Vụ Tòa Khâm Sứ, nhìn lại sau một năm |
Tác Giả: Alfonso Hoàng Gia Bảo | |||
Thứ Ba, 30 Tháng 12 Năm 2008 08:24 | |||
VietCatholic News (28 Dec 2008 02:06)
Vào những ngày cuối tháng 12 này đúng một về trước, vụ Tòa Khâm Sứ (TKS) đã bắt đầu nổ ra. Cùng với vụ Thái Hà, cả hai đã gây nên dư luận lớn cả trong lẫn ngoài nước khiến chính quyền VN lúng túng và sợ hãi. Bằng chứng là sau một loạt hành động ‘diễu võ dương oai’ mà cuối cùng họ buộc phải đem hai mảnh đất vàng này ra làm công viên thay vì tiếp tục dám bán và chia chác nó, vụ xét xử 8 giáo dân Thái Hà dàn binh bố trận trông hết sức ‘dữ dằn’ nhưng chỉ xử phạt lấy lệ và cuối cùng là chuyện nỗi lo của ông chủ tịch Thảo về uy tín và khả năng là vị lãnh đạo tầm cỡ của Đức TGM Ngô Quang Kiệt cùng LM Vũ Khởi Phụng nên đã muốn ‘loại’ các Ngài ra khỏi thủ đô. Về hai cái công viên, chỉ cần nhìn vào cái cách làm vội vàng như bị ma đuổi của họ, chúng ta cũng đủ biết đây chỉ loại giải pháp ‘đình chiến’ ít tốn kém nhất, nhằm vá lại cái lỗ hổng uy tín cho đảng mà có kẻ vì đã ‘lỡ’ làm cho nó bị “tầy quầy” ra rồi, nên phải bằng cách nào nhanh chóng nhất bịt nó lại và đành phải hứa hẹn với ‘đối tác’ nào đã lỡ ứng tiền cọc rằng chờ khi khác thuận lợi sẽ tính tiếp (?). Đáng nói hơn cả là việc một vị chủ tịch Tp.Hà Nội lại nông cạn, cố chấp đến mức không ngần ngại tuyên bố ý định muốn ‘bố trí cán bộ’ cho giáo hội !? Nhưng thử hỏi ông ta xem Đức TGM Ngô Quang Kiệt cùng LM Vũ Khởi Phụng sẽ chuyển đi nơi nào để chế độ an toàn khi tỉnh thành nào cũng đều có chuyện tịch thu trái phép tài sản của giáo hội? Với những người tính tình khí khái không hề sợ hãi uy quyền như các Ngài, đến như các quan Hà Nội như ông ta mà còn chưa đủ làm các Ngài ngán thì thử hỏi còn nơi nào mà các Ngài không dám đấu tranh? Và đó là chưa nói đến việc HĐGM VN hay các đấng bề trên DCCT dựa vào ‘tội’ gì để thuyên chuyển các Ngài? Nói chung tính toán đằng nào cũng ‘chết’ trừ phi chính quyền dám can đảm một lần nhìn thẳng vào sự thật và gốc rễ của vấn đề, nguyên nhân chính là do những bất công về đất đai gây nên mới mong mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Còn nếu chỉ để chống chế, càng gỡ chỉ càng gây thêm rối rắm mà thôi !!! Trở lại chuyện TKS, năm 2008 có thể xem chỉ là thời điểm ‘bộc phát’ của một quả mìn bị chôn giấu dưới lòng đất, nếu không phải 2008 nổ ắt cũng sẽ là 2009 hay bất kỳ lúc nào nếu có ai đó đụng phải. Quả mìn ấy do chính tay HCM đã gài nó khi ký lệnh “quốc hữu hóa” tòa nhà này, vốn là nơi ở và làm việc của vị Đức Khâm Sứ John Dooley, sứ thần đại diện tòa thánh Vatican bị họ đuổi về nước vào tháng 3/1959 và sau đó tịch thu tòa nhà với lý do “nhà vắng chủ” kể từ năm 1960 !!! Việc này xảy ra trong bối cảnh một xã hội đầy u ám ở miền Bắc nửa thế kỷ trước, buộc chúng ta phải nghĩ chế độ không ưa đạo công giáo mà “làm cho bõ ghét” chứ không hẳn vì nhu cầu xử dụng. Bằng chứng là tòa nhà này sau đó đã không được dùng vào công việc gì cho ‘ra hồn’ suốt nhiều thập kỷ liền. Cho đến khi xảy ra vụ việc vào 2007, trong khuôn viên TKS vẫn chỉ để cho thuê bán tiệm phở, chỗ tập thể hình, giữ xe v.v… Ở Sàigòn chúng tôi cũng chẳng ai còn lạ gì cách quản lý của nhà nước đối với những tài sản ‘chùa’ bề thế như vậy sau khi họ ăn cướp nhưng lại gọi là ‘tiếp quản’. Nhìn nhiều trung tâm văn hóa giải trí, sàn nhảy, bể bơi, cơ sở thể dục thể thao ‘dập dìu tài tử giai nhân’ là vậy nhưng chỉ đủ ‘vỗ béo’ cho bè phái người nhà thủ trưởng các cơ quan chủ quản, còn đối với ngân sách chỉ là chuyện ‘lượm bạc cắc’ không hơn không kém !!! Tại sao chế độ lại dám đánh đổi việc gây chán ghét chính quyền cho giáo hội chỉ để lấy được những đồng bạc cắc? Không ai có thể giải thích được việc làm này ngoại trừ lý do vì muốn tiêu diệt tôn giáo. Mà cũng không chỉ với công giáo, một ‘Việt Nam Quốc Tự’ rộng lớn của giáo hội Phật giáo nằm trên đường Trần Quốc Toản (nay là 3/2) cạnh nhà hát Hòa Bình vẫn còn đang là minh chứng sống của sự đàn áp tôn giáo cho đến nay. Vì sao giữa lòng Sàigòn ngày nay giá nhà cửa đắt đỏ cỡ Tokyo, Hong-Kong, nhiều tập đoàn công ty nước ngoài muốn tìm mảnh đất ‘cắm dùi’ tìm đỏ mắt không không ra vài trăm mét trên các con đường lớn mà vẫn mảnh đất vĩ đại nhiều ngàn mét vuông này vẫn gần như bị bỏ không? Vì đâu nếu chẳng phải đó là những tài sản đi ăn cắp của người khác nên bây giờ đâm ra khó tiêu thụ? Bởi vì bất cứ người nào tinh ý khi nhìn vào kiểu dáng hay vị trí của chúng, như TKS là nằm cạnh tòa TGM lại trên con phố mang tên ‘Nhà Chung’, hay Việt Nam Quốc Tự là một ngôi chùa đang xây dở dang, ắt đều phải tự biết chủ sở hữu thực sự của chúng là ai? Đối với những tài sản lớn có giá trị tinh thần được nhiều người biết rõ gốc gác, lai lịch gắn với nhiều biến cố lịch sử như Tòa Khâm Sứ, mà kẻ nào đó lại dám cả gan ‘xé rào’ đem đi bán, kẻ ấy quả là dám “xem trời bằng vung”, nếu không có những ‘chuyện lớn’ xảy ra ngăn chận họ xã hội ấy, dân tộc ấy chắc chỉ còn chờ ngày bị diệt vong! Do vậy, sự bùng nổ của vụ TKS là điều tất yếu, như hai khối mây mang điện tích trái ngược va phải nhau tạo ra sấm sét. Hai cực âm dương ấy chính là những sự nghịch lý mà chế chế độ đã tạo ra. Khi họ ra lệnh cho tháo gỡ những viên gạch ngói từ nóc Tòa Khâm Sứ xuống hồi cuối năm ngoái, trong đầu họ chẳng còn ai nghĩ đến chuyện thương ghét nhau vì vô thần / hữu thần như ông Hồ nữa, mà chỉ vì những khoản tiền khổng lồ trị giá hàng vài trăm ngàn USD thu lợi từ mảnh đất này nếu việc ‘xẻ thịt’ nó trót lọt! Ông bà ta vẫn thường bảo “yêu nhau yêu cả đường đi...” . Một khi đã ‘trót yêu’ kinh tế thị trường, lẽ ra chính quyền VN cần hiểu, họ phải hành xử một cách minh bạch sao cho phù hợp với bản chất cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế này. Nhưng không, chỉ có giá trị của những đồng dollar, euro là các cán bộ đảng viên ‘cập nhật’ thu vén rất nhanh, còn các mặt tinh thần cao quí khác họ vẫn muốn phải kềm kẹp xã hội VN giống như cũ, vẫn cứ phải xem tôn giáo, nhà thờ chùa chiền là những kẻ thù !!! Chính cái lối hành xử “tiền hậu bất nhất” không thèm tuân theo các qui luật tư nhiên nào cả, mà bọn họ, kẻ đi trước đã ‘hại’ lớp đàn em đi sau. Khi những con mèo trong chính quyền Hà Nội đói khi há miệng để ngoặm lấy những ‘cục mỡ’ như Tòa Khâm Sứ, cũng chính là lúc chúng đã bị rơi vào cái bẫy kiểu ‘tịch thu của cải người giàu chia cho người nghèo’, ‘đánh tư sản mại bản, phú nông địa chủ chia cho bần nông’ v.v… do cha ông chúng giăng ra hơn nửa thế kỷ trước. Vì họ nói vậy mà chẳng ai làm được như vậy. Bởi thế, chẳng những không thể nuốt trôi mà chúng còn bị đâm ra… mắc cổ họng, gây nên bao rắc rối, tạo cơ hội cho những buổi cầu nguyện để giáo hội lan tỏa chỉ ra cho toàn thế giới thấy được cái bản chất thiếu lương thiện của nhà cầm quyền Hà Nội trong cách đối nhân xử thế với dân chúng, tôn giáo suốt nửa thế kỷ qua. Một năm sau chuyện Tòa Khâm Sứ giáo hội có thể rút ra được những ‘kinh nghiệm xương máu’ nào trong cách đối đáp với nhà nước về chuyện đất đai, tài sản? Phải chăng đó là: 1./ Mối quan hệ giữa giáo hội và nhà nước “CH-XHCN-VN theo kinh tế thị trường” hiện nay không còn được phép ‘cả nể’ và ‘nặng về lý thuyết’ nhiều như khi còn quan hệ với nhà nước “CH-XHCN-VN” hay VN Dân Chủ Cộng Hòa năm xưa mà cần phải sòng phẳng và minh bạch đúng như tinh thần ‘kinh tế thị trường’ đang chi phối mạnh về mọi mặt. 2./ Vì từ nay mối quan hệ mới này hay hoặc dở, êm đềm hay giông bão như vừa qua v.v… sẽ tùy thuộc phần lớn vào ‘hiệu quả’ mà mỗi bên mong muốn đạt được trong quan hệ. Đặc biệt, là về số tài sản hiện giáo hội muốn còn bị nhà nước tịch thu là nguyên nhân chính của những căng thẳng vừa qua. Nếu với giáo hội đơn giản chỉ là sự mong muốn chính quyền các cấp đừng ‘xử ép’ quá đáng những tài sản của giáo hội của giáo hội bị chiếm đoạt trước kia, hãy tỏ ra ‘biết điều’, bớt tham lam, cái nào không còn cần cho công ích hãy trả lại v.v... thì ngược lại, ở phía chính quyền còn là vô vàn chuyện rối rắm !!! • Ở cấp trung ương, những tài sản ấy chỉ có giá trị dùng trong những cuộc thương lượng trao đổi với tòa thánh Vatican trong những lần gặp gỡ hằng năm, hoặc để ‘lấy điểm’ với dư luận quốc tế qua việc thỉnh thoảng phóng thích vài ‘con tin’ v.v… nhưng ‘kẹt’ nỗi vì ở đẳng cấp quốc gia nên đó là những tài sản lớn cỡ như Thánh địa La Vang hoặc có ý nghĩa như Tòa Khâm Sứ, Giáo Hoàng Học viện - Đà Lạt. Cũng xin nói thêm, nhìn lại toàn bộ diễn biến của Vụ Tòa Khâm Sứ bắt đầu bằng việc mấy viên gạch bị gỡ lén lút cho đến khi chính quyền phải huy động gần như mọi lực lượng lao vào cuộc, việc sau đổ bể hơn việc trước… tất cả cho thấy dường như xuất phát vụ TKS là do sự kém hiểu biết của một vài kẻ trong chính quyền quận Hoàn Kiếm, thậm chí là phường Quang Trung nhưng nhờ dựa hơi một thế lực mạnh nào đó nên đã dám một mình hành động. Chính vì kém hiểu biết nên họ đã không đủ khả năng lường hết phản ứng mạnh mẽ của giáo hội. Khi chuyện đã thành đại sự họ đành phải ‘cầu cứu’ đến những người như ông Thảo, ông Nhanh đứng ra dàn xếp giải quyết giúp. Tuy nhiên, bên cạnh đó với truyền thống hay tranh giành quyền lực, hạ bệ nhau giữa các nhóm trong các chính quyền cộng sản, cũng không loại trừ vụ TKS là ngón đòn thâm độc nhắm thẳng vào thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau chuyến đi yết kiến Đức Giáo Hoàng tại Roma hồi đầu năm 2007. Vì rõ ràng vụ này xảy ra ngay sau đó đã đẩy ông Dũng vào tình thế cực kỳ khó xử. Những kẻ dựng lên vụ khiêu khích TKS này muốn biết thái độ và quan điểm của ông thủ tướng sau chuyến đi nhưng có vẻ như họ cũng chẳng ‘khai thác’ được gì. Sau lần duy nhất đến thị sát TKS và ‘trao đổi’ với Đức TGM Ngô Quang Kiệt, ông Dũng đã ‘phó thác’ toàn bộ vụ việc cho những kẻ gây ra nó phải ráng mà tự giải quyết. Phải chăng chính Tòa Thánh cũng nắm được nguồn thông tin này nên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào ngày 30.1.2008 đã gởi một bức thư quan trọng cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt rút giáo dân về? Mặc dù chỉ là suy đoán và nơi này hiện đã thành công viên, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng với việc tòa nhà khâm sứ hiện vẫn còn được giữ nguyên vẹn, sớm muộn gì cũng sẽ được trả về cho giáo hội một khi mối bang giao với tòa thánh được thiết lập. Vì dù lãnh đạo đảng csvn có cố chấp và còn ‘ấm ức’ Đức TGM Ngô Quang Kiệt giáo công giáo đến đâu họ cũng không thể quay ngược đầu đất nước này quay về đường cũ khốn khổ trước đây. Từ nhà tranh vách đất dọn vô nhà xây thì rất dễ nhưng ngược lại thì đã khiến lắm kẻ phải tự vận, qui luật cuộc đời vốn là thế ! • Xin tiếp tục với nơi rắc rối đáng ngại nhất cho giáo hội theo chúng tôi chính là các địa phương đang trực tiếp quản lý sử dụng hàng ngàn cơ sở tịch thu này. Những khoản bổng lộc từ việc cho thuê kinh doanh, những khoản tiền sang nhượng có thể có giá hàng trăm ngàn USD nếu họ quyết định ‘chơi bạo’ sang nhượng như Thái Hà và TKS, những vụ đánh tráo cơ sở mà tài sản của giáo hội sẽ bị ‘đền mạng’ thay cho những nơi khác bị tư nhân đút lót chạy chọt lấy lại được v.v… sẽ khiến cho cuộc đấu tranh cho công lý tại các địa phương sẽ còn nhiều phức tạp trong thời gian tới. Việc các Soeur bề trên Nữ Tử Bác ái đã ‘lệnh’ cho các chị nữ tu rút về để ‘đàm phán’ không làm chúng tôi ngạc nhiên. Không phải vì không bị ‘cụt hứng’ như khi đang xem dang dở bộ phim hay bỗng bị cắt ngang mà với một chính quyền vốn đã chẳng ưa giáo hội, lại hay ‘tự ái’ sẵn sàng hành xử theo luật rừng v.v… nếu chỉ vì đạt được mục đích đòi lại những tài sản, có lẽ bất cứ ai cũng không thể quên câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” . Vấn đề còn lại đáng để băn khoăn chính là cái giá của việc đòi lại được tài sản ấy là bao nhiêu và có điều gì khiến sau này phải ray rức hay không? Vì không phải mọi ‘chiến thắng’ cũng đều vinh dự như nhau nếu dó lại là sự đánh đổi… Chọn giải pháp nào và trong những tình huống nào? Chỉ nhờ sự soi sáng và giúp sức của Thiên Chúa, các Đấng bề trên giáo hội mới biết đâu là con đường mà các Ngài cần phải dẫn giáo hội vượt qua.
|