thuật danh tiếng Mỹ Massachusetts Institute of Technology (MIT) đã xác nhận trên 600 nghìn người Iraq đã thương vong và cả triệu người khác sống trong ai oán trập chùng kéo dài. Oái oăm thay cuộc chiến giúp ông lừng lẫy một thời cũng là một lý do chính đưa đến đổ vỡ chính trị tai hại cho chính quyền và đảng của ông từ bầu cử giữa nhiệm kỳ 2006 và tổng tuyển cử vừa qua cũng như về lâu dài. Oái oăm hơn nữa, có lẽ giấc mơ “dân chủ” Iraq và toàn vùng “Trung Ðông” của ông đã đi xa sự thật rất nhiều-như các học giả, sử gia đã ghi nhận ngay từ đầu và cả trước cuộc chiến: làm sao để chiến thắng trong một chiếm đóng? Cuối Tháng Mười-Một giới quan sát chính trị nhận xét: Một thủ tướng Nuri Maliki mỗi ngày một mạnh mẽ hơn đã xuất đầu lộ diện ở Iraq. Ông đã ra lệnh bắt giam nhiều giới Sunni cao cấp vì lý do chính trị, đích thân trông coi các hoạt động quân sự và gạt bỏ những đối thủ qua một bên - những hành động làm mọi người nhớ lại thời độc tài chuyên trị cách đây không lâu. Với việc quốc hội thông qua SOFA ông Maliki, trước đây bị xem là yếu đuối bất lực, sẽ được tiếng là người chấm dứt được sự hiện diện của quân lực Mỹ ở Iraq. Người ủng hộ ông Maliki khẳng định ông là người quốc gia chân chính và chỉ muốn một chính quyền trung ương mạnh mẽ để ngăn chặn sự chia rẽ đổ vỡ của Iraq. Người chống đối ông nghi ngờ ông có tham vọng trở thành một “Saddam Hussein tốt và thuộc giáo phái Shiite” - khác hẳn điều chính quyền Bush đưa ra khi tiến chiếm Iraq. Một sĩ quan Mỹ nhận xét tại chỗ: “Có nhiều dấu hiệu cho thấy Iraq đang trở lại khuôn mẫu chính trị truyền thống với quyền lực thu trọn vào cá nhân lãnh tụ ở thủ đô Baghdad. Lề lối cai trị Iraq là như vậy cả hàng thập niên trước khi người Mỹ can thiệp vào đây năm 2003... Còn quá sớm để nói rằng một chế độ dân chủ có thể xuất hiện từ đây.” Tuy nhậy cảm về “độc tài mới,” giới ủng hộ ông Maliki không nhất thiết xem danh từ “strong man” (“người hùng”) như một cái gì tiêu cực, vì đất nước có thể dễ dàng rơi vào phân hóa đầy hiểm nghèo giữa những phe phái tôn giáo và chủng tộc nếu không có lãnh đạo cứng rắn. “Strong man” là điều tích cực vì Iraq cần “một lãnh tụ mạnh mẽ,” họ tuyên bố. Trong những tháng qua, ông Maliki đã tạo ra nhiều hội đồng bộ tộc địa phương để thử thách quyền lực những đối thủ người Kurd ở miền bắc và Shiite miền nam. Quân đội Iraq truy lùng và bắt giam các nhân vật Sunni cao cấp trong đạo quân “Con của Tổ-quốc” do Hoa-Kỳ lập ra và tài trợ từ cuộc “surge.” Ông cũng nhấn mạnh một thủ tướng mạnh mẽ “nếu không mọi sự sẽ tuột khỏi tầm tay,” ông giải thích - không có nghĩa là trở lại thời Saddam Hussein. Ông cảnh cáo rằng nếu địa phương có nhiều quyền hành, quốc gia có thể biến thành “nhiều nước độc tài với nhiều chính quyền trung ương” - và xem sửa đổi hiến pháp là cần thiết để củng cố sức mạnh của chính quyền toàn quốc. Tháng Ba ông đích thân gửi quân xuống miền Nam tấn công lực lượng Sadr, bắt giam các nhân vật Sunni và Shiite. Ông trực tiếp điều hành các bộ dầu hỏa, nhiên liệu; đuổi nhân viên cao cấp bộ thương mại, ngoại giao nắm bởi người Kurd, và cả giao tranh với người Kurd ở vùng ranh giới tỉnh Diyala. Sau khi bổ nhiệm ông năm 2006, Tổng Thống Bush hết lòng ủng hộ ông dù cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley không tin ông chia sẻ mục tiêu của Hoa-Kỳ. “Ông như là người cơ hội chủ nghĩa, làm những gì có thể được và để thành lãnh tụ độc tài suốt đời... Ông đang tìm xem mình có thể lấn lướt tới mức nào,” theo lời nhà phân tích quốc phòng Stephen Biddle, cố vấn của Tướng Petraeus trước đây. Khi nắm được các hội đồng tỉnh đầu năm tới để củng cố quyền lực khắp nơi, ông sẽ nắm chắc Iraq trong tay trong tổng tuyển cử cuối năm. Và Iraq sẽ quay lại chế độ độc tài với chính thể dân chủ bề ngoài sau sáu năm “xiển dương dân chủ” của chính quyền Bush-Cheney ở nước này.
|