Đối thoại và thoả hiệp: đường dẫn tới dân chủ của Ba Lan |
Tác Giả: Lê Diễn Đức | |||
Thứ Ba, 24 Tháng 2 Năm 2009 22:27 | |||
“… Ai đó nói rằng, đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ biết bơi nếu không cho nó xuống nước. Thật chí lí với người Ba Lan khi họ quyết định lội vào dòng dân chủ …” Cách đây 20 năm, 6/02/1989, ngày mở đầu Hội nghị bàn tròn lịch sử giữa nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan và Công Đoàn Đoàn Kết. Hội nghị bàn tròn là tiến trình đối thoại, dẫn tới chuyển hoá bất bạo lực từ chế độ cộng sản sang thể chế dân chủ của Ba Lan, tạo nên hiệu ứng đô-mi-nô cho hàng loạt các nước cộng sản khác ở Trung-Đông Âu, làm thay đổi cục diện chính trị toàn châu lục và thế giới. Tại hội nghị bàn tròn, một phía là những người cộng sản cầm quyền; phía kia là những nhà hoạt động dân chủ đã từng bị truy bức hoặc ngồi tù bởi chính những người đối diện. Họ không quen biết nhau, không trọng nhau, không tin nhau, thậm chí thù ghét nhau. Tổng biên tập nhật báo Gazeta Wyborcza, Adam Michnik, bấy giờ là một trong các đại diện của phe đối lập, viết: “Với cả bên này và bên kia đều là cuộc thử thách - chúng ta đừng sợ đại ngôn - trước lòng yêu nước và trách nhiệm với Ba Lan. Tôi nghĩ rằng, trong những ngày ấy, tất cả đều đã vượt qua thử thách này.” (Gazeta Wyborcza, 4/04/2006). Hội nghị bàn tròn xuất phát từ sáng kiến của thủ lĩnh Công đoàn Đoàn Kết L. Walesa và tướng C. Kiszczak, Bộ trưởng Nội vụ trong cuộc gặp mặt vào tháng 8/1988. Hội nghị diễn ra ở một số địa điểm, kết thúc tại Warszawa, với 452 người tham dự. Chương trình tập trung vào ba vấn đề: Kinh tế và chính sách xã hội; Cải cách chính trị; Đa nguyên cho công đoàn. Chính quyền cộng sản đồng ý ngồi đàm phán với phe đối lập trước hết do áp lực của làn sóng bãi công, tranh đấu đòi tự do, dân chủ diễn ra liên tục trên toàn quốc từ nhiều năm trước, mãnh liệt nhất vào giai đoạn sau khi ban bố tình trạng chiến tranh ngày 13/12/1981. Thứ đến, kinh tế suy sụp, lạm phát phi mã, nợ chồng chất, khiến nhà cầm quyền không còn căn cước xã hội để giải quyết các nan đề. Họ muốn trút một phần gánh nặng và trách nhiệm cho đối lập, từ đó lấy lại niềm tin của dân chúng, thực hiện các cải cách cứu vãn kinh tế. Michnik viết: “Chắc chắn bên ngoài chiếc bàn tròn là sự yếu đuối. Những người cầm quyền bị suy yếu khó có thể huỷ diệt đối lập dân chủ, những người đối lập thì còn yếu không thể lật đổ chế độ cộng sản. Bên trên sự thoả hiệp lởn vởn bóng đen của nước Nga đang mò mẫm tự do nhưng bị ràng trói bởi chủ nghĩa đế chế và cộng sản. Những người cầm quyền tới Hội nghị bàn tròn với niềm tin rằng, phải thay đổi tất cả để làm sao mọi thứ vẫn như cũ. Những người đối lập dân chủ thì tin rằng, cần phải tôn trọng mọi thực tế để làm sao thay đổi tất cả”- (Gazeta Wyborcza, 4/04/26). Tiến trình dân chủ Qua 2 tháng đàm phán gay go, kết thúc vào ngày 5/04/1989, Hội nghị bàn tròn đạt được thoả thuận quan trọng: bảo đảm bầu cử tự do 35% tổng số ghế của quốc hội và tự do hoàn toàn cho 100 ghế của Thượng viện. Trong cuộc bầu cử 4/06/1989, phe đối lập đã giành được 99 trong 100 ghế của Thượng viện và lấy hết 35% số ghế quốc hội. Quốc hội “chuyển tiếp” hình thành và chỉ định W. Jaruzelski, Bí thư thứ nhất đảng cộng sản, làm tổng thống. Ba tuần sau, chính phủ không cộng sản đầu tiên được thành lập kể từ 45 năm. Ngày 9/12/1989, Lech Walesa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tự do đầy kịch tính. Tháng 27/01/1990, đảng cộng sản Ba Lan tuyên bố giải thể. Phần lớn đảng viên chuyển sang hoạt động với khuynh hướng mới trong tổ chức mang tên Liên Minh Cánh Tả Dân Chủ. Ngày 27/10/1991, bầu cử quốc hội tự do. Hàng trăm đảng phái ra tranh cử. Có 29 đảng lọt vào quốc hội nhưng không đảng nào đạt đa số. Phe đối lập dân chủ thành lập chính phủ liên minh. Từ đây đánh dấu bước chuyển mình khó khăn của nền dân chủ non trẻ Ba Lan. Có dân chủ, các đảng phái chính trị đua nhau ra đời như nấm mọc sau cơn mưa. Cuộc tranh giành quyền lực lúc nào cũng quyết liệt bởi tham vọng, chia rẽ, cục bộ, quan liêu, tham nhũng. Trong 10 năm đầu thay đổi thủ tướng đến 7 lần! Thế nhưng, những bài học cọ xát đã giúp ý thức dân chủ trưởng thành. Qua 20 năm sàng lọc, các tổ chức yếu kém, cực đoan bị loại dần, chỉ còn từ 4 đến 5 đảng lọt vào quốc hội. Theo thời gian, sinh hoạt dân chủ Ba Lan phát triển và tự hoàn thiện, an ninh xã hội ổn định, mức sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Những năm gần đây Ba Lan đạt mức tăng trưởng hàng đầu ở châu Âu. Từ nền kinh tế cộng sản kiệt quệ, đến năm 2008, Ba Lan có tổng thu nhập GDP 567,4 tỷ đôla (với 38,1 triệu dân), là thành viên quan trọng của Liên hiệp châu Âu (EU) và Khối Quân sự NATO. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới hiện thời, Ba Lan tuy bị ảnh hưởng nhưng đứng khá vững vàng với hệ thống ngân hàng an toàn và cơ hội kích hoạt kinh tế lớn từ việc tận dụng quỹ xây dựng hạ tầng nhiều tỷ euro của EU. Ai đó nói rằng, đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ biết bơi nếu không cho nó xuống nước. Thật chí lí với người Ba Lan khi họ quyết định lội vào dòng dân chủ. Các giá trị cơ bản của dân chủ và nhân quyền không phải của riêng ai hay do Mỹ và Tây phương áp đặt, mà là sản phẩm chung của nhân loại. Nó cho phép người Ba Lan bằng lá phiếu của mình được quyền đào thải những kẻ bất tài, thất đức và quyền được chọn những người có hạnh kiểm tốt và trí tuệ giỏi điều hành đất nước. Thắng lợi hay phản bội? Trong 20 năm qua, Hội nghị bàn tròn là một trong những sự kiện thuộc về quá khứ cộng sản vốn vẫn thường xuyên là đề tài nhức nhối, phức tạp trong xã hội Ba Lan. Không phải ai cũng đánh giá tích cực Hội nghị bàn tròn, thậm chí còn phủ nhận nó, kể cả những người đã trực tiếp tham dự. Truyền thông, báo chí tự do với trách nhiệm làm công bằng và lành mạnh hoá xã hội, đưa các sự kiện ra mổ xẻ, phân tích. Nhiều người cho rằng, Hội nghị bàn tròn là màn kịch do an ninh cộng sản đạo diễn và ngồi chung với cộng sản/kẻ thù là phản bội lại lý tưởng tự do, dân chủ. J. Olszewski, cựu Thủ tướng Ba Lan (1991-1992) đưa ra các dẫn chứng kết luận Hội nghị bàn tròn chỉ nhằm hợp thức những gì an ninh cộng sản đã sắp đặt trước với Lech Walesa - (Tuần báo Glos, số 54, 1989). J. Korwin-Mike, một nhà hoạt động đối lập nhận định Hội nghị bàn tròn chẳng qua là sự chấp nhận chuyển chế độ màu đỏ sang hồng. J. Kurski, dân biểu quốc hội nói: “Tôi sẵn sàng đồng ý với giả thiết rằng, không có Hội nghị Bàn tròn thì chế độ cộng sản ở Ba Lan cũng sụp đổ” – (Gazeta Wyborcza, 4/04/2006). Đương kim tổng thống L. Kaczynski, người đã tham dự hội nghị, từ lâu không cảm thấy toại nguyện về Hội nghị bàn tròn, nói: “Hội nghị bàn tròn có thể và cần phải phê phán. Nhưng dù sao cũng là bước cần thiết, đấy là những thoả thuận nào đó” – (Gazeta Wyborcza, 4/04/2006). Tuy nhiên, trong ngày 1/02/2009, trả lời phỏng vấn đài truyền hình tin tức TVN24 của Ba Lan nhân dịp kỷ niệm 20 năm, ông phát biểu có vẻ chân thực hơn: “Hội nghị bàn tròn cần phải được xem như cuộc nói chuyện với kẻ chuyên quyền. Tiến trình thân thiện giữa phía chúng ta với nhà cầm quyền đã cho phép xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực. Trong chúng ta, một số người đã chú ý rằng, ngoài nhà cầm quyền thì còn nhiều tổ chức xã hội khác mà họ hoặc phải phá vỡ, hoặc néo kíu về phía mình. Những người cộng sản đã chọn phương án thứ hai”. “Chủ nghĩa cộng sản có thể một lúc nào đó rồi cũng sụp đổ, bởi vì Liên Xô sớm hay muộn cũng sẽ phá sản, nhưng Hội nghị bàn tròn đã làm mùa Thu của các dân tộc tiến nhanh hơn. Thế nhưng, là động thái chiến thuật, Hội Nghị Bàn tròn trở nên hành động cần thiết”. Chính phát biểu của Lech Walesa trong thời gian khai mạc Hội nghị đã lường trước những dư luận nêu trên: “Chiếc bàn tròn này bao quanh hy vọng và cả hoài nghi. Sẽ có những người không thừa nhận những gì chúng tôi phải làm. Chúng tôi không thể không nhìn thấy và không tôn trọng. Thế nhưng chúng tôi mong đợi ở tất cả mọi người sự chia sẻ trung thực những gánh nặng trách nhiệm mà giờ phút ấy đòi hỏi” – (TVN24. PL 30/01/2009) Đối thoại và thoả hiệp Không ai có thể phủ nhận được những thành quả và vị thế kinh tế, chính trị hơn hẳn của Ba Lan ngày nay ở châu Âu cũng như trên thế giới sau khi từ bỏ chế độ cộng sản. Chân lý cuối cùng cũng chiến thắng hoài nghi và đố kỵ. Như T. Mazowiecki, thủ tướng Ba Lan không cộng sản đầu tiên năm 1989 nói: “Không thể có điểm kết của chủ nghĩa cộng sản nếu không có Hội nghị Bàn tròn” - (Gazeta Wyborcza, 4/04/2006). Trong ngày 23/01/2009, quốc hội Ba Lan ra nghị quyết tổ chức trọng thể kỷ niệm 20 năm Hội nghị bàn tròn với cuộc hội luận “Đối thoại và thoả hiệp” vào ngày 5/02/2009. Có một đồng thuận tuyệt đối, hiếm hoi giữa tất cả các đảng cầm quyền và đối lập trong quốc hội về nội dung nghị quyết. Nghị quyết có đoạn: “ Hội nghị Bàn tròn là sự cố gắng của nhân dân Ba Lan suốt gần 50 năm tranh đấu với mục đích lật đổ chế độ cộng sản. Sự cố gắng này đã không dưới một lần đồng nghĩa với sự căng thẳng và bằng sự đổ máu của các chiến sĩ tự do...”. “Những con người với chính kiến và nhân sinh quan khác nhau, từ phía Công đoàn Đoàn Kết đối lập và từ phía nhà cầm quyền bấy giờ, đã quyết định đối thoại. Sự sẵn sàng thoả hiệp ấy đã cho phép thực hiện những sứ mệnh của khoảnh khắc lịch sử”. “Cuộc chuyển hoá quyền lực bất bạo lực đã mở ra con đường xây dựng nền dân chủ ổn định trong một nhà nước với đường biên giới an toàn và quan hệ tốt với các quốc gia láng giềng”. Cũng nên nhắc lại, rất nhiều người của cả hai phía, đối lập cũng như cộng sản, từng có mặt tại Hội nghị bàn tròn, đã hoặc đang nắm những trọng trách trong đất nước Ba Lan dân chủ. Điển hình là: L. Walesa (đối lập), Tổng thống 1991-1995; L. Miller (cộng sản), Thủ tướng 2001-2004; A. Kwaśniewski (cộng sản), Tổng thống 1995-2005; L. Kaczyński (đối lập), Tổng thống 2005-2010, v.v. Bài học dân chủ Cuộc cách mạng dân chủ hoà bình ở Ba Lan và những thành quả đạt được ở các nước Đông Âu là điểm chiếu cho viễn cảnh xa hơn đối với những nước còn trong chế độ độc tài toàn trị hay chuyên chế, trong đó có Việt Nam. Tất cả phụ thuộc vào sự đòi hỏi dân chủ của người dân đến mức nào và họ có muốn lật sang trang sử mới cho dân tộc hay không. Hàng trăm cuộc biểu tình, bãi công của công nhân, nông dân và giáo dân Việt Nam trong thời gian qua chống lại chính sách đất đai, lương bổng, nạn cửa quyền, hối lộ, chính là những biểu hiện rõ rệt nhất của khát vọng tự do và công lý. Rất tiếc, phong trào dân chủ Việt Nam vốn cục bộ, chia rẽ, mang nặng đánh bóng cá nhân, đã không đủ tài lực để yểm trợ lực lượng quý giá này, phát triển nó rộng khắp trong cả nước, có tổ chức, bài bản, đe doạ trực tiếp đến quyền lực của của chế độ. Chỉ khi tạo được áp lực mạnh mẽ thì nhà cầm quyền mới chấp nhận đối thoại, đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người dân. Ngược lại, vừa có phương tiện trấn áp vừa có bộ máy tuyên truyền, nhà cầm quyền sẽ dễ dàng dẹp tan mọi cuộc tranh đấu tự phát. Tôi tin rằng, một bộ phận lớn trong số đảng viên, nhìn nhận trách nhiệm của mình với đất nước, sẽ đứng về phía quần chúng khi thấy đòi hỏi quyền lợi, dân chủ người lao động diễn ra liên tục, rộng lớn, thực sự trở thành nỗi bức xúc nghiêm trọng của xã hội. Lúc ấy, những người có bản lĩnh của cả hai phía sẽ tìm ra ngôn ngữ chung để hướng tới cách giải quyết bất bạo lực, đảm bảo cho đất nước chuyển hoá và phát triển hoà bình. Để kết luận, tôi xin trích lời của Sergei Kovalov, nhà tranh đấu nhân quyền của Nga phát biểu nhân dịp 20 năm kỷ niện Hội Nghị Bàn Tròn nói với hãng thông tấn PAP hôm 2/02: “Tôi có niềm hy vọng và suy nghĩ nhân ngày lễ của Ba Lan. Tôi sẽ vui biết bao khi ở chúng tôi, nước Nga, sẽ có một một Hội nghị Bàn Tròn, nơi người ta mời nhà cầm quyền tới mà không bị khước từ (....). Có thể buộc nhà cầm quyền tiến tới hành động nhưng vấn đề ở chỗ không được đổ máu, bởi vì đổ máu sẽ tệ hại vô cùng. Kết quả là trong sự bạo loạn - vô nghĩa và tàn nhẫn - tại Nga các lực lượng sắt máu của chính quyền sẽ nắm thế thượng phong.”
|