Home Tin Tức Bình Luận Người Gieo Hi Vọng.

Người Gieo Hi Vọng. PDF Print E-mail
Tác Giả: Khanh Vũ   
Thứ Hai, 29 Tháng 12 Năm 2008 03:41

Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O.

Theo tin báo chí tường thuật, đại hội "Ngày tù nhân chính trị Việt Nam" do bà Khúc Minh Thơ, hội trưởng Hội gia đình tù nhân chính trị, tổ chức tại Dallas (Texas) vào ba ngày đầu tháng 6-2008, đã thành công mỹ mãn với khoảng 4000 người tham dự.
Sự kiện nổi bật trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt ở Hoa kỳ khiến thêm một lần nữa tôi lại nhớ đến anh N. V. N, người sửa "đài"(radio) trong tù ở cùng trại với tôi năm xưa. Chính anh là người đầu tiên cách nay ba mươi năm đã cho tôi biết tin về bà Khúc Minh Thơ ở Mỹ cũng như mục đích cao cả của hội gia đình tù nhân chính trị do bà thành lập ở đây. Tin tức đặc biệt này đã gieo vào lòng tù nhân chúng tôi niềm hi vọng tuy mong manh nhưng đã là những "chiếc phao" quý hiếm giúp chúng tôi bám víu vượt qua được những năm tháng dài trong các trại tù cải tạo đầy khổ ải tại miền thượng du Việt Bắc.

Năm 1978, sau thời gian bị giam ở Sơn La, Yên Bái, chúng tôi chuyển trại về tù tiếp ở Nghiã Lộ trong vùng rừng núi Hoàng liên Sơn. Cũng như ở những trại khác trước đây chúng tôi bị cô lập, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Không có báo chí, không có tin tức đài phát thanh, không có thư từ từ thân nhân, chỉ có tiếng kẻng báo thức, kẻng đi ngủ với những âm thanh lạc lõng quen thuộc hằng ngày đến nhàm chán buồn nản. Ngoài cái đói ăn thường xuyên hành hạ dạ dày chúng tôi còn bị cái đói tin tức thường xuyên dằn vặt tinh thần.

Cứ thế ngày lại ngày thời gian trôi qua trên thân xác người tù ngày càng khô héo tàn tạ mà cuộc đời như đang mãi trôi trong con đường hầm dài bất tận. Câu nói  Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại"thật chưa lúc nào thấm thiá cho bằng! Cho đến một hôm anh N rỉ tai cho biết anh vừa nghe được đài phát thanh nước ngoài (VOA, BBC) đưa tin ở Mỹ bà K M Thơ thành lập hội gia đình tù nhân chính trị để xin can thiệp trả tự do cho tù cải tạo và cho họ cùng gia đình được ra nước ngoài định cư.
 
Tin này thật bất ngờ, quá "nóng bỏng", là một tin mừng mơ hồ nhưng cũng làm anh em nào biết được cảm thấy "lên tinh thần", vui lên phần nào sau thời gian dài đói tin, buồn thảm lẫn bi quan lo lắng. Bởi anh em bỗng thấy mình không bị lãng quên như vẫn tưởng, trái lại anh em vẫn được đồng bào ở hải ngoại xa xăm quan tâm, vẫn được họ nghĩ đến thân phận tù đày của mình. Hi vọng đó dù nhỏ nhoi chợt đến cũng đủ làm cho tôi cảm thấy xao xuyến trong lòng như chút ánh sáng bỗng hiện ra từ cuối đường hầm dài tù ngục. Thế nhưng tôi và người nào được anh N tiết lộ cho biết, đều phải hết sức kín tiếng, tuyệt đối giữ bí mật, bởi nếu bị ban quản lý trại phát hiện, người đưa tin sẽ bị ghép tội loan tin thất thiệt, phản động và hậu quả sẽ khó lường.
 
Không như những nguồn tin đồn đãi "rất giựt gân" trước đây lúc còn ở trại Suối Máu (Tân Hiệp) trong Nam, không rõ xuất xứ từ đâu mà trong lúc đói tin và quá xuống tinh thần anh em tù vội dễ dàng tin ngay để sau đó biết là tin nhảm, càng thêm buồn. Lần này tin anh N đưa ra tôi không mảy may nghi ngờ vì anh là bạn thân và là người duy nhất có điều kiện biết được: anh hằng ngày có radio bên cạnh, nghe và biết được tin tức từ các đài nước ngoài như VOA và BBC.
 
Tôi gặp được anh N từ khi chuyển đến trại tù ở Hoàng liên Sơn. Chỉ ít hôm sau biết nhau cùng quân chủng chúng tôi trở nên thân thiết rất nhanh dù trước đây không cùng đơn vị hay biết nhau. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi, trán hơi sói, ăn nói nhẹ nhàng, tánh tình rất hiền hoà, được nhiều bạn thân mật gọi anh là "N già". Trước khi vào tù anh mang cấp bậc thiếu tá quân đội VNCH, phục vụ tại một đơn vị tại Tân sơn Nhất. Được biết khi mới vào quân đội anh được gởi đi thụ huấn một khoá học chuyên môn tại Pháp. Từ kiến thức căn bản của ngành học, anh nghiên cứu sửa chữa radio transistor thông dụng không mấy khó khăn. Anh N được ban quản lý trại cho ở lại trong trại mà không phải ra ngoài lao động nặng nhọc vất vả như bao nhiêu anh em khác, nhờ anh được giao nhiệm vụ đặc biệt là sửa chữa "đài" cho cán bộ trại. Anh cho biết đã sửa radio từ khi còn ở các trại tù trong Nam nên khi ra Bắc chắc hẳn anh đã được "bàn giao" nên ban quản lý trại khai thác ngay khả năng này của anh.

Radio là một trong ba đồ vật "đồng, đài, đạp"(đồng=đồng hồ, đài=radio, và đạp=xe đạp"), rất có giá trị, rất quý đối với Việt cộng những năm liền sau ngày "giải phóng" miền Nam. Anh nào có được ba thứ này là có vẻ rất hãnh diện tự xem thuộc loại "khá" trong xã hội.

Cho nên khi có cái đài thì đi đâu VC cũng mang kè kè bên mình, xem như "báu vật" bất ly thân. Nếu chẳng may một lúc nào đó cái đài tự nhiên "trở bệnh", trục trặc là chủ nhân mau mau đem đến bảo anh N "chữa trị" ngay. Thật sự anh N cũng thích làm công việc này bởi trong nhà tù cộng sản canh gác nghiêm nhặt mà có cái radio trong tay để có thể biết được chút ít tin tức về thế giới bên ngoài như lòng hằng mong mỏi thì còn gì hơn. Anh thường lợi dụng những lúc vắng vẻ chung quanh không có ai, nhè nhẹ mở radio âm thanh thật nhỏ vừa đủ nghe các đài ngoại quốc quen thuộc như BBC và VOA. Đây là các radio transistor thông dụng thời bấy giờ, đơn giản và dễ sửa đối với khả năng và nhiều kinh nghiệm của anh, chúng đưọc cán bộ trại giao cho anh trong tình trạng hư hỏng, có cái của chính họ, có cái của ai đó nhờ họ đem vào sửa dùm. Radio transistor hư hỏng thường là do những nguyên nhân như bị chập mạch, transistor hoặc tụ điện bị hỏng khiến mạch bị gián đoạn.

Với vài dụng cụ tự chế như con vít vặn, que nung để hàn...làm từ các vật liệu lượm lặt được, anh dò tìm "căn bệnh" của radio bị hư hỏng và có cách sửa chữa thích hợp. Nếu cần thay bộ phận thì anh tháo bộ phận còn tốt từ một cái radio hỏng nhiều không thể sửa được, chờ phế thải. Thường xong cái nào anh phải giao cái đó nhưng muốn thường xuyên có cái để nghe, luôn luôn anh giữ lại trong tay một cái tuy còn trong tình trạng hỏng hóc chưa sửa xong hẳn nhưng anh biết chắc khi cần xử dụng anh chỉ cần làm thêm một động tác nhỏ là có thể nghe đưọc ngay.

Mỗi chiều sau giờ lao động lúc thuận tiện tôi thường ghé thăm N. nhân tiện hỏi nhỏ anh có "hot news"( tin tức nóng bỏng) gì không? Nếu có tin gì hay, anh cũng rất cẩn thận nhìn quanh không có ai, mới rỉ tai cho biết. Tôi thấy anh cẩn trọng cũng rất đúng bởi nếu cả tin chẳng may gặp một tay "ăng ten"ngây thơ muốn kiếm điểm với cán bộ để mong được ra tù sớm đi báo cáo với cán bộ trại thì anh dễ vào cùm như chơi. Anh thường tâm sự chỉ dám phổ biến tin tức mới nghe được một cách hết sức hạn chế, không quên kèm theo lời dặn dò nếu muốn chia sẻ với bạn khác biết thì cũng nhớ cẩn thận, kẻo lộ ra thì sẽ chẳng bao giờ còn nguồn tin tức này nữa. Anh tuyệt nhiên không nói đến hình phạt anh sẽ phải gánh chịu nếu việc này lộ ra nhưng chúng tôi biết phải làm gì để không vô tình làm hại đến anh.
 
Sau này khi ra khỏi tù về nhà và nhất là sau khi đến Mỹ tôi tìm hiểu và biết rõ hơn đầu đuôi sự việc về tin anh N đã cho biết trước đây.
 
Từ năm 1977 ở Mỹ bà Khúc minh Thơ đã khởi sự vận động tìm mọi sự giúp đỡ của các chánh giới Mỹ, để qua đó hi vọng sẽ có sự can thiệp với nhà nước cộng sản VN trả tự do cho những người tù cải tạo chúng tôi. Bà Thơ đã thành lập Hội gia đình tù nhân chính trị Việt Nam, mục đích để vận động cho việc thả những người tù cải tạo tại VN và giúp họ định cư tại Hoa kỳ cùng với gia đình. Sự việc quan trọng này được thương thảo trong thời gian khá dài giữa các giới hữu trách trong chánh quyền của các vị Tổng Thống Ronald Reagan rồi George H. W.Bush và chánh quyền Hà Nội, cuối cùng Ông Robert L. Funseth đại diện phía Hoa kỳ được cử sang thương thuyết với nhà nước VC và cùng ký kết thoả hiệp về việc trả tự do cho tù chính trị, năm 1987. Đến năm 1989 một bản thoả hiệp cho phép tù nhân chính trị được sang định cư tại Hoa kỳ cùng với gia đình cũng đã được ký kết giữa đại diện hai chánh quyền Mỹ -Việt. Không lâu sau, các tù nhân chính trị được lần lượt trả tự do và cho đi định cư ở Hoa kỳ, đợt đầu tiên đến đây theo diện HO1 cùng với gia đình vào đầu năm 1990. Tiếp theo sau đó là những đợt HO ra đi kế tiếp và cho đến nay đã có trên 300.000 tù nhân chính trị cùng với gia đình đã đến định cư tại Hoa kỳ.)

Một thời gian ngắn sau khi anh N cho biết tin vui trên, một chiều nọ có tin đồn không biết xuất xứ từ đâu là có thể Trung cộng sắp đánh VN. Nghe tin này chúng tôi nửa mừng nửa hoang mang chưa biết tính sao thì một hôm chúng tôi gồm độ ba trăm tù nhân ở đây bỗng được lệnh chuyển trại cấp tốc với lý do chung chung như bao lần chuyển trại trước là "để các anh đến một nơi mới có điều kiện học tập cải tạo tốt hơn". Thật ra việc chuyển trại là do tin Trung quốc sắp đánh các tỉnh giáp biên giới phiá Bắc nên ban quản lý trại được lệnh cấp trên phải cho chúng tôi di chuyển ngay cách xa biên giới, sợ tù nhân chúng tôi lợi dụng lúc xáo trộn trốn thoát. (Sau này được biết do VC xâm lăng Cam-bốt vào cuối năm 1978 để lật đổ chế độ Khmer Đỏ được Bắc Kinh bảo trợ nên năm sau (1979) Bắc Kinh đã xua quân đánh vào VN để trả đũa mà như lời của Đặng tiểu Bình là để "dạy cho VN một bài học". Trận đánh đẫm máu này kéo dài cả tháng trời làm thiệt mạng cả chục ngàn người rồi Trung cộng mới chịu rút quân về.)

Thế là hầu hết chúng tôi được đưa về một trại thuộc tỉnh Vĩnh Phú, số còn lại bị chuyển đến một trại ở Nam Hà, cũng ở sâu hơn trong nội địa và cách xa hơn biên giới phía Bắc. Trại VQ ở Vĩnh Phú do lực lượng công an quản lý với kỷ luật nổi tiếng hà khắc, khác nhiều so với lúc còn ở Hoàng liên Sơn do bộ đội phụ trách.

Kiểm soát gắt gao nhưng vẫn có anh nhận được từ người nhà những mẫu tin tức quan trọng muốn biết đã được khéo léo dấu kín trong những gói quà hay hộp thức ăn. Qua những lần thăm nuôi, những trao đổi giữa anh em tù, tin tức về hoạt động của bà Khúc Minh Thơ được xác nhận có thực nhưng kết quả tới đâu thì còn mơ hồ nhưng anh em cũng thấy vui trong lòng, tiếp tục nuôi hi vọng. Tôi rất tiếc không có anh N ở gần để cùng chia sẻ sự chính xác nguồn tin mà anh đã cho biết về bà K M Thơ trước đây. Riêng trong tôi niềm tin vào ngày mai được giải thoát thêm vững chắc. Có những lúc rảnh rỗi, hình ảnh nước Mỹ với các kỷ niệm êm đẹp của những lần được đi tu nghiệp trước kia tại đất nước này lại hiện về rõ nét trong ký ức khiến tôi càng thêm khao khát ước mong hi vọng kia sớm trở thành hiện thực.

Đến năm 1982, chúng tôi đột nhiên đươc lệnh chuyển trại và lần này vào Nam thay vì vẫn loanh quanh ở các vùng Việt Bắc như trước. Thế là niềm hi vọng được giải thoát khỏi tù đày nhen nhúm bấy lâu có cơ hội dấy lên. Không ai bảo ai nhưng tất cả anh em tù hầu như đều có suy nghĩ : "Hẳn phải có biến chuyển gì đây?". Chúng tôi được di chuyển bằng xe lửa, hai người ngồi bên nhau bị còng chung một cùm số tám suốt thời gian trên xe cho tới khi về đến miền Nam và được đưa về giam tại trại Hàm tân. Tại đây gia đình được đến thăm tù dễ dàng hơn vì không còn phải ra Bắc với thủ tục xin phép tắc đã khó khăn, việc đi lại vừa xa xôi vất vả lại rất tốn kém, nhiều gia đình đã phải đành bó tay.
 
Khi đã ổn định ở trại mới, tôi để ý tìm anh N nhưng tuyệt nhiên không thấy có anh trong số anh em trong trại. Có thể N cũng đã chuyển vào Nam nhưng ở một trại khác hoặc đã được thả về rồi chăng? Tôi hơi băn khoăn vì trong thâm tâm vẫn thường nghĩ đến anh với "tin nóng bỏng" năm nào mà từ khi chuyển vào Nam và qua những lần thăm nuôi, tin này có lúc khá ồn ào nhưng cũng có lúc lại như chìm hẳn vào quên lãng.

Cuối năm 1984 tôi đươc thả. Về nhà được ít hôm tôi đạp xe đi tìm lại các bạn bè cũ để xem sau thời gian hơn dài hơn chín năm xa vắng, tình trạng các bạn ta ra sao, ai đi ai ở lại, còn mất ra sao, cũng nhơn dịp hỏi thăm tin tức về anh N nhưng chẳng người nào tôi gặp biết anh N. Tôi rất ân hận và tự trách minh trước đây đã sơ ý không hỏi N địa chỉ nhà anh ở Sàigòn để bây giờ cần đến thì chẳng có.

Thành phố Sàigòn sau chưa đầy chục năm đổi chủ đã như thành phố chết, thiếu sinh khí, cái cảnh sầm uất năng động của một thời trước 1975 đã biến mất. Nhà cửa phố xá vẫn còn đó nhưng vắng vẻ, xe cộ qua lại thưa thớt, đa số vẻ mặt người nào người nấy đều mang nặng vẻ âu lo. Tôi vào thăm nhà bạn thì sau cái siết tay mừng rỡ vì bất ngờ được tái ngộ là cái vẻ chán chường hiển hiện trên mặt bạn trong cái không khí buồn bã của gia đình đang lúc khó khăn, túng quẩn. Vào nhà bạn khác thì con cái mới vượt biển vưọt biên, nhà cửa vắng lặng, vợ chồng vẻ mặt đầy âu lo cho biết đang trông đứng trông ngồi chờ tin con. Đến một nhà bạn khác nữa thì đã có chủ mới, hỏi thăm chủ cũ giờ ở đâu chẳng ai cho câu trả lời. Với tâm trạng chán chường trước cảnh đổi đời bi thảm, tôi trở về nhà, tạm quên mọi việc xung quanh để tập trung tâm trí vào vấn đề sinh kế cho bản thân và gia đình đang lúc khó khăn.

Cho đến khoảng những năm 1988-89 thì chương trinh cho tù cải tạo được đi định cư tại Mỹ bổng nhiên trở nên ồn ào với cảnh hàng loạt tù cải tạo được thả, với tin tức về đơn từ cần nộp để được cứu xét. Anh em cựu tù vui hẳn lên, tìm gặp nhau, loan truyền nhau rất nhanh quanh vấn đề đi đứng này. Năm sau 1990 đợt ra đi đầu tiên H.O1 thuộc chương trình nhân đạo H.O bắt đầu và tiếp theo sau cách vài tháng lại có một đơt kế tiếp. Đến lúc này thì anh em mới thấy "cái tin nóng" mà anh N cho biết khá lâu trước đây nay rõ ràng đã thành hiện thực. Rất tiếc không có anh ở gần để mà khen ngợi cũng như cám ơn anh đã giúp nhiều anh em trong đó có tôi giữ vững được niềm tin suốt bao nhiêu năm, qua bao nhiêu khổ ải để nay thấy được tương lai sáng sủa đang hiện dần trước mắt. Anh N vẫn biệt tăm cho đến ngày tôi lên đường sang Mỹ vào cuối năm 1992.

Sau khi tạm ổn định tại đây, tôi liên lạc hỏi thăm tin tức N qua những bạn bè trước kia học cùng trường bên Pháp với anh. Khoảng năm 2000 tôi tình cờ gặp một anh học cùng trưòng nhưng thuộc khoá đàn anh của N cho biết N đã mất. Tôi hơi choáng váng khi nghe như vậy nhưng khi định thần lại tôi chỉ cảm thấy hoang mang không tin lắm bởi người cho tin này đã sang Mỹ từ ngày sắp mất miền Nam, trước cả ngày chúng tôi vào tù. Tôi định bụng sẽ hỏi thêm một vài người quen biết N nữa mới có thể xác định tình trạng thật sự của anh thế nào. Ít lâu sau qua một người bạn, tôi liên lạc được với một anh là cấp chỉ huy trực tiếp của N trước 1975. Anh cho tôi biết anh N đã mất vì một hôm trong năm 1985, anh đến thăm N như thường lệ thì được người nhà cho biết anh N đã bất ngờ qua đời vì tai biến mạch máu não, để lại người vợ với đàn con  năm đứa còn trẻ dại trong hoàn cảnh và đời sống gia đình túng quẩn khó khăn. Thế là anh N, người biết sớm nhất về chương trình H.O lại không được chứng kiến cũng như không được hưởng được thành quả của chương trình này. Tôi thật xót xa, ngậm ngùi cho số phận một bạn tù không may đã sớm lìa đời vào lúc sắp được "thật sự làm người trở lại", sắp thấy lại ánh sáng tương lai cho gia đình và bản thân lại chính là lúc anh phải vĩnh viễn ra đi, bỏ lại vợ con bơ vơ trong một xã hội còn đầy dẫy thành kiến đối với những người thuộc gia đình chế độ cũ thời gian lúc bấy giờ.

Tôi viết lại chuyện này như thêm một lần nữa để tưởng nhớ đến anh N, người bạn đồng tù đã ra người thiên cổ. Nhớ đến anh, một tù nhân cải tạo cùng với bao nhiêu chiến hữu khác đồng cảnh ngộ đã qua đời trong các "nhà tù trong hay tù ngoài", được chiến hữu đồng tù năm nào nay là những cựu tù nhân chính trị hiện diện trong đại hội "Ngày tù nhân chính trị Việt Nam" vừa qua, trân trọng nhớ đến và kính cẩn tưởng niệm. Nhớ đến và mãi cảm ơn anh, một người bạn tù hiền hoà chân tình năm nào đã có thời "gieo hi vọng", chia sẻ tin vui giúp chúng tôi được niềm an ủi, có thêm nghị lực,vượt qua mọi khổ ải trong các trại giam để cuối cùng có được cuộc sống mới an bình nơi vùng trời tự do.