Vũ lực không thể giải quyết khủng bố. |
Tác Giả: Huệ Vũ | ||||
Thứ Ba, 13 Tháng 1 Năm 2009 22:15 | ||||
Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, điều 92 định nghĩa: “Khủng bố là sự làm nguy hại hay tước đoạt đời sống con người hay làm thiệt hại đến những quyền tự do căn bản của con người”. Luật nước Anh định nghĩa: “Khủng bố là dùng bạo lực chống lại định chế chính trị, hay dùng bạo lực làm sợ hãi nhiều nơi trong xã hội”. Nước Pháp: “ Bất cứ hành động đơn lẻ hay phối hợp nào với mục đích đánh đổ trật tự công cộng và hòa bình hiện hữu”.
Có thể nói luật chống khủng bố của các nước đều có một cách định nghĩa về khủng bố khác nhau. Tuy nhiên, gần như thống nhất và cùng có những ý niệm là mọi hình thức đe dọa và bạo hành đều là hành động khủng bố, dù nó là phương tiện nhằm biện minh cho bất cứ cứu cánh chính trị nào, giải phóng hay cách mạng. Căn cứ trên cứu cánh, khủng bố có bốn loại chính: Hậu quả của khủng bố luôn luôn là những tang thương, những hành động đáng ghê tởm, nhưng lại không thể đơn giản để kết luận khủng bố là những tên khát máu. Họ có thể là những người cực kỳ yêu nước, cực kỳ sùng đạo, theo đuổi một lý tưởng, được một số người ngưỡng mộ, chính vì thế mà khủng bố đã là niềm đau của con người cả trăm năm qua, nó vẫn tiếp tục tồn tại. Cuộc cách mạng 1789 ở Pháp là cuộc cách mạng lý tưởng, nhưng sau vài năm tràn ngập tang tóc, giai đoạn 1793-1794 được mệnh danh là triều đại khủng bố. Robespierre đã làm cho khoảng 40.000 chiếc đầu rơi khỏi máy chém, và ông ta cũng còn lưu lại một câu khó quên trong lịch sử :” Khủng bố không đạo đức là ác quỷ, đạo đức không khủng bố là bất lực”. Khủng bố đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và khai thác tối đa với chủ nghĩa CS Khi Liên Xô chiếm A Phú Hãn, tổ chức Palestinian Muslim Brotherhood đã thành lập một văn phòng chiêu mộ thanh niên Hồi giáo tình nguyện sang A Phú Hãn chiến đấu chống Liên Xô gọi là MAK (Maktab al-Khidamat) , MAK và Bin Laden phối hợp nhau, kẻ chiêu mộ người, kẻ chi tiền. Dĩ nhiên, với sự xâm chiếm A Phú Hãn của Liên Xô, các nước Hồi Giáo giàu có sẳn sàng bí mật tài trợ. Nhiều thành phần khủng bố được Liên Xô huấn luyện để chống Hoa Kỳ và Do Thái đã quay sang chống Liên Xô và tham chiến ở A Phú Hãn. Ngoài sự tài trợ của các nước dầu hỏa, mỗi năm CIA chi ra khoảng 500 triệu mỹ kim, mang những chuyên viên thượng thặng về điệp báo, phá hoại, du kích qua Trung Đông huấn luyện cho các tổ chức kháng chiến A Phú Hãn. Nhóm kháng chiến của Bin Laden, một trong 7 nhóm chính của tổ chức Mujahedin đã được Hoa Kỳ huấn luyện tận tình, trang bị tận răng với những loại vũ khí tối tân, cao kỹ nhất của Hoa Kỳ. Sau khi Afghanistan được giải phóng khỏi Liên Xô, nước này trở nên một quốc gia Hồi Giáo cực đoan, nhóm Bin Laden lại phân tán tới các nước Hồi Giáo để bí mật hoạt động trong mục tiêu lật đổ các chính quyền Hồi Giáo thân Tây phương hay cho là phản đạo. Tổ chức khủng bố Al Qaeda được Bin Laden chính thức thành lập năm 1988 để thực hiện cuộc “thánh chiến” với Hoa Kỳ và Tây Phương. Chúng đã thực hiện nhiều cuộc khủng bố gây kinh hoàng trong thời đại như vụ 911. Trên thế giới hiện nay có khoảng trên 100 tổ chức khủng bố, trên một nửa là Hồi Giáo. Al-Qaeda là tổ chức nguy hiểm nhất, nhân sự đông đảo nhất, tổ chức chặt chẽ nhất, có thể có tới nhiều ngàn cán bộ hạt nhân và là những người có trình độ kỹ thuật rất cao. Tổ chức này là cái dù cho nhiều tổ chức khủng bố Trung Đông và Trung Á. Mục tiêu của Al Qaeda, Taliban là lật đổ các chế độ thế quyền, thay thế bằng các chế độ giáo quyền Hồi giáo, áp dụng luật Hồi giáo. Tuy nhiên, để chiêu mộ người Á Rập và Hồi Giáo trong mục tiêu này chúng triệt để khai thác tình trạng chiếm đóng của Do Thái ở Palestine, khai thác sự bất mãn của Hồi giáo đối với Hoa Kỳ và Tây Phương cho mục tiêu cực đoan của chúng. Sau vụ 911, Hoa Kỳ và thế giới đã quyết tâm hơn lúc nào hết để tiêu diệt khủng bố. Hoa Kỳ đã dùng lực lượng quân sự tấn công tiêu diệt chế độ Taliban ở A Phú Hãn, truy lùng Bin Laden trong khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Cho rằng tàn dư khủng bố có thể đang nhờ Saddam Hussein che chở, và những vũ khí giết người hàng loạt đang ở Iraq có thể lọt vào tay khủng bố, chính phủ Bush đã quyết định tấn công nước này, lật đổ Saddam, và ông Tổng Thống độc tài khủng bố này đã bị treo cổ. Tuy nhiên chiến tranh Iraq lại làm khủng bố gia tăng nhanh chóng. Bản phúc trình “Triệu Chứng Bành Trướng Phong Trào Thánh Chiến Toàn cầu” (Indicators of the Spread of the Global Jihadist Movement) của NIE (National Intelligence Estimate) là một hội đồng của 16 cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng chiến tranh Iraq đã làm phát triển tư tưởng thánh chiến (jihad) chống Hoa Kỳ, tiếp thêm dầu (fuel) cho khủng bố, là một “cause celebre” của khủng bố, bánh xe chính giúp cho khủng bố chiêu dụ thành viên mới, mà không làm cho khủng bố bị suy yếu hay nãn chí. Một bản phúc trình của chính phủ trong năm 2005 cho thấy các vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu đã gia tăng gấp ba so với năm 2004, số người chết tăng lên gấp đôi. Theo bản phúc trình của Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia (National Counterterrorism Center) năm 2007, công bố ngày 30 tháng 4 năm 2008, số người chết vì khủng bố trên thế giới không tính ở Iraq trong năm 2005 là 6.367 người, năm 2006 là 7.527 người, trong năm 2007 là 9.097 người. Riêng ở Iraq số người chết vì khủng bố trong năm 2005 là 8.249 người, năm 2006 là 13.345 người, và năm 2007 là 14.606 người. Tổng số người chết vì khủng bố trong năm 2007 của cả thế giới và Iraq tổng cộng lên trên 22.700 người. Như vậy, số người chết vì khủng bố trong năm 2007 so với năm 2000 đã tăng lên 40 lần. Trong năm 2008, khủng bố đã bắt đầu phát triển mạnh ở Pakistan là nước trước đây chưa từng bị tấn công khủng bố. Vụ tấn công Mumbai đã làm chính phủ Ấn Độ coi là vụ 911 của quốc gia này. Cuộc chiến chống khủng bố bằng quân sự của Tổng thống Bush cho thấy vô cùng tốn kém, nhưng kết quả như thế nào đã thấy rõ. Trong lúc chúng tôi viết bài này, chiến tranh ở Gaza tiếp tục diễn ra, cả Do Thái và Hamas đều không quan tâm tới nghị quyết đòi ngưng bắn của Hội đồng Bảo an. Số người Palestine chết ở Gaza đã lên con số 900 người, bị thương trên 3.600 người. Một nửa dân số ở Gaza là trẻ em, cho nên con số trẻ em bị thương và bị chết rất đông. Bên cạnh đó, tiếp liệu y tế, thực phẩm cho người dân ở Palestine bị chính sách phong toả đóng cửa biên giới cho nên chỉ được đưa vào Gaza một cách nhỏ giọt. Cuộc chiến tiếp tục, thế giới có lẽ cũng cảm thấy sự điên rồ của Hamas, từ ngày 27/12 tới nay cũng chỉ gây được thiệt hại cho 3 thường dân và một quân Do Thái. Thế nhưng, vẫn không chịu ngưng bắn rocket để có thể làm cho Do Thái ngưng cuộc tấn công. (Do Thái tử thương 10 quân nhân nhưng đa số do bắn nhầm lẫn nhau). Các nhà ngoại giao trên thế giới đều dồn dập tới Cairo, Jerusalem để mong đem lại ngưng bắn, tránh tình trạng khủng hoảng nhân đạo xảy ra. Trong lúc đó, các cuộc biểu tình chống Do Thái và Hoa Kỳ liên tục diễn ra trong thế giới Hồi giáo. Tại New York, những cuộc biểu tình đối kháng: phe bênh Do Thái, phe bênh Palestine cũng liên tiếp diễn ra. Do Thái là quốc gia có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất Trung Đông, dĩ nhiên đập tan Hamas không phải là việc khó khăn, nhưng con số người chết ở Gaza mỗi ngày mỗi tăng, thì sự tức giận của người Hồi giáo và Á Rập đối với Do Thái và Hoa Kỳ cũng đang tăng theo. Nó có thể sẽ là một “cause celebre” mới cho các tổ chức khủng bố và nó có thể tạo thêm tinh thần chống đối đối với những chính phủ Á rập thân Tây Phương sẳn sàng cùng Do Thái tìm giải pháp hoà bình toàn bộ cho Trung Đông. Do Thái dĩ nhiên đang chiến thắng về quân sự, nhưng cũng đang làm mất cảm tình của thế giới, các cơ quan nhân đạo quốc tế như UNRWA của Liên Hiệp Quốc đã tức giận tố cáo quân đội Do Thái ngăn cản hoạt động của cơ quan, bắn chết tài xe lái xe chở lương thực của cơ quan, đã bắn trọng pháo vào một ngôi trường do cơ quan điều hành làm chết 42 người đang tạm tránh chiến trận. Cơ Quan Hồng Thập Tự Quốc Tế một cơ quan có truyền thống trung lập với mọi khuynh hướng chính trị nhưng đã đưa ra một bản tuyên bố tố cáo Do Thái tập trung người dân ở khu dân cư Zeitun vào một căn nhà, nhốt họ lại, 24 giờ sau bắn trọng pháo vào căn nhà này, không xe cứu thương của Hồng Thập Tự vào khu dân cư này trong 4 ngày, làm cho người bị thương phải lăn lóc và chết đói bên cạnh thi hài của người thân đã chết vì đạn. Tổ Chức Human Rights Watch cũng đã lên tiếng cực lực phản đối Do Thái dùng bom phốt pho trắng ở Gaza. Chất hoá học này đốt cháy con người một cách khủng khiếp, làm cho nhà cửa, các loại kiến trúc phải bốc cháy vì sức nóng của nó toả ra. Do Thái nói rằng loại võ khí này được pháp luật quốc tế cho phép, nhưng sẽ cố gắng tránh sử dụng trong vùng dân cư đông đúc. Dư luận của Hoa Kỳ có thể thể hiện rõ qua những cuộc biểu tình chống và bênh Do Thái ở New York. Người bênh nói rằng đây là trách nhiệm của Hamas, Do Thái buộc phải tự vệ. Người phản đối nói rằng đây là cuộc chiến tàn sát. Dù bênh hay chống, chúng tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ muốn thành công trong cuộc chiến chống khủng bố, điều quan trọng trước hết là phải đem lại hoà bình trong vùng đất Palestine. Khu vực này không tìm được hoà bình, thì nó vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần khủng bố. Thế giới lên án những hành động khủng bố của Hamas, của Islamic Jihad.. Nhưng không ai ủng hộ việc Do Thái tiếp tục bao vây Gaza, cắt nguồn tiếp tế nhân đạo cho 1.5 triệu dân Palestine, tiếp tục bành trướng các khu định cư ở Tây Ngạn, mỗi mùa gặt trái ô lui (olive) người định cư kéo ra ném đá người Palestine làm cho họ không dám đến thu hoạch mùa hoa màu chính của họ, khi xung đột xảy ra quân đội Do Thái chỉ đàn áp người nông dân Palestine, hay người định cư sơn vẽ mồ mả, đền thờ của người Palestine không ai bị trừng phạt. Do Thái tiếp tục thi hành chính sách chiếm đóng, xây rào, lấn đất thì những chu kỳ bạo động sẽ cứ tiếp diễn. Thế giới yêu chuộng hoà bình ngày hôm nay không ai tán đồng chiến thuật khủng bố, nhưng cũng không còn ai ủng hộ sự đày ải của một dân tộc này đối với một dân tộc khác. Trên quan điểm cá nhân, chúng tôi nghĩ rằng những tay súng bịt mặt Palestine sử dụng chiến thuật khủng bố làm hại cho dân tộc họ nhiều hơn. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng những người Do Thái mỗi mùa hái trái ô liu từ Do Thái kéo sang Hebron hái gặt giúp nông dân Palestine, bênh vực họ khi bị người định cư tấn công; và những người Do Thái đã theo những chiếc thuyền nhân đạo đi từ Cyprus, chở thực phẩm, thuốc men tiếp tế cho người Palestine trong thời gian Gaza bị phong tỏa 18 tháng mới là những người Do Thái được Đức Chúa Trời thương yêu và chọn lựa; chứ không phải là những người Do Thái Christian Zeonists, Evangelicals chủ trương khôi phục vương quốc David, Solomon, chủ trương phải chiếm cứ vĩnh viễn những vùng đất chiếm đóng hiện nay, thẳng tay đày ải người Palestine để sau thời mạt thế và thăng thiên sẽ cùng Chúa Jesus cai trị thế giới trong 1000 năm. Với tôi, hình như ánh sáng của Thiên Chúa thể hiện ở Vatican, ở các ngôi Nhà Thờ Chính Thống Giáo mà không phải ở những nhà thờ có những ông mục sư hò hét như diễn viên sân khấu ở Hoa Kỳ và họ thay mặt Chúa Trời phán rằng Tây Ngạn và Gaza là vùng đất Chúa Trời tuyệt đối ban cho người Do Thái. Chúng tôi nghĩ rằng chủ nghiã hay giáo tín đầy ảo tưởng và cực đoan này nếu tiếp tục phát triển, sẽ cùng với tư tưởng Hồi giáo khủng bố cực đoan tạo cho vùng Trung Đông không ngày nào không khói lửa. Hậu quả cũng rất có thể đưa đến chiến tranh lớn trong vùng, có thể là chiến tranh mạt thế, nhưng sau giai đoạn này, kẻ cai trị thế giới chúng tôi không nghĩ sẽ là Chúa Jesus với người Do Thái như Zeonism mong muốn. Nếu Hoa Kỳ và Tây Phương phải đối phó, chiến tranh tiêu hao lâu dài với khủng bố Hồi giáo, kẻ cai trị thế giới sẽ là là Trung Cộng, hay Nga, hay những cường quốc không liên hệ gì với chủ nghiã phục quốc huyễn hoặc của người Do Thái. Qua bài “Can Israel Survive” của tác giả Tim McGirk viết từ Jerusalem, chính phủ thủ tướng Ehud Olmert cũng không có ý định triệt hạ Hamas bởi vì điều này cũng làm lu mờ thêm uy tín của Tổng thống Ehmoud Abbas, người Palestine sẽ không còn lực lượng lãnh đạo, không còn ai có thể điều đình, trở nên vô chủ, khủng bố sẽ càng phát triển khó đối phó hơn. Trong ngày thứ Hai, 12/1, tại Viện Nghiên Cứu An ninh Quốc gia Do Thái, INSS, ở Tel Aviv, ông De Hoop Scheffer, Tổng thư ký NATO nói rằng “tình hình hiện giờ chỉ gieo thêm mầm mống cho những cuộc xung đột khác trong tương lai, ông kêu gọi hai bên chấp nhận thi hành nghị quyết của Hội Đồng Bảo An. Hamas cần phải nhận thấy rằng liên tục tấn công bằng rocket đã đem lại sự đau khổ khôn cùng cho người Palestine và ông không nghĩ khi người Palestine bỏ phiếu bầu cho Hamas họ muốn thấy những gì mà Hamas đang làm. Đối lại, Do Thái phải ngưng tấn công, cho phép vật phẩm cứu tế nhân đạo được liên tục đưa vô dải Gaza. Nếu cả hai cùng quan tâm, thì với nỗ lực trung gian tìm kiếm hoà bình của Ai Cập và Liên Âu sẽ có thể dập tắt bạo động, tạo cơ hội cho hoà bình.” Hamas là một tổ chức được thành lập năm 1987, dù nhận sự tiếp tế của Iran, nhưng là người khối Sunni mà không phải Shiite. Tổ chức này là một tổ chức khủng bố có mục đích chống Do Thái, cương lĩnh không thừa nhận quốc gia Do Thái, nhưng họ không chủ trương khủng bố chống cả Tây Phương hay Hoa Kỳ như những tổ chức khủng bố Sunni khác. Trong tháng Giêng năm 2006, Hamas đã chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội Palestine, chiếm được 76 ghế trong quốc hội có 132 ghế, trong khi tổ chức Fatah được Bộ Tứ ủng hộ chỉ chiếm được 43 ghế. Sau bầu cử, Hamas thành lập chính phủ, do ông Ismail Haniyeh lãnh đạo, nhưng chính phủ này đã nhanh chóng không được Hoa Kỳ và Liên Âu thừa nhận, áp dụng chính sách cấm vận đối với chính phủ dân cử Palestine, khủng hoảng nội bộ Palestine diễn ra, và nỗ lực hoà bình của Bộ Tứ dậm chân tại chỗ. Sau khi đắc cử Hamas cũng đã thay đổi lập trường phần nào, lãnh tụ tối cao Hamas là ông Khalel Mashaal trong tháng 2 năm 2006 đã tuyên bố sẵn sàng ngưng bắn lâu dài với Do Thái nếu Do Thái thừa nhận đường tuyến đình chiến năm 1949, rút khỏi các vùng chiếm đóng. Sự xung đột nội bộ đã đưa tới nội chiến giữa Hamas và Fatah. Hamas đã chiếm lấy quyền kiểm soát dải Gaza trong giữa năm 2007 và bị Do Thái phong toả. Fatah hiện không bị quốc gia nào coi là tổ chức khủng bố, nhưng là một tổ chức được thành lập trong năm 1954, là tổ chức nồng cốt của PLO, là tổ chức đã huấn luyện nhiều tổ chức khủng bố ở Âu Châu, Trung Đông, Á Châu và Phi Châu. Nếu nói đến tội trạng khủng bố của Fatah thì tổ chức này đã liên hệ tới nhiều vụ không tặc, tấn công nhiều nơi trên thế giới, từng là công cụ của Liên Xô và các chế độ Cộng sản. Thời thế đã thay đổi, Fatah đã được công nhận là một lực lượng đấu tranh hợp pháp, chúng tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ cũng cần có một cái nhìn mới mẻ hơn. Một Hamas chủ trương khủng bố cũng có thể biến thành một lực lượng chính trị như Fatah, họ lại được người Palestine ủng hộ hơn, có thể giúp giải quyết vấn đề xung đột giữa Palestine và Do Thái dễ dàng hơn. Giải quyết được xung đột Palestine là giải quyết một phần nguồn kích động thanh niên Á rập tham gia khủng bố. Nhiều học giả, và nhiều cơ quan nghiên cứu chính trị quốc tế cũng đã từng đề nghị không thể xem khủng bố chỉ đơn thuần là những tên cuồng tín hiếu sát. Nó có bộ mặt của ác quỷ với đa số mọi người, nhưng với một thiểu số nào đó lại là những anh hùng, những vị thánh! Người phóng viên Iraq ném giày vào Tổng thống Bush ở Baghdad với chúng ta là hành động côn đồ, nhưng với người Iraq và Á Rập lại là anh hùng, đó là thực tế chua chát. Muốn tiêu diệt tận gốc bọn khủng bố, phải tìm tới những căn nguyên vì sao, những nguyên nhân nào đã có thể làm cho những thanh niên mới lớn lên, không chỉ là những người bình thường, mà có bằng cấp, có khả năng, có trình độ chuyên môn cao lại có thể bị thuyết phục gia nhập và sẳn sàng làm vật hy sinh cho khủng bố. Phải tìm hiểu mọi nguyên nhân, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và giải quyết từ đó mới có thể dần dần chấm dứt được sự khai thác và chiêu dụ. Trị bệnh phải trị từ gốc. Từ những mục tiêu của các tổ chức khủng bố cho thấy có tổ chức khủng bố là những người thiểu số chống lại sựï bất công do sắc dân đa số áp đặt đối với họ. Có tổ chức xử dụng khủng bố làm phương tiện vì họ không có phương tiện nào khác để chống lại một quốc gia đang chiếm đóng và đàn áp dân tộc họ. Có những người đã theo khủng bố chống Tây Phương và Hoa Kỳ vì cho rằng Tây Phương và Hoa Kỳ đã hậu thuẫn cho những thành phần cai trị, những ông hoàng có thể tung tiền triệu ra mua vui một đêm, nhưng dân chúng thì nghèo khổ v.v. Chính vì vậy, muốn diệt trừ khủng bố chỉ dùng những biện pháp “tiêu diệt”, nếu thành công thì cũng chỉ thành công trong nhất thời, có khi những biện pháp “tiêu diệt” hay “đàn áp” lại phản tác dụng, làm kích thích thêm tinh thần chống đối và các tổ chức khủng bố lại có thêm môi trường và yếu tố tâm lý để chiêu dụ. Tên này bị chết, bị bắt, có những tên mới sẳn sàng thay thế. Bọn khủng bố Hồi Giáo hay tại Trung Đông đang mang những sắc thái chống chiếm đóng, chống bất công xã hội, hay cho rằng tôn giáo của họ bị đe dọa. Vì thế, làm sao để xoa dịu sự bất công, giải quyết trên tinh thần công bằng các sự tranh chấp giữa Do Thái và Palestine, các nước trong vùng, và cũng làm cho người Hồi thấy rằng văn minh Tây phương không đe dọa cho tôn giáo của họ mới có thể giải quyết tận gốc rễ hiểm họa khủng bố. Trong ngày thứ Hai, 12/1, Ban nhạc Divan có 90 nhạc sĩ gồm có người Do Thái, Palestine và Á Rập đã trình tấu ở State Opera nằm trên con đường nổi tiếng Unter den Linden ở Bá Linh. Ban nhạc do nhạc trưởng Daniel Barenboim điều khiển, nhạc sĩ là người Do Thái sinh ở Argentina. Mục tiêu chính của ban nhạc là cổ võ sự hợp tác giữa những nhạc sĩ Do Thái và Á rập trong vùng để đưa tới sự thông cảm giữa người Do Thái và Á Rập. Nhạc sĩ vĩ cầm Nabeel Abboud Ashkar người Palestine nói rằng anh hy vọng mọi người ở hai phía có thể mở rộng tâm trí và cõi lòng, để thấy và để biết những gì đang diễn ra ở phía đối phương mới có thể đem lại hoà bình. Cầu mong cho đa số người Do Thái và Palestine sẽ sớm trở thành những người có tinh thần như những nhạc sĩ của ban nhạc Đông Tây Divan. Chúng tôi nghĩ rằng họ mới thật sự là những người chống khủng bố.
|