Ngày Xuân của Obama |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa | |||
Thứ Ba, 27 Tháng 1 Năm 2009 09:25 | |||
...Obama đã mau mắn cầm bỏ túi (khăn Khatag) trước khi...đọc lời tuyên thệ... TIÊU SÁI RỒI TIÊU HAO Từ khi tranh cử đến ngày lãnh đạo, mọi Tổng thống đều phải huy động được hậu thuẫn của nhiều thành phần khác nhau hầu đạt đa số phiếu, trước hết là của cử tri đoàn. Khi tranh cử, nghệ thuật hứa hẹn được tận dụng cao độ, ai ai cũng thấy có mình trong đó. Khi cầm quyền, chuyện hứa hẹn sẽ gây nghẹn ngào vì cầm quyền là phải dung hòa nhiều mâu thuẫn từ hậu thuẫn đa diện ấy. Dễ xảy ra nhất là một chính sách ôn hoà có thể thuyết phục được một số người đông đảo nhưng lại gây phản ứng từ các nhóm cực đoan đã tích cực vận động tranh cử ngay từ những ngày đầu. Vì vậy, khác hẳn thời tranh cử, mỗi quyết định của Tổng thống tân nhậm đều là một chọn lựa, cân nhắc, và có khi gây vấn đề. Thời tiêu sái đê mê của quyền lực sẽ là thời rất dễ tiêu hao hậu thuẫn chính trị. Barack Obama không thoát khỏi bài toán cổ điển ấy và vì vậy, nếu thấy dư luận phản ứng hay kết án những quyết định đầu tiên của ông, mình không nên ngạc nhiên. Điển hình là quyết định trong nội một năm tới sẽ đóng trại giam Guantanano. Hoặc pháp lệnh mở rộng tài trợ cho các tổ chức ủng hộ kế hoạch hoá gia đình, trong đó có chuyện phá thai. Dù sao, đây chỉ là loại quyết định nhỏ, nặng tính biểu kiến để thoả mãn cánh tả và còn có thể sửa sai nếu thấy là bất cập. Chúng ta còn thời giờ trở lại hồ sơ Guantanamo - việc đóng cửa một trại tù gây tai tiếng cho Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào tới việc ngăn ngừa khủng bố và bảo vệ nước Mỹ. QUẢN LÝ HILLARY Sau khi Barack Obama thắng cử, ta được biết Nghị sĩ Hillary Clinton đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng ngay lập tức, người ta thấy ra nguy cơ mâu thuẫn. Đặc sứ George Mitchell khó thể giải quyết mâu thuẫn Israel-Palestine vì đây là vấn đề không có giải pháp mà Hoa Kỳ khả dĩ đề nghị hay áp dụng. Chuyện ấy, hãy tạm gác một bên, chỉ cần ghi thêm rằng tại khu vực Trung Đông, một nhà ngoại giao dày kinh nghiệm mà không cùng cấp bậc với hai người kia là Đại sứ Dennis Ross, sẽ phụ trách riêng về Iran. Đại sứ Ross không được Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Clinton long trọng giới thiệu trong ngày 22 tại bộ Ngoại giao nhưng sẽ phụ trách riêng về mối quan hệ với quốc gia trực tiếp liên hệ đến hoà bình Trung Đông. Là người của bộ Ngoại giao sẽ phải tường trình với Ngoại trưởng Clinton, ông sẽ chia sẻ quyền hạn với Đặc sư Mitchell của Tổng thống như thế nào? Holbrooke là vị Đại diện Đặc biệt (Special Representative for Afghanistan and Pakistan) của Tổng thống Hoa Kỳ nên nhận chỉ thị từ tòa Bạch Cung và phối hợp các hoạt động về quân sự, tình báo, ngoại giao và kinh tế để thi hành một chánh sách thống nhất trên một khu vực nóng nhất thế giới bao trùm từ Trung Á tới Nam Á. Khi ấy, ông sẽ phối hợp thế nào phần vụ của các bộ Ngoại giao, Quốc phòng - kể cả Quân khu Trung ương CENTCOM của Đại tướng David Petreaus - và các cơ quan phụ trách về tình báo, viện trợ, v.v... Ông sẽ báo cáo ra sao cho Ngoại trưởng Clinton, Cố vấn An ninh Quốc gia hay Tổng thống Obama? Còn Phó Tổng Biden, người vẫn tự cho là dày kinh nghiệm ngoại giao? Ông sẽ biểu diễn khả năng nói hớ ở đâu, với ai? Chúng ta đều biết, một Ngoại trưởng chỉ có thế giá trên trường quốc tế khi là người thân cận nhất với Tổng thống và trong quá khứ, đã xảy ra mâu thuẫn hay dị biệt quan điểm giữa Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia khi hai người cần thuyết phục vị lãnh đạo Hành pháp. Ở giai đoạn áp dụng chính sách, mâu thuẫn về trách nhiệm cũng thường xảy ra giữa bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng. Cuộc chiến Iraq thất bại một phần ngay từ hai năm đầu do sự thiếu phối hợp và đùn đẩy trách nhiệm giữa Ngũ giác đài và bộ Ngoại giao trong thời Bush. Tổng thống Obama có học bài học đó của người tiền nhiệm chưa? Ông là cái trục chính của bánh xe, trung tâm xuất phát mọi chuyển động, qua hai vị đặc cứ. Nhưng Ngoại trưởng Clinton lại không dễ dàng nhượng bộ khi trách nhiệm bị thu hẹp trong các lãnh vực mà quân sự chỉ là một mặt của chính trị. Vì vậy, trong danh mục đầu tiên về các vấn đề của Chính quyền Obama, có chuyện nhân sự phụ trách về đối ngoại và vai trò then chốt của Ngoại trưởng Clinton. Barack Obama có nhiều biệt tài nhưng rất mỏng kinh nghiệm về ngoại giao và quản trị nhân sự. Nhân sự về ngoại giao có thể thành vấn đề cho ông. Người ta đã thấy ngay điều ấy trong cuộc họp báo của Obama, Biden và Clinton tại bộ Ngoại giao ngày 22 tháng Giêng. Nếu có nghi ngờ, xin cứ xem lại! Nếu còn hoài nghi, mình có thể vào trang nhà của Tòa Bạch Cung, một webiste được đổi mới hoàn toàn từ ngày ông nhậm chức, để kiểm chứng về khả năng quản trị ấy. Trong mấy ngày Obama phải bung ra vận động kế hoạch kích cầu thì trang nhà của White House vẫn lặng như tờ, không có thông tin gì mới về kế hoạch đang thành hình mỗi ngày. Nói gì tới chuyện ở xa. Dường như ra khỏi vạt áo Obama là một mờ ảo phổ biến. Mà Tổng thống Obama sẽ phải ra khỏi vầng mây ngũ sắc để bước xuống trần thế và tháo gỡ những gút mắc chằng chịt của Hoa Kỳ. NHỮNG GÚT MẮC HOA-MỸ Ngoài lời hứa hẹn - hay hăm dọa, tùy cách nhìn - trong bài diễn văn nhậm chức, rằng Hoa Kỳ sẽ phủi bụi, đứng dậy và tiếp tục lãnh đạo thế giới, Tổng thống Obama chưa phát biểu gì nhiều về mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đối thủ tiềm thế và trước mặt, là Liên bang Nga, Trung Quốc hay Iran. Chưa rõ ông Obama sẽ ứng xử thế nào nhưng chú ý đến việc nhà ngoại giao Kurt Campbell được chỉ định là Phụ tá Ngoại trưởng Đặc trách Á châu Thái bình dương. Ông là người dày kinh nghiệm, muốn củng cố liên minh Mỹ-Nhật và có lập trường uyển chuyển mà không mơ hồ về Trung Quốc. Và hiều tường tận nhiều bài toán của Hà Nội. Nhân đây, có một chi tiết lý thú và ý nghĩa bên lề lễ nhậm chức của Tổng thống Obama mà người viết được biết, và được phép kể lại, từ các bằng hữu bên đảng Dân Chủ. Không khác gì việc Obama nhắc đến chiến trường Khe Sanh để tôn vinh chiến binh Hoa Kỳ, dù là sau chiến trường Normandie ông có thể nói đến địa danh Iwo Jima tại Nhật trong Thế chiến II, hoặc Pusan của Chiến tranh Cao Ly, một cuộc chiến bất phân thắng bại nhưng... có chính nghĩa vì tiến hành dưới lá cờ Liên hiệp quốc. Bên kia chiến hào Bắc Hàn là các đơn vị Trung Quốc. HÂM NÓNG CHIẾN TRANH LẠNH Liên bang Nga đang cố tranh thủ lại ảnh hưởng đã mất sau khi Liên bang Xô viết tan rã (xin xem lại bài "Barack Obama trong vòng liên hoàn" trên cột báo này vào Thứ Bảy tuần trước). Nỗ lực đó của Thủ tướng Vladimir Putin đang đe dọa các nước Đông Âu - trước tiên là Georgia và Ukraine - đang gây khủng hoảng cho khối Âu Châu và sẽ tạo vấn đề cho Minh ước NATO. Nó còn cản trở kế hoạch bình định để rút quân khỏi Afghanistan mà Tổng thống Obama coi là một ưu tiên. Hoa Kỳ cần đường tiếp vận cho Afghanistan để vượt qua những trở ngại xuất phát từ Pakistan. Nga có khả năng kiểm soát hay ngã giá về mấy ngả tiếp vận đó từ Trung Á hay Trung Âu. Tổng thống Obama sẽ trả giá thế nào và đồng minh nào của Mỹ sẽ trả giá đó? Truyển thông Mỹ ít nói là đúng ngày Obama nhậm chức, Đại tướng Petreaus - người thực tế chỉ huy hai chiến trường Iraq và Afghanistan - đã thảo luận với Nga về đường tiếp vận cho các đơn vị Hoa Kỳ và NATO tại Afghanistan. Chuyện cấp bách chứ không thể trì hoãn được vì Pakistan đang muốn khoá cả hai đường, qua Kandahar và đèo Khyber.. Xứ này đã từng kín đáo hợp tác với Hoa Kỳ khi chiến dịch Afghanistan khai diễn: các Giáo chủ Tehran vốn chẳng ưa gì chế độ Taliban ở Kabul và cũng e ngại khủng bố al-Qaeda sẽ có ngày gây loạn tại Iran. Giải pháp hòa dịu với Iran là điều Obama thông báo từ khi tranh cử. Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã từng bắt tay kẻ thù và hy sinh đồng minh, Obama không làm mới cái gì hết. Nhưng hợp tác với Iran để nhổ cho sạch nọc al-Qaeda trước khi rút quân khỏi Afghanistan trong năm bảy năm tới là điều không dễ - và không rẻ. Trong giả thuyết hợp tác ấy, Trung Đông sẽ ra sao, tương lai Iraq thế nào, Israel sẽ làm gì? Các nước Hồi giáo ôn hòa, thuộc sắc tộc Á Rập và hệ phái Sunni sẽ nghĩ sao về một Iran của sắc tộc Ba Tư theo hệ phái Shia nay có thể giữ thế mạnh tại Iraq và lại có cơ mặc cả với Mỹ về chuyện Afghanistan? Mớ bòng bong quả là khó gỡ cho Chính quyền mới, chưa kể là Moscow, Bắc Kinh hay nhiều thủ đô Âu Châu vẫn có mối quan hệ còn riêng tư hơn với Tehran. Để xúi bẩy. Vì vậy mà Đặc sứ George Mitchell có thể lên điểm rất cao của các hãng hàng không với số dậm bay liên lục địa, chứ chưa chắc đã hoàn thành nổi nhiệm vụ. Mục tiêu của Mỹ về Palestine sẽ lại là giấc mơ đã có từ thời Carter đến nay mà vẫn chưa toại. Vậy mà Tổng thống Obama lại đặt hồ sơ này lên hàng ưu tiên cấp bách, lãnh tụ đầu tiên ông điện thoại khi vào tới toà Bạch Ốc là Chủ tịch Mahmoud Abbas! Ta chưa kể đến tương lai của Mexico - đề tài của một kỳ khác. Xứ này có thể bất ngờ tan rã vì chính quyền sụp đổ trước thế lực quá mạnh của các tổ chức ma túy, là các sứ quân đang hùng cứ mọi nơi và đưa người hay tiền vào tấn công thẳng chính quyền trung ương tại Mexico City. Các sứ quân này chi phối 80% lượng ma túy đang trút vào Mỹ và còn có thể kiểm soát lưu lượng di dân nhập lậu vào Hoa Kỳ! BẢN ÂU CA ÂU SẦU Nhiều nước Âu Châu đã che giấu sự đớn hèn của họ đằng sau cái tội hung hăng của Tổng thống Bush, như một cái cớ. Bây giờ, Bush đã đi và Cứu tinh Obama đã giáng thế, họ sẽ nói sao với Mỹ? Không, đặt vấn đề sai rồi, bây giờ Obama sẽ nói sao với các đồng minh Âu Châu đã từng bị Bush coi thường trong nhiệm kỳ đầu? Muốn thấy ra chuyện ấy, ta cần nhắc tới hai thí dụ. Ngày 22, tháng 11, nguyên Tổng thống Havel phát biểu một câu làm cho quốc gia nổi tiếng yêu chuộng trí thức dấn thân vì đại nghĩa, là nước Pháp, phải bực mình. Chủ trì Minh ước NATO, Hoa Kỳ thời Bush đề nghị thiết lập lá chắn chiến lược tại Cộng hòa Tiệp và Ba Lan để ngăn hỏa tiễn có thể từ các chế độ hung đồ tấn công vào Âu Châu. Chính thức thì để đón bắt hoả tiễn từ Iran. Thực tế - theo suy luận của Nga - là để chặn đứng phi đạn Liên bang Nga bắn vào Âu Châu! Vì vậy, Chính quyền của Thủ tướng Vladimir Putin mới hăm lại là sẽ thiết trí hoả tiễn tại Kaliningrad để bắn hạ hỏa tiễn của NATO tại Ba Lan và Tiệp. Chúng ta đang vào đầu năm 2009, khi đốm lửa chiến tranh lạnh đang tái nhóm làm Âu Châu và cả thần tượng Obama của Âu Châu ngơ ngẩn bần thần. Nước nào tại Âu Châu sẽ đôn quân vào NATO giúp Obama giải quyết chiến trường Afghanistan? Nước nào sẽ chặn bánh xe NATO trên đà Đông tiến? Nước nào sẽ thỏa hiệp với Liên bang Nga và phá vỡ thế liên kết Âu-Mỹ mà Obama vẫn đề cao? Obama còn những đồng minh nào là khả tín để Hoa Kỳ thực hiện tham vọng lãnh đạo thế giới? Bản Âu-ca của Obama bỗng như lạc giọng. Thí dụ thứ hai là trong nội tình nước Mỹ. Ngày 22 vừa qua, khi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện để được phê chuẩn làm Giám đốc Tình báo Quốc gia, Đô đốc Dennis Blair nói thẳng một điều đặc biệt nhạy cảm với nhiều nước Âu Châu: "Dù các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ bất đồng quan điểm (với Mỹ) về một số chánh sách của Mỹ liên hệ đến từng quốc gia hay vấn đề nhất định, Cộng đồng Tình báo (tập thể các cơ quan tình báo Hoa Kỳ) vẫn có thể giúp các nhà làm chánh sách (của Hoa Kỳ) điểm ra nhiều nhân vật lãnh đạo trong và ngoài chính quyền - tại Âu Châu, Á Châu và các nơi khác - có thể cùng chia sẻ tham vọng của Hoa Kỳ về tương lai, và sẵn lòng hợp tác cho mục tiêu chung." Giải ra bạch văn: Tình báo của Hoa Kỳ đã và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình chính trị Âu-Á và tìm ra các nhân vật có thể hợp tác với Mỹ để tiến hành những chánh sách phù hợp với tham vọng của Hoa Kỳ. Trong số các "đồng minh truyền thống" mà Đô đốc Blair nhắc tới, ta nghĩ ngay đến Pháp và Đức chứ không thể là Anh hay Ý tại Âu Châu hoặc Úc hay Nhật tại Á Châu! Nghĩa là Hoa Kỳ chẳng che giấu gì việc sẽ theo dõi kỹ nội tình các xứ này để dự đoán những xoay chuyển lập trường nay mai hầu tìm giải pháp đối phó. Obama tranh cử trong tinh thần xiết chặt giao tình Âu-Mỹ. Thực tế khi ông cầm quyền lại khác! Các cơ quan tình báo cho ông biết là khác ở đâu. Còn lại, đó là trách nhiệm rất nặng của tân Tổng thống. Sự đời quả là không đơn giản như khi tranh cử! Mới chỉ điểm sơ, bánh mứt đầu Xuân cho Obama coi bộ rặt nhưng gừng già thiếu đường. Về an ninh, ông dựa vào thành phần cựu trào có nhiều kinh nghiệm, thành tích vả kỷ luật. Nhưng về ngoại giao, ông đang đi vào bãi mìn. Chỉ bịt miệng Biden hay trấn an Clinton cũng đủ mệt, nói chi tới đối phó với Bắc Kinh, Moscow, xử lý với hai khối Âu Châu và vãn hồi hòa bình Trung Đông, hoặc thanh toán chiến trường Afghanistan mà không đi vào một cuộc khủng hoảng tại Nam Á...
|