Chính Trị |
Tác Giả: Trần Đông Chấn | |||
Chúa Nhật, 18 Tháng 1 Năm 2009 08:05 | |||
Đang đọc một cuốn sách rất hay: “TIỂU LUẬN viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 của Phạm Quỳnh. Tác giả là một nhà văn hóa lớn đầu thế kỷ 20, đã từng viết nhiều bài báo và tác phẩm văn học có giá trị. Trong các tiểu luận này, có một bài báo tựa đề “Chính trị” được viết vào năm 1929 nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Xin được trích dẫn vài đoạn: “Vậy chính trị theo định nghĩa ở từ điển là gì? Đó là tất cả những gì liên quan đến công việc cai quản Nhà nước, đến công việc quản lý có hiệu quả mọi công việc công cộng, đến việc bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc. Vậy thì, vì lẽ gì một công dân xứng với danh hiệu này, cho dù danh hiệu đó đã bị hạ thấp ít nhiều, - và đó chính là trường hợp của kẻ đang muốn trở thành công dân ở xứ Đông Dương hay ở nước Nam – lại có thể không quan tâm đến công việc của đất nước mình, nghĩa là quan tâm đến chính trị, cái chính trị như một nghệ thuật quản lý mọi công việc của đất nước sao cho tốt đẹp ? Vì lẽ gì một người nước Nam biết lo lắng cho sự phồn thịnh và tương lai của tổ quốc mình, lại có thể không tìm hiểu xem tố quốc mình được cai quản như thế nào, lại không tự hỏi liệu các thể thức cai quản hành chính hay cai quản hiện nay có phù hợp với đất nước mình không, và nếu cần, thì phải tiến hành những cải cách, những cải tiến, những sửa đổi hoặc những cải tạo hữu ích hoặc cần thiết nào? Và nếu cái người nước Nam ấy phát hiện thấy có những lạm dụng, những sai sót hoặc những vi phạm, liệu cái người nước Nam ấy có thể tự buộc tội mình không tố cáo chúng ra ? Tất cả những điều đó chính là chính trị, và đó không chỉ là quyền được làm mà còn là nghĩa vụ phải làm của người công dân. Và nếu, trong khi tranh luận về những vấn đề lợi ích chung này, công dân nước Nam kia chỉ duy nhất bị thúc đẩy bởi ước vọng được có ích cho đất nước và đồng bào mình, nếu như công dân ấy không bao giờ mất bình tĩnh, mất khả năng làm chủ hoàn toàn bản thân, mất cái trung lập về tinh thần hay tính “trung dung” thành thói quen trải qua nhiều thế kỷ văn hóa Khổng giáo, nếu như công dân ấy không đem vào đó bất kỳ định kiến nào, bất kỳ sự nóng nảy nào, và hơn thế nữa, nếu công dân ấy luôn luôn giữ mình trong phạm vi hợp pháp và tôn trọng trật tự, thì có cái chính phủ nào, dù có yếu bóng vía đến mấy, lại có thể coi hành vi và thái độ như thế của công dân kia là một tội ác ? Ngược lại, một chính phủ quan tâm đến việc hoàn tất tốt nhiệm vụ của mình sẽ phải biết ơn những con người có thiện chí này, những người làm hết sức mình để soi tỏ cái niềm tin đó của chính phủ.
|