Home Tin Tức Bình Luận Hai LM Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi lên tiếng trước Phó Đại sứ HK nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10-12-2008

Hai LM Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi lên tiếng trước Phó Đại sứ HK nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10-12-2008 PDF Print E-mail
Tác Giả: FNA   
Thứ Bảy, 13 Tháng 12 Năm 2008 09:12

"Hôm nay kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền! Thế mà nhà cầm quyền CSVN đã chào mừng bằng vụ xử án bất công 8 giáo dân Thái Hà hôm 08-12 mà các anh chắc có theo dõi. Các anh không thấy đó là phiên tòa ô nhục, bị cả thế giới lên tiếng cười chê sao?"

LM. Phan Văn Lợi 

• Nhóm Phóng viên FNA tường trình từ Huế, 17g ngày 11-12-2008

Vào lúc 8g sáng ngày 10-12-2008, chính ngày kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, hai nhân viên trẻ của Sở ngoại vụ thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến nhà linh mục Phan Văn Lợi tại số 16/46 Trẩn Phú, thành phố Huế, để đưa thư của Sở ngoại vụ, do ông Châu Đình Nguyên ký, thông báo cho linh mục cùng linh mục Nguyễn Hữu Giải là chiều cùng ngày, lúc 13g30, đoàn Phó Đại sứ Hoa Kỳ sẽ đến thăm hai vị tại tư gia linh mục Lợi. Thông báo cận giờ như thế thường là kiểu cách của nhà cầm quyền CSVN, cốt làm các nhà dân chủ không đủ giờ chuẩn bị tâm trí, lời lẽ và tài liệu để đón các nhân vật trong chính giới hay báo giới ngoại quốc đến thăm hỏi và làm việc. May thay, nhờ tòa đại sứ đã thông tri 4 ngày trước đó qua điện thoại nên hai vị đã kịp thời soạn miệng và viết những gì cần trình bày.

Sau khi trao đổi vài câu xã giao về sức khỏe, một nhân viên hỏi:

- Hiện nay cha làm gì?

- Như các anh biết rồi -linh mục Lợi đáp- đấu tranh dân chủ, làm báo tự do chứ làm gì nữa! Quý Anh nhìn xuống dưới mặt gương của bàn là thấy!

Thế rồi linh mục Lợi lôi từ dưới bàn gương phòng khách tờ Tự do Ngôn luận số mới nhất (64, ra ngày 01-12-2008, kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Nhân quyền).

Một cách máy móc, theo "tư duy xã hội chủ nghĩa", một nhân viên hỏi:

- Cha làm tờ báo này có xin phép (chính quyền) gì không?

- Tại sao lại phải xin phép? Đây là quyền con người, quyền công dân mà! Ngay thời Pháp thuộc, Thực dân đâu có bắt phải xin phép ra báo !!! Mà chúng tôi làm tờ báo này công khai đó, đề tên tuổi đàng hoàng, các anh cứ đem về cho cấp trên các anh coi !

Rồi mở ra trang 04 của tờ báo, linh mục Lợi chỉ cho hai nhân viên điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà rằng:

- Các anh đọc đi: "Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia".

Sẵn đà, linh mục Lợi "giảng" luôn một bài:

- Hôm nay kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền! Thế mà nhà cầm quyền CSVN đã chào mừng bằng vụ xử án bất công 8 giáo dân Thái Hà hôm 08-12 mà các anh chắc có theo dõi. Các anh không thấy đó là phiên tòa ô nhục, bị cả thế giới lên tiếng cười chê sao? Trước đó, hôm 06-10, công an lại ngăn cản các em sinh viên biểu tình chống Trung quốc tại Sài Gòn và Hà Nội. Các em hỗ trợ nhà nước và nhân dân chống ngoại bang xâm lấn, sao lại cấm cản? Giữa lúc kẻ thù bên ngoài đang vây bủa, hăm dọa, sao người trong nước lại không đoàn kết với nhau? Các anh có biết Trung Quốc đã chiếm tiền đồn phía bắc của chúng ta là Ải Nam Quan, tiền đồn phía đông là Hoàng Sa và Trường Sa, bây giờ họ lại muốn tiến vào Côn Sơn và biết đâu cả Phú Quốc để chiếm hai tiền đồn phía nam không? Lúc ấy thì nước ta còn đường nào ra biển và còn tài nguyên nào để sống? Tại sao CS các anh lại không yêu nước và chẳng làm gì cụ thể để bảo vệ đất đai tiên tổ? Chỉ nói miệng rằng "ta có chủ quyền" như phát ngôn viên Lê Dũng mà đủ à ???...

Đợi linh mục Lợi nói xong, hai nhân viên mới lên tiếng:

- Chúng tôi xin phép về, chiều nay sẽ gặp lại cha.

- Được! Các anh cứ đưa phái đoàn tới, rồi muốn ngồi tham dự cũng được. Chúng tôi sẽ nói rõ về sự vi phạm nhân quyền của Cộng sản Việt Nam!

Chiều lại, khoảng 14g, phái đoàn Hoa Kỳ tới, gồm có bà phó đại sứ Virginia E. Palmer, ông Tùy viên chính trị Christian Marchant -vị nào cũng to cao gần 2 mét là ít (xin xem hình)- và anh thông dịch viên của tòa đại sứ tên là Đức. Dẫn đường là hai nhân viên của Sở ngoại vụ. Cả hai linh mục ra sân đón chào.

Sau khi vào nhà, phân ngôi chủ khách (hai nhân viên sở tự động rút xuống nhà dưới), 5 người bắt đầu trao đổi. Vì lễ thức ngoại giao, chúng tôi không thể tường thuật chi tiết nội dung buổi làm việc. Chỉ biết rằng phái đoàn đặt nhiều câu hỏi chính chung quanh vấn đề nhân quyền mà cụ thể có liên quan đến đất đai cơ sở của Giáo hội đang bị tranh chấp ở nhiều nơi hiện nay (như tại Tòa Khâm sứ, xứ Thái Hà, Hà Nội; Giáo hoàng học viện Đà Lạt; giáo xứ An Bằng và dòng Mến Thánh Giá tại Huế...). Hai vị linh mục luôn miệng khẳng định: gốc rễ của vấn đề chính là nguyên tắc của chế độ CSVN: không cho người dân có quyền sở hữu đất đai. Nguyên tắc này đã được đưa vào Hiến pháp, Luật đất đai 2003 và Nghị quyết 23 năm 2003 của Quốc hội CS. Hai vị cho rằng các vụ việc xảy ra ở những nơi vừa kể không phải chỉ là chuyện tranh chấp giữa hai tập thể (một bên là nhà nước, một bên là giáo hội) về một mảnh đất, một cơ sở, nhưng là chuyện tranh chấp về một nguyên tắc căn bản của chế độ CS: đất đai do nhà nước quản lý, chủ sở hữu, còn người dân (cá nhân lẫn tập thể) chỉ có quyền sử dụng và "quyền" xin nhà nước cấp cho. Thành ra các vụ việc không chỉ mang tính dân sự, tính hình sự, nhưng là tính chính trị, động đến những nhân quyền và dân quyền cơ bản... Ngoài ra hai linh mục cũng trình bày thêm các khía cạnh khác của tự do nhân quyền mà nhà nước CSVN đang chà đạp (qua Bản trình bày 2 trang bằng tiếng Anh trao ngay cho phái đoàn trong buổi làm việc; xin xem bản tiếng Việt và tiếng Anh trong attachment). Phía Hoa Kỳ đã ghi nhận ý kiến của hai nhà tu hành tranh đấu.

Cuộc gặp kéo dài tới 15g15. Trước khi từ giã, hai linh mục đã tặng cho phái đoàn một kỷ vật của Cố đô Huế, hai số báo Tự do Ngôn luận mới nhất (63+64) và tập sách nhỏ mà Khối 8406 đã phát hành và biếu tặng đồng bào tại VN (trong đó có tài liệu "Từ độc tài đến dân chủ" của Gene Sharp và "Dân chủ là gì?" của tòa đại sứ HK tại VN). Hai linh mục cũng không quên tặng bản trình bày cho hai nhân viên sở ngoại vụ !!!

Nhóm Phóng viên FNA tường trình từ Huế, 17g ngày 11-12-2008

 

------ o0o -----

Tự do tại Việt Nam

• Phêrô Nguyễn Hữu Giải và Phêrô Phan Văn Lợi

Tại Việt Nam ngày nay, các nhân quyền và dân quyền cơ bản được liệt kê đầy đủ trong Hiến pháp. Nhưng chúng hầu hết đều được định nghĩa cách mơ hồ hay thiếu sót, đều bị giới hạn hay hủy bỏ bởi các đạo luật, sắc lệnh, nghị quyết.... Nói cách khác, chúng không hiện hữu trong thực tế cho những công dân thực sự.

1- Chúng tôi không có tự do ngôn luận, thông tin và báo chí.

Đảng và chính quyền Cộng sản nắm chặt mọi phương tiện thông tin. Tất cả mọi nhật báo và tạp chí (khoảng 700), mọi đài truyền thanh và truyền hình (khoảng 100) tại VN đều nằm dưới sự kiểm soát của đảng CS. Không có báo chí tư nhân! Không có công luận độc lập! Hiện nay, nhà cầm quyền còn có âm mưu kiểm soát ngay cả các trang nhật ký điện tử (blogs-bloggers).

Chính quyền cũng nắm độc quyền về giáo dục, về biên soạn giáo khoa. Mọi loại trường hầu hết đều thuộc nhà nước. Các Giáo hội chỉ có thể điều hành các trường mẫu giáo với những tín đồ của họ mà thôi. Qua việc nhồi sọ chúng tôi bằng học thuyết biện chứng duy vật (tức chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mácxít, độc dược của loài người), đảng cộng sản đã gây nên vô vàn thiệt hại và tai họa cho trí não tâm hồn của nhân dân chúng tôi, đặc biệt là giới trẻ.

Không ai có thể có tư tưởng hay quan điểm "phản động" mà không bị sách nhiễu, hăm dọa, đàn áp, thậm chí bỏ tù. Không ai có thể "tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, bất kể biên giới quốc gia" (Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, khoản 19; Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, khoản 19).

Vì thế, với nhiều người khác, 4 linh mục công giáo -cha Chân Tín, cha Nguyễn Văn Lý và hai chúng tôi- đang tranh đấu để đòi lại quyền giáo dục. Ngày 20-2-2006, chúng tôi đã làm một lời kêu gọi nhà cầm quyền tôn trọng tự do ngôn luận và thông tin. Đồng thời chúng tôi cũng đưa ra một lời tuyên bố về quyền ấy, mà rồi đã thành một kiến nghị mở rộng khắp hoàn cầu với hơn 1000 chữ ký.

Và để khẳng định quyền này, ngày 15-04-2006, chúng tôi bắt đầu phổ biến một bán nguyệt san mang tên Tự do Ngôn luận mà không xin phép nhà cầm quyền. Dĩ nhiên tờ tạp chí này -còn tồn tại cho tới hôm nay (số mới nhất, 64, ra ngày 01-12-2008)- đã được phân phối trên giấy, miễn phí và chui ngầm khắp cả Việt Nam.

2- Chúng tôi không có tự do hội họp và lập hội.

Mọi hội đoàn tại VN đều phải gia nhập Mặt trận Tổ quốc VN, một cơ cấu ngoại vi hay là một cánh tay của đảng cộng sản. Các hội nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, nông dân.... đều ở dưới quyền kiểm soát của nhà nước và bị các đảng viên cộng sản cầm đầu. Đảng cũng muốn áp dụng điều này cho mọi tôn giáo nữa. Vì vậy đảng đã lập nhiều giáo hội quốc doanh. Làm thế, đảng CSVN muốn làm thoái hóa lương tâm và lương tri của toàn dân, của mọi tín đồ, đặc biệt của mọi chức sắc, để họ ủng hộ hay chấp nhận ý thức hệ và chế độ cộng sản. Dần dần, họ sẽ đánh mất khả năng phản ứng chống lại sự dối trá và tàn ác của chế độ. Giáo hội hay giáo đoàn nào toan giải thoát mình khỏi cái ách, cái lồng và lối giáo dục thâm độc đó, đều bị đàn áp dữ dội.

Tại VN không có công đoàn tự do, nghiệp đoàn độc lập! Các cuộc đình công mới đây của khoảng 100.000 công nhân chứng minh điều đó. Các thành viên công đoàn tại VN thật ra là tai mắt của đảng. Trong một Đề nghị 8 điểm tung lên mạng ngày 18-2-2006, nhiều đại diện công nhân VN đã yêu cầu hủy bỏ công đoàn do cộng sản dựng lên. Phong trào này -với những thủ lãnh đang ở tù- đáng được mọi người thiện chí và các chính phủ dân chủ ủng hộ.

3- Chúng tôi không có tự do bầu cử.

Tự do ứng cử và bầu cử không hề có ở VN. Bầu cử trở thành một nghĩa vụ bắt buộc. Từ 1945 đến 2008, 12 cuộc bầu cử Quốc hội đều đã được đảng CS tổ chức, tất cả đều áp dụng nguyên tắc "đảng cử dân bầu", nghĩa là mọi ứng viên do dân bầu đều là đảng viên hay đã được đảng chọn. Vì thế, khi trúng cử, họ không phải là đại diện của nhân dân mà chỉ là những kẻ thực thi các chính sách của đảng. Hậu quả là Quốc hội VN luôn luôn là công cụ của đảng CS chứ không phải là Cơ quan của quyền Lập pháp độc lập.

Vì thế, chúng tôi đang đấu tranh đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp VN, vì điều khoản này ban quyền tuyệt đối và vĩnh viễn cho đảng CS. Chúng tôi đang đấu tranh vạch trần bộ mặt của Hồ Chí Minh, nguồn đau khổ và nền tảng cuối cùng mà nhà cầm quyền Việt Nam dựa vào để duy trì quyền lực của họ. Chúng tôi đang tổ chức một chiến dịch tẩy chay bầu cử độc đảng và đòi hỏi bầu cử đa đảng. Ngày 17-10-2005, chúng tôi đã ra lời kêu gọi về chuyện này. Mục đích tối hậu là giải thể chế độ cộng sản độc tài, nguyên nhân tụt hậu và thoái hóa của đất nước chúng tôi. Ngày 20-05-2007, cả hai chúng tôi đã tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội bằng cách từ khước bỏ phiếu.

4- Chúng tôi không có tự do tôn giáo.

Tại VN hiện giờ, các giáo hội -với sự cho phép của nhà nước, dĩ nhiên- có thể xây dựng các nơi thờ phượng, tổ chức các nghi lễ, đón chào các đại diện của thẩm quyền tôn giáo tối cao, ra ngoại quốc để học hành hay tham dự các hội nghị, thậm chí là mở các chủng viện hay học viện tôn giáo dưới sự kiểm soát của nhà cầm quyền. Chúng tôi thiết nghĩ rằng tự do tôn giáo chân chính không chủ yếu hệ tại những điều ấy, nhưng thực sự hệ tại những điều sau đây:

- sự tự do thành lập tôn giáo, giáo hội hay giáo đoàn, không với sự cho phép hay chuẩn thuận mà chỉ với sự thừa nhận của nhà cầm quyền, vốn phải thừa nhận tôn giáo hay giáo hội đó sau khi họ đã đăng ký.

- sự độc lập của các giáo hội trong việc thiết lập các cơ cấu của mình; tuyển mộ huấn luyện nhân sự của mình; truyền chức, tấn phong, thuyên chuyển giáo sĩ của mình; bổ nhiệm hay đề cử giáo phẩm và lãnh đạo của mình.

- quyền tư hữu về đất đai. (Trong thực tế, mọi cá nhân và tập thể, như các giáo hội chẳng hạn, chỉ có quyền sử dụng đối với đất đai. Khi độc chiếm quyền tư hữu đất đai, nhà cầm quyền hy vọng đặt mọi công dân và mọi cộng đoàn dưới cái ách của mình, duy trì cơ chế bất công “xin-cho”. Đó chính là nguyên nhân của nhiều cuộc khiếu kiện hiện thời (khoảng một triệu trường hợp), của nhiều tranh chấp giữa nhà cầm quyền với nhân dân, với các giáo hội về đất đai).

- việc truyền bá tôn giáo đến nhân dân, việc tham gia của các giáo hội vào đời sống xã hội -bằng cách thành lập và điều hành các trường học đủ mọi cấp, từ nhà trẻ đến đại học, bằng cách sở hữu và điều hành báo chí, phát thanh, truyền hình, trang mạng, nhà xuất bản riêng, bằng cách thành lập và điều hành các cơ sở hoạt động từ thiện, chẳng hạn trạm xá và bệnh viện.

Tiếc thay, các giáo hội tại VN không được có những thứ tự do này. Vì thế, chúng tôi đang đấu tranh đòi tiêu hủy Pháp lệnh Tôn giáo và Tín ngưỡng ra đời tháng 11-2004 và Nghị định áp dụng Pháp lệnh ra đời tháng 3-2005. Với việc kiểm soát các thực hành tôn giáo như thế -bằng cách thiết lập những hướng dẫn để các giáo phái đăng ký các hoạt động của mình và xin được sự thừa nhận chính thức- các văn bản pháp luật này, đối với chúng tôi, làm thành một biện pháp để đàn áp tôn giáo bằng pháp luật. Chúng dễ dàng bất hợp pháp hóa mọi hoạt động tôn giáo của chúng tôi và làm biến thoái dần dần tôn giáo của chúng tôi.

Chúng tôi hy vọng rằng Nhân dân, Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ, nổi tiếng khắp thế giới như xứ sở của tự do dân chủ và vì tinh thần tự do dân chủ, sẽ hỗ trợ chính nghĩa của chúng tôi. Xin cảm ơn.

Huế, ngày 10-12-2008, Ngày Nhân quyền Quốc tế
Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
Phêrô Nguyễn Hữu Giải và Phêrô Phan Văn Lợi, linh mục Công giáo