TỔNG QUÁT VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ
Một cách chính thức, sự suy thoái (recession) kinh tế ở Mỹ đã được cơ quan có thẩm quyền nhất là National Bureau of Economic Research xác nhận từ cuối tháng 12/2007. Tính đến nay, như vậy, sự suy thoái đã kéo dài 15 tháng và không một ai biết chắc đến khi nào kinh tế mới ra khỏi sự suy thoái này và bắt đầu phục hồi. Từ sau Đệ II Thế Chiến đến nay, trung bình mỗi lần suy thoái kéo dài 10 tháng; lần suy thoái dài nhất là vào năm 1981-82 kéo dài 16 tháng. Thị Trường Chứng Khoán tiếp tục sụt giảm, hôm 08/03/2009. Dow Jones xuống đến 6,623; Nasdaq xuống còn 1294; ngang với mức chứng khoán của những năm 1983-84. Một vài thống kê tiêu biểu cho mức độ tụt giảm giá chứng khoán trong vòng một năm qua của môt số công ty như sau: Exxon -20% Target -45% Proctor and Gamble -26% Caterpillar -61% Lockheed -29% General Electric -69% Hewlette Packard -30% AFLAC -72% Occidental Petroleum -34% Citi Group -88% United Technology -38% General Motors -92% Về nhân dụng (employment) . Số lượng thất nghiệp lên cao nhất từ năm 1982 đến nay. Bách phân thất nghiệp chính thức được Bộ Lao Động thừa nhận là 8.1%. Riêng ở California thì đã lên đến 10%. Chỉ trong tháng 2 năm 2009 có đến 651,000 công việc bị cắt giảm, trong đó có 276,000 thuộc về khu vực sản xuất và 375,000 thuộc về khu vực dịch vụ; và chỉ trong 3 tháng qua đã có 1.8 triệu người bị sa thải, đây là con số cao nhất từ năm 1983 đến nay. Hai khu vực tương đối ổn định, công việc không bị cắt giảm nhiều là Dịch vụ Y tế và Giáo dục. Tổng số người đang chạy đôn đáo đi tìm việc trên toàn quốc là chừng 12.5 triệu, trong số đó có chừng 3 triệu người đã không tìm ra việc sau thời hạn hơn 6 tháng mất việc. Cũng cần thêm rằng 8.6 triệu người chỉ có việc bán thời gian (part-time jobs). Tháng 2, có 168,000 công việc trong ngành chế tạo (manufacturing jobs) bị cắt giảm. Kế đến là ngành dịch vụ tài chánh, hơn 44,000 công việc bị cắt giảm. Ngành bán lẻ sa thải khoảng nửa triệu người trong năm 2008. Khu vực Vận chuyển mất trong tháng hai khoảng 40,000 công việc. Ngành Khách sạn và Nhà hàng mất gần 90,000. Chỉ có các dịch vụ y tế tuyển thêm 30,000 nhân viên. Ngay lúc này chưa thấy có viễn ảnh gì tốt hơn cho vấn đề nhân dụng (employment) . Khi được phỏng vấn về vấn đề nhân công trong tháng tới, 35% các quản đốc cho biết sẽ cắt giảm nhân lực, chỉ có khoảng 15% cho biết là sẽ mướn thêm người. Về tiêu thụ. Tuy mức chi tiêu của người tiêu thụ có khá hơn vào nửa đầu năm 2008 nhờ vào Luật Kích thích Kinh tế, nhưng nửa năm sau 2008 và đầu năm 2009 mức tiêu thụ lại đi xuống, giảm 3.5%, gây ra do thất nghiệp gia tăng, giá nhà xuống thấp và tín dụng khó khăn. Tiêu biểu nhất là trong lãnh vực xe cộ. Lượng xe hơi bán ra giảm sút hẳn từ 17 triệu chiếc trong năm 2007 xuống còn 9 triệu chiếc trong năm 2008. Dịch vụ bán lẻ (retail sale) giảm 2.7% trong tam cá nguyệt cuối năm 2008. Về tài chánh. Các ngân hàng đầu tư lớn đã tồn tại từ trăm năm nay như Lehman Brothers Holding Inc. nay hoàn toàn phá sản. American Insurance Group, một công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, thua lỗ rất nặng và cho đến nay Bộ Ngân Khố đã bỏ ra hơn 180 tỉ dollars để cứu cho công ty này khỏi bị phá sản vì ngại rằng nếu AIG sụp đổ sẽ gây những hệ quả vô cùng tai hại cho toàn bộ hệ thống tài chánh. Ngoài ra, những vụ gian lận lớn lao trong thị trường chứng khoán, như vụ nhà tỉ phú Madoff với quy mô lên đến 50 tỉ dollars; và nhà tỉ phú Robert Allen Stanford bị cáo gian lận đến 8 tỉ dollars, hiện đang tại đào, chủ công ty tài chánh Standford Finanancial với vốn liếng lên đến hơn 50 ti dollars, đặt bản doanh ở Antigua, Nam Mỹ và chi nhánh tại hơn 140 quốc gia. Sự khủng hoảng của hệ thống tài chánh khởi đi từ subprime mortgages, một loại nợ địa ốc thứ đẳng, dưới tiêu chuẩn, trong đó người vay nợ để mua nhà đã không hội đủ những đòi hỏi về tín dụng và tài chánh thông thường: ký thác trước (down payment) 20% trị giá nhà, điểm tín dụng 700/850 trở lên, tổng lợi tức lớn hơn 3 lần tiền trả nợ hàng tháng, v.v… Nhưng sâu bên trong, còn có những nguyên nhân khác. Trước hết là do nguồn tín dụng quá dồi dào thúc đẩy bởi việc Ngân Hàng Liên Bang áp dụng chính sách lãi suất thấp kéo dài liên tiếp trong nhiều năm. Chính vì điều kiện vay nợ quá dễ dàng cộng với lãi suất thấp đã đẩy cao nhu cầu vay nợ điạ ốc, tạo ra bong bóng điạ ốc “real-estate bubble” và subprime-mortgages. Chính sách thuế ưu đãi cho người mua nhà cũng góp phần vào. Đồng thời, việc chứng khoán hoá nợ địa ốc (mortgage-backed securitization, MBS) không những chỉ áp dụng cho các loại nợ địa ốc tiêu chuẩn (conforming loans), mà cả cho subprime mortgage loans, là loại nợ có mức rủi ro rất cao (high risk), là nguồn gốc gây ra tai hoạ cho ngành tài chánh. Việc này được thực hiện bằng cách là các món nợ địa ốc được hai công ty địa ốc Frennie Mae và Freddie Mac, do chính phủ đỡ đầu (Government Sponsered Enterprises, GSE), mua rồi gom lại thành từng cụm (tranches), xong làm thành trái phiếu bán lại cho người đầu tư, các ngân hàng đầu tư, mutual funds và hedge funds, và cả các quỷ hưu bổng. Không chỉ nợ địa ốc mà cả các loại nợ khác như nợ giáo dục, nợ mua xe, nợ thẻ tín dụng cũng lần lượt được các công ty tài chánh tư nhân, như Bear Stearns, Lehman Brothers và Goldman Sachs, biến thành chứng khoán (securitization) cùng một phương cách như với nợ địa ốc nói ở trên, rồi đem bán ra thị trường chứng khoán (equity market). Ngoài ra, trong mấy chục năm qua, giới tài chánh còn phát minh ra nhiều công cụ tài chánh khác; đặc biệt là Derivatives (với nhiều dạng khác nhau), Credit Default Swaps (CDS) và Structured Investment Vehicles(SIVs) . Những công cụ tài chánh mới này được phối hợp xử dụng tạo ra một loại “ngân hàng ảo” (shadow banking system), thoát khỏi mọi ràng buộc pháp lý vẫn thường dành cho các định chế tài chánh chính thức. Khi những sỡ hữu chủ vay nợ subprime mortgages (nợ địa ốc thứ đẳng) lần lượt không trả được nợ đúng hẹn, bong bóng địa ốc nổ vỡ, kéo theo nhiều sự vỡ nợ khác khiến toàn bộ những trái phiếu hay chứng khoán, được tạo ra theo phương cách vừa nêu ở trên, theo nhau xuống giá rất nhanh, trở thành những món tích sản độc hại (toxic assets) cho các ngân hàng và cơ sở tài chánh. Có những chứng phiếu mà giá thị trường giảm xuống đến hơn 90%, hay không còn chút giá trị nào, so với giá trị ghi trên sổ quyết toán (balance sheets) của ngân hàng. Sự đổ vỡ của thị trường địa ốc, như vậy, có tác động dây chuyền làm ảnh hưởng đến tất cả các loại nợ khác, và với các chứng khoán được tạo ra từ chúng; cuối cùng là sự sụp đổ của hàng loạt nhiều ngân hàng và công ty tài chánh, ở Mỹ cũng như tại các quốc gia Châu Âu. Vấn nạn lớn lao hiện nay của hệ thống ngân hàng là sự mất niềm tin; các ngân hàng không còn tin cậy lẩn nhau để có thể tái tục doanh vụ thường lệ là cho nhau vay tiền (inter-bank lending), gây ra điều mà truyền thông Mỹ hay gọi là liquidity problem. Hệ quả của vấn nạn này là ngân hàng không thực hiện được chức năng cung cấp tín dụng (credit provide) cho các cơ sở doanh nghiệp, các công ty kỹ nghệ và xã hội nói chung. Đây chính là điều làm cho sự suy thoái kinh tế trở nên trầm trọng hơn. Sự trầm trọng đó khiến cho một số người bắt đầu cảm thấy lo âu, cho rằng nền kinh tế không chỉ bị suy thoái (recession), mà là suy thoái nghiêm trọng (severe recession), không chừng đang đi vào suy sụp (depression) cũng nên. Theo một số kinh tế gia thì recession xảy ra khi GDP bị suy giảm trong hai tam cá nguyệt liên tiếp; còn được xem là depression khi GDP sụt giảm đến 10% và kéo dài từ 3 năm trở đi. Theo số liệu của Cục Phân Tích Kinh Tế (Bureau of Economic Analysis) thì GDP giảm 0.5% trong quý 3/2008, qua đến quý 4/2008 GDP lại giảm mất 6.2%. Tình hình của năm 2009 chưa thấy có dấu hiệu gì là GDP sẽ tốt hơn năm 2008. CÁC ĐỐI SÁCH CỦA QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ MỸ: Để đối phó, một số các biện pháp kích thích kinh tế đã lần lượt được đưa ra: Trước hết là hai đạo luật kích thích kinh tế (KTKT): một vào năm 2008 do cựu TT Bush ký, và một vào năm 2009 do TT Obama ký (The American Recovery and Reinvestment Act). Luật 2008 chỉ tập trung vào vấn đề giảm thuế. Trước hết là hoàn trả thuế năm 2007 cho mỗi cặp vợ chồng $1200, $300 cho mỗi đứa con, cho những gia đình lợi tức dưới $174,000. Kế đến là khuyến khích doanh nghiệp nhỏ bằng tín dụng thuế; chằng hạn các doanh nghiệp có thể khấu trừ miễn thuế cho việc mua trang thiết bị tới $250,000. Hoặc tăng mức chiết cựu (depreciation) miễn thuế cho trang thiết bị lên đến hơn $1,000,000. Ngân sách cho luật này chỉ đến 152 tỉ dollars. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các ngân phiếu hoàn trả thuế (tax rebate checks) đã có tác dụng đến việc gia tăng chi tiêu của dân chúng, và do đó, ít nhiều kích thích kinh tế. Hạ viện biểu quyết Luật KTKT 2008 với 385/35, Thượng Viện với 58/41; nghĩa là hai đảng CH/DC có mức hợp tác với nhau khá cao trong đạo luật KTKT năm 2008. Luật KTKT 2009 dưới triều đại của TT Obama, được ký ngày 17/02/2009, thì hoàn toàn khác.Tên gọi chính thức là The American Recovery and Reinvestment Bill. Trước hết là khác ở quy mô. Luật KTKT 2009 tốn đến 787.2 tỉ dollars. Kế đến là khác về cơ cấu, và sau cùng là khác vể mức độ đồng thuận giữa hai đảng CH và DC. Với luật KTKT do chính phủ của TT Obama đưa ra, lúc đầu tại Hạ Viện dự luật thông qua với con số 819 tỉ dollars với tỉ số phiếu là 244/188, trong đó toàn bộ 177 dân biểu CH đều bỏ phiếu chống. Lên đến Thượng Viện, bàn cải nhiều ngày, lúc thì tăng lên, có lúc lại đề nghị giảm xuống. Cuối cùng chỉ có 3 TNS của đảng CH xé rào đi theo đảng DC, chấp thuận ngân sách 838 tỉ dollars. 3 TNS CH bỏ phiếu với các TNS DC là : Susan Collins, Olympia Snowy của bang Maine và TNS Arlene Specter của Pensylvania. Cuối cùng sau khi san định sự khác biệt giữa TV và Hạ Viện, dự luật được Quốc Hội thông qua với con số 787 tỉ dollars. Có nhiều điểm giống nhau giữa hai bản dự luật của TV và Hạ Viện: Cả hai đều chú trọng việc cắt giảm thuế cho những người lợi tức thấp, gia tăng trợ cấp thất nghiệp, tăng trợ cấp tem phiếu và bảo hiểm y tế, phát triển kỷ thuật tin học trong lãnh vực Y tế, xây dựng căn bản cho sự phát triển về độc lập năng lượng. Những mặt khác nhau trong dự luật của TV và Hạ Viện là: dự luật TV đòi hỏi cắt giảm thuế nhiều hơn, khác biệt đến 70 tỉ dollars; trong khi TV lại đòi giảm mức chi tiêu nhiều hơn Hạ Viện. Cả hai viện đều đòi giảm thuế cho người mua nhà; nhưng TV cho mức cắt giảm nhiều hơn ($15,000); TV cũng đòi giảm thuế cho người mua xe mới nữa. Cách thức phân phối khoản tiền 87 tỉ dollars trợ cấp cho chương trình Medicaid cũng khác nhau. TV cắt kinh phí tài trợ cho NASA từ 500 tỉ dollars xuống còn 450 tỉ dollars. TV cũng cắt ngân khỏan dành cho chương trình chống lại nguy cơ dịch cúm phổ quát (potential flu pandemic). Đại thể sự khác biệt trong quan điểm của hai đảng CH và DC về KTKT xoay quanh việc giảm thuế và chi tiêu (tax cut and spending). Đảng CH cho rằng yếu tố chính trong KTKT là việc cắt giảm thuế. Vì khi được giảm thuế người dân sẽ gia tăng chi tiêu và, nếu cắt cho người giàu và các công ty, thì sẽ gia tăng đầu tư, do đó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế. Chi tiêu, đặc biệt là những chi tiêu công ích hoặc xây dựng hạ tầng cơ sở, theo người CH, sẽ không có tác dụng kích thích kinh tế tức thời. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với chủ trương kinh tế phiá cung hay trên xuống (supply-side and top-down economy) truyền thống của đảng CH Nền tảng lý thuyết trong dự luật KTKT của TT Obama và đảng DC, trái lại, cho rằng yếu tính của KTKT là (Nhà Nước) chi tiêu. Đảng DC cũng chủ trương giảm thuế, nhưng chỉ giảm thuế cho đại đa số thuộc về giai cấp trung lưu và người lao động, vì cho rằng chính tầng lớp này mới dùng tiền giảm thuế để chi tiêu; còn mức chi tiêu của người giàu sẽ không thay đổi nhiều do giảm thuế. Đây chính là chủ trương kinh tế phía cầu và từ dưới lên (demand-side and bottom-up economic policy). Ngoài ra, về chi tiêu, cũng có sự khác biệt giữa người CH và DC. CH sẳn sàng chi tiêu cho quốc phòng, nhưng lại không sẳn sàng để chi tiêu cho các lãnh vực giáo dục hoặc công ích (public services). Có người giải thích là vì chi tiêu quốc phòng sẽ giúp mang lại những món lợi nhuận lớn cho các tổ hợp kỷ nghệ quân sự (military-industry complex) và các trung tâm tài chánh, là những nơi người giàu đầu tư tiền vào. Hơn nữa, giới giàu có thượng lưu cũng không cần đến các dịch vụ y tế hoặc giáo dục công cộng; gia đình và con cái họ đã có các bệnh viện tư và hệ thống các trường tư thục. Phía DC, trái lại, thường quan tâm nhiều hơn đến việc chi tiêu cho giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở và các chương trình công ích hay xã hội có tính đại chúng. Nét chính trong the American Recovery and Reinvestment Bill: 1.- Đầu tư vào lãnh vực năng lượng. Một ngân khoản 30 tỉ dollars sẽ được dùng để cải tiến việc sản xuất, chuyển tải, phân phối năng lượng; canh tân và phát triển năng lượng mới để bớt lệ thuộc nguồn năng lượng của ngoại quốc. 5 tỉ dollars dùng tài trợ cho hệ thống nhà có mái dùng năng lượng mặt trời. Người ta hy vọng là sự đầu tư này sẽ tạo ra nhiều công việc mới thu hút lao động. Chừng 500 triệu dollars sẽ được dùng riêng cho việc đào tạo công nhân trong lãnh vực “Green Jobs”; lãnh vực năng lượng mới. 2.- Về khoa học kỷ thuật: Ngân khoản 15 tỉ dollars sẽ được dùng cho việc cung cấp trang bị, phương tiện kỷ thuật và việc nghiên cứu khoa học. 7.2 tỉ dollars để mở rộng mạng internet ra các vùng thôn quê hẻo lánh, giúp các nơi này tiếp cận với thị trường toàn cầu. 3.- Canh tân hệ thống đường sá, cầu cống, và các thủy lộ: 27.5 tỉ dollars cho việc xây dựng, tu bổ xa lộ. 16.5 tỉ dollars dùng vào việc hiện đại hóa các tòa nhà Liên Bang và các cơ sở công ích theo chiều hướng tiết kiệm năng lượng. 18.8 tỉ dollars dành cho việc làm sạch nguồn nước, phòng chống lụt lội và bảo vệ môi trường. 17.7 tỉ dollars để xây thêm đường xe lửa nhằm giảm thiểu sự tắc nghẻn lưu thông và giúp tiết kiệm xăng dầu. 4.- Về mặt giáo dục: Ngân khoản 26.5 tỉ dollars sẽ được dùng cấp thêm cho các khu học chánh địa phương trong các chương trình giáo dục đặc biệt, và cho các chương trình giáo dục khoa học. Đạo luật cũng cấp thêm ngân sách cho các chương trình giữ trẻ, mẫu giáo Head Start. Đặc biệt là Pell Grant sẽ được tăng thêm 500 dollars/học sinh/năm ($4,850 lên $5,350); cả chương trình Work Study cũng được cấp thêm 200 triệu dollars. Ngoài ra, một ngân khoản 53.6 tỉ dollars sẽ được dùng để giúp thêm cho các tiểu bang nhằm hổ trợ thêm trong lãnh vực giáo dục tại các trường cao đẳng cộng đồng và đại học. 5.- Cắt giảm chi phí trong ngành y-tế: 19 tỉ dollars sẽ được dùng cho kỷ thuật tin-học y-tế; gia tăng mức điện toán hóa các dịch vụ y tế; giảm thiểu sai sót và giúp làm cho các dịch vụ đó có hiệu năng cao hơn. 2 tỉ dollars khác được dùng cho việc phòng bệnh và lượng giá các phương cách chữa trị. 6.- Trợ giúp người thất nghiệp: 3.95 tỉ dollars trợ cấp việc huấn nghệ cho người thất nghiệp và cho giới trẻ. Cấp thêm ngân sách cho các địa phương trong việc giúp đỡ tìm việc làm cho công nhân bị sa thải. Trợ cấp thất nghiệp tăng $25/pay check, và thời hạn sẽ gia tăng. $2,400 tiền thất nghiệp đầu tiên của năm 2009 sẽ không phải đóng thuế. Có đến gần 80 tỉ dollars được dùng thêm vào việc trợ cấp thất nghiệp. Về mặt bảo hiểm sức khỏe, Chính phủ sẽ chi trả cho các hảng bảo hiểm đến 65% chi phí bảo hiểm y tế cho các công nhân bị sa thải, nằm trong chương trình có tên Consolidated Omnibus Budget Reconcilliation Act (COBRA). Riêng tại bang California, Đạo Luật Workforce Investment Act (WIA) với ngân sách gần 454 triệu dollars đã được thiết lập để giúp huấn nghệ cho những người thất nghiệp muốn đổi nghề (career change) hoặc muốn tu nghiệp. Giới hạn học phí cho một người là khoảng 6,000 dollars và chương trình học kéo dài dưới một năm. Để được thẩm định cho chương trình này, người thất nghiệp phải tiếp xúc với văn phòng EDD địa phương để được giúp đỡ hướng dẩn tìm chọn nghề mới (career explorations) . 7.-Giảm thuế: Trước hết những người có thu nhập dưới $75,000 sẽ dược giảm 400dollars/năm. Những người hưởng tiền SSI, các thương binh sẽ đươc nhận một lần $250. Khoảng 4.6 tỉ dollars được dùng để gia tăng Earned Income Credit cho những gia đình lợi tức thấp và có con nhỏ. Đạo luật này cũng cấp một tín dụng thuế (tax credit) lên tới 2,500 dollars cho các chi tiêu về học phí, sách vỡ, ăn ở cho sinh viên. Những người mua nhà lần đầu, có lợi tức dưới 75,000 dollars, sẽ được hưởng đền 8,000 dollars tín dụng thuế. Luật cũng gia tăng giảm thuế cho doanh nghiệp bằng cách tăng tín dụng thuế đối với các đầu tư trang thiết bị và chiết cựu tư bản. Vắn tắt, biện pháp chính của KTKT hay ARRA 2009 là cắt giảm thuế cho công dân và doanh nghiệp; giúp đỡ người thất nghiệp; đầu tư vào hạ tầng cơ sở của hệ thống giao thông, năng lượng và giáo dục; trợ giúp cho các tiểu bang. Người ta tin tưởng Luật sẽ tạo ra khỏang 3.5 triệu công việc mới. Thông thường từ trước đến nay, mỗi lần có suy thoái (recession), biện pháp hay dùng là cắt giảm thuế và lãi suất. Việc cắt giảm thuế nhằm mục đích trao thêm tiền cho người tiêu thụ để khuyến khích họ gia tăng chi tiêu. Giảm lãi suất đồng nghĩa là tung thêm tiền tệ vào chu lưu kinh tế; cũng có mục đích kính thích tiêu thụ và đầu tư. Đó là hai phương pháp căn bản vẫn thường được Federal Reserves và Hành Pháp dùng để đối phó với economic recessions. Nhưng trong lần suy thoái trầm trọng này (severe recession) hai biện pháp vừa nêu không còn tác dụng mạnh nữa. Có người giải thích rằng chỉ vì lần này hệ thống ngân hàng và tài chính tê liệt, hai chức năng chính của ngân hàng là cho nhau vay (inter-bank lending) và cấp tín dụng (credit providing) đã hoàn toàn đình trệ, nên việc cắt giảm lãi suất để gia tăng lưu lượng tiền tệ trở nên vô ích. Việc cắt giảm thuế cũng không đem lại hiệu quả bao nhiêu, vì trước viễn ảnh thất nghiệp gia tăng quá nhanh, mọi người có khuynh hướng hạn chế chi tiêu để đề phòng bất trắc. Vì những lý do trên, các kinh tế gia DC, lần này chủ trương áp dụng lại đối sách của kinh tế gia nổi tiếng John Maynard Keynes thời khủng hoảng 1929-1930 là, ngoài việc giảm thuế, tăng chi tiêu của Chính Phủ (Government Spending) vào hạ tầng cơ sở (infrastructure) , năng lượng và giáo dục. Trong cuộc khủng hoảng những năm 1930, chương trình Works Progress Administration của TT Franklin Delano Roosevelt, nằm trong New Deal, đầu tư chừng 7 tỉ dollars (tiền năm 1930) vào việc phát triển hạ tầng cơ sở như xây dựng đường sá, cầu cống, trạm phát điện, bệnh viện, công viên, v.v… cung cấp việc làm cho 3.3 triệu người. New Deal cũng còn tăng trợ cấp thực phẩm, thuốc men, áo quần cho trẻ em nghèo. Giới phê bình Luật KTKT (ARRA) 2009 của TT Obama cho rằng Luật không giảm thuế đúng mức đòi hỏi để có tác động kích thích kinh tế nhanh chóng tức thời; đặc biệt là giảm thuế cho giới thượng lưu và doanh nghiệp, để doanh nghiệp tạo ra công việc. Mặt khác ngưòi ta cũng cho rằng Luật đã chi tiêu quá lớn vào những lãnh vực không tạo ra công việc làm ngay lập tức như trả thêm lương cho giáo viên, tín dụng thuế cho sinh viên, tín dụng thuế cho home owners, tài trợ bảo hiểm sức khoẻ,v.v… Một điều mà tất cả mọi người, cả phe chống và phe ủng hộ Luật KTKT, cả TT Bush và TT Obama đều đồng ý; đó là tình hình kinh tế rất nguy cấp, cần phải làm một điều gì đó để cứu vãn. Ngoài ra, lần suy thoái này hoàn toàn khác với những lần trước, không một ai đã có kinh nghiệm gì về một trường hợp tương tự, và vi vậy không ai dám quả quyết thế nào là một giải pháp tốt cho tình hình kinh tế hiện nay. Luật KTKT năm 2009 của Obama có thành công đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng hay không, không ai biết chắc. Chỉ có thời gian mới có được câu trả lời rõ ràng. Ngoài The American Recovery and Reinvestment Act, chính phủ Obama, để đối phó một cách toàn diện với tình hình kinh tế hiện nay, còn có hai chương trình khác cùng lúc nhắm vào hai lãnh vực: tài chánh và địa ốc. Về tài chánh, Bộ Trưởng Timothy Geithner hôm 10/2 đã công bố Kế Hoạch Ổn định Tài Chánh (Financial Stability Plan). Còn TT Obama hôm 18/2 tại Arizona đã đưa ra Kế hoạch Trợ giúp Nợ Địa Ốc (Mortgage Relief Plan). Homeowner Affordability and Stability Plan Kế hoạch này có 3 phần chính: Phần thứ nhất là giúp REFINANCING (vay nợ mới). Vì giá nhà trên thị trường xuống quá thấp nên, nhiều sỡ hữu chủ tuy vẫn còn một ít EQUITY (cổ phần, mức sỡ hữu) đối với ngôi nhà, nhưng mức EQUITY đó không đạt đủ 20% để có thể REFINANCE (vay lại nợ mới) với lãi suất thấp để có thể hạ thấp được tiền phải trả hàng tháng. Thông thường, để có thể REFINANCE (vay nợ mới), ngưòi mua nhà phải có mức sỡ hữu (equity) ít nhất là 20% của trị giá căn nhà dùng làm thế chấp (collateral) . Kế hoạch mới này sẽ giúp cho những sỡ hữu chủ, tuy không đạt 20% equity, vẫn được REFINANCE. Bộ Ngân Khố ước tính có chừng 5 triệu người thuộc vào loại này sẽ được giúp đỡ. Điều kiện đặt ra là chỉ những người vay nợ của Freddie Mac hay Fannie Mae, hoặc nợ được hai công ty này bảo trợ mới được hưởng sự ưu đãi về refinance này. Ngoài ra, trừ những vùng đặc biệt nơi giá nhà bị sụt giảm quá nặng (hard hit areas), khoản nợ mới sau khi refinance không được lớn hơn 105% trị giá thị trường hiện nay của ngôi nhà, và sẽ được hưởng lãi suất cố định theo mức lãi suất hiện nay; nghĩa là vào khỏang 5%. Phần thứ hai của Kế Hoạch, gọi là Homeowner Stability Initiative, được áp dụng cho những sỡ hữu chủ không hội đủ tiêu chuẩn để được REFINANCE như ở trên. Đối với thành phần sỡ hữu chủ này, Chính Phủ sẽ cùng với ngân hàng chủ nợ, đại lý điạ ốc tất cả cùng với nhau điều chỉnh món nợ (loan modifications) để cách nào đó giàm mức trả nợ hàng tháng cho người vay nợ lần lượt xuống bằng 38% và rồi bằng 31% tổng thu nhập của người đó. Chính Phủ sẽ tài trợ (subsidize) cho phần chênh lệch. Ước tính sẽ có chừng hơn 3 triệu sỡ hữu chủ sẽ được giúp đỡ theo loại này. Chính Phủ sẽ phối hợp với các cơ quan Liên Bang, các ngân hàng và định chế tài chánh để soạn thảo những hướng dẩn căn bản cho việc điều chỉnh nợ vừa nói. Người vay nợ cũng được giảm mỗi năm $1000 trên số nợ hằng năm đến 5 năm liên tiếp nếu trong thời hạn đó họ duy trì việc trả nợ đúng hẹn đều đặn. Để khuyến khích cho các chủ nợ địa ốc trong việc điều chỉnh lại các món nợ địa ốc, Chính phủ đã thiết lập một ngân quỷ 10 tỉ dollars để chi trả cho các khoản chênh lệch do sự điều chỉnh nợ (loan modifications) tạo ra. Các biện pháp khuyến khích đó là như sau: Đối với Dịch Vụ Vay Nợ: $1000 cho nhân viên phục vụ trên mỗi hồ sơ nợ điạ ốc được điều chỉnh lại (loan modification) và tiếp tục được hưởng mỗi năm $1000 trong 3 năm liên tiếp nếu, nhờ nợ được điều chỉnh, mà người vay nợ duy trì được sự trả nợ đúng hạn. Ngoài ra, nhân viên phục vụ nợ (loan servicers) sẽ được hưởng $500 và ngân hàng chủ nợ được $1500 nếu họ điểu chỉnh kịp thời những khoản nợ có nguy cơ sắp vỡ nợ và tránh cho người vay khỏi bị phát mãi. Một điều quan trọng là Chính Phủ sẽ thảo luận với QH việc sửa đổi luật Phá Sản (Bankcruptcy laws) để cho các thẩm phán quyền điều chỉnh nợ địa ốc (loan modification) . Đây là điều có lợi cho người vay nợ mua nhà, nhưng lại đụng chạm đến quyền lợi của giới tài chánh, vì có thể sẽ làm cho trị giá các món nợ điạ ốc giảm xuống. Phần thứ ba của Kế Hoạch là tăng cường tài trợ cho hai đại công ty địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac. Chính Phủ dự định mua laị chừng 200 tỉ các chứng khoán địa ốc (mortgage-backed securities) từ hai đại công ty điạ ốc Freddie Mac và Fannie Mae, hiện đang nằm dưới quy chế bảo hộ (conservatorship) của Chính Phủ (một hình thức quốc hữu hoá), để hai công ty này có thêm vốn cho vay. Tính đến năm 2008 hai đại công ty này (corporations) sỡ hữu hoặc bảo chứng đến 6,000 tỉ dollars nợ địa ốc, tức 50% tổng trị giá thị trường địa ốc ở Mỹ. Một vài ví dụ về refinancing và giúp cắt giảm lãi suất cho người mua nhà như sau: • Trường hợp A: Một người nợ 207,000 dollars với lãi suất 6.5% trên một căn nhà vào năm 2006 là 260,000 dollars. Nay giá thị trường căn nhà chỉ còn 221,000 dollars và người này còn nợ 200,000 dollars; tỉ số nợ/trị giá = 90%. Người này sẽ được refinancing nợ mới với lãi suất 5.16%, để có thể cắt giảm mức trả hàng tháng từ chừng 1,300 dollars xuống chừng 1,100 dollars. • Trường hợp B: Người này còn nợ 214,000 dollars với lãi suất 7.5%, giá nhà từ 230,000 dollars xuống còn 189,000 dollars; tỉ số nợ/trị giá = 113%, như vậy sẽ không hội đủ tiêu chuẩn để được vay nợ mới (refinance). Hiện anh ta phải trả 1,540 dollars/tháng trên tổng thu nhập là 3650 dollars; nghĩa là đã phải dùng đến 42% lợi tức để trả nợ. Trường hợp này rơi vào loại chương trình có tên là Homeowner Stability Initiative, theo đó Chính Phủ sẽ bảo trợ để cho món nợ được điều chỉnh (loan modified). Trước hết ngân hàng chủ nợ sẽ cắt giảm lãi suất sao cho mức trả hàng tháng sụt xuống chỉ còn không quá 38% tổng thu nhập; nghĩa là từ 7.5% xuống vào khoảng 6.4%. Kế đến Chính Phủ sẽ cùng ngân hàng chủ nợ cắt giảm thêm lãi suất một lần nữa để mức trả hàng tháng xuống còn 31% của tổng lợi tức; nghĩa là xuống khoảng 4.4%. Sự trợ giúp này chỉ kéo dài trong 5 năm, và người này sẽ được hưởng thêm mỗi năm 1,000 dollars để trừ bớt vào nợ. Giới bình luận đã đưa ra các phê bình sau đây đối với kế hoạch trợ giúp địa ốc ở trên: Nhược điểm đầu tiên của Kế Hoạch là không giúp cho những sỡ hữu chủ của căn nhà thứ hai và cho những người mua nhà để đầu tư. Kế Hoạch chỉ tập trung giúp đỡ cho những sỡ hữu chủ mua nhà để ở mà thôi. Trong khi đó, theo National Association of Realtors thì có đến 40% ngôi nhà hiện nay được mua trong giai đoạn cao điểm 2005 thuộc về loại nhà mua để đầu tư, và như vậy sỡ hữu chủ những căn nhà đó sẽ không hưởng được một sự giúp đỡ nào từ Kế Hoạch này. Ngoài ra những người vay loại nợ JUMBO, loại nợ lớn hơn giới hạn quy định của Fannie Mae và Freddie Mac là 417,000 dollars (toàn quốc) và 729,750 dollars (những vùng đắt đỏ như San Francisco, CA), cũng sẽ không nằm trong tiêu chuẩn được Kế Hoạch giúp đỡ. Như vậy có nghĩa là những nhà đầu tư và người giàu không nằm trong đối tượng của Kế Hoạch. Kế đến là dường như Kế Hoạch không giúp được gì cho những vùng bị khủng hoảng điạ ốc nặng, giá nhà sụt giảm quá lớn như Florida, California, Las Vegas và Arizona. Tại các vùng này giá nhà sụt giảm quá lớn, có lúc đến gần 40%, và đa số các món nợ địa ốc sẽ lớn hơn 105% trị giá thị trường hiện thời của các căn nhà (underwater) , nghĩa là quá tiêu chuẩn ấn định của Kế Hoạch để được vay nợ mới (refinance). Ngoài ra, số tiền kích thích 5,000 dollars trong vòng 5 năm cho các sỡ hữu chủ là quá nhỏ so với mức độ sụt giảm giá nhà quá lớn, trung bình là 150,000-200, 000 dollars, trong những vùng này. Tổng quát, Kế Hoạch chỉ giúp vay nợ mới (refinancing) , giảm lãi suất, hoặc tăng hạn trả nợ mà không giúp cắt giảm nợ vốn (principal) là phần mà các chủ nợ ra sức bảo vệ; đặc biệt là cho những vùng khủng hoảng nặng vừa nói ở trên. FINANCIAL STABILITY PLAN Để ổn định hệ thống tài chánh, giúp ngân hàng có thể mau chóng thoát ra khỏi sự khủng hoảng về cung cấp tín dụng (credit crunch), và để tạo ra tác động phối hợp cộng hưởng với Luật Phục Hồi Kinh Tế và Đầu Tư và với Kế Hoạch Ổn Định Điạ Ốc, Chính Phủ cũng đã đưa ra Kế Hoạch Ổn Định Tài Chánh, được Bộ Trưởng Ngân Khố Timothy Geithner công bố sơ khởi hôm 9/2. Những nét chính của Chương Trình ấy như sau: 1.- Bộ Ngân Khố sẽ lập Ngân Quỹ Ổn định Tài chánh (Financial Stability Trust) có mục đích cung cấp một số vốn đệm (buffer capital) cho các định chế tài chánh nhằm tái thu hút nguồn vốn thông thường từ khu vực tư. Để nhận được tiền từ ngân quỹ này, 19 ngân hàng lớn nhất sẽ phải trãi qua một cuộc thử nghiệm có tên là “Stress Test”, trong đó các ngân hàng sẽ được đặt trong khung cảnh kinh tế tồi tệ nhất (worst-case scenario) - trong đó giá địa ốc giảm thêm 25% nữa, và Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) giảm xuống -3%- để xem mỗi ngân hàng sẽ thua lỗ bao nhiêu và khả năng để vượt qua tình hình tồi tệ đó. Tuỳ theo kết quả của Stress Test mà mỗi ngân hàng sẽ được nhận nhiều hay ít sự trợ giúp tài chánh từ Quỹ. 2.- Quỹ Đầu Tư Công-Tư ( Public-Private Investment Fund, PPIF): Bộ Ngân Khố, phối hợp với Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (FED) và Công Ty Bảo Chứng Liên Bang (FDIC) lập ra Quỹ này để giúp các cơ sở tài chánh loại trừ những tích sản xấu (toxic assets) - là các chứng khoán địa ốc (Mortgage Backed Securities) và các chứng khoán (stocks) đã mất giá quá nặng - ra khỏi bảng kết toán tài chánh, để mau chóng phục hồi chức năng kinh tế bình thường của mình. Quỹ PPIF là quỹ hổn hợp Công-Tư, trong đó phần công quỹ chỉ giữ chức năng bảo chứng, làm đòn bẩy cho phần quỹ của khu vực tư nhân, là phần quỹ sẽ đóng vai chính trong việc định giá, và mua lại các tích sản xấu vừa nêu. Dự trù sơ khởi của Quỹ PPIF là chừng 500 tỉ dollars, có thể sẽ lên đến 1000 tỉ dollars. 3.- Consumer-Business Lending Initiative: Kích thích và Mở rộng Thị Trường Thứ Cấp (Secondary market) cho các khoản nợ địa ốc thương mãi (commercial mortgages), nợ mua xe (car loans), student loans và thẻ tín dụng. Có nghiã rằng các loại nợ đó sẽ được bán lại cho các nhà đầu tư dưới dạng các trái phiếu hay chứng khoán. Nhưng chỉ các loại nợ được phân hạng AAA, hạng bảo đảm nhất, mới được chứng khoán hoá (securitization) và bán lại trên Thị Trường Thứ Cấp. Mục đích của việc làm này là kích thích cho sự lưu thông vốn được nhanh hơn, giúp giải toả sự đình trệ của thị trường tín dụng (credit crunch). Để thực hiện việc này, Bộ Ngân Khố sẽ bỏ thêm 100 tỉ dollars để bảo chứng cho một ngân quỷ 1000 tỉ dollars cho chương trình đã đề ra trước đây có tên là TERM ASSET-BACKED SECURITIES LOANS FACILITY (TALF); một chương trình dự trù việc mở rộng thị trường thứ cấp (secondary market) có từ thời TT Bush. Để bảo đảm thực hiện thành công, Kế Hoạch Ổn định TC (FSP) cũng đặt ra những đòi hỏi gắt gao về sự minh bạch (transparency) , quy trách (accountability) và giám sát đối với tất cả các cơ sở tài chánh tiếp nhận ngân quỹ của Bộ Ngân Khố để phục hồi hoạt động của mình. Các cơ sở này phải báo cáo hàng tháng cho Bộ NK về cách xử dụng công quỹ, phải thông báo các hoạt động tài chánh qua website cho công chúng. Các cơ sở này cũng phải hạn chế mức lương không quá 500,000 dollars cho CEO, phải tích cực giúp giảm sự phát mãi (foreclosure) nhà ở, và không được mua laị các ngân hàng khác trước khi hoàn trả nợ cho Chính Phủ. Kế hoạch Ổn định Tài Chánh, SFP, đưa ra trên đây của chính phủ TT Obama, cũng như Chương Trình TARP (troubled-asset relief program) với kinh phí 700 tỉ dollars của TT Bush trước đây, gặp phải một vấn đề rất gai góc là việc định giá các tích sản độc hại (toxic assets), tức là định giá các chứng khoán rút ra từ các món nợ địa ốc, xe cộ, tín dụng, giáo dục, v.v… hiện đã mất giá. Nếu định giá thấp theo giá thị trường hiện nay thì các ngân hàng không thể chấp thuận vì sẽ gây thiệt hại nặng cho cổ đông (share-holders) ; ngược lại nếu định giá ngang với giá trên sổ quyết toán của ngân hàng thì sẽ gây thiệt hại lớn lao cho công quỹ, tức cho người đóng thuế. Đây chính là vấn đề then chốt mà chưa có một chính sách hay kế hoạch nào đưa ra được giải pháp thỏa đáng. Tóm lại, để chặn đứng đà suy thoái kinh tế và đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh, cho đến nay chính phủ của TT Obama đã tích cực đưa ra những đối sách nhắm vào ba hướng chính: kích thích kinh tế, chận đứng sự suy sụp của thị trường địa ốc, và phục hồi chức năng của các cơ sở tài chánh. Có cả ngưòi ủng hộ, lẫn người công kích các đối sách vừa nêu. Nhưng có lẻ phải cần thêm thời gian cho các kế sách đưa ra trên đây được thử nghiệm đầy đủ để có kết luận đúng đắn mức độ thành công hay thất baị của chúng. KHỦNG HOẢNG LAN QUA ÂU CHÂU Sự đổ vỡ các món nợ địa ốc dưới tiêu chuẩn (subprime mortgage loans) không chỉ ảnh hưởng các định chế tài chánh Mỹ mà còn lan nhanh sang các ngân hàng lớn ở Âu Châu như United Kingdom Bank, Deutsche Bank, v.v…, nơi giới đầu tư đã bỏ những khoản tiền lớn vào các chứng khoán dựa trên nợ địa ốc (Mortgage-backed Securities, MBS), gồm các stocks, bonds do MBS mà ra; làm suy yếu vốn luân chuyển (liquidity, chính yếu là tiền mặt) giữa các ngân hàng và khả năng cung ứng tín dụng cho xã hội của các ngân hàng đó. Ở Anh, ngân hàng đầu tiên sụp đổ (bank run) là Northen Rock, chính phủ Anh đã phải can thiệp, quốc hữu hoá ngay bank này, sau đó bỏ ra 87 tỉ dollars để cứu các ngân hàng lớn và bảo đảm cho việc các ngân hàng cho vay lẩn nhau (interbank lending) Mặt khác, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (Europe Central Bank, ECB) không có được thẩm quyền như Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang của Mỹ (FED). chức năng chính của ECB chỉ là chống lạm phát cho toàn Âu Châu, một cộng đồng với 15 nước có kinh tế khác biệt, bằng việc điều tiết lãi suất. Trong khi đó mỗi quốc gia Âu Châu có ngân hàng riêng độc lập đối với ECB. Cơ cấu đó khiến cho Âu Châu, với đơn vị tiền tệ là đồng EURO, không có được một biện pháp tiền tệ thống nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng sub-prime mortages, và vì vậy khủng hoảng càng lan tràn nhanh hơn. Bản thân Âu Châu cũng tự mình tạo ra cuộc khủng hoảng địa ốc tương tự như Subprime Mortgage ở Mỹ. Trong những thập niên qua, Trung Âu và các quốc gia Balkans có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao hơn Tây Âu (5.8% so với 2.6%), và vì ECB cố duy trì lãi suất thấp nên lượng tín dụng cao, khiến nhu cầu nợ điạ ốc tăng nhanh, tạo cơ hội cho các ngân hàng ở Tây Âu đổ tiền vào cho vay với những điều kiện rất dễ dàng. Kết quả là tạo ra bong bóng địa ốc và nhiều loại nợ địa ốc với mức bảo chứng tài chánh thấp ở các nước như Spain, Ireland, Autria, Hungary, Bulgary, v.v… Hơn nữa, các ngân hàng Trung Âu và vùng Balkans là những ngân hàng mà phần lớn vốn thuộc về các ngân hàng ngoại quốc, trong đó có các ngân hàng Mỹ. Vì vậy, khi bong bóng điạ ốc xẹp xuống, sự rút lui vốn (outflow capital) của các ngân hàng ngoại quốc càng làm cho tình hình tài chánh của Trung Âu sa sút phi mã. Mối quan hệ Ngân hàng Kỹ nghệ ở Ấu Châu cũng khác biệt với Mỹ và, tuy có những ưu điểm trong những trường hợp khác, lại là nhược điểm cho kinh tế Âu Châu trong cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Ở Mỹ, ngân hàng không là nguồn vốn lớn nhất cho các ngành kỹ nghệ; trái lại các công ty kỹ nghệ gây vốn, chính yếu, bằng cách phát hành chứng khoán (stocks). Trong lúc đó, ở Âu Châu, các ngân hàng là nguồn vốn căn bản của kỹ nghệ. Thường mỗi ngân hàng hậu thuẩn tư bản cho một số công ty hay ngành kỹ nghệ, và mối quan hệ ngân hàng-kỹ nghệ mang tính chất family, với lợi ích kinh tế quyện vào nhau, tương thuôc với nhau. Ví dụ nổi bật nhất về mối quan hệ này là trường hợp của hảng Siemens AG và ngân hàng Deutches Bank; một mối quan hệ đã kéo dài hơn 100 năm nay, trong đó Siemens nhận toàn bộ vốn từ Deutches Bank cho các hoạt động kinh doanh của mình, những người có cổ phẩn lớn trong ngân hàng đồng thời có chân trong ban quản trị của công ty. Vì mối quan hệ đó, sự khủng hoảng tài chánh của ngân hàng sẽ có những hậu quả trực tiếp và sâu đậm hơn vào lãnh vực kỹ nghệ. Đức quốc là nước có một hệ thống ngân hàng lành mạnh, với mức độ điều tiết (regulations) chặt chẻ, ít thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu này. Mặc dầu vậy, kinh tế Đức cũng đang lâm vào suy thoái. Lượng xuất cảng của Đức giảm 12% so với năm trước. Nhập cảng cũng giảm. GDP của Đức sụt mất 2% trong tam cá nguyệt cuối 2008. Vì Đức được xem là đầu tàu kinh tế của Liên Hiệp Âu Châu, nên sự sa sút kinh tế của Đức kéo theo sự suy thoái toàn bộ Liên Hiệp này. Tóm lại, khủng hoảng tài chánh ở Mỹ lan sang cả Âu Châu, làm lung lay cả khả năng thống nhất tiền tệ và kinh tế của khối liên hiệp này, khiến cho đồng EURO điêu đứng. Các quốc gia đang mở mang ở Đông Âu và vùng Baltic phải hứng chịu những thiệt hại kinh tế nặng nề, nợ nần chồng chất, thành quả phát triển thu đạt được từ sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc đến nay bị đẩy lùi lại khá xa. ẢNH HƯỞNG LÊN CÁC NƯỚC Á CHÂU Trung Quốc: Ngay trong tháng Hai vừa rồi tin cho hay là xuất cảng của TQ giảm 25.7%, mức nhập cảng cũng giảm 24.1%. Chỉ trong vòng 4 tháng, mức thặng dư mậu dịch giảm từ hơn 39 tỉ dollars xuống còn chưa tới 5 tỉ dollars. Ngành sản xuất đồ chơi trẻ em thiệt hại nhiều nhất, hơn ½ các hảng xuất cảng đồ chơi đã phải đóng cửa trong suốt 7 tháng đầu của năm 2008. Ngành địa ốc cũng có những triệu chứng bùng phát rồi suy sụp; giá nhà cửa sau khi lên cao vào những năm trước đã giảm 10% vào năm 2008. Đi kèm là sự sa sút cuả ngành xây dựng, hàng triệu công nhân của ngành này đang bị sa thải. Sản xuất công nghiệp cũng sa sút, ước tính có đến hơn 70,000 hảng vừa và nhỏ bị phá sản. Năm 2009 sẽ có khoảng hơn 300 triệu người lao động từ thôn quê uà ra thành phố kiếm sống, thêm vào đó là chừng 5 triệu học sinh tốt nghiệp đại học nhập vào thị trường lao động. Mức cung lao động cao như vậy trong bối cảnh kinh tế suy giảm là sự báo trước mức độ thất nghiệp khổng lồ trong thời gian tới ở TQ. Vì vậy, tuy kinh tế TQ vẫn tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng đã thấp hơn trước. Cục Thống Kê Quốc Gia TQ (Chinese National Bureau of Statistics) cho biết tam cá nguyệt cuối năm 2008 chỉ tăng 6.8%, mức thấp nhất trong 7 năm qua; tính cả năm 2008 chỉ tăng trưởng 9% so với 13% trong năm 2007. Về mặt tài chánh, ảnh hưởng của sự khủng hoảng tài chánh của Mỹ lên hệ thống ngân hàng TQ tương đối nhỏ. Lý do là vì nhà cầm quyền TQ kiểm soát và hạn chế mức tư bản ra vào (in/outflow capital), giới hạn sự đầu tư của tư nhân ra ngoại quốc, nhất là đầu tư vào thị trường Mỹ. Mức độ các cơ sở kinh doanh tư nhân TQ bị thiệt hại do sự sụp đổ subprime mortgages ở Mỹ gần như không có hoặc không đáng kể. Chỉ có các cơ sở quốc doanh và các ngân hàng nhà nước của TQ là có đầu tư vào thị trường điạ ốc Mỹ và có bị thua lỗ; chẳng hạn Chinese Investment Corporation, một cơ sở nhà nước, điều hành ngân khoản Foreign Wealth Fund chừng 200 tỉ dollars là công ty đã đầu tư khá nhiều vào subprime mortgages, nhưng mức thua lỗ thì không được biết chính xác. Chính nhờ vào hệ thống ngân hàng đóng kín và kiểm soát chặt chẻ mà trước đây trong cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu 1997, TQ chẳng những không bị ảnh hưởng mà còn tận dụng thế mạnh tài chánh của mình để gây ảnh hưởng lên các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Viet Nam, v.v… Hiện nay TQ trở thành quốc gia lớn nhất sỡ hữu các công khố phiếu Mỹ (US Treasury securities), tổng cộng chừng 585 tỉ dollar. Số tiền đó là một phần trong tổng số gần 1,900 tỉ dollars dự trữ ngoại hối (foreign exchange reserves, FER) khổng lồ của TQ. Bằng việc điều tiết mối tương quan giữa lượng dự trữ dollars ngoại hối này và đồng Nhân Dân Tệ mà TQ đã kìm được giá đồng tiền của mình để làm lợi cho việc xuất cảng. Về căn bản, việc TQ sỡ hữu công khố phiếu (CKP) Mỹ có hai tác động chính: trước hết, nhu cầu mua CKP tăng sẽ làm lãi suất dài hạn (long-term interest rates) ở Mỹ giảm và làm đồng dollars lên giá. Ngược lại, nếu TQ giảm sỡ hữu CKP thì tiền lời ở Mỹ sẽ tăng lên, đồng dollars xuống giá. Khi lãi suất giảm, tín dụng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng đồng dollars lên giá sẽ làm cho xuất cảng trở nên khó khăn. Trái lại, lãi suất gia tăng sẽ hạn chế tín dụng, và đồng dollars mất giá sẽ tạo thuận lợi cho xuất cảng. Để đối phó với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, TQ vào cuối năm 2008 đã tuyên bố bỏ ra 586 tỉ dollars để kích thích kinh tế. Khác với Mỹ là lúc đầu phải bỏ 700 tỉ dollars để cứu các ngân hàng, rồi sau mới bỏ thêm 787 tỉ dollars cho việc giảm thuế và xây dựng hạ tầng cơ sở; TQ, vì nhờ hệ thống ngân hàng ổn định, nên đã dùng toàn bộ 586 tỉ dollars kích thích kinh tế đầu tư vào việc xây dựng đường sá, cầu cống, hệ thống điện nước, môi trường, canh tân kỹ thuật, và cải thiện nhà ở cho các vùng quê. Mục đích lâu dài của TQ là tăng cường mở rộng thị trường nội địa, mặt yếu của TQ hiện nay. Nhật Bản: Hệ thống ngân hàng của Nhật tương đối vững mạnh và không bị ảnh hưởng nặng như các nước Âu Châu. Cuối năm ngoái, một số ngân hàng lớn của Nhật như Mitsubishi UFG ngay cả đã mua lại cổ phần của các ngân hàng Mỹ gặp khó khăn; chẳng hạn mua 21% cổ phần của Morgan Stanley với giá 9 tỉ dollars. Chính phủ Nhật đã đưa ra hai đợt kích thích kinh tế tổng cộng hơn 150 tỉ dollars vào cuối năm 2008, và hiện nay đang chuẩn bị cho đợt thứ ba. Khó khăn chính của Nhật là xuất cảng giảm sút; năm 2008 mức xuất cảng giảm gần 45% so với năm trước. Lần đầu tiên, năm nay Nhật gặp phải tình trạng khiếm khuyết mậu dịch: nhập nhiều hơn xuất. Tin mới nhất cho biết GDP của Nhật năm 2008 giảm đến 12.7% so với năm 2007! Xuất cảng và GDP suy giảm như vậy dẩn đến công nghiệp sản xuất thu hẹp, lượng thất nghiệp gia tăng, mức tiêu thụ vì vậy cũng xuống thấp, và mức đầu tư cũng giảm theo. Vị trí cường quốc kinh tế thứ hai của TG 20 năm trước đây của Nhật đang mất dần, và quốc gia có triển vọng thay Nhật ở vị trí đó trong tương lai là Trung Quốc. Các nước Á Châu khác như Indonesia, Malysia, Thai lan, Việt Nam, v.v… đều hứng chịu hậu quả nghiêm trọng của sự suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chánh phát sinh từ Mỹ, tuy không trầm trọng như cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1997. Nét chung của các nước này là nền kinh tế lấy xuất cảng làm động lực chính, sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm chế biến và nguyên liệu sang Mỹ, Âu Châu và các nước phát triển khác. Thị trường tiêu thụ nội địa (domestic consumptions) rất nhỏ, và đôi khi, như trường hợp Việt Nam, không đóng góp đáng kể trong Tổng Sản phẩm Nội điạ (GDP). Khủng hoảng xảy ra, mức tiêu thụ của các nước phát triển giảm, các công ty cũng như tư nhân hạn chế mọi hoạt động tiêu dùng, mua sắm của mình. Mức nhập cảng của các nước phát triển giảm, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho các nước đang phát triển. Mặt khác, các giới đầu tư Âu Mỹ cũng ngưng các dự án đầu tư, hoặc rút vốn đầu tư lại, khiến các quốc gia đang phát triển mất đi nguồn vốn ngoại quốc (foreign direct investment, FDI) cho các hoạt động sản xuất nội địa của mình. Ngoài ra, tuy xuất cảng, sản xuất và, do đó, GDP giảm, các nước đang phát triển vẫn phải trả nợ đều đặn cho các món nợ quốc tế từ IMF, World Bank và từ các nước giàu, và phải trả nợ bằng dollars; khó khăn hơn nữa là đồng dollars lại đang lên giá! Và để trả nợ, các nước đang phát triển không có gì khác ngoài nguồn nguyên vật liệu và lao động đông đúc rẽ tiền. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lần này cũng như những lần trước, là dịp để các nước đang phát triển phải mang thêm nợ; những món nợ ngày càng lớn, ăn mòn dần tài nguyên và nổ lực phát triển của dân tộc các quốc gia này. Một điều đáng quan tâm là, giống như cuộc khủng hoảng tài chánh 1997, cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu lần này lại một lần nữa đẩy các quốc gia đang phát triển của vùng Đông Nam Á xa dần ảnh hưởng của Mỹ và đi dần vào cái dù kinh tế của Trung Quốc. Riêng Việt Nam, xuất cảng giảm sút và đây là vấn đề quan trọng vì xuất cảng chiếm đến 65% GDP; mậu dịch khiếm khuyết trung bình 500 triệu dollars/tháng; mức tăng trưởng kinh tế giảm từ 8.5% năm 2007 xuống còn 6.5% năm 2008, và ước tính mức tăng trưởng của năm 2009 sẽ chỉ vào khoàng 6.0%. Đầu tư ngoại quốc trực tiếp (foreign direct investment) cũng có nguy cơ xuống thấp; trước đó đã có cam kết chừng 60 tỉ dollars với 12 tỉ cho riêng năm 2009, nhưng có dấu hiệu cho thấy không chắc các cam kết đó sẽ được thực hiện. Trước đây vài tuần Ngân Hàng Nhà Nước VN đã cắt giảm lãi suất từ 14% xuống 13%. VN đã phải duy trì lãi suất cao như vậy để chống lạm phát; nhưng lãi suất đó lại là trở ngại cho sự phát triển sản xuất chung của nền kinh tế trong tình hình hiện nay. Tóm lại Ricuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chánh phát sinh ở Mỹ đã lan rộng ra toàn thế giới. Bị ảnh hưởng nặng nhất là Âu Châu. Riêng Á Châu tuy mức ảnh hưởng lên hệ thống ngân hàng có nhẹ hơn, nhưng cũng đã đẩy kinh tế của châu này vào tình trạng suy thoái; đặc biệt bị suy thoái nặng là các nước đang phát triển có nền kinh tế dùng xuất cảng làm động lực. Cuộc khủng hoảng tài chánh không chỉ đưa kinh tế toàn cầu vào suy thoái, nhưng đồng thời bộc lộ sự lỗi thời và nhược điểm của hệ thống tài chánh thế giới, có từ sau Đệ Nhị TC; một hệ thống với ba trụ cột là WTO, World Bank và IMF. Kể từ đó đến nay cục diện thế giới đã thay đổi rất nhiều; những khuôn mặt mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga đang trở nên những trung tâm quyền lực mới với vai trò kinh tế ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Hệ thống tài chánh thế giới, do tác động của cuộc cách mạng tin học và tốc độ thông tin, đã trở nên hết sức phức tạp. Mối quan hệ của các yếu tố tư bản, kỹ thuật, lao động và tài nguyên đã và đang có những biến đổi vô cùng lớn lao. Cơ cấu tổ chức và quy trình hoạt động của các định chế như World Bank và IMF đã tỏ ra không còn thích hợp trong việc điều tiết và giám sát các hoạt động của hệ thống tài chánh thế giới. Bằng chứng là chỉ trong vòng 10 năm, thế giới đã phải trãi qua hai lần khủng hoảng tài chánh, gây những thiệt hại lớn lao cho kinh tế thế giới, tạo ra những bất ổn chính trị xã hội cho nhiều quốc gia giàu cũng như nghèo, đặt nhân loại trước những nguy cơ nghèo nàn và ngay cả chiến tranh. Cuộc hội nghị sắp đến của 20 quốc gia kinh tế phát triển nhất thế giới tại London chính là để đề ra những đổi thay quan trọng trong hệ thống tài chánh nhằm tránh cho thế giới sự tái diễn một cuộc khủng hoảng tài chánh như đang xảy ra.
|