Trung Quốc muốn cải thiện bang giao với Mỹ nên đã phái Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đến Washington để chuẩn bị cho cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và TT Barack Obama vào tháng tới khi họ Hồ đến viếng thăm Mỹ. Nhưng xui xẻo làm sao, vào lúc họ Dương đến Mỹ, giữa chính phủ Mỹ và chính quyền Cộng sản Bắc Kinh lại xảy ra hai chuyện rắc rối lớn. Trước hết là vào dịp kỷ niệm 50 năm nổi dậy của dân chúng Tây Tạng đưa đến vụ đàn áp đẫm máu của Trung Cộng, khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải chạy qua Ấn Độ. Vụ thứ hai nghiêm trọng hơn là 5 chiến hạm Trung Cộng vây chặn và hăm dọa một tàu Hải quân Mỹ trong vùng biển ở phía Nam đảo Hải Nam ngoài khơi bờ biển Trung phần Việt Nam, phía Tây quần đảo Hoàng Sa, tức bên trong hải phận Việt Nam nơi Bắc Kinh vẫn tự nhận là lãnh thổ và lãnh hải của họ. Vụ đàn áp Tây Tạng đã khiến Bộ Ngoại giao Mỹ ngay từ tuần trước lên tiếng nhắc nhở Bắc Kinh rằng Mỹ vẫn quan tâm đến những vụ Trung Cộng vi phạm nhân quyền. Nhưng trước mắt vẫn là việc chiến hạm của Trung Cộng bao vây và hăm dọa chiếc tầu của Hải quân Mỹ. Tầu này, có tên là Impeccable vốn là tầu không võ trang. Mỹ nói tầu này chỉ có nhiệm vụ thăm dò các hoạt động của tầu ngầm dưới biển (ngụ ý của Trung Cộng) và quả quyết tầu Mỹ hoạt động trong vùng biển quốc tế. Còn Bắc Kinh cãi lại, nói đó là vùng biển của họ. Vậy tại sao tầu Mỹ dù không võ trang lại đến phía nơi gần Hoàng Sa để thăm dò? Các giới chức bộ Quốc phòng Mỹ nói vì vùng đó là nơi có tranh cãi về quyền hải phận nên Mỹ phải quan tâm và sẽ tiếp tục làm nữa, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Đến tuần này vẫn không có việc gì đáng tiếc xẩy ra, nhưng vụ cãi cọ gay go đã tạo ra một một đám mây u ám trước khi họ Hồ đến Mỹ. Xét ra muốn cải thiện bang giao với Mỹ cũng không phải chuyện dễ. Ở đây chúng tôi muốn nhìn đến khía cạnh của Việt Nam vì đó hiển nhiên là hải phận của nước này. Vậy chế độ Cộng sản Hà nội nói sao? Năm xưa khi chỉ mới chiếm được mảnh đất miền Bắc, chính quyền Cộng sản chưa vững chắc, Phạm Văn Đồng đã ký công văn mặc nhiên nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của “người anh em phương Bắc”. Nhưng về sau khi đã chiếm đươc cả miền Nam, Cộng sản Hà Nội đã “đổi mới” để mở cửa đón đô-la, bằng cách công khai nói các đảo nhỏ đó là của Việt Nam. Khi sự rắc rối về vụ tầu Impeccable của Mỹ xẩy ra tuần trước, theo tin đài BBC, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Hà nội tuyên bố: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động của các bên liên quan đến vụ này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý”. Phía Bắc Kinh, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao, trong một cuộc họp báo thường kỳ tuyên bố: “Các đảo Hoàng Nham (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) luôn luôn là lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo này và và bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của nước khác cũng là bất hợp pháp và vô giá trị”. Câu này hiển nhiên ám chỉ lời tuyên bố của Hà Nội, kèm theo một sự hăm dọa trắng trợn. Thế nhưng chính Bắc Kinh đã có một tham vọng quá lớn đi ngược lại luật lệ quốc tế về vùng biển. Với các nước ở ven biển ngoài lãnh hải thường lệ, các nước đó còn được hưởng một vùng kinh tế đặc biệt khai thác tài nguyên dưới biển, chạy dọc theo bờ biển với chiều rộng là 200 hải lý. Nếu nước nào có thềm lục địa xa hơn nữa, vùng khai thác tài nguyên cũng xa hơn. Tài nguyên ở đây là những mỏ dầu mỏ khí nằm ở dưới đáy biển. Có lẽ vì thế mà tầu Impeccable của Mỹ cần phải thăm dò khá kỹ hơn về khoản này và còn thăm dò nhiều nơi khác ở Nam Hải. Khi có “hơi hám vàng đen” ai mà chẳng mê, chờ đến lúc thấy rồi là tranh dành nhau và đánh nhau chí mạng. Mỹ phải đo lường trước để tránh hậu họa, sợ cũng giống như lò lửa ở như Trung Đông. Hãy nhìn bản đồ do Bắc Kinh ấn hành, đường lãnh hải Trung Quốc tự nhận ở Nam Hải bắt đầu từ dưới đảo Hải Nam chạm cả vào đường vạch của vùng kinh tế đặc biệt Việt Nam, từ đó kéo dài xuống phía Nam theo dọc đường hình chữ S của hải phận Việt Nam thu gọn nhóm đảo Hoàng Sa vào hải phận Trung Quốc, rồi chạy xuống đến gần Mã Lai Á, bao trùm cả nhóm đảo Trường Sa, kế đó chạy vòng lên bám sát hải phận Phi Luật Tân đến gần hải phận Đài Loan. Như vậy là tất cả miền Đông của Nam Hải đều thuộc Trung Quốc của mấy anh Tầu Cộng. Và họ còn cao ngạo nói “bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của nước khác cũng là bất hợp pháp và vô giá trị”. Nhưng người ta cũng nhìn thấy rõ lời tuyên bố của Bắc Kinh chỉ là lời của một phát ngôn nhân bộ Ngoại giao, rõ rệt để chọi lại lời của Hà Nội cũng do phát ngôn nhân bộ Ngoại giao nói ra. Tóm lại đây chỉ là lời mấy anh Bắc Kinh dằn mặt mấy anh Hà Nội.. Trong các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, đã có câu loan truyền về tình hình rất thực tế mà mấy anh lãnh đạo CSVN đã lâm phải từ lâu. Đó là câu: “Đi với Tầu thì mất nước, đi với Mỹ thì mất đảng”. Cố nhiên nếu đi với Mỹ, mấy anh lãnh đạo Cộng sản Việt Nam làm sao còn giữ được đảng. Một khi đã mở của rước tư bản vào nhà, đảng Cộng sản chỉ còn cái vỏ như cái thùng rỗng, đánh thì kêu lớn nhưng bên trong chẳng còn cái gì. Rồi đến khi dân trí lên cao, tuổi trẻ nhìn ra thế giới bên ngoài và đòi hỏi, cái thùng rỗng chẳng bao lâu sẽ bị liệng bỏ nốt. Nếu đi với Tầu thì mất nước, vậy còn giữ được đảng chăng? Hãy quên đi cái ảo tưởng đó. Mất nước là vì nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa sẽ không còn, mà biến thành một chư hầu của Nhân dân Trung Quốc, y hệt các chư hầu của Liên Sô trước đây. Dù vậy vẫn còn đảng của mấy anh lãnh đạo Hà Nội chăng? Cái ảo tưởng này còn lớn hơn và nguy hiểm hơn nữa. Lúc đó đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn cái tên, thực tế nó sẽ là một chi bộ của Trung ương đảng Trung Cộng. Còn các anh lãnh đạo đảng Cộng sản VN hiện nay, may lắm là được cho về hưu đuổi gà, nuôi heo, tiền của bị lột sạch băng, bọn bành trướng Bắc Kinh không quên thái độ của mấy đồng chí Việt Nam khi các đồng chí có quyền trong tay. Còn nếu không may, các đồng chí có thể còn mất cả chỗ đội nón. Bởi vậy chớ dại ôm lấy đảng mà bỏ nước.
|