Home Tin Tức Bình Luận Hoa Kỳ & Thế Kỷ 21: Liên Bang Nga Lang Bang

Hoa Kỳ & Thế Kỷ 21: Liên Bang Nga Lang Bang PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Hai, 23 Tháng 3 Năm 2009 05:38

...nếu lãnh đạo Nga tính lầm lần này thì hết đất lùi...

 Một Mùa Hung Hãn... Rồi

 ThôiTổng thống Barack Obama sẽ nhức đầu với sự trỗi dậy của Liên bang Nga, nhưng Hoa Kỳ sẽ sớm vượt qua sự hung hãn một mùa đó. Đối thủ của Hoa Kỳ vào thế kỷ 21 không phải là nước Nga và Chiến tranh lạnh hồi hai sẽ nguội dần....

 Ngay giữa cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, khi Chính quyền Bush cố rút chân khỏi Iraq, Liên bang Nga đã đi nước cờ đầu bằng cách tấn công Georgia, ngày tám tháng Tám 2008. Vì cuộc tranh cử đầy bất ngờ bên trong, Hoa Kỳ chưa có đối sách rõ rệt với cuộc tổng phản công của Nga tại Đông Âu. Cuộc khủng hoảng tài chánh bùng nổ tại Mỹ giữa tháng Chín càng mở ra cơ hội cho Thủ tướng Vladimir Putin của Liên bang Nga có thể lấn lướt, nên ông bước qua đợt hai là dùng khí đốt làm võ khí bắt bí Cộng hoà Ukraine và các nước Âu Châu mua năng lượng của Nga.

 Sau khi đắc cử Tổng thống, Barack Obama vào tòa Bạch Cung với một chồng hồ sơ ưu tiên. Bên trong là cấp cứu hệ thống tài chánh ngân hàng và kích hoạt cho kinh tế ra khỏi suy trầm. Bên ngoài là thanh toán chiến trường Afghanistan (A Phú Hãn), giải quyết mâu thuẫn với Iran và hoá giải nguy cơ xung đột giữa Israel và Palestine. Những ưu tiên đối ngoại ấy đều liên hệ tới Liên bang Nga và các nước Âu Châu và lập tức thách đố chủ trương hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước Âu Châu mà Obama đã đề ra khi tranh cử.

 Giờ đây, với ấn tín Tổng thống trong tay, Obama hiểu ra những chọn lựa bất toàn về đối ngoại của Chính quyền Bush và ông bắt đầu đổi giọng. Nghĩa là hành xử hai mặt như Bush. Những phát biểu và tiếp xúc của Phó Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị An ninh Munich vào tuần đầu tháng Hai (6-8 tháng Hai) và của Ngoại trưởng Hillary Clinton sau đó có cho thấy điều ấy, mà lại ít được dư luận Hoa Kỳ quan tâm vì quá chú ý vào vấn đề kinh tế trước mặt.Chúng ta sẽ duyệt qua những thách đố của Nga trước khi tìm hiểu về nguyên nhân và về khả năng tung hoành của Nga hay ứng phó của Mỹ trong thập niên tới.

****

 GÂN GÀ A PHÚ HÃN

 Đúng một tháng sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ mở chiến dịch tấn công A Phú Hãn để lật đổ chế độ Taliban ở Kabul và truy lùng đầu não của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Chiến dịch được hậu thuẫn - chính danh - của quốc tế, Liên hiệp quốc và các nước Âu Châu, với mũi nhọn là Minh ước Bắc Đại Tây dương NATO do Hoa Kỳ thực tế yểm trợ và điều động. Liên quân Mỹ-NATO có 60 ngàn quân, phân nửa là các đơn vị tác chiến của Mỹ.

 Chiến dịch chỉ có mục tiêu truy lùng và tiêu diệt Al-Qaeda với sự hỗ trợ của một chính quyền mới tại Kabul do Tổng thống Hamid Karzai lãnh đạo nhờ sự yểm trợ quốc tế. Với quân số quá ít và ảnh hưởng thu hẹp của Chính quyền Karzai tại Kabul, mục tiêu của chiến dịch không thể là cải tạo xã hội và xây dựng quốc gia hoặc phát huy dân chủ cho A Phú Hãn - như tại Iraq.

 Ngày nay, hơn bảy năm sau, Al-Qaeda bị tê liệt nhưng lực lượng Taliban vẫn còn và Liên quân Mỹ-NATO bị lúng túng trong hình thái chiến tranh du kích, phá hoại và khủng bố. Trong khi ấy, đồng mình chiến lược của Hoa Kỳ cho chiến trướng A Phú Hãn là Pakistan lại mấp mé khủng hoảng vì Chính quyền trung ương tại Islamabad và cả quân đội vẫn bị các thế lực Hội giáo cực đoan lũng đoạn bên trong và phải thỏa hiệp với các tộc trưởng Hồi giáo ở hai khu vực Tây-Bắc tiếp giáp với A Phú Hãn ở bên ngoài. Khu vực núi đèo hiểm trở ấy là hậu cứ của Taliban, vùng lẩn trốn của đầu não Al-Qaeda và các bộ tộc Hồi giáo.

 Từ khi Tổng thống Pervez Musharraf phải rút lui và Pakistan bầu lên một chính quyền mới, Islamabad rút khỏi chiến lược hợp tác nước đôi với Mỹ. Vụ khủng bố Mumbai tại Ấn Độ ngày 26 tháng 11 càng khiến Islamabad phải đối phó với một mối nguy ưu tiên hơn: cuộc phản công của Dehli.

 Kết cuộc là Liên quân Mỹ-NATO mất đường tiếp vận cho chiến trương A Phú Hãn, chủ yếu là qua hải cảng Karachi lên phía Bắc. Trong khi ấy, Taliban và các tộc trưởng Hồi giáo tại biên vực A Phú Hãn và Pakistan đều vững tin vào một quy luật lịch sử: như Đế quốc Anh rồi Đế quốc Xô viết, Hoa Kỳ rồi cũng phải rút khỏi A Phú Hãn. Họ không thấy lý do gì mà phải hy sinh đồng đạo là Al-Qaeda.

 Khi tranh cử, Barack Obama đã đề ra một ưu tiên chiến lược là thanh toán hồ sơ A Phú Hãn. Bây giờ, ông mới nhá phải cái gân gà. Ông đã duy trì hệ thống lãnh đạo quân sự cũ của Bush là Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates và Đại tướng David Petraeus (người hùng của chiến trường Iraq nay là Tư lệnh Quân khu Trung ương CENTCOM, chỉ huy cả hai chiến trường Iraq và A Phú Hãn). Ôbama chủ trương tăng viện cho A Phú Hãn và dù chẳng nói ra vẫn có thể áp dụng chiến lược dồn quân đánh tới như vị tiền nhiệm đã thực hiện tại Iraq. Mục tiêu là gây đủ sức ép quân sự với lực lượng Taliban hầu tiến tới một giải pháp chính trị là tạo thế hợp tác giữa Taliban và chế độ Karzai ở Kabul, miễn là phải diệt cho sạch tàn dư của Al-Qaeda.

 Muốn gây đủ áp lực quân sự, ít ra Hoa Kỳ và NATO phải tăng gấp rưỡi quân số tại A Phú Hãn, từ 60 lên tới 90-95 ngàn quân - so với 165 ngàn quân tại Iraq trên cao điểm hồi 2007. Và phải tìm đường tiếp vận khác để thay thế ngả Karachi lên Kandahar hay ải Khyber Pass từ Pakistan vào Á Phú Hãn. Các ngả tiếp vận điền thế ấy có thể là các nước Cộng hoà Trung Á xưa kia nằm trong quỹ đạo Liên Xô, hay, từ hướng Tây vào A Phú Hãn, là Iran.Ta không quên, lãnh thổ A Phú Hãn tiếp giáp với - vòng theo chiều kim đồng hồ - Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, Trung Quốc, và Pakistan ở phía Đông và phía Nam. Ở mạn Bắc của ba nước "stan" nói trên còn có Kyrgyzstan và Kazakhstan, là năm nước Cộng hoà Trung Á xưa kia là chư hầu của Liên bang Xô viết, nay đã độc lập nhưng vẫn chưa ra khỏi quỹ đạo của Nga.Vì vậy, Obama gặp sự thách đố của Liên bang Nga.

****

 THÁCH ĐỐ CỦA NGA

 Khi Hoa Kỳ mở chiến dịch A Phú Hãn, nước Nga của Vladimir Putin có hợp tác nửa vời - Putin không quên A Phú Hãn và mối nguy Hồi giáo ngay trong lãnh thổ - và cho phép Hoa Kỳ tạm mượn đường tiếp vận chiến trường A Phú Hãn qua các nước Trung Á. Nhưng nửa vời thôi vì không tin là Hoa Kỳ sẽ chỉ vào A Phú Hãn giải quyết chuyện khủng bố mà có khi sẽ... ở lại luôn, ngay tại miền Nam của lãnh thổ Nga.

 Khi Obama ráo riết tìm đường tiếp vận cho A Phú Hãn, đấy là lúc nước Nga nói thách. Trong khi Obama bước vào Tòa Bạch Cung, Tướng Petreaus mở chuyến công du Trung Á và Nam Á trong tám ngày để nói chuyện về địa dư. Nơi đâu ông cũng thấy con kỳ đà của Nga: ngay sau chuyến đi của Petreaus, Tổng thống Nga Dmitri Medveded bỗng dưng qua đó nói chuyện về năng lượng. Ngẫu nhiên sao, Chính quyền Kyrgyzstan bỗng đổi ý, không cho Mỹ mượn căn cứ không quân Manas nữa vì nghe nói là vừa được Nga viện trợ cho hai tỷ đô la! Thật ra, với Liên bang Nga thì đường tiếp vận vào A Phú Hãn là chuyện nhỏ, chỉ là vấn đề gai góc cho Obama nên dại gì mà Putin không nói thách. Chuyện lớn nằm ở nơi khác.Liên bang Nga có một chuỗi yêu sách dằng dặc.

 Hoa Kỳ phải chấm dứt kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ chiến lược ballistic missile defense BMD - lá chắn chặn hoả tiễn Mỹ nói là từ Iran mà Putin cho là nhắm vào Nga. Bush đề nghị kế hoạch ấy bằng dàn "ra đa" dựng tại Cộng hoà Tiệp và hệ thống hỏa tiễn tại Ba Lan. Khi tranh cử, Obama đòi bãi bỏ toàn bộ kế hoạch, nay Ngoại trưởng Clinton cho là nên nghiên cứu lại, không nhất thiết từ bỏ chuyện đó!

 Kế hoạch đó lồng trong hệ thống phòng ngự - nhìn từ Nga thì đó là hệ thống tấn công - của Minh ước NATO. Chính quyền Bush đã đề nghị đón nhận Georgia và Ukraine vào NATO, Obama chưa cho biết ý kiến, nhưng Putin thì đòi là không. Rộng lớn hơn vậy, Putin muốn Hoa Kỳ khẳng định là sẽ không đẩy lá chắn NATO tới sát biên giới Nga và không bảo vệ ba nước Cộng hoà Baltic (Latvia, Lithuania và Estonia) ở mạn Bắc. Việc bành trướng NATO về hướng Đông là chủ trương Hoa Kỳ đã theo đuổi từ thời Clinton và Bush 43, sau khi Liên Xô tan rã. Bây giờ, muốn nói chuyện phải quấy tại A Phú Hãn thì Mỹ phải cuốn gói NATO.Ngoài hồ sơ BMD và NATO, Putin cũng đòi duyệt lại Thòa ước Tài giảm Võ khí Mỹ-Nga (START) sẽ mãn hạn cuối năm nay, lồng trong đó là sự tham dự của Liên bang Nga vào các quyết định chiến lược của Hoa Kỳ tại Âu Châu. Nói cho dễ hiểu: Liên bang Nga phải có tiếng nói về tương lai Âu Châu và NATO, chứ không để Hoa Kỳ tự tiện bành trướng ảnh hưởng sau khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991 và nước Nga bị khủng hoảng cho đến 1999.

 Nhìn trên đại thể của một tấm bản đồ liên lục địa Âu-Á, Liên bang Nga muốn chinh phục lại ảnh hưởng mà Liên Xô đã mất, từ vùng Baltic phía Bắc xuống khu vực Balkan phía Nam, từ Hắc hải qua biển Caspian, từ vùng Caucasus nằm ở giữa hai mặt biển ấy tới Trung Á, sát với biên giới Trung Quốc.

 Cuộc tổng phản công đó của Putin có nghĩa là phân hoá Âu Châu, điểm huyệt NATO và kéo các nước Đông Âu hay Trung Âu xưa kia nằm trong quỹ đạo Liên Xô phải trở lại vị trí trung lập - trong vòng kiềm toả của Nga. Chiến lược kết hợp hành động đa phương giữa Hoa Kỳ và Âu Châu mà Barack Obama đề cao khi tranh cử bỗng trở thành chuyện tào lao. Nhất là khi Nga đã khống chế Georgia, lũng đoạn Ukraine và dùng võ khí năng lượng chặn đứng khả năng chống đỡ của Âu Châu, đứng đầu là Cộng hoà Liên bang Đức. Từ Bắc xuống Nam, ba nước Baltic, Ba Lan, Cộng hoà Tiệp, Slovakia, Hung Gia Lợi, Serbia, Romania và Bulgaria là cá nằm trên thớt.

 Hoa Kỳ bị vướng vào vòng liên hoàn, từ Afghanistan qua Nam Âu lên tới biên giới của Đức và - ngoài chuyện kinh tế ở nhà - sự nghiệp Obama sẽ được quyết định ở chuỗi liên hoàn đó. Tương lai Âu Châu cũng vậy.

 Mà vì sao Liên bang Nga của Putin lại hung hiểm như vậy?

****

 SỰ SỢ HÃI ĐÁNG SỢ

 Muốn hiểu ra chuyến ấy, ta cần lạnh lùng nhìn ra những tính toán của Vladimir Putin. Phần lý luận về đạo đức hay chính nghĩa, xin dành cho các chính khách và sự tuyên truyền trong mùa tranh cử. Thực tế không lệ thuộc vào lẽ phù du ấy mà là hậu quả của địa dư và lịch sử. Phần còn lại là tham vọng và sự sợ hãi của con người.

 Khác với Hoa Kỳ là một "hải đảo" được bảo vệ bởi hai đại dương bên cạnh hai láng giềng yếu thế, Nga là vùng đất trống, trải dài từ mạn cực Đông của Âu Châu tới tận cùng của Châu Á. Trong thế thủ, Nga thiếu hệ thống phòng vệ của thiên nhiên và trong thế công lại thiếu hệ thống liên lạc của sông ngòi cho vận chuyển. Đấy là chuyện địa dư của một cường quốc đại lục. Chuyện lịch sử: Nga từng bị tấn công nhiều lần từ các bình nguyên chung quanh, nặng nhất là từ hướng Tây, từ Âu Châu - thành tích của Napoléon, Hoàng đế Wilheim Đệ nhị của Đức và Hitler của Đức quốc xã...

 Sau Cách mạng tháng 10 năm 1917, Liên bang Xô viết thành hình và lấy thế công làm thế thủ, mà chỉ tồn tại được tới 1989, sau đó là tan rã từ năm 1991. Những gì nước Nga giành được dưới thời Xô viết lần lượt bị bóc sạch.

 Tây Đức đã chuộc lại Đông Đức và thống nhất trong Liên hiệp Âu Châu. Ba nước Baltic giành lại độc lập, ngả theo Âu châu và gia nhập NATO, tương tự Ba Lan, Hung Gia Lợi. Cả Tiệp Khắc cũng thế, dù đã chia hai một cách hoà bình. Liên bang Nam Tư thì banh làm nhiều mảnh, mạnh nhất trong Liên bang là Cộng hòa Serbia thì mất Kosovo, ngả theo chế độ dân chủ và chuẩn bị gia nhập Âu Châu... Tại miền Nam khu vực Caucasus, Georgia - quê hương của Stalin - hay Ukraine - quê hương Krushchev - cũng đứng dậy và bay khỏi quỹ đạo của Nga. Nhiều nước Cộng hoà Trung Á cũng suy nghĩ về tương lai đó, với sự khuyến khích của các doanh nghiệp năng lượng... Mỹ.

 Nhìn từ nước Nga, những biến động ấy có ý nghĩa sinh tử: việc NATO bành trướng về hướng Đông và các cuộc cách mạng muôn màu tại Georgia, Ukraine hay Serbia là âm mưu thâm độc của Mỹ. Kết quả là Đế quốc Nga co cụm dần trong khi St. Petersbourg hay Moscow nằm cách các đơn vị NATO có vài trăm cây số, còn các vùng trái độn thì có nguy cơ rã thành từng mảnh.

 Quả như vậy, ba nước Baltic và các nước Đông Âu cũ nay đã hội nhập vào Liên Âu và NATO. Tại vùng Caucasus, Georgia và Ukraine trở thành đồng minh của Mỹ, và Hoa Kỳ còn lấp ló xuất hiện tại Trung Á, với "lý cớ" là chuyện A Phú Hãn! Lui khỏi khu vực Caucasus, Nga chỉ còn một dàn phòng thủ cuối là bảy xứ Hồi giáo phía Bắc Caucasus, trong đó có Chechnya đòi ly khai và các xứ kia thì tấp tểnh. Khủng bố Hồi giáo không chỉ làm chấn động nước Mỹ mà cũng làm rung chuyển Liên bang Nga.

 Đáng sợ hơn thế, dân số Nga cứ giảm dần và còn giảm, từ 145 triệu sẽ chỉ còn chưa đầy trăm triệu trong vài chục năm tới - bằng dân số của Việt Nam! Vladimir Putin kế thừa di sản ấy của Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin. Tối đa thì ông chỉ có mươi năm để xoay chuyền tình hình.

 Sau khi cầm quyền, Putin đảo ngược chiến lược kinh tế truyền thống của Nga: ngưng phát triển kỹ nghệ theo mô thức Tây phương mà khai thác tài nguyên, khoáng sản và thương phẩm làm nguồn lợi chính. Dầu thô lên giá là dịp may lịch sử! Dùng nguyên nhiên vật liệu làm lợi thế buôn bán và mặc cả với Âu Châu, Putin kéo Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thời Yeltsin. Trên cái trớn đó, khôi phục lại ảnh hưởng đã mất của Liên Xô để kiểm soát được một vùng trái độn.

 Mục tiêu chiến lược là khống chế được ba nước Baltic, giữ Belarus trong quỹ đạo Nga và thu hồi lại Ukraine. Ở vòng ngoài là các quốc gia "thân hữu", hay trung lập: phải khuất phục được các chư hầu cũ của Liên Xô, như Ba Lan, Cộng hoà Tiệp, Slovakia, Hung Gia Lợi, Romania và Bulgaria. Và phải làm được chuyện đó mà không hâm nóng Chiến tranh lạnh, bằng cách khai thác tinh thần sợ chết của Âu Châu và chủ hòa của Hoa Kỳ.
 Đấy là lúc Obama đắc cử tại Hoa Kỳ và muốn mặc cả về đường tiếp vận cho A Phú Hãn. Đấy là chuyện của một vài năm tới.

 ****

 CHIẾN TRANH LẠNH TANH

 Nhưng, nhìn về dài, vào sâu hơn trong thế kỷ 21, Liên bang Nga có hy vọng gì?Liên bang Nga đã neo Belarus rất chặt, đã chế ngự Cộng hoà Georgia và đang phá vỡ thế đoàn kết trong nội bộ Ukraine mà không tốn một viên đạn. Võ khí sử dụng là khí đốt và đòn ly gián trong xã hội Ukraine với phân nửa miền Tây thì thân Âu Châu, miền Đông thì thân Nga, và cả hai miền đều đang bị khủng hoảng kinh tế. Đó là thành tích ngày nay.

 Nhưng ngày nay, Liên bang Nga cũng không thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng khi dầu thô tuột giá, với dự báo trung bình toàn năm 2009 chỉ ở mức 35 đô la một thùng (so với 40 đồng bây giờ thì sẽ còn sụt nữa!) Các ngân hàng của Nga đang cạn tiền vì ngân hàng Tây Âu rút vốn về nước, ngân sách quốc gia bị bội chi nặng và sẽ còn bội chi vì dầu thô sụt giá, hậu quả là đồng Rúp sẽ tiêu chảy.

 Dù rằng đây đó đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối, Chế độ Putin-Medvedev không lập tức sụp đổ vì vụ khủng hoảng đang xảy ra, nhưng không còn tung hoành được như dự tính. Những đầu tư vào việc cải tiến quân đội từ năm 2000 sẽ chỉ có tột đỉnh kết quả trong năm bảy năm tới - 2015 - mà thôi.

 Chỉ một duyệt xét toàn cảnh như vậy, ta thấy rằng lãnh đạo Nga không có quyền lầm lẫn, một chuyện rất khó.

 Hoa Kỳ có cả thế lẫn lực và lãnh đạo đã từng lầm lẫn - nhiều lần. Thí dụ chói lọi là lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Iraq năm 2003 rồi bần thần suy tính trong ba năm liền trước khi tìm ra và áp dụng chiến lược mới. Trước đấy, Hoa Kỳ cũng đã từng lầm lẫn khi ồ ạt đổ quân vào Việt Nam để chuẩn bị một trận chiến quy ước như đã gặp tại Triều Tiên, rồi leo thang chiến tranh mà không có kết quả. Kết cuộc thì tháo chạy khỏi Việt Nam khiến cộng sản bành trướng ra nhiều nơi... rồi tan tành.

 Trong khi ấy, Hoa Kỳ không sụp đổ và lại chuyển bại thành thắng trên trận tuyến toàn cầu. Trường hợp không ai còn nói đến nữa dù đang xảy ra trước mắt mọi người chính là Iraq.Về địa dư hình thể, Liên bang Nga không có được cái thế ấy. Về kinh tế và tổ chức sản xuất lẫn cơ chế xã hội, Nga cũng không có được cái lực ấy. Vì vậy, nếu lãnh đạo Nga tính lầm lần này thì hết đất lùi, Liên bang Nga sẽ tuột lõi và chỉ còn một nước Nga trống trải. Chuyện ấy có thể xảy ra trong mươi năm tới thôi.

 Từ nay đến đó, Putin phải xử lý trường hợp khó nhá hơn Georgia hay Ukraine ngày là ba nước Cộng hoà Baltic (Latvia, Lithuania, Estonia) và Ba Lan. Bốn quốc gia này không bao giờ quên được ách thống trị của Liên Xô và Đế quốc Nga. Đã từng bị cả Đức lẫn Nga cào đi cào lại nhiều lần trong lịch sử, dân Ba Lan cũng không dễ gì chấp nhận sự thoả hiệp đang hình thành giữa Nga và Đức. Ba Lan không là một nước nhỏ và dễ bảo!

 Nếu chưa thể chờ đợi gì từ phía Mỹ thì trong vòng mấy năm tới một liên minh bất thành văn có thể liên kết bốn xứ đó với nhau. Khi ấy, nhiều phần thì Chính quyền hậu Obama của Hoa Kỳ sẽ lại nói một đàng làm một nẻo: chủ hoà như Obama mà hung hăng như Bush để kín đáo yểm trợ bốn xứ đó về kỹ thuật quân sự. Liên bang Nga có dám chấp nhận rủi ro này mà đi vào thi đua võ trang không?

 Do địa dư hình thể của Nga, Liên Xô đã xây dựng quân đội cho hình thái trận địa chiến với cả trăm sư đoàn bộ binh và thiết giáp. Khi hữu sự, lãnh thổ bát ngát và tổn thất rất cao có thể giáng cho đối phương đã là sức mạnh của chế độ Xô viết. Nhưng, cuộc chiến tại vùng Vịnh năm 1991, khi Hoa Kỳ đánh tan các sư đoàn thiện chiến nhất của Saddam Hussein trong có vài tuần đã là bước ngoặt cho thấy nhược điểm sinh tử của quân đội Xô viết. Nhờ kỹ thuật, thế giới - Hoa Kỳ -  đã tiến sang một hình thái chiến tranh khác.

 Hai chục năm sau, là ngày nay, Liên bang Nga đang tổ chức lại quân đội ấy, nhưng, như Liên Xô thời trước, có thể lại bị Hoa Kỳ dẫn dụ vào một cuộc thi đua võ trang, với kỹ thuật mới sẽ được đưa vào Đông Âu. Mà biên giới Nga không chỉ tiếp cận với các bình nguyên phía Bắc Âu Châu, từ ba nước Baltic hay Ba Lan vào tới Belarus. Cả mạn Bắc Caucasus, ở giữa Hắc hải và biển Caspian, cũng là một vòng đai Hồi giáo có thể bung. Phía Nam là Georgia, Armenia, Azerbaijian là các quốc gia độc lập, dưới nữa là Turkey, một cường quốc còn lại của Đế quốc Ottoman vĩ đại thồi xưa - và nay là đồng minh của Hoa Kỳ....

 Nhìn như vậy thì trong giải pháp gọi là lý tưởng nhất cho Putin, là Hoa Kỳ nhượng bộ tối đa và chủ hòa tới đớn hèn trong nhiều năm, thì Liên bang Nga vẫn không thể khống chế được toàn khu vực Âu Á như Liên Xô. Tối đa là một cường quốc cấp vùng mà các nước Âu Châu phải đối xử tử tế để thoát khỏi chiến tranh và có được năng lượng của Nga.

 Nhưng chính lợi thế năng lượng lại khiến Liên bang Nga không thấy nhu cầu cải tiến kỹ thuật và tìm giải pháp thay thế, như Hoa Kỳ và Âu Châu đang làm. Thành thử ưu thế trong hiện tại của Nga về quân sự hay năng lượng sẽ không kéo dài. Nếu Putin sớm thấy ra điều ấy - và nếu Chính quyền Obama sớm vạch ra điều ấy - chuyện xung đột sẽ khó xảy ra. Nga lang bang bước ra rồi sẽ lại dậm chân tại chỗ. Nhưng nếu Hoa Kỳ thời Obama lại nhượng bộ thì xung đột gián tiếp sẽ dễ xảy ra hơn trong những năm tới, với kết quả vẫn là sự thảm bại của Nga.Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giữ thế độc bá trong Thế kỷ 21. Và như đã thực hiện trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ lại có thể liên kết song phương với Liên bang Nga hay Trung Quốc, để dùng xứ này khống chế xứ kia: đại lục địa Âu-Á vẫn bị giằng co trong thế bất phân thắng bại. Cường quốc nào sẽ nổi lên làm lực đối trọng với Hoa Kỳ trong một thế giới đa cực?

 Chưa ai thấy được, kể cả các nước Hồi giáo!