Chế độ độc quyền đã làm thui chột nền giáo dục Việt Nam |
Tác Giả: Vi Đức Hồi | |||
Thứ Hai, 09 Tháng 2 Năm 2009 01:13 | |||
“…Cải cách giáo dục, trước hết phải cải cách thể chế chính trị, tạo ra sân chơi bình đẳng để cho con em mọi tầng lớp trong cộng đồng xã hội có cơ hội thăng tiến ngang nhau, bình đẳng để cống hiến hết khả năng của mỗi người cho tổ quốc…” "Chế độ độc quyền đã làm thui chột nền giáo dục Việt Nam". Đó là tiếng nói chung của những người dân thấp cổ, bé họng. Họ là những người lao động lương thiện không có chút địa vị trong xã hội, cũng chẳng có kinh tế trong tay khá giả gì. Nói về hiện trạng giáo dục nước nhà, có thể cách nói của mỗi người có khác nhau, nhưng chung quy lại là như vậy. Tôi bắt đầu để tâm suy nghĩ và giật mình nghĩ đến nền giáo dục nước nhà mà ngay tại bây giờ báo chí trong và ngoài nước đang lên tiếng báo động. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học mà các nhà chức trách không phải không biết đến mà có lẽ đã cố tình né tránh không nói đến? Nhìn vào thực tế từ mười năm trở lại đây, đội ngũ cán bộ công chức được tuyển dụng vào các cơ quan của đảng, nhà nước việt nam ở các cấp, tuyệt đại đa số chỉ gồm hai thành phần chính: Một là con em của những người có chức, có quyền trong xã hội; hai là những con em là gia đình có kinh tế khá giả. Thử lần mò đi tìm nguyên nhân để lý giải việc này thì thấy đối tượng bỏ học chỉ là những con em của nông dân và lao động thuần tuý. Họ buộc phải cho con nghỉ học bởi không chỉ vì lý do khó khăn kinh tế, không chỉ vì sức học yếu không theo kịp chương trình, không chỉ vì trường lớp xa, đi lại khó khăn, nguy hiểm, mà còn có những lý do sau đây: Có quá nhiều chính sách đặc quyền ưu tiên: Trong chế độ tư bản, các ông chủ có chính sách ưu tiên đối với công nhân để họ tận tâm, tận lực làm việc và gắn bó với nhà máy, xí nghiệp của mình, đó là các hình thức ưu tiên bố trí chỗ ở, tạm ứng lương để mua sắm phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt... cho công nhân mình; ưu tiên các thế hệ trong gia đình nối tiếp nhau làm việc cho nhà máy... Trong khi ở Việt Nam ngày nay hàng loạt các chính sách ưu tiên cho con em mình (cha truyền, con nối) ra đời để lũ lượt kéo nhau vào chiếm đóng tại các cơ quan đảng, nhà nước ở mọi cấp. Thử thống kê các ngành điển hình như công an, quân đội, ngân hàng, bưu chính viễn thông, tư pháp... mỗi ngành tự ra quy định riêng ưu tiên cho con em mình nối nghiệp cha ông. Việc ưu tiên này được áp dụng từ khâu xét tuyển vào tại các trường chuyên nghiệp của ngành, cho đến việc tuyển dụng vào các cơ quan, đơn vị trong ngành. Theo đó, khi con em trong ngành thi vào tại các trường mà bố mẹ đang công tác sẽ có chính sách riêng như: Có số điểm ưu tiên để cộng thêm vào số điểm dự thi hoặc có chính sách ưu tiên xét tuyển; khi ra trường, được ưu tiên bố trí việc làm trong ngành. Trong công tác tuyển dụng, có đến một trăm linh một kiểu tuyển dụng khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay có thể khái quát thành hai cách tuyển dụng công chức, đó là tuyển dụng theo chiều ngang và tuyển dụng theo chiều dọc. Tuyển dụng theo chiều ngang là: Lĩnh vực tổ chức biên chế, công tác quản lý, tuyển dụng, điều động, đề bạt cất nhắc, sa thải... đều do cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết định, vì đội ngũ này hưởng lương từ nguồn ngân sách địa phương chi trả. Đây là sân chơi dành riêng cho đội ngũ cán bộ có chức sắc ở các cấp địa phương thả sức thao túng, có thể bố trí, gán ghép cho con em mình vào những vị trí được coi là “béo bở”. Trong thực tế hiện nay nếu bố mẹ có chức quyền từ trưởng, phó phòng cấp huyện trở lên thì vấn đề xin việc cho con cái sẽ là việc “nhỏ như con thỏ”, (trừ trường hợp con cái quá dốt hoặc quá hư hỏng). Sau đây là một vài thủ đoạn tuyển dụng công chức. Thứ nhất là thi tuyển công chức: Về mặt hình thức đây là thi tuyển công khai. Trước khi thi, “hội đồng chấm thi” đã có một “danh sách” để nghiên cứu, ở đó là những con em “được ưu tiên”. Phương thức thi gồm hai phần, thi viết và thi vấn đáp. Phần viết thì những người có trong danh sách “được ưu tiên” sẽ được giám thị làm ngơ khi giở sách, phần thi vấn đáp chính là phần quan trọng nhất để “hội đồng chấm thi” thả sức nâng điểm cho các đối tượng cần nâng, đánh tụt điểm cho những đối tượng cần đánh tụt. Phần này không ai có thể thưa kiện được nếu như ai đó thấy bất hợp lý. Hai là tuyển thẳng vào cơ quan làm tạp vụ, bảo vệ, văn thư... khi đã thế được chân, mới bắt đầu đi học các lớp tại chức (vừa học vừa làm). Cách này là ngon ăn nhất, vừa đi học vừa có lương, có nhiều trường hợp vào biên chế mới đi học. Thứ ba là: Mặc cả con cái thế chân bố mẹ, khi bố mẹ ngấp nghé đến tuổi nghỉ hưu,mặc cả với tổ chức đưa con vào thay chân, được như vậy bố mẹ có thể nghỉ sớm một vài năm cũng vui, nếu không được thì tìm mọi cách chây ì ở lại mặc dù tuổi nghỉ hưu đã đến v.v. Tuyển dụng theo chiều dọc: Có nghĩa là toàn bộ quỹ lương, tổ chức biên chế do các bộ, ban hay ngành trung ương quản lý. Đó là các ngành như toà án, viện kiểm sát, thi hành án, kho bạc, bảo hiểm xã hội, các kênh ngân hàng... các ngành này ở trung ương (TW) có toàn quyền tuyển dụng và điều động đến bất cứ đơn vị nào trong ngành trên phạm vi toàn quốc. Thực thi quyền hạn này, hiện nay ở cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đâu đâu cũng nhan nhản những cán bộ là con em của các quan chức TW được tăng cường đến. Phần lớn những người này khi được biên chế, hoặc có cơ hội thì tìm cách quay về TW (Hà Nội). Bây giờ nói đến thành phần thứ hai: Những con em tuy không có chức sắc nhưng lắm tiền. Câu nói “có tiền mua tiên cũng được” giờ đây hoặc ít nhất trong lĩnh vực này đã không hoàn toàn đúng, vì không phải có tiền là có thể đưa con em mình vào chiếm lĩnh được những vị trí theo mong muốn, chỉ khi có cơ hội nhất định đó là nhu cầu của cơ quan đơn vị đang có, trong khi các con em những người có quyền lực không có nhu cầu vào ngành đó hoặc đã an phận, thì cơ hội này được chuyển giao tới những người có tiền. Tiền để chạy việc không có định mức, mà tùy từng trường hợp, tùy từng việc cụ thể. Tôi có người em họ có thằng con học trung cấp điện ra, xin mãi không được việc, vừa rồi có người đến mặc cả nộp 80 triệu đồng sẽ thu nạp đi làm, nhưng ở tận Tây Bắc, cách nhà trên 600km. Gia đình chắp tay ”lạy cụ”. Vậy là con đường đi tới công sở của đảng nhà nước ở các cấp đã không còn chỗ thế chân cho những con em là người dân lao động. Cứ theo đà này trong vài năm tới toàn bộ cái gọi là “hệ thống chuyên chính vô sản” sẽ hoàn toàn chỉ là con em của tập đoàn cộng sản đang nắm trong tay quyền lực thao túng đất nước, mặc thây năng lực ra sao, miễn là không bị “chập mạch”, không có tiền án, tiền sự, không nghiện ma tuý là được. Hiện cả nước có trên 3 triệu đảng viên, trong đó có khoảng 1 triệu có quyền, có chức. Nếu duy trì số lượng công chức khoảng trên dưới 2 triệu người như hiện nay thì số con cái của 1 triệu đảng viên cộng sản đang nắm quyền lực có lẽ cũng vừa đủ chỗ xếp. Là cha, là mẹ, ai cũng muốn cho con mình được học hành đến nơi, đến chốn, ai cũng muốn con mình tiến bộ (“con hơn cha là nhà có phúc”) và sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Song dưới chế độ độc quyền này, con em của những người dân lao động đã không còn cơ hội để tiến thân, vì xét trên mọi phương diện, họ đều là người yếu thế không đủ sức để lọt vào vòng trong sau những lần vòng loại. Vì vậy họ là người đã “biết mình, biết ta” nên đã tự bằng lòng chỉ cần con cái mình học đến “cấp” biết đọc, biết viết là được, mặc cho thiên hạ bon chen. Vậy là giờ đây khoảnh trời riêng, sân chơi riêng giành cho con cái của các quan chức đã được định vị. Ở đó họ xô đẩy nhau, giành giật nhau chỗ đứng lợi thế để tiếp tục sự nghiệp ông cha trị vì thiên hạ. Không ai phủ nhận những nguyên nhân dẫn đến các cháu bỏ học mà các học giả đã nhiều lần nói đến, nhưng chúng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là thể chế chính trị độc quyền đã tạo ra đại bộ phận cho những con em nông dân bỏ học vì họ đã tai nghe, mắt thấy cảnh những con em của họ học ra trường không tìm được việc làm, cảnh ngược xuôi tìm kiếm việc cho con, cảnh chạy tiền để cung tiến cho các quan chức... mà đối với họ thật xa lạ và quá tầm với. Cải cách giáo dục, trước hết phải cải cách thể chế chính trị, tạo ra sân chơi bình đẳng để cho con em mọi tầng lớp trong cộng đồng xã hội có cơ hội thăng tiến ngang nhau, bình đẳng để cống hiến hết khả năng của mỗi người cho tổ quốc. Duy trì thể chế chuyên quyền độc đoán trên lĩnh vực nói trên, không những không tuyển chọn được hiền tài phụng sự đất nước mà nó còn tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa con người với con người, tạo ra hố ngăn cách ngày càng sâu giữa thành thị và nông thôn, giữa giai cấp công nhân với nông dân, giữa công dân với nhà nước và nếu nhìn một cách sâu hơn nó đã và đang phá hoại sự đoàn kêt dân tộc. Đấy không chỉ là sai lầm mà còn là có tội với đất nước, đối với dân tộc. Người dân lao động hy vọng ở những người đang chèo lái con thuyền Việt Nam sớm thức tỉnh lương tri để cứu vãn một dân tộc đang đứng bên bờ vực thẳm.
|