Trở Về Quê Hương |
Tác Giả: Hoàng Duy Hùng | |||
Chúa Nhật, 22 Tháng 3 Năm 2009 06:28 | |||
Nam Phi có rất nhiều hòn đảo, nhiều hòn đảo cách xa lục địa cả vài trăm cây số, và những hòn đảo này chính là nơi cư trú hay được gọi là quê hương của nhiều giống hải cẩu. Mỗi năm vài trăm ngàn chú hải cẩu con được chào đời tại vùng đất này. Trong 10 tháng đầu, khoảng chừng 50% chú hải cẩu con mới chào đời đó bị chết do bệnh tật hoặc do những yếu tố tự nhiên khác như bị các loài khác ăn thịt, v.v. Sau 10 tháng chào đời, các cô cậu hải cẩu con lao mình ra biển cả để khám phá và để có một đời sống mới. Các cô cậu hải cẩu chu du một vòng 10 năm trời, lặn lội trên 2500 cây số, và trong chuyến chu du này, khoảng 50% các cô cậu hải cẩu bị giết, bị ăn thịt, hay bị chết do bệnh tật. Năm thứ 10 của chuyến chu du, nay không còn là các cô cậu nữa, tự nhiên các hải cẩu trưởng thành này cảm thấy nhớ nhà, nhớ nơi mình sinh và mọi hải cẩu trưởng thành nhất định quay trở về với quê hương. Đàn hải cẩu bơi ngày đêm, không thèm tìm mồi để ăn và cũng không thèm ăn, với một mục đích duy nhất là phải trở về đất tổ càng sớm càng tốt. Lần nữa, trên chuyến hành trình này, vì không ăn và vì không đề cao cảnh giác nên nhiều hải cẩu đã làm mồi cho các thợ săn. Hành trình về quê của cá Hồi còn cảm động hơn nhiều. Tại Victoria nước Canada, du khách nhìn đàn cá Hồi bơi ngược giòng nước tìm cách về nguồn. Các con gấu và nhiều thú săn khác đến bắt cá Hồi làm lương thực; nhưng, nỗi nhớ nguồn cội của đàn cá Hồi mạnh quá, chúng bất chấp tất cả để quay trở về dầu có phải hy sinh cả tính mạng. Hàng ngàn cá Hồi chết trên chuyến hành trình về nguồn này, nhưng cũng có nhiều ngàn cá Hồi khác thoát được hiểm nguy về nơi sinh đẻ của chúng cách an toàn. Tại đây, đàn cá Hồi làm một màn bơi múa cuối cùng. Sau màn bơi múa lạ lùng này, cá Hồi cái nhả trứng của mình ra và cá Hồi đực phóng tinh trùng của mình vào hàng nghìn vạn cái trứng đó bắt đầu một chu kỳ mới của giống cá Hồi. Sau khi thấy được giòng giống của mình được tiếp nối, cá Hồi cha mẹ vui vẻ chết, xác của chúng dạt đầy bờ. Nhật Bản và những quốc gia kỹ nghệ nghiên cứu kỹ lối hướng bơi của đàn cá Hồi để đặt cạm bẩy bắt cá Hồi ở ngay đầu nguồn nước. Sau khi cá Hồi bị vào bẩy, họ cắt bụng cá Hồi cái ra, lấy hết trứng rải vào một cái hồ kiếng, kế đến, họ lại cắt bụng cá Hồi đực, lấy hết tinh trùng rải vào đám trứng này, sau đó, họ ấp các trứng này một cách nhân tạo cho đến khi các trứng nở thành đàn cá Hồi con, rồi họ đem đàn cá Hồi con này bỏ ở trên đầu ngọn suối để bắt đầu một chu kỳ mới. Hành trình về quê của dân Do Thái là một trong những câu chuyện xúc cảm nhất của lịch sử loài người. Năm 70, Đại Tướng Titô của Đế Quốc La Mã (Rome) đem 80 ngàn quân chinh phục Giêrusalem. Khoảng 2 năm sau, Đại Tướng Titô san bằng bình địa thành đô này, giết khoảng 100,000 người, bắt đem về La Mã 100,000 người khác để làm nô lệ. Những người Do Thái còn lại bị ép buộc phải tản mát ra khỏi xứ sở, lưu vong khắp nơi trên quả địa cầu. Quốc gia Do Thái từ đó bị xóa tên trên bản đồ. Gần 2 ngàn năm người Do Thái bị bách hại vì Đức Tin và vì Cội Nguồn của họ. Đối với nhiều quốc gia, người Do Thái là ký sinh trùng ở trên hành tinh này sống nhờ vả vào các dân tộc khác. Gần 2 ngàn năm người Do Thái bị làm nhục và đau khổ, nhưng lúc nào họ cũng lạc quan, gặp nhau ở đâu họ cũng nở một nụ cười và lời chào hẹn gặp nhau lại ở Giêrusalem. Cuối thế kỷ 19, khát vọng trở về đất tổ của người Do Thái lớn mạnh quá nên ông Theodor Herzl, một triết gia người Do Thái lưu vong ở nước Đức, đã khởi xướng cao trào về quê bằng cách viết và phổ biến chủ nghĩa Zion. Chủ nghĩa Zion chủ trương núi Zion ở Do Thái là nơi thiêng liêng nhất trên quả địa cầu này vì đây là bệ chân của Thượng Đế, của Đấng Yavêh, là máng thông ơn của Thượng Đế đến với loài người, và dân tộc nào làm chủ được núi này, dân tộc đó là kẻ giữ kho Ơn Trời và được Thượng Đế chúc phúc để trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Chủ nghĩa Zion dấy động mạnh tâm thức về nguồn của người Do Thái lưu vong, thế là hàng triệu người khắp nơi trên thế giới lục tục kéo nhau về đóng doanh trại ở chân núi Zion dầu rằng lúc đó phần đất này người dân Palestine đã làm chủ. Bất chấp mọi hiểm nguy và sự chống đối của khối Ả Rập, khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ vào năm 1914, người ta dự trù có khoảng 1 triệu người Do Thái đã hồi hương tại chân núi Zion. 34 năm sau, vào năm 1948, người Do Thái chính thức lập lại quốc gia, công bố chủ quyền trên phần đất này. Một lần nữa, gần 2 ngàn năm sau khi bị xóa tên trên bản đồ thế giới, lá cờ quốc gia của người Do Thái được hiên ngang và ngạo nghễ kéo lên như một bằng chứng hùng hồn và sống động cho quyết tâm và lòng khao khát trở về đất tổ cũng như lòng sùng kính đối với Thượng Đế của họ. Năm 1975, giống như người Do Thái, một cuộc xuất hành vĩ đại của người Việt để trốn chạy sự bách hại của chế độ độc tài phi nhân Cộng Sản. Đã hơn 1/3 thế kỷ trôi qua, và đương nhiên nỗi nhớ nhà của những người lưu vong này mỗi lúc càng dâng cao. Hậu duệ của những người lưu vong này cũng tò mò muốn hiểu hơn về quê hương của họ. Ngày hôm nay, hậu duệ của những người lưu vong này đã trưởng thành, họ là những doanh gia, bác sĩ, kỹ sư, luật sư .v.v. Họ muốn quay trở về giúp Việt Nam, nhưng câu hỏi được đặt ra là có nên hay không? Thật vậy, về nguồn đòi hỏi một sự hy sinh cao độ, tuy nhiên, hành trình về nguồn phải có sự thành công. Nếu đàn cá Hồi biết nguồn nước ở trên bị ô nhiễm và về nguồn sẽ làm cho cả đàn cá Hồi bị tuyệt giống, các trứng không sinh nở được, thì chắc chắn đàn cá Hồi đã quay đi tìm hướng khác, tìm nguồn nước khác ngõ hầu bảo tồn giống nòi. Nếu người Do Thái lưu vong biết trở về đất Zion mà bị người Ả Rập phục kích giết sạch không còn một móng và sẽ không có khả năng lập lại quốc gia, người Do Thái đã không dại gì trở về vào thế kỷ 20, chắc chắn họ sẽ đợi có một thời cơ thuận lợi như cha ông của họ đã kiên nhẫn đợi gần 2000 năm. Hiện nay, môi trường chính trị và xã hội ở Việt Nam đang bị ô nhiễm vì những bách bớ mọi mặt. Về mặt tín ngưỡng, chế độ Cộng Sản làm ô nhiễm bằng những vụ bắt giam linh mục Tađeô Nguyễn Văn Lý, giam lỏng Hòa Thượng Thích Quảng Độ, linh mục Phan Văn Lợi v.v. Về mặt chính trị, Cộng Sản bắt giam và bịt miệng những tiếng nói đối lập và tranh đấu cho dân chủ như luật sư Lê Thị Công Nhân, ông Nguyễn Phong.v.v. Về mặt xã hội và kinh tế, chế độ đương nhiệm kỳ thị chính người dân của họ khi dán nhãn hiệu và sắp hạng cho những người con ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa là con cháu của Ngụy để không cho họ tiến thân ở công sở cũng như không cho họ vào học cao hơn. Chính sự ô nhiễm này, môi trường ở Việt Nam hiện nay không thuận lợi cho việc trở về giúp đỡ vì sự giúp đỡ không trực tiếp đến tay người dân. Không khéo sự giúp đỡ lại là một sự tiếp tay cho bạo quyền mạnh hơn để đàn áp dân chúng và để tàn phá những giá trị truyền thống dân tộc Việt. Lời Kết: Tôi không phản đối quý bạn trẻ Việt Nam ở hải ngoại về quê thăm đất nước, thăm gia đình và tìm hiểu thêm về dân tộc cũng như giúp những người nghèo khổ. Tuy nhiên, tất cả những sự giúp đỡ nào qua tay nhà cầm quyền Cộng Sản, như tôi đã nói, không thích hợp bây giờ vì cơ chế này là cơ chế độc tài nuôi dưỡng tham nhũng và kỳ thị. Hãy đợi khi nào môi trường sạch sẽ hơn hoặc nếu bạn có thể, hãy góp một bàn tay làm sạch môi trường, nghĩa là, hãy giúp sức cho các cao trào đấu tranh cho Tự Do và Dân Chủ như nhiều người đang làm. Kẹt lắm thì các bạn giúp đỡ gia đình của các bạn ở Việt Nam, không nên tiến xa hơn để làm mạnh cho chế độ phi nhân Cộng Sản.
|