Việt Nam cần thay đổi hơn Mỹ |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng (NguoiViet) | |||||
Thứ Sáu, 19 Tháng 12 Năm 2008 08:10 | |||||
November 12, 2008
Cả thế giới chú mục nhìn nước Mỹ. Những người dân bình thường, ở Trung Quốc hay ở Iran, cũng thấy thể chế tự do dân chủ là một sự thật, đã thể hiện trong cuộc bỏ phiếu vừa qua ở Mỹ. Ðối với người Việt Nam, những đồng bào ta đang sống trong nước, những người hiểu biết và suy nghĩ về tương lai đất nước, đây là một dịp để họ thấy nhu cầu cần lên tiếng đòi cho dân ta cũng được quyền thay đổi. Một đảng cộng sản đã nắm toàn quyền trên sinh mạng dân tộc hơn nửa thế kỷ rồi. Một đảng còn tuyên dương những tư tưởng cũ nát, với bộ máy nhân sự dốt nát. Họ không thể nào tiếp tục trói buộc cả nước trong một cơ cấu kinh tế và chính trị phá sản mãi như thế này được. Khi nhìn thấy người Mỹ thay đổi nước họ trong thời gian qua và những năm sắp tới, người Việt Nam nào cũng phải suy nghĩ đến phận mình. Nghị Sĩ Barack Obama lấy khẩu hiệu “thay đổi” để thu hút lá phiếu của dân Mỹ. Nhưng thực ra dân Mỹ chọn ông không phải chỉ vì họ tin tưởng ở những lời hứa của ông mà nhà chính trị nào cũng có thể nói được. Chính xã hội Mỹ đã thay đổi trong tám năm qua. Các cử tri Mỹ chỉ chứng tỏ sự thay đổi của họ qua những lá phiếu. Trước hết, đó là những thay đổi trong tư tưởng nền tảng về cách tổ chức đời sống kinh tế. Một đề tài được thảo luận hằng thế kỷ qua là vai trò của nhà nước và của thị trường, hai định chế đó nên được cân bằng ra sao. Năm 2000, Tổng Thống Gorges W. Bush thắng cử khi dân Mỹ vẫn tin tưởng nhiệt liệt vào chủ trương đã được Tổng Thống Ronald Reagan khởi xướng 20 năm trước. Tổng Thống Reagan khai trương một thời kỳ của “chính phủ nhỏ,” giảm bớt các luật lệ trói buộc hệ thống tài chánh và cả nền kinh tế, đề cao sáng kiến tư nhân. Tư tưởng kinh tế tự do là nền tảng cho chính sách này trong 28 năm, coi như một thế hệ. Năm 2001, nhờ ngân sách thặng dư sau những năm phát triển cao, Tổng Thống Bush đã thực hiện được chương trình cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử. Nhưng tới năm 2008 thì dân Mỹ đã nghĩ lại, sau khi cả hệ thống tài chánh suy sụp. Người ta thấy một nguyên do là vì các nhà tài chánh nhiều sáng kiến quá và ít kỷ luật quá. Bây giờ, ngay một vị tổng thống bảo thủ về kinh tế cũng bắt buộc phải thay đổi, chính ông Bush nâng quyền can thiệp của nhà nước trong đời sống kinh tế lên một mức cao hơn, khi cho phép “quốc hữu hóa” một phần các ngân hàng lớn, trong khi những tiếng nói phản đối không được ai lắng tai nghe. Năm 2004, Tổng Thống Bush thắng Nghị Sĩ John Kerry với 50.74% số phiếu của dân và 286 phiếu cử tri đoàn. Hai vấn đề tác động quyết liệt đã thúc đẩy hàng triệu người chọn Tổng Thống Bush nhiều hơn số người chọn ông Kerry. Thứ nhất là mối lo an ninh và khủng bố, và thứ hai là những vấn đề tôn giáo, đạo lý. Hàng chục triệu cử tri chống phá thai và thiết tha với ý định tu chính hiến pháp để cấm hôn nhân đồng tính đã bỏ phiếu cho ông Bush, người chia sẻ ý kiến này với họ. Nhưng sau khi tái nhậm chức năm 2005, Tổng Thống Bush chỉ lo tiếp tục cuộc cải tổ kinh tế theo con đường giảm bớt vai trò chính phủ và trả thêm quyền lựa chọn cho các cá nhân. Ông đã chọn chương trình ưu tiên là cải tổ hệ thống quỹ hưu bổng xã hội, social security. Ông vẫn muốn tăng thêm quyền tự do kinh tế, cho phép những người trẻ được tự do rút ra khỏi quỹ xã hội; họ không cần đóng thuế vào quỹ hưu bổng chung để đầu tư tiền hưu bổng của riêng mình vào các cổ phần, với triển vọng sẽ thu lợi nhiều hơn lấy tiền sử dụng khi về hưu. Kế hoạch của ông Bush đã không cất cánh được vì dân chúng lãnh đạm, nhất là từ năm 2006, khi đảng Cộng Hòa không còn kiểm soát được 2 viện quốc hội nữa. Và tới nay, sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ thì những người trẻ tuổi cũng thấy nước Mỹ vẫn cần một mạng lưới an toàn xã hội cho tất cả mọi người nghỉ hưu. Thị trường chịu nhường một bước cho guồng máy công quyền. Người ta không ghét và sợ guồng máy chính phủ phí phạm như trước, trong lúc mà thị trường cũng đang trông chờ chính quyền trợ giúp. Sự thay đổi người cầm quyền tổng thống và đảng nắm quyền trong quốc hội qua cuộc bầu cử vừa qua chỉ thể hiện sự thay đổi tư tưởng chủ đạo về cách xếp đặt nền kinh tế quốc dân. Bây giờ tất cả mọi người đều bàn đến việc tăng thêm các luật lệ để bảo vệ hệ thống tài chánh của nước Mỹ và thế giới để tránh các tai nạn vì rủi ro sau này. Người ta chỉ còn khác ý kiến khác nhau về phương pháp cải tổ như thế nào để khỏi trói chặt quá độ sau khi đã thả lỏng quá trớn. Nhưng đời sống chính trị một quốc gia không thay đổi chỉ vì triết lý chính trị. Sự thay đổi nào trong chế độ dân chủ cũng là do những thực tế xã hội và kinh tế thúc đẩy. Những người vay tiền mua nhà không lựa sức trả nợ, những ngân hàng cho vay không tính đến rủi ro đã đưa cả nước vào một cơn khủng hoảng. Cả xã hội thấy cần kỷ luật cũng như cần tự do. Một thế hệ mới các cử tri đang bước vào phòng phiếu, những người trước đây 8 năm hoặc 4 năm còn chưa đủ tuổi để đi bầu. Những người trẻ đi vận động cho Nghĩ Sĩ Obama và bỏ phiếu cho ông sẽ là một lực lượng chính trị mới quyết định chính trị nước Mỹ trong nhiều năm sắp tới, không khác gì thế hệ những người sinh ra sau Ðại Chiến Thứ Hai đã nắm vận mạng quốc gia trong tay bằng lá phiếu của họ trong ba thập niên qua. Trong hai lần bỏ phiếu bầu tổng thống từ năm 2000, trung bình có 52 phần trăm những cử tri tuổi từ 30 trở xuống bầu cho đảng Dân Chủ. Năm nay hai phần ba những người này đã chọn ông Obama, chỉ có dưới một phần ba chọn Nghị Sĩ John McCain. Thành phần cử tri trẻ này hiện chiếm 18% tổng số, và khối cử tri này sẽ còn quyết định chiều hướng chính trị quốc gia trong thời gian tới. Ðảng Dân Chủ có thể tin rằng những người thuộc thế hệ trẻ này sẽ tiếp tục bầu cho họ trong nhiều năm sắp tới. Nhưng điều đó không chắc chắn. Ðường lối chính trị quốc gia luôn thay đổi tùy theo nhu cầu xã hội, mà trong 4 năm hoặc 8 năm nữa, dân Mỹ sẽ còn thay đổi tùy theo những biến cố chưa ai biết chắc. Họ sẽ xác định các vấn đề lớn của dân tộc họ, và tùy theo hoàn cảnh thay đổi họ sẽ tranh luận với nhau, sẽ tiến đến những quyết định chung bằng lá phiếu tự do. Ðó là thứ quyền tự do giản dị mà dân tộc Việt Nam hiện nay vẫn chưa được hưởng. Ðảng cộng sản Việt Nam đã nắm toàn quyền trong nửa thế kỷ nay, và đến giờ họ vẫn còn cố gắng ôm giữ quyền hành không dám bỏ; vì tham và vì sợ. Nhưng dân tộc Việt Nam đã thay đổi và còn tiếp tục chuyển hóa. Hai phần ba dân Việt Nam là những người dưới 30 tuổi. Họ được tiếp xúc với những kiến thức mới, họ lớn lên với những nhu cầu mới. Trong khi đó thì chính quyền cộng sản cho thấy họ không đủ khả năng, không đủ bản lĩnh để đưa đất nước tiến lên ngang hàng với các nước trong vùng. Trên mặt tư tưởng, đảng cộng sản vẫn quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác Lê nin lỗi thời. Lúng túng không dám thay đổi thật sự như các nước cộng sản cũ ở Âu Châu, họ hô hào một thứ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chính giới lãnh đạo của đảng cũng chẳng biết nó là gì. Cai trị 80 triệu dân theo lối mò mẫm đó dẫn tới những hậu quả tai hại. Khi lạm phát vọt lên tới 30 phần trăm rồi kéo dài với tỷ lệ trên 20%, mọi người dân đều khổ, trừ những đảng viên cộng sản tham nhũng và những nhà tư bản đỏ. Ðảng cộng sản tiếp tục đánh lừa dân bằng luận điệu nếu chính trị không ổn định thì kinh tế không phát triển. Nhưng người Việt Nam biết rằng trong những năm 1960, 70, ở các nước Ðại Hàn, Ðài Loan, phe đối lập và sinh viên biểu tình thường xuyên nhưng kinh tế vẫn tiến. Ngược lại, không có xứ nào ổn định chính trị bằng Bắc Hàn mà dân vẫn chết đói. Ðảng cộng sản Việt Nam nhân danh “ổn định”để cấm đoán và đàn áp những người có ý kiến độc lập khác với đảng. Nhưng thế nào là ổn định? Những cuộc đình công ngoài vòng pháp luật, những đám nông dân ruộng đất bị cướp đoạt không ngừng biểu tình khiếu oan. Ðó là những hình ảnh bất ổn trong xã hội không thể nào che giấu được. Ðảng cộng sản không thể đổ lỗi cho Nguyễn Văn Ðài hay Lê Thị Công Nhân khi lạm phát lên tới 30% hoặc khi dân chết ngay ở Hà Nội, chỉ sau mấy ngày mưa đã lụt lội. Tất cả chỉ chứng tỏ những người đang nắm độc quyền cai trị nước Việt Nam là những người không đủ khả năng và kiến thức để điều hành một quốc gia thời nay. Tư tưởng chính trị khô héo, đường lối quản lý loay hoay mò mẫm, nước nào lâm vào hoàn cảnh đó cũng phải thay đổi những người cầm quyền. Nhưng người Việt Nam hiện nay không thể thay đổi. Bất cứ ai ngỏ ý muốn thay đổi đều bị bịt miệng vì tất cả báo, đài đều bị nhóm cầm quyền kiểm soát. Ðây là những sự thật phải nói rõ cho thanh niên nước ta biết. Thế hệ những người dưới 30 tuổi mới thay đổi chính trị nước Mỹ. Giới trẻ ở Việt Nam làm gì để xứng danh dòng giống Lạc Hồng?
|