Home Tin Tức Bình Luận Mô hình nào cho Việt Nam?

Mô hình nào cho Việt Nam? PDF Print E-mail
Tác Giả: Quốc Phương   
Thứ Hai, 29 Tháng 12 Năm 2008 12:08

Việt Nam lâu nay đang đi trên con đường nào? Con đường đó có đúng không? Liệu Việt Nam có cần xem xét lại con đường của mình và định hướng lại theo một mô hình nào đó được cho là hợp lý hơn không?

Trong khi Nhà nước Việt Nam đang chủ trương 'xây dựng nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa', Giáo sư Tô Duy Hợp, chuyên gia nghiên cứu về mô hình từng làm việc nhiều năm tại Viện Triết học và Viện Xã hội học tại Hà Nội, qua cuộc trao đổi với BBC Việt ngữ, cho rằng cần phải có những xem xét lại về cách đặt vấn đề 'mô hình' cho tới nay của Việt Nam

Giáo sư Hợp tin rằng khuynh hướng chung hiện nay là đa mô hình
GS. Tô Duy Hợp: Thời kỳ bao cấp trước đây, vì chỉ có một 'mô hình' nên người ta không được bàn tới mô hình. Sau đó Việt Nam đi vào thời kỳ đổi mới, nay là hội nhập, nên người ta đi vào quan điểm 'thống nhất trong đa dạng'. Phát triển là càng ngày phải càng đa dạng, chứ không thể phát triển càng ngày càng đơn nhất. Do đó mới có câu chuyện 'đa mô hình'.

Vấn đề của Việt Nam hiện nay là vẫn chưa tìm được mô hình
Đa mô hình có nghĩa là để cho các nhóm xã hội, thậm chí các cá nhân lựa chọn được cái mà người ta cho là hợp lý. Và lúc bấy giờ phải đối thoại với nhau. Không thể còn tình trạng có một quan điểm độc quyền tiêu diệt các quan điểm khác nữa.

'Dò đá qua sông'

Hơn nữa, trong khoa học hiện nay, người ta cũng chấp nhận việc 'đa mô hình' với tư duy khoa học hiện đại là tư duy 'đa hệ thống'. Thực ra hai khái niệm mô hình và hệ thống liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Theo quan điểm của tôi mô hình là cái người ta tạo ra để thao tác, còn vấn đề rút cục quan trọng nhất là phải biết lựa chọn mô hình nào là đúng đắn, hợp lý và phải thử nghiệm. Thử nghiệm nhiều lần. Ngay như ở Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình rất giỏi, nhưng ông vẫn phải dùng một câu của dân gian là 'dò đá qua sông'. Cần lưu ý rằng khi thử mô hình thì tính 'thử và sai' là nhiều lắm.

 
Ông Đặng Tiểu Bình coi việc xây dựng mô hình là 'dò đá qua sông'

BBC: Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên đi theo mô hình phát triển của các quốc gia phát triển phương Tây, nhưng năm nay qua cuộc suy thoái toàn cầu với các hệ luỵ kinh tế - xã hội đang diễn ra, ông thấy việc tham khảo mô hình phát triển này với Việt Nam còn nên không?

GS. Tô Duy Hợp: Vừa rồi tôi có đọc một công trình của chuyên gia nông nghiệp, nông thôn, nông dân Đặng Kim Sơn. Trong đó, ông dự báo rằng Việt Nam sắp tới có thể đi theo hai hướng. Nếu cứ để tiếp tục phát triển như hiện nay mà không có điều chỉnh gì, thì nông thôn Việt Nam sẽ rất ảm đạm. Nhưng nếu học các mô hình của các nước, có lẽ sẽ có sự sáng sủa hơn. Ông đề xuất nhiều điều mà tôi cho là tốt, tức là không chỉ học phương Tây, mà cần học nhiều mô hình khác nhau. Ví dụ như học các mô hình các nước Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan hay mô hình một số nước tại Đông Nam Á; thậm chí như mô hình một số nước châu Mỹ La-tinh. Như vậy tức là phải mở rộng diện ra.

Hơn nữa, phương Tây rất xa với phương Đông về truyền thống văn hoá cũng như về định hướng tư duy. Trong khi đó có các nước cũng học phương Tây, nhưng đã chế tạo được mô hình thích hợp như trường hợp của Nhật Bản. Đây là hướng mà tôi cho là tốt với tinh thần học tập nhưng không nô lệ với mô hình nào cả. Cái khó là phải biết tích hợp các hạt nhân hợp lý. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là vẫn chưa tìm được mô hình.

BBC: Hiện nay Việt Nam nói đang theo mô hình nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải chăng đây cũng đã là một dạng mô hình tích hợp rồi?

Lý thuyết 'khinh trọng'

GS. Tô Duy Hợp: Trong quan điểm lý thuyết 'khinh trọng' mà tôi nghiên cứu và đặc biệt là trong mô hình 'xã hội lành mạnh' (good society), tôi cho rằng 'định hướng xã hội chủ nghĩa' chỉ là một mô hình mà không phải là duy nhất. Nhất là trong hội nhập quốc tế đa mô hình thì không còn duy nhất và độc quyền nữa. Cho nên không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa xã hội (CNXH), cũng như không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa tư bản (CNTB).

Bởi vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đích thực đã tìm rất nhiều mô hình để có thể tổng tích hợp vào nhau. Hiện có thể có những mô hình coi trọng những đặc trưng XHCN hơn. Trường hợp của Venezuale thì đồng nghĩa CNXH với quốc hữu hoá cũng đang là một vấn đề. Trong khi đó Việt Nam và Trung Quốc đang đề cao tư nhân hoá. Nhưng tư nhân hoá ở đây đang bị kìm chế vì chủ yếu vẫn do nhà nước quản lý.

BBC: Ông là người chủ trương và sáng lập 'thuyết khinh trọng', xin ông cho biết vắn tắt về thuyết này và tại sao lại phải quan tâm tới quan điểm 'khinh trọng'?

GS. Tô Duy Hợp: Ở đây khái niệm 'khinh trọng' vốn tồn tại trong thực tế, trong dân gian, được nâng lên thành một phạm trù triết học ở tầm ý nghĩa phổ quát, phổ dụng. Khi được lý thuyết hoá, nó trở thành một phạm trù 'giả thuyết' hơn là lý thuyết vì cần được kiểm nghiệm liên tục khi vận dụng vào trong các khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, kinh tế... Tinh thần của quan điểm 'khinh trọng' là tổng tích hợp các hạt nhân hợp lý của các lý thuyết khác nhau. Không có lý thuyết nào tuyệt đối đúng, cũng như tuyệt đối sai.

Kể cả các học thuyết tôn giáo cũng không có gì 'sai tuyệt đối' như người ta từng có thời nghĩ, vì đều có lý và có bằng chứng của người ta ở trong đó. Đó là các bằng chứng lịch sử, thực tế và có niềm tin. Và khi tổng tích hợp các hạt nhân hợp lý sẽ ra nhiều mô hình mà người ta có quyền lựa chọn. Lựa chọn cái nào thích hơn, hợp hơn và có thể bao gồm cả quá trình thay đổi trong đó. Không có gì bất biến cả. Tôi tin rằng quá trình nhận thức trên thực tế, nếu muốn hiệu quả, không thể cố chấp được. Cố chấp là chỉ có thất bại thôi. Không cố chấp tức là thay đổi quan điểm, tức là thay đổi 'khinh trọng'.

BBC: Từ quan điểm thuyết 'khinh trọng' có thể đánh giá gì về việc ở Việt Nam, Nhà nước vẫn nói vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được quy định trong hiến pháp là một lựa chọn của lịch sử và con đường đi lên CNXH của Việt Nam là con đường đúng đắn và tất yếu?

 

'Bằng chứng cụ thể'

GS. Tô Duy Hợp: Khi Đảng cộng sản chưa ra đời, người dân chưa ai biết cộng sản là gì. Nhưng khi ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản lãnh đạo có nhiều thành tựu thì người dân càng ngày càng tin. Như vậy mọi niềm tin phải được dựa trên bằng chứng cụ thể. Đối với người dân, cái gì đem lại giá trị, quyền lợi cơ bản nhất cho người ta, thì người ta sẽ tin.

Nhưng sau này, vấn đề cơ bản nhất là bất cứ một đảng phái hay tập đoàn lãnh đạo nào cũng phải giữ chữ tín và phải làm tiếp tục. Còn nếu sau đó không đáp ứng thì người ta sẽ giảm sút niềm tin và thậm chí thay đổi niềm tin. Đó là câu chuyện tất yếu đang diễn ra và dẫn đến việc anh phải lấy lại niềm tin, phải nâng cao năng lực. Còn nếu không làm được như vậy thì nhân dân sẽ giải tán. Vua người ta cũng giải tán được.

BBC: Vẫn từ góc nhìn 'thuyết khinh trọng', liệu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà những người cộng sản tại Việt Nam vẫn tuyên bố là 'ưu việt', có ưu việt thực sự hay không?

GS. Tô Duy Hợp: Tôi quan niệm rằng bất cứ học thuyết nào cũng có ưu điểm của nó và chủ

 

CNXH ở Venezuela được cho là phép cộng của dầu khí và quốc hữu hoá

nghĩa cộng sản, CNXH cũng có ưu điểm. Nhưng việc tuyên truyền rằng hệ tư tưởng này là lựa chọn duy nhất và là ưu việt là không đúng. Và cũng không thuyết phục được ai nữa, vì nó đã đem lại rất nhiều những sai lầm và rất nhiều tai hoạ cho một số nước rồi. Cho nên không có câu chuyện là duy nhất đúng đắn, duy nhất tuyệt vời. Không có điều đó.

Giáo sư, Tiến sĩ Tô Duy Hợp từng phụ trách các phòng Lôgíc học, Viện Triết học và phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học tại Hà Nội trong nhiều năm. Ông có nhiều công trình về ứng dụng lý thuyết hệ thống, mô hình và phát triển trong xã hội và hiện đang chủ trương một lý thuyết mới có tên gọi 'khinh trọng'.

LP

Cám ơn sự thẳng thắn của GS Hợp. Ông đã nói lên tâm tư, nguyện vọng của nhiều người, trong có có tôi. VN cần thay đổi ngay.

Không nên trì hoãn. Cũng không nên hồi tố những sai lầm trong vài chục năm qua. Huynh đệ tương tàn là mất thêm đất ngay. Đã xảy ra rồi đấy thôi.

Tôi không thích Đặng Tiểu Bình vì những gì ông ta gây ra cho VN 30 năm trước. Nhưng phải công nhận nhờ ông ta, TQ mới được như ngày hôm nay.

VN không có được đủ lãnh tụ giỏi để lèo lái liên tục trong suốt thời gian qua. Chúng ta đã tụt hậu. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này, hậu quả như thế nào thì nhiều vị ở đây cũng hình dung được.

Việc cần làm ở đây là: 1. Trả lại cho trí thức vai trò chủ đạo của họ để VN có thể chuyển mình thành quốc gia kỹ trị. 2. Cải cách chính trị. Việc này chỉ do các bác trong BCT quyết thôi. Các bác ấy biết hết tình hình đấy, chỉ có điều muốn thay đổi lúc này hay không thôi. Tôi nhắc lại. Phải thay đổi ngay, trễ hơn dẫn đến hậu quả xấu không lường trước cho dân tộc VN.

3. Cải cách luật pháp. Hướng tới một xã hội thật sự tuân thủ pháp lý. Chú ý: không hồi tố để các bác BCT quyết tâm thay đổi. Mô hình của Anh đáng tham khảo.

4. Cải cách giáo dục. Nhiều quý vị ở đây viết phần này tốt hơn tôi. Mô hình Singapore đáng học hỏi. 5. Cải cách y tế. Tôi nên để các chuyên gia làm việc này. Mô hình Canada, Úc đáng để học hỏi.

Kẻ Sĩ
Không một mô hình xã hội nào mà không phù hợp với dân tộc tính có thể tồn tại được bền lâu. Cho nên khi muốn định hình xã hội, trước nhất phải để người dân tự do bày tỏ nguyện vọng, sau đó tổ chức trưng cầu dân ý, lấy ý kiến của đại đa số người dân, xem xét, nghiên cứu mô hình.

Làm được như vậy, thì khi mô hình xuất phát từ lòng dân được ra đời, chắc chắn nó sẽ tồn tại và thích hợp với dân tộc tính.

Còn nếu như cứ sử dụng hoặc theo khuôn khổ mô hình của những dân tộc khác. Chúng ta thử nghĩ nó có thích hợp với dân tộc Việt nam không?

Lịch sử cũng đã cho thấy đảng cộng sản Việt nam từng sử dụng và áp đặt mô hình Xã Hội Chủ Nghĩa của Liên xô, và gần đây là mô hình Kinh Tế Thị Trường Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Nhưng cả hai mô hình này, không một mô hình nào thích hợp với đại đa số người dân Việt nam. Vì nó được chọn lựa bởi một thiểu số đảng viên say mê học thuyết Mác-Lê, chớ nó không phải được chọn lựa bởi những con người ý thức, khách quan và đại chúng Việt nam.

Rocket
Cái ông Lê Linh nói sao mà lạ. Bạn không giải thích tại sao lại ủng hộ chế độ độc Đảng sau đó Đảng phải tự thay đổi để vì dân hơn.

Cho Lê Linh biết nhé chẳng có nhân dân nào quan trọng hơn quyền lợi của Đảng đâu. Tốt nhất Đảng phải có đối lập để nếu có "phốt" thì dân có quyền chọn Đảng khác hoặc các Đảng đối lập sẽ phế truất CS.

Trên thế giới có vài nước độc Đảng mà vẫn phát triển như Sing chẳng hạn lý do là Đảng của họ làm quá tốt nên cho dù hiến pháp quy định có thể lập Đảng đối lập nhưng không ai làm. Còn ở VN thì chuyện đó là mơ thôi bạn ạ.

Lê Linh
Tôi ủng hộ cách suy nghĩ của tướng Trần Độ, vẫn duy trì một Đảng, thế nhưng phải tách rời việc áp đặt của Đảng với CQ lập pháp, tư pháp và hành pháp. Hãy lấy dân làm gốc, mọi việc phải từ dân, do dân và vì dân.

Có như thế thì dân mới ủng hộ. "Đẩy thuyền đi cũng là dân, làm lật thuyền cũng là dân" mà. Hãy xem chế độ Sài Gòn trước đây, họ thất bại cũng vì không được lòng dân. Mô hình nào cho Việt Nam ư? Cứ hỏi dân thì sẽ có.

Nhớ trong lịch sử sau Cách mạng tháng 8, Nhà nước không có bất cứ thứ gì chỉ có lòng tin của dân mà chúng ta đã vượt qua khó khăn thắng giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Bài học cũ mà không cũ.

Trước đây chúng ta có cần phải cơ cấu Đảng viên vào các chức lãnh đạo đâu như giáo sư Nguyễn Văn Huyên và nhiều người khác không là Đảng viên mà họ vẫn làm tốt công việc của mình đấy thôi. Hãy tin ở dân.

Còn một số các bạn tôi ngĩ các bạn không nên thù hằn với những người CS. Công tâm mà nói, họ có công lớn cho đất nước, tuy nhiên sai lầm cũng không ít nhưng so với tất cả các thể chế trước đây thì họ vẫn hơn hẳn.