Chấm dứt một phép mầu giả tạo |
Tác Giả: Thông Luận | |||
Thứ Năm, 11 Tháng 12 Năm 2008 15:57 | |||
“...Mô thức Trung Quốc mà từ nhiều năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã liên tục cảnh giác về sự nghịch lý độc hại và sự phá sản chắc chắn có thể tóm lược như sau: mở cửa về kinh tế nhưng vẫn giữ nguyên chính sách độc tài toàn trị...” Ngày 10 tháng 11 vừa qua chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố dự chi 586 tỉ USD cho một kế hoạch cứu nguy kinh tế, gần bằng số tiền 700 tỉ USD mà Hoa Kỳ đã bỏ ra để đương đầu với cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra và cao hơn số tiền mà các nước Châu Âu dự trù cho cùng một mục đích. Nếu chúng ta ý thức rằng GDP (tổng sản lượng nội địa) của Trung Quốc (3.300 tỉ USD) chỉ bằng 22% GDP của Hoa Kỳ (14.600 tỉ USD) thì phải hiểu rằng Trung Quốc bị khủng hoảng nặng gấp nhiều lần Hoa Kỳ và Châu Âu. Dầu vậy các xí nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục ồ ạt phá sản, kéo theo thảm kịch cho hàng chục triệu công nhân. Vào giờ này người ta đã có thể quả quyết rằng ngay cả tổng số tiền dự trữ của Trung Quốc -được ước lượng ở mức 2.000 tỉ USD- cũng không đủ để chặn đứng đà suy thoái. Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, 12% năm 2007, sẽ chỉ còn khoảng 3% năm 2008, thậm chí có thể là âm. 2009 sẽ là một năm cực kỳ đen tối. "Phép mầu kinh tế Trung Hoa" đã chấm dứt. Cần nhấn mạnh một điều: Trung Quốc không phải chỉ là nạn nhân của một cuộc khủng hoảng tài chính do Hoa Kỳ gây ra. Chính Trung Quốc cũng là thủ phạm. Cuộc khủng hoảng đang xảy ra không phải chỉ đơn thuần là một cuộc khủng hoảng tài chính; nếu quả như thế thì những biện pháp cứu nguy của các quốc gia đã quá đủ và vấn đề đã giải quyết xong rồi. Nó cũng không phải chỉ là một cuộc khủng hoảng kinh tế; nếu chỉ có thế thì mức độ trầm trọng của nó đã không lớn như chúng ta đang thấy, bởi vì các hoạt động kinh tế tự chúng có khả năng điều chỉnh những sai lầm trước khi chúng trở thành quá nghiêm trọng. Đây là một cuộc khủng hoảng về chính sách và định hướng. Mô thức Trung Quốc mà từ nhiều năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã liên tục cảnh giác về sự nghịch lý độc hại và sự phá sản chắc chắn có thể tóm lược như sau: mở cửa về kinh tế nhưng vẫn giữ nguyên chính sách độc tài toàn trị; biến Đảng Cộng Sản Trung Quốc, với hơn 70 triệu đảng viên, thành một giai cấp thống trị; bóc lột tối đa sức lao động của nhân dân Trung Quốc để xuất khẩu với giá rẻ mạt, thực tế là phá giá, để chiếm giữ các thị trường trên thế giới; bất chấp mọi quan tâm về môi trường để hạ thấp giá thành của các sản phẩm; xóa bỏ các chi tiêu về y tế và liên đới xã hội để đạt tỉ lệ tăng trưởng kinh tế tối đa. Nếu một chính sách như vậy mà có thể thành công thì thế giới đã tiến rất xa dưới các chế độ quân chủ chuyên chính rồi, không cần phải đợi có dân chủ mới có các tiến bộ ngoạn mục về mọi mặt. Chính sách của Bắc Kinh là chính sách thành tích. Thành tích trên hết và là tất cả. Và thành tích thu gọn trong tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Các con số tăng trưởng trên 10% và các nhà chọc trời ở Thượng Hải đã che khuất những vi phạm nhân quyền và có lúc đã làm mờ mắt nhiều người. Trung Quốc đã lôi kéo theo nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, đi theo mô thức tệ hại này và góp phần quyết định tạo ra một "phân công lao động quốc tế" quái đản trong đó các nước giàu được giao vai trò tiêu thụ trong khi các nước nghèo có nhiệm vụ sản xuất và cho các nước giàu vay tiền nếu cần để họ tiêu thụ tối đa. Trách nhiệm của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này rất lớn. Mô thức này, đã từng cho phép Trung Quốc huênh hoang thách thức nhân quyền và xuất hiện như là nước lãnh đạo của cả một liên minh chống dân chủ trên thế giới, nay đã bắt đầu phá sản và ngay cả tổng số tiền dự trữ của Trung Quốc cũng không thể cứu vãn được nó. Một lý do giản dị là khi thị trường xuất khẩu suy sụp thì chỉ còn một cách là gia tăng tiêu thụ nội địa, nhưng người dân Trung Quốc đã bị bóc lột quá đáng và đã quá nghèo để có thể tiêu thụ thêm; hơn nữa, với sự thiếu vắng của hệ thống y tế công cộng, sức khoẻ trở thành mối ám ảnh hàng ngày của họ, ngay cả nếu thu nhập gia tăng họ cũng để dành để phòng khi đau ốm chứ không mua sắm. Sau sự phá sản chắc chắn này sẽ chỉ còn lại một đất nước Trung Quốc bị ô nhiễm tàn phá một cách không thể phục hồi và một xã hội Trung Quốc với phân hoá giàu nghèo thách đố như chưa bao giờ thấy, giữa những con người cũng như giữa các địa phương. Việt Nam cũng đã dại dột đi theo mô thức Trung Quốc nhưng chưa đạt đến trình độ của Trung Quốc. Chúng ta cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, về mặt kinh tế còn khó khăn hơn cả Trung Quốc, nhưng chúng ta chưa đi sâu vào sai lầm như Trung Quốc và do đó cũng dễ thoát hiểm hơn. Với điều kiện là chúng ta đủ sáng suốt để đảo ngược hướng đi và nhìn nhận một sự thực mà kinh nghiệm của mọi dân tộc đã và đang chứng tỏ: phát triển phải đi đôi với dân chủ.
|