Thứ hai tuần này trị giá chứng khoán tụt dốc thê thảm, làm thị trường Wall Street bấn loạn. Trong một ngày thứ hai trị giá Dow Jones mất 300 điểm tụt xuống chỉ còn 6,763 điểm. Số điểm này thấp hơn số điểm 12 năm trước là 6,976 điểm. Tuy nhiên có thể những người chơi chứng khoán đã nghe theo lời khuyên của các kế hoạch gia tài chính, hãy bình tĩnh, đừng có hốt hoảng đem chứng khoán bán thốc bán tháo đi làm nó tụt xuống đất đen, nên đến chiều thứ ba sự xuống dốc có vẻ đã chậm lại. Nó xuống 37 điểm tức 0.6% còn 6,726.02, so với 14,164.53 điểm hồi tháng 10-2007. Đến trưa thứ tư (giờ Miền Đông) chứng khoán vọt lên đếùn 160 điểm và còn chập chờn. Chứng khoán, từ ngữ chung chỉ các trái phiếu và cổ phiếu, chỉ là những tờ giấy. Đồng đô-la Mỹ cũng là những tờ giấy. Nhưng đô-la có vàng bảo đảm (kim bản vị) và số vàng đó chất đầy trong kho Fort Knox như chúng ta đã biết. Nếu số vàng của Mỹ biến đi mất hết, đô-la chỉ còn là tờ giấy lộn không còn giá trị nào nữa. Chứng khoán đại diện cho đô-la, nhưng không do chính phủ in ra hay phát hành, mà do các đại công ty kinh doanh và tài chính mỗi tổ chức tự phát hành riêng để tiện bề mua bán đổi chác. Cái chợ mua bán này là thị trường Wall Street. Việc mua bán chứng khoán cũng như trị giá của nó căn cứ ở sự tín nhiệm. Những nguời chơi chứng khoán người phần lớn là giầu có. Ngoài ra cũng có một số không nhỏ các nhân viên các sở công tư có quỹ 401K để tùy trường hợp có thể đem mua chứng khoán. Đây là tiền khấu trừ vào lương hàng tháng của họ để khi về già họ lãnh, ngoài tiền hưu bổng. Khi có nhiều tiền, người giầu đem gửi các nhà băng để lấy lời chớ không ai dại mà chôn tiền ở nhà, vừa không có lời lại vừa thiếu an toàn. Cao tay ấn hơn nữa, người ta mua chứng khoán như đánh bạc để hy vọng có lợi nhiều hơn gấp bội. Đây cũng là một cách đầu tư, cái chợ tài chính thành hình ở chỗ này. Vì thế, khi thấy trị giá loại chứng khoán của mình đang lên, không có ai dại mà đem bán. Nhưng khi thấy những chứng khoán đó xuống dốc, người ta hốt hoảng đem bán nó đi, sợ để lâu càng mất giá thêm nữa. Cái luật cung cầu của thị trường là khi một món hàng ít người bán, giá nó lên, khi nhiều người bán thừa mứa giá nó xuống. Vậy nguyên nhân tiên khởi vì đâu trị giá chứng khoán xuống dốc? Như chúng ta đã biết, vào tháng 3 năm 2007 các chứng khoán liên quan đến nhà cửa lên rất cao, cái nọ kéo cái kia, khiến chứng khoán nói chung lên đến tột đỉnh 14,164 điểm vào tháng 10 năm 2007. Thành ra đường vẽ chỉ số trên bản đồ trông giống như một chữ V lộn ngược, mũi nhọn của nó chọc lên trời chẳng khác gì đường bay của một phi thuyền lên quỹ đạo, nó vọt lên rồi xuống, bay trở về. Chỉ khổ là cái phi thuyền này lại có tên là CDO, chữ tắt của “Collateralized Debt Obligations”, nghĩa là Bổn phận thanh toán những món Nợ có Thế chấp. Cuối năm 2007, mối họa đã hiện nguyên hình. Đó là vì mấy ông tài chủ các nhà băng, các công ty chuyên mua bán chứng khoán thấy thị trường nhà cửa lên cao có lời liền đua nhau mua lại các giấy nợ thế chấp đó của các hãng nhỏ và cho vay thêm những ông nhà giầu lớn nhỏ đã có nhà cửa rộng rãi rồi nhưng vẫn muốn làm thêm nhà để cho thuê hay bán lại lấy lời. Đây chỉ là điểm khởi đầu về nợ khó trả. Nhưng nó trở thành mối họa lớn khi thị trường nhà cửa xuống giá, không bán được vì mấy ông buôn bán nhà cửa thấy ham, có chương trình xây dựng quá nhiều nhà cửa. Nó liên hệ đến một số cá nhân mua nhà đến lúc kinh tế khó khăn, mất việc làm, không có tiền đóng góp trả nợ hàng tháng nên lâm nạn “CDO”, có thể mất nhà (foreclosure) . Và không phải chỉ là vấn đề của một số cá nhân. Giữa lúc kỹ nghệ nhà cửa là lãnh vực dễ làm giầu lớn, nên các nhà băng, các công ty mua bán chứng khoán đua nhau mua các giấy nợ thế chấp để rồi bán lại, các công ty nhỏ đem bán lại cho các công ty lớn để lấy lời rồi các công ty lớn lại bán lại cho các đại tài chủ các ngân hàng lớn nhất thế giới…Thành ra các nhà kinh doanh chứng khoán dính nhau cả chùm. Đồng thời cũng lúc đó có dấu hiệu kinh tế xuống dốc vì chi phí chiến tranh Iraq, Afghanistan mỗi lúc một cao, kinh doanh trì trệ, nạn thất nghiệp gia tăng gây khủng hoảng trong tâm lý quần chúng, khiến người dân không dám bỏ tiền ra tiêu xài, tiểu thương bị ảnh hưởng. Thêm vào đó xẩy ra một số trường hợp lường gạt trắng trợn của những tay chủ nhân các hãng chuyên giúp và bảo vệ người có tiền muốn đầu tư vào những nơi nào có lời nhiều nhất và mau nhất. Bây giờ có người hỏi kế hoạch cứu nguy kinh tế của Tổng Thống Barack Obama ở đâu rồi? Kế hoạch đó được đưa ra trước công chúng hơn 1 tuần trước. Obama mới lên làm Tổng Thống được 42 ngày. Ông đã nói ông lãnh một di sản quá nặng của ông Bush để lại. Nhưng tuần này trước khi gặp Thủ tướng Anh, ông nói với dân Mỹ: “Chúng ta đang ngồi trong một cái hố sâu do chính chúng ta đã tự đào cho chúng ta”. Giữa lúc các phần tử bảo thủ cực đoan của đảng Cộng Hòa chống đối kế hoạch thúc đẩy kinh tế của ông, câu nói cái hố “chúng ta” tự đào có ý nghĩa thật thâm thúy. Ông không trách cứ một ai. Về tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, tất cả mọi người Mỹ đều phải chịu trách nhiệm. Bởi vậy tất cả mọi người đều có bổn phận phải cứu nguy kinh tế. Nhiều người đã biết và và giới thức giả đã nhiều lần công khai phát biểu một sự thật quá rõ. Kế hoạch cứu nguy kinh tế không phải là cứ nói ra là thành công như một phép lạ. Nó cũng không phải là một viên đạn làm bằng bạc để bắn ra một phát là loài ma sói phải chết, theo loại chuyên quái đản huyền hoặc. Chương trình kế hoạch là một việc, thực hiện chương trình đó là một việc. Cần phải có sự hợp tác của mọi người, của toàn dân, kế hoạch mới có thể sớm thành công. Theo các poll thăm dò, sau khi Obamma công bố kế hoạch, có 67% dân chúng thấy có hy vọng thành công, 28% nói không có hy vọng. Các giới chức kinh tài của chính phủ dự liệu có thể đến năm 2010, kinh tế mới hết xuống dốc để có thể đi lên. Tôi nghĩ có thể còn sớm hơn nữa, trước cuối năm 2009.
|