Nỗi ám ảnh cuối đời |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Chúa Nhật, 01 Tháng 3 Năm 2009 00:44 | |||
Phiên tòa xét xử người phóng viên Muntazer al-Zaidi, người đã ném hai chiếc giày vào Tổng Thống Bush đã được đình lại cho tới ngày 12 Tháng Ba năm nay. Không những ném giày, y còn gọi ông Bush là con chó, cả hai đều là tội nhục mạ lớn nhất ở Trung Ðông. Ông ta còn bị buộc tội tấn công một nguyên thủ viếng thăm quốc gia Iraq. Ngày 29 Tháng Giêng, 2009, sau lễ nhậm chức của Tổng Thống Barrack B. Obama, hình ảnh cựu Tổng Thống Geoge W. Bush ra phi cơ trực thăng để về Texas đã làm cho tôi cảm thấy chút bùi ngùi. Ðối với tôi, sau khi rời Tòa Bạch Ốc, cựu Tổng Thống George W. Bush đã có thể bỏ lại sau lưng những nỗi buồn vì thất bại trong nhiều địa hạt vào những năm cầm quyền, và dù ông có được xếp hạng là Tổng Thống Mỹ thứ 37 hay 42 thì có chi là đáng kể. Có một điều ông không thể quên là đôi giày mà tên phóng viên người Iraqi Muntazer al-Zaidi đã ném thẳng vào ông trong buổi họp báo chung với thủ tướng Iraq vào ngày 14 Tháng Mười Hai 2008 tại Baghad. Tôi nói ông không thể nào quên, đó là nỗi ám ảnh cho suốt cuộc đời còn lại của ông, dù không nói ra, vì đây quả là một điều khá đau xót và là một mối nhục, ông sẽ không bao giờ nhắc lại và cũng không bao giờ ai có cơ hội gợi lại vết thương kia, để khỏi gợi lại vết thương lòng. Ngày 14 Tháng Mười Hai năm ngoái, chính tôi, một công dân Mỹ không sinh trưởng ở Mỹ cũng cảm thấy bị tổn thương. Sự bình tĩnh của ông Tổng Thống Bush đã làm cho chúng ta đỡ ngượng trong giây phút đó nhưng không thể nào làm cho chúng ta quên được. Ða số người Hồi Giáo Trung Ðông có thể coi Zaidi như là một người anh hùng, nghe nói đôi giày sau đó đã bị chính phủ Iraq hiện nay thủ tiêu, để những chính phủ Hồi Giáo chống Mỹ sau này khỏi dùng nó trưng bày trong bảo tàng viện quốc gia. Luật sư của Zaidi không biện hộ cho ông ta vô tội, chỉ xin tòa giảm tội khi cho rằng việc ném giày không thể làm cho Tổng Thống Bush đau đớn hay bị thương. Ông luật sư này quả là vờ vịt, ông cũng biết là nỗi đau thể xác không nghĩa lý gì với nỗi đau tâm lý. Trong cuộc đời chúng ta đã có bao nhiêu lần tuy thể xác không một vết trầy, nhưng trong lòng nỗi đau không dứt. Tôi có một người bạn, sau ngày ba mươi Tháng Tư “trình diện” để vào tù. Khi khăn gói đến nơi tập trung, anh vẫn đeo trên mắt một đôi kính cận thị có pha màu khói nhạt. Ở chỗ làm thủ tục cho hàng binh, tên cán bộ Việt Cộng phụ trách công việc ngồi ở cửa ra vào quát bảo anh: - “Anh kia, bỏ kính dâm ra!” - “Cán bộ, đây kính cận thị, không phải kính dâm”. - “Tôi đã bảo anh bỏ đôi kính dâm ra!” -“ Ðây là kính cận thị, bỏ ra, làm sao tôi thấy đường!” - “Anh này ngoan cố nhỉ! Tôi đã bảo bỏ ra!” Trong cơn nóng giận, người lính nón cối kia, hùng hổ đứng lên, chồm tới, giật đôi kính cận thị của bạn tôi, rồi bằng một sự thù hận bạo tàn chưa từng có, y vứt đôi kính xuống sàn nhà, và bằng sức mạnh của một con cọp, y dùng chân giẫm nát, chà xát đôi kính ra từng mảnh vụn. Tôi mới gặp lại bạn tôi đây, sau ba mươi ba năm ngày Saigon thất thủ, tại một tiểu bang miền Ðông, đã nói với tôi: “Nếu anh thù Cộng Sản một, tôi thù Cộng Sản tới mười. Trong nhiều năm sống như thằng mù để chờ người nhà ‘thăm nuôi’ một cái kính khác, tôi không khổ vì mờ mắt, nhưng trong lòng luôn mang một nỗi nhục khôn nguôi!” Không biết vì sao những người Cộng Sản chân chính lại căm ghét đến kỳ cùng những cặp kính trắng, vì họ mang mặc cảm thất học hay mặc cảm ngu dốt, và đầy lòng ganh tỵ, nếu không thì bọn Khmer Ðỏ đã không giết hết những người mang kính trắng mà chúng bắt gặp dưới triều đại Diêm Vương Pol Pot. Tại Hoàng Liên Sơn, vì đói quá, trong lúc đi làm việc ngoài trại, người bạn tù của tôi đã tìm cách “cải thiện” một mớ rau muống, nhưng không đem lọt được vào trại. Sau một hồi chửi bới tàn tệ, để làm nhục người tù, tên quản giáo bắt người bạn tôi phải ngồi ngay ngoài cổng trại và ăn cho hết một nón lá rau muống sống mới được vào trại. Thay vì một hình phạt kỷ luật, bọn cai tù thực sự muốn làm nhục một người tù trước mặt những người tù khác, bất kể đến nhân tính. Trong cuốn Trại Ðá Bàn, kể chuyện tù “cải tạo” của nhà văn Nguyễn Thanh Ty, có mô tả một tên công an oắt con 17 tuổi, là lính công an gác cổng gọi là vệ binh. Người tù già là ông Thưởng, một xã trưởng ở quận Vạn Ninh trước 75, khốn khổ với nó vô cùng. Trong lúc chỉ dẫn và trông coi đám tù hình sự đào giếng, ông Thưởng bị tên công an này cứ nắm chòm râu ông giật giật để đùa nghịch. Ông đau quá kêu la bao nhiêu thì càng bị giật mạnh thêm bấy nhiêu. Râu ông bị bứt ra, chảy cả máu. Người tù già gỡ tay tên công an ra thì bị tên này lấy cây quất vào bàn tay, y còn bắt ông già úp hai bàn tay lên khúc cây mà đánh túi bụi. Chỉ có ba hôm đào giếng mà hàm râu người tù xơ xác và hai bàn tay sưng vù. Ông Thưởng khóc trong uất ức, tủi hờn. Ông kể lại sự việc cho tên cán bộ Chín Luân nghe và nhờ thưa lên ban giám thị. Chín Luân trừng mắt, nạt: - Bộ muốn chết hả? Ông không biết ông Thành là con của phó giám thị Khánh à? Tại sao ông không cạo bộ râu đi ? Như thế có phải tốt hơn không? Ðã ở tù còn bày đặt để râu! Người tù già không biết đến nay còn sống hay đã mất. Nhớ đến chuyện này ông có thấy thương tổn, xót xa không? Trong cuộc đời, nhiều người chưa hề biết đánh đập ai hay nói nặng lời với ai nhưng cũng có người đã làm tổn thương người khác, bằng những lời nhục mạ, khinh miệt. Có những lời nói đau hơn da cắt. Chúng ta đã làm đau lòng cho ai chưa? Khi người ta không quên thì mối thù còn dai dẳng. Trở lại với đôi giày ném vào vị nguyên thủ nước Mỹ, tôi nghĩ những tổn thất về quân sự hay bình định của nước Mỹ tại Iraq không bằng tổn thất tâm lý bằng chuyện xẩy ra sáng ngày 14 Tháng Mười Hai 2008 tại Baghad. Ðây là chuyện khó quên của cựu Tổng Thống Bush và cả nước Mỹ, trong đó có một người dân mới đến với nước Mỹ là tôi.
|