Home Tin Tức Bình Luận Chiến lược Ngoại Giao

Chiến lược Ngoại Giao PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Năm, 05 Tháng 2 Năm 2009 07:16

Hôm 19.1.2009, trước khi ông Barack Obama nhận chức Tổng Thống Mỹ một ngày, đài BBC đã phỏng vấn ông Lê Công Phụng, Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ về một số vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của Việt Nam. Cuộc phỏng vấn này đã được đài BBC cho phổ biến hai lần, một lần hôm 19.1.2009 và một lần hôm 1.2.2009.
Thông thường, chúng ta rất khó tìm được một một ý kiến cá biệt nào của các nhà lãnh đạo CSVN cũng như của người Việt chống cộng ở hải ngoại khi phỏng vấn họ, vì họ thường phải nói đúng với những gì “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” đã viết sẵn: CSVN luôn bị buộc phải đi theo “lề đường bên phải”, nếu không sẽ bị tố là phản động. Còn người Việt chống cộng lại bị buộc phải đi theo “lề đường bên trái”, nói khác đi sẽ bị tố là “tay sai cộng sản” hay “đặc công cộng sản nằm vùng”.
Cả hai “chế độ” gần như rập khuôn nhau. Do đó, trước khi phỏng vấn, chúng ta cũng có thể đoán biết họ sẽ trả lời như thế nào. Hai nhân vật mới nổi lên của cộng đồng người Việt hải ngoại là khoa học gia Dương Nguyệt Ánh và dân biểu Cao Quang Ánh, tuy lớn lên sau khi chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, cũng đã tỏ ra nắm rất vững “quy luật cộng đồng” khi phát biểu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trong chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay có hai nhân vật ngoại giao có một lối đặt vần đề hay trả lời vấn đề một cách thông thoáng hơn sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, mặc dầu vẫn đi theo “lề đường bên phải”, đó là bà Tôn Nữ Thị Ninh (đã về hưu) và ông Lê Công Phụng. Phương thức của hai nhân vật này xem ra dễ tiếp cận với các đối tượng mà họ muốn trình bày hơn là lối phát biểu theo “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”. Phải chăng nhà cầm quyền CSVN đang cố gắng đưa ra một lối tuyên vận mới hợp thời hơn?
Đài BBC đã đặt cho Đại Sứ Lê Công Phụng những câu hỏi khá hóc búa, nhưng rất nhẹ nhàng chứ không theo lối hỏi cung của công an mà một số người Việt chống cộng thường dùng. Ông Lê Công Phụng cũng đã trả lời rất khôn khéo. Trước khi có một vài nhận xét, chúng tôi xin mời độc giả đọc lại 8 câu hỏi của đài BBC và 8 câu trả lời của ông Lê Công Phụng.
NỘI DUNG CUỘC PHỎNG VẤN
Câu hỏi 1
BBC: Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho quan hệ dưới thời Tổng thống Barack Obama Sự thắng cử của Obama?
LCP: Chúng tôi rất mừng Tổng thống Obama sắp nhậm chức, và tin chính quyền đảng Dân chủ sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận của các chính quyền trước đây, sẽ tiếp tục đi theo hướng hợp tác chặt chẽ vì lợi ích hai nước.
Thời kỳ tổng thống Clinton, chính quyền Dân chủ đã dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ, ông Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam (VN). Đây là cái đà do chính quyền Dân chủ mở ra, và tám năm tiếp theo của ông Bush đã thúc đẩy quan hệ rất mạnh. Nên tôi cho rằng chính quyền Dân chủ sắp tới, với đa số cả trong thượng viện và hạ viện, sẽ tiếp tục hợp tác với VN. Có thể có mức độ khác nhau, nhưng đó là sự nối tiếp lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không phải vì cá nhân người này, người khác.
VN chúng tôi đã chuẩn bị, phải nói là rất quyết liệt, để tiếp tục thúc đẩy quan hệ. Với chuyến thăm của thủ tướng chúng tôi năm 2008, mặc dù là năm cuối của tổng thống Bush, nhưng hai bên cho rằng cần có chuyến thăm để chuẩn bị cho giai đoạn tới thay đổi chính quyền.
Chúng tôi lúc ấy cũng không biết Dân chủ lên hay Cộng hòa lên, nhưng phải bàn định những cái đã làm và sắp tới phải làm. Và chúng tôi cho rằng phía Mỹ cũng đã làm như thế, để làm sao lợi ích hai nước trong bốn năm tới được thúc đẩy hơn.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước sắp tới cũng sẽ có nhiều cái mà chúng tôi phải tính. Quyết tâm hai bên là cao, nhưng nội bộ mỗi nước và thế giới có những khó khăn.
Lĩnh vực nào, thời gian nào mà lợi ích trùng hợp với nhau, có sự hiểu biết với nhau, thì có thể hợp tác
Ví dụ, trong 2009, điều đầu tiên ông Obama phải lo là ổn định nội bộ, còn VN cũng phải xử lý các vấn đề do khủng hoảng tài chính thế giới. Cả hai bên đều bận rộn, và khó làm được những việc lớn hơn. Nhưng những gì đã thỏa thuận, triển khai, thì chắc chắn tốc độ sẽ cao hơn. VN rất mong muốn tổng thống Obama sớm thu xếp sang VN, và lãnh đạo chúng tôi cũng rất muốn thăm Mỹ khi thời gian, điều kiện cho phép.
Câu hỏi 2
BBC: Chiến lược ngoại giao của VN có bao giờ đặt vấn đề VN sẽ là đồng minh của Mỹ hay không, thưa đại sứ?
LCP: Quan hệ hai nước từ 13 năm qua đi nhanh hơn so với quan hệ song phương với một số đối tượng khác. Nhưng không có nghĩa VN đang chuẩn bị trở thành đồng minh của Mỹ. Lĩnh vực nào, thời gian nào mà lợi ích trùng hợp với nhau, có sự hiểu biết với nhau, thì có thể hợp tác.
Còn những lúc lợi ích dân tộc hai phía chênh nhau, thì phải đấu tranh. Chủ trương đối ngoại của VN là không ngừng tăng cường hợp tác với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, càng nhiều càng tốt, với sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.
Câu hỏi 3
BBC: Quan hệ tay ba của VN với Hoa Kỳ và Trung Quốc (TQ) sẽ như thế nào?
LCP: Chiến lược đối ngoại của chúng tôi là đặt lên hàng đầu quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn. Do vậy, VN rất coi trọng quan hệ với TQ vì đây là láng giềng có nhiều ảnh hưởng, có nhiều mối quan hệ đặc biệt với VN. TQ ngày càng lớn mạnh thì VN càng phải học cách sống chung, nhưng phải không ngừng làm quan hệ với TQ tốt đẹp trong sự tôn trọng lẫn nhau.
Còn với Mỹ, VN sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi hiểu rằng để phát triển mạnh mẽ, một trong những yếu tố quan trọng nhất là hợp tác với Mỹ. Thông qua đó, thúc đẩy hợp tác với các đồng minh, bạn bè của Mỹ.
VN không có ý nghĩ là tăng cường hợp tác với Mỹ để chống TQ, hay tăng cường hợp tác với TQ để làm hại quan hệ với Mỹ. Đó không phải là lập trường của VN.
Câu hỏi 4
BBC: Còn hai cường quốc kia, theo đại sứ, có lôi kéo VN hay không?
LCP: "Lôi kéo" không phải là thuật ngữ ngoại giao thường được phát biểu công khai. Nhưng chúng tôi cho rằng TQ và Mỹ đều có nhu cầu tăng cường đối tác và về mặt nào đấy, họ cũng rất mong tăng cường mối quan hệ mang tính đồng minh.
VN nằm ở vị trí địa chính trị nhạy cảm, sát cạnh TQ, lại nằm trong vùng Đông Nam Á, cho nên cả hai đều có nhu cầu tranh thủ VN.
Cái khó của VN là làm sao đáp ứng được mong muốn của họ trên cơ sở lợi ích chung của chúng ta, đáp ứng những gì không làm phương hại quan hệ với các đối tác khác, giữ được độc lập.
Câu hỏi 5
BBC: Trong cuộc phỏng vấn gần đây với báo điện tử VietnamNet, cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ nói ý rằng trong chiến lược đối ngoại, nội bộ lãnh đạo cấp cao của VN có bất đồng. Đại sứ đồng ý với nhận xét đó không?
LCP: Bây giờ, tôi thấy vẫn tồn tại các luồng chính sách ngược nhau, nên không thể rõ ràng, dứt khoát về chiến lược đối ngoại được.
Tôi chưa đọc bài phỏng vấn của ông Trần Quang Cơ, mặc dù ông là một trong những bậc đàn anh của tôi trong lĩnh vực ngoại giao.
Nhưng qua kinh nghiệm thực tế, tôi nghĩ thế này, trong các vấn đề lớn của các quốc gia, bao giờ cũng có những ý kiến khác nhau.
Nhưng những ý kiến khác nhau đó được xử lý quan trọng nhất là lúc bàn thảo, còn khi đã quyết sách rồi, mọi người đều nhất tâm thực hiện. Bằng không, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, sẽ không làm được gì. Người ngoài nhìn vào, cũng thấy mình không ổn, thì họ sẽ hợp tác với mình không hiệu quả.
Câu hỏi 6: Quan hệ với Việt kiều
BBC: Sau hơn một năm làm việc tại Mỹ, đại sứ đánh giá thế nào về mối quan hệ với cộng đồng người Việt tại đây?
LCP: Đồng bào trong nước lúc nào cũng chăm chú theo dõi, lúc nào cũng mong muốn bà con, dù bất kỳ ở đâu, cũng có cuộc sống tốt lành, đoàn kết, tôn trọng luật pháp địa phương, xây dựng nơi đang chăm sóc mình. Vì vậy, VN đã có nhiều chính sách thuận lợi như miễn visa, cho hưởng song tịch, cho mua nhà... Nhà nước sẽ làm mọi thức có thể làm được để quan hệ giữa bà con và trong nước ngày càng chặt chẽ hơn.
Sau hơn một năm ở đây, tôi thấy tình cảm bà con chuyển biến nhiều. Có những người trước đây chưa hiểu lắm, bây giờ cũng hiểu đôi chút. Có những người trước đây chống đất nước, bây giờ cũng thay đổi suy nghĩ.
Chúng tôi sẵn sàng tiếp xúc với bà con, nghe tâm tư, thậm chí chỉ trích của bà con để làm sao trong nước hoàn thiện hơn, thì cũng là một trong những yếu tố làm cho bà con tự hào hơn mình là người VN ở nước ngoài.
Câu hỏi 7
BBC: Ông Joseph Cao vừa trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội Mỹ. Một trong những việc đầu tiên của ông là đề nghị đưa VN trở lại danh sách các nước đàn áp tôn giáo (CPC). Đại sứ có đồng ý là những vấn đề chính trị, nhân quyền sẽ luôn là khúc mắc giữa chính phủ trong nước và Việt kiều tại đây?
LCP: Với đại bộ phận Việt kiều tại đây, cái đó không phải là vướng mắc. Người ta về thăm đất nước, biết dân chủ là thế nào, nhân quyền ra làm sao, đời sống phát triển thế nào.
Nhưng phải khẳng định giữa VN và Mỹ đang có cách nhìn khác nhau về dân chủ, nhân quyền. Đã có diễn đàn đối thoại nhân quyền hàng năm, mang lại hiệu quả cao.
Chắc nhiều người mừng khi ông Joseph Cao trở thành nghị sĩ người Việt đầu tiên. Chúng tôi chưa tiếp xúc với ông ấy, cũng chưa phê phán. Nhưng tôi nghĩ thế này, đến ông Obama làm đến tổng thống thì ông ấy vẫn là người gốc Kenya. Bà con người Việt ở đây muốn làm đến tổng thống, thủ tướng thì vẫn là người Việt. Mà nếu lại đi nói xấu VN, người nghe cũng cảm thấy mình không đứng đắn lắm.
Chúng tôi mong muốn tất cả những người Việt có gì thì góp ý thẳng thắn với đồng bào trong nước, có gì chỉ trích thì cứ chỉ trích, nhưng không nên chống lại đồng bào mình.
Còn hệ thống chính trị, có thể có nhiều ý kiến khác nhau, và chúng ta chấp nhận sự khác nhau để cùng tồn tại trong cộng đồng người Việt.
Câu hỏi 8
BBC: Đại sứ nghĩ thế nào về nhận định trao đổi giáo dục là sự đầu tư cho tương lai quan hệ hai nước?
LCP: Hai bên đã lập được nhóm công tác về hợp tác giáo dục, đã họp hai cuộc mà tôi cũng là thành viên tham gia. Hiện nay tri thức của VN chưa đủ theo kịp tầm phát triển của đất nước, nên phải hướng ra thế giới xem chỗ nào tốt nhất thì ta học. Mỹ, Anh và một số nước là những nơi trình độ giáo dục rất cao.
Chính phủ chủ trương tăng cường đưa sinh viên sang Mỹ, đưa giáo viên, tiến sĩ VN sang Mỹ đào tạo lại, tăng cường hợp tác với các hệ giáo dục của Mỹ. Chúng tôi dự kiến sẽ có 20.000 tiến sĩ được đào tạo đến năm 2020.
Đi học thì tốn kém, nhưng tốn kém cũng phải học. Trong gần 9000 sinh viên hiện nay học ở Mỹ, khoảng 85% là tự túc. Điều đó cho thấy sự hiếu học của người VN và mong muốn được hưởng sự giáo dục cao. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình vì việc này.
MỘT CÁI NHÌN TỔNG QUÁT
Khi bình luận vê những câu trả lời của ông Lê Công Phụng, một số người Việt hải ngoại chỉ chú ý đến những lời ông Phụng nói về dân biểu Cao Quang Ánh chứ không chú trọng đến những điểm chính trong bài phỏng vấn. Trái lại, một số người ở trong nước đã tán dương quan điểm của ông Phụng khi trình bày chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông Bình ở Sài Gòn viết:
“Theo tôi chính sách ngoại giao như vậy là tuyệt vời, chúng ta chỉ nên là bạn của Mỹ "trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau mà thôi" và phải khiến các cường quốc tranh thủ mình để làm lợi cho đất nước là tốt nhất. Việt Nam có làm đồng minh của Mỹ cũng chỉ là một vật tế để Mỹ đổi chác với TQ mà thôi. VNCH xưa kia đã rất rõ rồi. Vả lại VN ở quá xa Mỹ khó có thể ảnh hưởng trực tiếp với quyền lợi của Mỹ và Mỹ cũng sẽ sẵn sàng mang VN ra đổi chác nếu giá cả có lợi cho Mỹ trong khi chúng ta ở quá gần TQ và TQ sẽ dùng toàn lực để không mất ảnh hưởng ở VN. Phải khôn khéo để giữ vững độc lập tự do. TQ hay Mỹ cũng đểu như nhau mà thôi.”
Ông Trung ở Hà Nội nhìn vào một khía cạnh khác:
“Tuyệt vời! Đại sứ đã trả lời phỏng vấn rất tuyệt. Và tôi thích nhất ý kiến của Đại sứ: "Chúng tôi mong muốn tất cả những người Việt có gì thì góp ý thẳng thắn với đồng bào trong nước, có gì chỉ trích thì cứ chỉ trích, nhưng không nên chống lại đồng bào mình."
Trên một số báo chí Việt ngữ ở hải ngoại hay trên các diễn đàn Internet, chúng ta thường gặp một lối “tham luận” không phù hợp với phương pháp luận. Họ thường tách một vài đoạn hay chi tiết nhỏ ra khỏi văn mạch của toàn bài bình luận hay phỏng vấn, rồi  “bốc thơm”, “bốc thúi”. “chất vấn” hay xuyên tạc. Đây là lối tranh luận thiếu lương thiện, kể cả đối với “địch.” Ở đây, chúng tôi chỉ muốn đưa ra một cái nhìn tổng quát về những điểm chính mà ông Lê Công Phụng đã trình bày để xem chính sách đối ngoại của Hà Nội hiện nay như thế nào.
TRỌNG TÂM VẤN ĐỀ
Điểm quan trọng nhất mà đài BBC đã đặt ra với ông Lê Công Phụng là “Quan hệ tay ba của VN với Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ như thế nào?”
Ông Lê Công Phụng đã tỏ ra khôn khéo khi nói: “VN không có ý nghĩ là tăng cường hợp tác với Mỹ để chống TQ, hay tăng cường hợp tác với TQ để làm hại quan hệ với Mỹ. Đó không phải là lập trường của VN.” Nhưng vấn đề không phải đơn giản như vậy.
Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, Hà Nội vẫn theo “chính sách đu dây” để tồn tại và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước mạnh.
1.- Bang giao với Trung Quốc
Trong chiến tranh Việt Nam, có khi Hà Nội đã tranh thủ được sự ủng hộ của cà Liên Sô và Trung Quốc, có khi Hà Nội phải đu dây giữa Liên Sô và Trung Quốc để giữ được thế đứng của mình, nhờ vậy Hà Nội đã thu hút được viện trợ của cả hai nước “đồng chí” này để theo đuổi cuộc chiến.
Tuy nhiên, Hà Nội đã chịu áp lực khá nặng nề của Trung Quốc trong đường lối chỉ đạo chiến tranh cũng như cải tạo xã hội. Trước năm 1950, Việt Minh bị Pháp đuổi chạy dài. Phải đợi đến khi Mao Trạch Đông đánh bại được Tưởng Giới Thạch, chiếm được toàn bộ đất nước Trung Quốc, Việt Minh mới được Trung Quốc huấn luyện, cung cấp vũ khí và tiếp liệu để chống lại Pháp. Nếu không có sự thắng trận của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, sẽ không bao giờ có sự thắng trận của Việt Minh ở Việt Nam. Để đồi lại, dưới áp lực của Trung Quốc, Đảng CSVN phải thực hiện cuộc “cải tạo xã hội chũ nghĩa” ở miền Bắc, trong đó có cuộc cải cách ruộng đất theo mô thức của Trung Quốc. Chính cuộc “cải tạo xã hội chủ nghĩa” này đã làm cho nhân dân miền Bắc điêu đứng.
Nói một cách tổng quát, khi cần đến Trung Quốc, Trung Quốc muốn gì Đảng CSVN đều cố gắng làm. Một thí dụ cụ thể:
Ngày 4.9.1958, Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo Hiệp Định Genève năm 1954, Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc chủ quyền của VNCH vì nằm ở phía nam vĩ tuyến 17. Một nguyên tắc căn bản của luật pháp là “Nemo dat quod non habet”, tức không ai có thể cho cái mình không có.
Ấy thế mà Ha Nội đã cho Thủ Tướng Phạm Văn Đồng viết cho Chu Ân Lai, Tổng Lý Quốc Vụ Viện Trung Quốc một văn thư đề ngày 14.9.1958 nói rằng Chính Phủ VNDCCH tán thành tuyên bố ngày 4.9.1958 của CHND Trung Quốc.
Hà Nội thừa biết văn thư này chẳng có giá trị gì về phương diện pháp lý, nhưng cứ viết để lấy lòng Trung Quốc và xin Trung Quốc viện trợ cho để đánh chiếm miền Nam Việt Nam.
Sau khi cuộc chiến Việt Nam chấp dứt, Hà Nội lại gặp khó khăn khi bị Trung Quốc áp lực đòi hỏi Việt Nam phải đi theo đường lối của Trung Quốc. Hà Nội đã cưởng lại và bị Trung Quốc “dạy cho một bài học”.
Tháng 10 năm 1979, Bộ Ngoại Giao Hà Nội cho xuất bản cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua” như một cuốn bạch thư tố cáo những thủ đoạn gian trá của Bắc Kinh trong 30 năm bang giao, nhất là về chính sách bá quyền. Bạch thư viết:
“Trong hàng nghìn năm qua, nước Việt Nam đã bị các hoàng đế Trung Quốc xâm lược hàng chục lần, nhân dân Việt Nam hiểu rõ những ý đồ đen tối của những người lãnh đạo Trung Quốc cho nên không một phút nào là không cảnh giác đồi với họ.”
Bạch thư viết tiếp:
“Để đạt mục tiêu bành trướng và bá quyền của họ, những người cầm quyền Bắc Kinh đã nâng lừa dối và bịp bợp thành một quốc sách, một thủ đoạn chiến lược. Về phương diện này, từ chỗ là những người học trò của Gơ-ben (Goebel, Bộ Trưởng tuyên truyền của Hitler) họ trở thành người thầy của Gơ-ben.”
Thế nhưng sau cuộc viếng thăm Việt Nam của Giang Trạch Dân từ 27.2.2002 đến 1.3.2002, hai bên lại ra thông cáo chung, trong đó có những đoạn như sau:
“Hai bên hài lòng trước những bước phát triển mạnh mẽ gần đây trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước, góp phần không ngừng củng cố và nâng cao sự tin cậy lẫn nhau...”
2.- Bang giao với Mỹ
Quan hệ ngoại giao với Mỹ cũng phức tạp không kém gì bang giao với Trung Quốc. VNCH có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này hơn ai hết.
Chúng ta nhớ lại, vào năm 1962, khi thấy Mỹ định đổ quân vào miền Nam, Hà Nội đã tìm cách thương lượng với chính phủ Ngô Đình Diệm để ngăn chận vụ này. Hà Nội đã nhờ Linh mục Nguyễn Viết Khai, lúc đó là tuyên úy cho các giáo dân ờ đồn điền Tánh Linh, thông báo cho ông Diệm biết Hà Nội muốn ngưng chiến và mở hiệp thương với VNCH. Vào Tết Qúy Mão (1963), Hồ Chí Minh đã gởi tặng Ngô Đình Diệm một cành đào. Tháng ba 1963, Hà Nội phái Tướng Trần Độ đến Dinh Gia Long gặp ông Ngô Đình Nhu. Sau đó, ông Ngô Đình Nhu đã bí mật đến Tánh Linh bàn chuyện với Phạm Hùng.
Dĩ nhiên Mỹ biết chuyện này và tìm cách phá. Trong công điện mang tên DEPTEL 243 ngày 24.8.1963 ra lệnh cho Toà Đại Sứ Mỹ ở Saigon tổ chức đảo chánh lật đổ ông Diệm, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có “mách nước” cho các tướng lãnh Việt Nam ghi vào tuyên bố đảo chánh việc chính phủ ông Diệm liên lạc với Việt Cộng, nhưng các tướng lãnh không ghi.
Dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, năm 1969, khi thấy Mỹ tìm cách liên lạc và nói chuyện với Việt Cộng, ông Thiệu cũng muốn nói chuyện với MTGPMN. Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng đã giới thiệu Huỳnh Văn Trọng, một người bạn của ông ta từ lúc ở Huế, làm Phụ Tá Đặc Biệt cho ông Thiệu với nhiệm vụ đặc trách liên lạc với MTGPMN. Nguyễn Cao Thăng đã chọn ba người phụ tá cho Huỳnh Văn Trọng (tôi đã phỏng vấn 2 người). Nhờ Linh mục Vũ Ngọc Nhuận tìm kiếm và giới thiệu, Huỳnh Văn Trọng đã dùng Vũ Ngọ Nhạ, một cán bộ Việt Cộng hồi chánh, để liên lạc với MTGPMN. Huỳnh Văn Trọng đã gặp Phạm Hùng nhiều lần, khi ở Đồng Ông Cộ, khi ở cầu Bình Lợi, khi ở Hàng Xanh (nơi vợ bé Phạm Hùng ở).
CIA biết được chuyện này nên đã sai ông William James Porter báo cho Tổng Nha Cảnh Sát biết và cung cấp cho Tổng Nha các máy thu thanh và thu hình tự động rất tinh vi để theo dõi nội vụ. Ngày 20.9.1969 Tổng Nha Cảnh Sát đã mở cuộc hành quân xúc toàn bộ. Cho đến nay, một vài viên chức ở Tổng Nha Cảnh Sát không rõ nội vụ, cứ tưởng mình có công lớn trong vụ này!
Vì vụ Huỳnh Văn Trọng bị bại lộ, Tổng Thống Thiệu đành hy sinh Huỳnh Văn Trọng. Nhưng sau đó, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho bắt Trần Ngọc Hiền, một thành ủy viên của Thành Ủy Sài Gòn, mặc dầu cơ quan an ninh VNCH đã đồng ý để cho Trần Ngọc Hiền làm trung gian liên lạc giữa Mỹ và Việt Cộng. Bị “phản pháo” bằng vụ này, CIA điên lên!
(Những bí ẩn về hai vụ này với nhiều chi tiết hấp dẫn sẽ được chúng tôi cho in trong một cuốn sách sắp xuất bản)
Ngày nay, Hà Nội gặp nhiều thuận lợi hơn VNCH trong việc hợp tác với Mỹ vì ba lý do chính sau đây: Trước tiên, Mỹ muốn Hà Nội đóng vai trò của VNCH trước đây ở Đông Nam Á. Thứ hai, Mỹ và các cường quốc muốn biến Việt Nam thành một đầu cầu cho việc phát triển thương mại trong vùng vì Việt Nam có vị trí rất thuận lợi, tình hình ở Việt Nam lại ổn định. Hiện nay, Mỹ và các cường quốc đang giúp Việt Nam xây dựng các hạ tầng cơ sở (kể cả con đường xuyên Á) để từ đó sản xuất và lưu thông hàng hoá ra trong vùng. Thứ ba, khi dùng dân quyền hay quyền tự do tôn giáo để áp lực Việt Nam thoả mãn một số yêu cầu của Mỹ, Mỹ cũng chỉ hành động có giới hạn để tránh Việt Nam xích lại gần Trung Quốc nhiều hơn.
Đối với Trung Quốc, lúc nào Hà Nội cũng phải khôn khéo và cảnh giác, vì nếu để Trung Quốc phật ý, Trung Quốc sẽ dùng những thủ đoạn áp lực kinh tế bẩn thỉu, đưa Việt Nam vào tình trạng khó khăn. Đây là kinh nghiệm xương máu.
“TIẾT HẠNH KHẢ PHONG”
Đại đế Napoleon đã từng nói: “Nếu muốn nắm ưu thế thì cứ 10 năm phải thay đổi chiến thuật.” Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như Hoa Kỳ đã thay đổi chiến thuật như trở bàn tay. Duy chỉ “người Việt chống cộng” dù đã bỏ chạy hai lần, vẫn chủ trương “trước sau như một”, chẳng những không thay đổi trong suốt hơn 53 năm qua mà còn lên án bất cứ ai muốn thay đổi là “bọn trở cờ đón gió”.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” có kể lại rằng bà Trần Thị Bàn, người thôn Động Hải, huyện Phong Lộc, năm 23 tuổi sinh một con trai và một con gái, chồng chết, xóm làng nhiều người muốn lấy, thị không chịu, triều đình nghe biết, thưởng cho bạc tiền và ban khen. Chúng tôi nghĩ rằng “người Việt chống cộng” cũng đáng được ban hàm “Liệt nữ” với bốn chữ “Tiết Hạnh Khả Phong” để cho người đời sau coi đó làm bài học.
Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.