Obama: Kiểm Điểm Thành Quả 30 Ngày Đầu |
Tác Giả: Vũ Linh | |||
Thứ Hai, 02 Tháng 3 Năm 2009 13:32 | |||
Việt Báo Thứ Ba, 3/3/2009 Nhiệm kỳ tổng thống là bốn năm, tổng thống giỏi thì thọ tám năm. Do đó, ba mươi ngày chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng dù sao thì những quyết định đầu luôn luôn mang nhiều ý nghĩa. Ít nhất nó cũng phản ảnh phong thái tiếp cận và đường hướng chính trị một cách thực thụ, khác với những lời lẽ bóng bẩy, đao to búa lớn trong mùa tranh cử. Trường hợp TT Obama còn đáng lưu ý hơn vì ông muốn nhân cơ hội khủng hoảng thay đổi toàn diện nền tảng chính trị xã hội Mỹ. Không ai dám nói Obama là người không có tham vọng. Như vậy cũng là điều tốt để kiểm điểm lại thành quả của TT Obama trong thời gian một tháng đầu vừa qua. Obama nhậm chức trong khi quân lực Mỹ còn đang tham chiến trên hai trận địa Iraq và Afghanistan, và đang phải đối phó với nạn khủng bố Al Qaeda. Ông cũng đang ngộp thở vì các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chánh, ngân hàng, gia cư, thất nghiệp v.v… Nguyên nhân các cuộc khủng hoảng liên tục này từ đâu ra không là đề tài của bài viết nên ta miễn bàn đến. Chỉ cần biết mấy ông Bush, McCain và Cộng Hòa lãnh đủ. Nhờ vậy mà Obama đắc cử. Chẳng hiểu đấy là điều may mắn hay là cái họa cho TT Obama. Chắc chắn khi quyết định ra tranh cử năm 2006, Thượng nghị sĩ Obama không thể nào ngờ được mình sẽ lãnh một gia tài nặng nề như vậy. Ông thành công hay không thì chưa ai biết được, nhưng có điều chắc chắn là ông sẽ đi vào lịch sử Mỹ với thành tích để đời. Chẳng những là vị tổng thống da đen đầu tiên, mà là người mang dấu ấn to lớn trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Hoặc là ông sẽ là một vĩ nhân sẽ lèo lái con thuyền Mỹ và cả thế giới vượt qua được cơn tsunami của thế kỷ. Hoặc là ông sẽ đi vào lịch sử như tổng thống một nhiệm kỳ bết bát nhất lịch sử, xấp xỉ ngang hàng với ông đồng chí Dân Chủ Jimmy Carter. Không chín thì bù. Trở lại thành tích ba mươi ngày của TT Obama. Trong thời gian ngắn ngủi này, TT Obama làm được khá nhiều chuyện. Từ chuyện lập nội các, đến chuyện ký một số sắc luật lớn nhỏ. Thành quả của Obama trong việc lập nội các có những điểm đáng khen, nhưng cũng có nhiều vết đen khá lớn. Việc lưu nhiệm Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates được mọi phía đồng ý là hành động sáng suốt nhất, chẳng những vì ông Gates là người có khả năng, mà cũng vì cuộc chiến tại Iraq đang có thành quả phấn khởi, tức là chính sách, chiến lược và chiến thuật đều khá đúng, không có lý do gì mà thay ngựa trên nước thắng. Việc bổ nhiệm Hillary Clinton làm Ngoại Trưởng cũng được hoan nghênh nhiều. Bà được cả thế giới, từ quan đến dân, biết nhiều và cũng được nhiều cảm tình. Bà cũng đủ khả năng và cứng rắn để đương đầu với các cao thủ võ lâm như Putin hay Hồ Cẩm Đào hay Sarkozy. Đi một vòng Á Châu ăn sushi và cơm chiên Dương Châu với kim chi. Qua Bắc Kinh, bà lờ cái gai nhân quyền để chỉ kêu gọi Trung Quốc mua công khố phiếu Mỹ - tức là cho Mỹ vay tiền trang trải những dự án vĩ đại của TT Obama Bà cũng đi Indonesia để viếng thăm… trường tiểu học cũ của Obama. Bà ghé Nhật nói chuyện về kinh tế tài chánh, không may đúng lúc Tổng Trưởng Tài Chánh Nhật nhậu say bí tỷ, họp báo, nói năng cà lăm bậy bạ tại Geneve, bị tống cổ về vườn, nên bà chỉ còn đi… viếng chùa. Tại Nam Hàn, bà họp mặt với một nhóm nữ sinh để trả lời những câu hỏi về kiểu tóc, về cuộc sống với ông chồng bay bướm, về thất vọng làm tổng thống hụt... Chẳng có câu hỏi quan trọng nào về chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Bộ Trưởng Tài Chánh Tim Geithner thoát nạn, được quốc hội phê chuẩn trong đường tơ kẽ tóc dù mắc tội trốn thuế, có lẽ vì ông đã dày kinh nghiệm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh và ngân hàng từ thời ông Bush. Ông Bộ Trưởng Bảo Vệ Y Tế Tom Daschle rớt đài vì trốn thuế nặng hơn, lại cũng đã từng làm vận động viên hành lang (lobbyist) mà khai gian là chỉ làm cố vấn (advisor) cho các nhà thương và hãng bào chế thuốc, lãnh lương hơn năm triệu đô trong có hai năm. Ông Bộ Trưởng Thương Mại Bill Richardson phải rút lui vì đang bị điều tra về tội hối mại quyền thế. Người được đề cử thay thế, thượng nghị sĩ bảo thủ Cộng Hòa Judd Gregg thì sau khi đồng ý được hai ngày cũng lại rút lui, vì chống lại kế hoạch kích động kinh tế của Obama. Bây giờ thì mới tìm ra được ông cựu Thống Đốc tiểu bang Washington, người Mỹ gốc Hoa lo bộ Thương Mại. Mà ông này cũng có tai tiếng vì dính líu đến vận động tiền bạc của người Hoa cho ông bà Clinton thời xưa! Đừng cứ tưởng là người Mỹ gốc Á là như.... chúng ta đâu! TT Obama cũng ra sáng kiến đặc biệt, chế ra một chức vụ ngang hàng bộ trưởng, đặc trách kiểm soát hiệu năng của chính phủ và bổ nhiệm một bà chính khách Dân Chủ. Nhưng chỉ sau vài ngày thì bà phải rút lui, cũng vì… trốn thuế. Kể cũng lạ! Lựa một người trốn thuế để làm bộ trưởng Tài Chánh lo chuyện thuế má. Rồi lại lựa một người trốn thuế khác để lo chuyện bảo đảm các bộ trưởng làm việc đứng đắn! Thật ra, đây không phải chuyện cố ý, mà chỉ là “tai nạn”. Và những cái “tai nạn” này chỉ chứng tỏ cách làm việc hơi tài tử, thiếu kinh nghiệm của ê-kíp Obama. Điển hình tai nạn nữa là câu chuyện tướng Zinni. Ông đại tướng hồi hưu này trước đây là tư lệnh vùng Trung Đông đã công khai chỉ trích TT Bush về cuộc chiến Iraq. Ông được nhắc nhở đến và chính thức mời làm tân đại sứ Mỹ tại Iraq. Phó TT Biden, bà Ngoại Trưởng Hillary, ông Cố Vấn An Ninh James Jones đều năn nỉ ông này nhận cái gân gà Iraq, và cuối cùng ông nhận. Phó TT Biden điện thoại cám ơn ông. Bất ngờ vài ngày sau, ông đọc báo và thấy có một tân đại sứ đã được bổ nhiệm tại Iraq. Coi lại thì không phải là tên mình. Ông hỏi lại thì mới ngã ngửa là TT Obama đổi ý, mời người khác làm đại sứ, và mọi người đều quên phéng việc thông báo cho ông Zinni biết. TT Obama bối rối, mời ông Zinni làm đại sứ tại Ả Rập Saudi cho đỡ tủi thân. Dĩ nhiên ông Zinni lên cơn điên, từ chối, và chửi TT Obama một trận. Có lẽ không thông báo không phải vì “quên phéng” đâu, mà là vì trong cái bếp ngoại giao Mỹ, có quá nhiều đầu bếp, không ai biết ai có trách nhiệm gì. Không ai biết ai sẽ phải thông báo, ông Phó Biden hay bà Hillary, hay ông Jones. Rốt cuộc, người này đùn người kia, rồi không ai thông báo hết. Thông báo cái chuyện này cũng khó ăn nói lắm, tội gì nhận? Một điểm son đáng nói của TT Obama trong vấn đề lập nội các là đã có ý muốn bắt tay với phe Cộng Hòa. Từ ông Quốc Phòng, đến ông Tài Chánh, ông Cố Vấn An Ninh, ông Giao Thông, rồi ông Thương Mại hụt. Đều là phe Cộng Hòa hoặc thiên về Cộng Hoà. Chưa khi nào phe đối lập lại hiện diện đông đảo như vậy. Có tới ba ông Mỹ gốc Á Châu: Thương Mại (Tầu), Cựu Chiến Binh (Nhật), và Năng Lượng (Tầu). Chưa có ông bà gốc Mít nào được lưu ý. Phe ta dường như được Cộng Hòa ưu đãi hơn! Dưới thời TT Cộng Hòa Bush, có một ông làm Thứ Trưởng Tư Pháp, là cha đẻ ra bộ luật Patriot Act chống khủng bố. Ngoài ra, có một bà gốc An-Nam làm rất lớn, giữ việc liên lạc giữa TT Bush và các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa. Dưới thời TT Dân Chủ Clinton, chỉ có một ông giáo sư gốc An-Nam được bổ nhiệm làm một chức gì đó mà chẳng ai biết, ai nghe, ai thấy. Bây giờ thì chưa thấy TT Obama ngó ngàng gì tới cộng đồng gốc Mít này. Nội các Obama cũng có một điểm nổi bật: toàn chính trị gia chuyên nghiệp như thống đốc, dân biểu, nghị sĩ, cựu bộ trưởng, thứ trưởng… Hay giới trí thức khoa bảng, giáo sư, viện trưởng đại học, thành viên các trung tâm nghiên cứu. Không có một ông bà bi-di-nét, chủ tịch tổng giám đốc một công ty đại gia nào. Người ta nói đảng Dân Chủ không thân thiện với giới kinh doanh cũng đúng phần nào. KÝ SẮC LUẬT TT Obama trong tháng qua đã ký nhiều sắc luật quan trọng. Sắc luật thay đổi chính sách chống khủng bố gây hoang mang cho thiên hạ đã được ta bàn qua. Ở đây chỉ cần thêm một chi tiết mới, tuy chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Sau cả mấy năm trời sỉ vả Bush đã hành hạ tù nhân tại Guantanamo và đòi đóng cửa trại tù ngay, phe Dân Chủ bất ngờ thay đổi câu hò. Sau khi qua thăm Guantanamo, Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder tuyên bố là không thấy có sự hành hạ tù nhân nào hết, trái lại họ được đối xử hết sức tử tế và nhân đạo. Ông cũng cho biết sẽ rất khó đóng cửa nhà tù này vì chưa có giải pháp thỏa đáng nào. Vế đầu là phần dẫn nhập cho vế sau: tù nhân được đối đãi tử tế lắm, đâu cần phải đi đâu nữa làm gì? Phải chi ông Holder nói lên những điều ấy khi Bush còn tại chức thì đỡ khổ cho ông TT xấu số này biết mấy. Sắc luật về kích động kinh tế cũng đã được bàn qua nhiều lần, ta khỏi cần nói thêm. Chỉ ghi nhận rằng TT Obama cảm thấy chi 700 tỷ cứu nguy ngân hàng, 800 tỷ kích động kinh tế, vẫn còn ít, nên vừa đề nghị chi thêm 634 tỷ phát triển y tế, gia tăng chi tiêu quốc phòng thêm 200 tỷ, đưa thêm cho các ngân hàng 750 tỷ nữa. Chưa nghe nói bao nhiêu trăm tỷ để giải quyết khủng hoảng gia cư sẽ được công bố ít ngày nữa (chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu sau). Vị chi ngân sách mới của TT Obama sẽ xấp xỉ gần 4.000 tỷ. Kẻ viết bài này đang tính chuyện mở nhà máy in tiền cho TT Obama, chắc sẽ phát tài to. May ra sẽ có đủ tiền đóng thuế cho TT Obama xài. * TT Obama đã ký sắc lệnh - không phải đạo luật phải thông qua quốc hội mà là lệnh từ tổng thống - cho phép viện trợ nước ngoài được sử dụng trong các công tác y tế có liên quan đến việc ngừa thai và phá thai, gọi theo danh từ mỹ miều là kế hoạch hoá gia đình. TT Carter là người đầu tiên cho phép việc dùng quỹ viện trợ y tế của Mỹ trong các công tác liên hệ đến ngừa thai và phá thai tại các nước chậm tiến, nhất là Phi Châu. TT Reagan, phe bảo thủ Cộng Hòa, lật ngược luật này, cấm không cho sử dụng tiền viện trợ vào loại công tác ấy. TT Clinton lên ngôi, lật ngược lại lệnh của TT Reagan. TT Bush lên ngôi, lại lật ngược quyết định của TT Clinton. Bây giờ TT Obama lên ngôi, lại lật ngược quyết định của TT Bush. Để xác nhận mình rất bất mãn với giới làm bi-di-nét, TT Obama cũng đã ra lệnh cắt lương mấy vị đại gia đang nhận tiền cứu giúp của Nhà Nước Mỹ xuống còn có nửa triệu đô một năm. Đối với quý độc giả cũng như đối với kẻ viết bài này, được lãnh lương nửa triệu đô chỉ là giấc mơ không bao giờ thành sự thật. Nhưng với mấy ông bà đại gia thì lãnh nửa triệu đô có thể sẽ chết đói ngay. Tại đại ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, trước khi phá sản, cả năm viên chức cao cấp nhất của công ty, không có ông nào lãnh dưới năm chục triệu một năm cả. Từ năm chục triệu mà xuống năm trăm ngàn thì cũng không khác nào quý vị đang lãnh lương hai chục ngàn bị cắt xuống còn có hai trăm đô một năm. Làm sao sống được? Tự tử chăng? Hay đi kiếm việc ở xứ khác? Phần lớn lợi tức của các vị đại gia này không phải là lương, mà là bổng, đủ loại tiền thưởng dân Mỹ gọi là bonus khi giá cổ phiếu tăng, và quà cáp kiểu như nhà nghỉ mát bên Tây, tàu bay phản lực riêng, du thuyền riêng, quyền mua bán cổ phần công ty với giá đặc miễn (stock options), công ty bồi hoàn tiền thuế (tax reimbursements) , tiền ký hợp đồng nhận làm cho công ty (signing bonus), tiền bồi thường nếu bị nghỉ việc (termination bonus), tiền hưu trí (như ông Chủ Tịch ngân hàng RBS làm nhà băng phá sản, bị đuổi về hưu khi mới 50 tuổi, để lãnh hưu một triệu đô một năm cho đến chết), chi phí vãng phản khi công tác tại khách sạn sáu hay bẩy sao gì đó (per diem), đi xe dài mười thước có tài xế đầy đủ mà khỏi trả tiền hay đóng thuế (như Bộ trưởng Bảo vệ Y Tế hụt Tom Daschle đã nói ở trên), tiền phụ cấp du hý (entertainment expenses), đánh gôn, niên liễm hội viên các hội đặc biệt (club memberships - niên liễm cỡ nửa triệu đô một năm, chứ không là hai chục đô một năm như mấy hội người già tỵ nạn chúng ta đâu), bảo hiểm y tế đặc biệt mãn đời, bảo hiểm sinh mạng vài trăm triệu, bảo hiểm mất việc vì tai nạn (work comp), tiền đi tắm hơi, đấm bóp thư giãn, tiền con cái đi học Harvard hay Yale hay học dương cầm, và biết bao thứ lỉnh kỉnh khác. Như mấy ông Lehman Brothers nói trên, lương chỉ khoảng trên dưới một triệu một người thôi, còn lại trên dưới năm chục triệu là các loại bonus và quà bánh. Bây giờ TT Obama có cắt lương mà không đụng đến bonus và quà bánh thì cũng như không. Lấy ví dụ ông Chủ Tịch Tổng Giám Đốc William Clay Ford của hãng xe Ford. Từ mấy năm nay, ông chỉ lãnh lương tượng trưng có đúng một đô một năm thôi, bây giờ TT Obama cấm không cho ông lãnh lương hơn năm trăm ngàn thì ông Ford sẽ nghĩ gì? Chẳng nghĩ gì hết, mà chỉ tiếp tục ngồi rung đùi lấy gần 20 triệu tiền bonus mỗi năm chờ ngày TT Obama cho vài chục tỷ để “cứu nguy” hãng xe của ông. Ba mươi ngày quả là quá ít oi để có một nhận định giá trị và đứng đắn. Nhưng ta cũng có thể thấy TT Obama là người biết lợi dụng cảm tình và thiện chí dân Mỹ thường dành cho tổng thống mới đắc cử để chuyển hướng chính sách trị quốc, qua những mò mẫm vấp váp vì thiếu kinh nghiệm. Điều tất cả mọi người đồng ý là TT Obama đang bẻ lái con thuyền Cờ Hoa về phía cực tả, và nhanh hơn mọi dự đoán. Nhà Nước tung tiền thay đổi toàn diện cấu trúc chính trị xã hội Mỹ, kể cả việc lấy cớ cứu nguy, quốc hữu hóa từng bước các cơ sở thương mại lớn như các hãng xe và ngân hàng. Và đây chỉ là những bước đầu trong 30 ngày đầu của một nhiệm kỳ bốn năm. Năm 1980, TT Reagan phát động cuộc “cách mạng bảo thủ”, mang lại ba mươi năm thịnh vượng cho Mỹ cho đến ngày nay thì hết hơi tàn lực. Bây giờ, TT Obama đang nỗ lực lật ngược thế cờ, phát động một cuộc “cách mạng cấp tiến” quy mô, lớn hơn gấp bội các chương trình Tân Biên (New Frontier) của TT Kennedy và Đại Đồng (Great Society) của TT Johnson. Chẳng ai biết TT Obama có thành công hay không vì phải chờ năm bẩy năm nữa mới thấy. Chỉ biết bây giờ thì giới kinh doanh đang run như cầy xấy. Mỗi lần TT hay quốc hội công bố một kế hoạch cứu nguy kinh tế là thị trường chứng khoán rớt ngay mấy trăm điểm (tức là quỹ tiền hưu của quý vị mất vài trăm vài ngàn), kinh tế lại lún sâu thêm. Chắc là phải chờ đến khi nào TT và quốc hội ngưng tay, KHÔNG ra biện pháp cứu nguy nữa thì kinh tế mới khá lên lại được. TT Obama đã tận dụng phương tiện truyền thông, lấy cảm tình với báo chí và liên tiếp lên truyền hình để nói chuyện với quần chúng. Ông tiếp tục phương thức “vận động tranh cử” rất hữu hiệu của mình, đi hết tiểu bang này đến tiểu bang nọ để vận động trực tiếp với quần chúng. Không phải là ngẫu nhiên mà những tiểu bang ông vận động lại đều là địa bàn then chốt cho các cuộc bầu cử tổng thống. Ông đã đi Ohio, Pennsylvania, Florida, là ba tiểu bang “xôi đậu” chính yếu, và Colorado, Arizona là hai tiểu bang miền Tây đang chuyển hướng qua phe Dân Chủ. Chưa chi đã lo cho cuộc bầu cử năm 2012? (1-3-09)
|